Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Diễn nghĩa Chú Đại bi, Nīlakantha Dhāranī của TS Huệ Dân

Phạn ngữ  mẫu chữ La tinh

Namo ratnatrayāya namah ārya avalokiteśvarāya

Âm Hán Phạn

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da ( Namo ratnatrayāya). Nam mô a rị da. Bà lô yết đế thước bát ra da (Namah ārya avalokiteśvarāya).

Ý Việt

Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng,( Namo ratnatrayāya).  Con xin quy y Bậc Thánh giả Quán thế âm (Namah ārya avalokiteśvarāya).

Diễn nghĩa :

Trong Phật học chữ : Namah (नम), Namas (नमस्), hay Namo có nghĩa là đem thân tâm về qui ngưỡng Phật, Pháp, Tăng.

Chữ Namas được chia làm hai nhóm có gốc từ động từ  √nam (chữ devaganari √ नम् ), chữ namas nhóm một (chữ  devaganari नमस्), dạng trung tính, có nghĩa : kính chào, tôn kính, ngưỡng mộ. Trên phương diện giới từ hay liên từ : chúc tụng, ca ngợi, tán tụng.

Động từ căn √nam (√ नम् √nam) có nghĩa : uốn cong, nghiêng xuống, chào, vinh danh, được uốn cong, tự quy phục, nhượng bộ.

Chữ namas nhóm hai (chữ  devaganari नमस्), là thân động từ phản thân của namas nhóm một, có nghĩa : vinh danh, và khi làm trực bổ cách : làm danh dự, chào hỏi, kính trọng, ngưỡng mộ.

Chữ Namaste (chữ  devaganari नमस्ते) là chữ ghép của : namas (नमस्) và te (ते), có nghĩa : tôi chào bạn, chào bạn, hân hạnh chào bạn.

Chữ namaskāra (chữ  devaganari नमस्कार) là chữ ghép của  namas nhóm một và thân từ -kāra (chữ  devaganari  कार : người ấy làm). Chữ namaskāra dùng để diễn đạt hành động của một người đang chào hay đang tôn kính ai đó, khi họ cuối đầu và nói chữ Namas.

Chữ namaskāram là câu chào có nghĩa : hân hạnh chào bạn.

Namaskar hoặc Namaskaram là một trong năm hình thức chào truyền thống chính thức được đề cập trong kinh Veda. Một lời chào tôn giáo, kèm theo cung cách ép hai lòng bàn tay ép với nhau và ngón tay trỏ trở lên, trước ngực.

Namas, dấu chấm đỏ trên trán của các phụ nữ Hinđu khi kết hôn, đó là biểu tượng để tỏ bày sự cống hiến cuộc đời cho chồng tương lai của họ.

Chữ Ratnatrayāya

Ratna có gốc từ tiếng Phạn रत्न, ghép từ hai chữ : rā nhóm một và -na, thân từ thuộc, nữ tính, nam tính, trung tính, có nghĩa : viên ngọc.

Gốc thân từ rā nhóm một, √ रा, rā_1 : cho, đồng ý, giao phó.

Gốc thân từ rā nhóm hai, रा rā_2, xuất phát từ rā nhóm một : hành động cho, hay giao phó.

Chữ–na, ॰न, dạng biến cách : hình thức làm bổ nghĩa cho cụm từ đi chung với nó.

Trayāya trong phạn ngữ thuộc dạng nam tính, xuất phát từ chữ त्रय traya, có gốc từ chữ tri và -ya,  thân từ thuộc, nữ tính, nam tính, trung tính, có nghĩa : thứ ba, bộ ba, số ba, thuộc về số ba.

Chữ tri, त्रि : số ba, त्रयी : gấp ba lần.

Chữ-ya, ॰य : thuộc về, liên quan, phát sinh từ, hình dạng của một chất lượng trừu tượng.

Chữ Triratna : Tam bảo.

Qua định nghĩa của chữ Ratna và Trayāya trong phạn ngữ, thì ý Việt được hiểu như là ba viên ngọc và Hán Việt gọi là Tam Bảo. Như vậy, trên phương diện Phật học thì Tam bảo được xem là ba ngôi qúy báu, mà trong đó bao gồm : Phật Bảo, Pháp Bảo,Tăng Bảo.

Tam Bảo là sự hướng dẫn tinh thần toàn hảo bằng những lý tưởng cao cả và cũng là nương tựa cho những người đang đi tìm đạo để phát triễn sự học Phật của từng cá nhân, tùy theo trình độ và hoàn cảnh khác nhau trong đời sống hiện thực.

Như đã hiểu và thấy qua phần định nghĩa của Phạn ngữ và trong phương diện Phật học, Tam Bảo không phải là nơi để cầu xin ân huệ, trưng bày chư Phật, Bồ tát hay tấn phong các vị Hoà thượng. Mà hãy lắng nghe và sống thực hành đúng theo những lời của Đức Phật, đã dạy cho tất cả những ai đang đi và muốn đi theo bước chân của Ngài, bằng con đường Chính Đạo.

Chữ Buddha

Chữ Phật, phạn ngữ viết theo mẫu tự la tinh là Buddha, chữ devaganari viết बुद्ध. Chữ Buddha là quá khứ phân từ của chữ budh nhóm một, thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa : tỉnh thức, sáng suốt, thông thái, khôn ngoan. 

Động từ căn √budh nhóm một (√बुध्), có nghĩa : tự đánh thức, tự tỉnh thức, xem, tìm hiểu, khám phá, nhận thức,  cảm nhận, hiểu biết, hiểu, quan sát, suy nghĩ, tập trung, khơi dậy, phục hồi, làm cho hiểu, nhớ, tiết lộ, thông báo, thông tin, tư vấn, khuyên bảo, suy nghĩ đứng đắn, cố gắng tìm hiểu.

Chữ budh nhóm hai, có gốc từ chữ budh nhóm một, thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa : người tự tỉnh thức, người hiểu biết, thông minh, sáng suốt, khôn ngoan.

Chữ buddhi (बुद्धि) có gốc từ chữ budh nhóm một và thân từ -ti (ति hình thể hoạt động, thuộc nữ tính), có nghĩa : tinh thần, thông minh, khả năng nhận thức, hiểu biết, trí tuệ, nghĩ, ý tưởng, giải quyết.

Chữ Dharma (Devanagari: धर्म), Pali : dhamma. धम्म

Chữ Dharma có gốc từ chữ dharman có nghĩa : pháp luật, quy định, điều kiện, sự trong sạch tự nhiên, tốt, đạo đức, công bằng, nhiệm vụ, một mục đích của sự tồn tại, sự trật tự tự nhiên.

Trong Phật học Dharma : Pháp Giới. Những điều căn bản của Đức Phật dạy  để giữ gìn rèn luyện bản thân trong tu Phật.

Chữ dharman, धर्मन्, là chữ ghép từ hai chữ : dhṛ và man : trợ giúp hay nâng đỡ, nền tảng, quy định, luật thiên nhiên .

Động từ căn √dhṛ, có nghĩa là "nắm giữ", nắm giữ tính năng hoạt động của con người trong xã hội. Cách dùng chữ này rất đa dạng tùy theo chủ đề của bản văn.

Chữ –man, ॰मन् : hình thức làm bổ nghĩa cho cụm từ đi chung với nó.

Chữ Sangha hay Samgha, Phạn ngữ .

Chữ Saṃgha, संघ saṃgha, là biến cách từ chữ Saṅgha (viết từ chữ saṃhan = sam-han_1), có nghĩa : bộ sưu tập, số lượng nhiều, đám đông, hiệp hội, công ty, sự tập trung quần chúng lại.

Trong Phật học Sangha hay Samgha : giáo đoàn , Tăng đoàn, tu viện của các Tăng, ni, cộng đồng Phật giáo.

Chữ  ārya, आर्य

Arya là một chủ đề còn nhiều bàn luận trong giới nghiên cứu ngôn ngữ cổ, ngày nay. Tuy nhiên nó cũng có nhiều định nghĩa được xử dụng qua các bài thánh ca trong Rigveda hay các văn bản của các tôn giáo như là : Ấn giáo, đạo Jain và Phật giáo… và đôi khi được gọi chung là Arya pháp.

ārya, आर्य, viết  từ chữ अर्य,arya có gốc động từ [ṛ], thân từ có bốn dạng : Cách tách li, nam tính, nữ tính, trung tính. Thuật ngữ này là một từ  trong tiếng Phạn xưa, có nguồn gốc từ thời Ấn-Ba tư, hay thời tiền  Ấn-Âu.

Arya  có nhiều ý nghĩa như sau :  người phục vụ với lòng nhiệt thành, tận tâm, trung tín, trung thành, thân thiện, chăm sóc, cao quý, đẳng cấp thứ ba trong 4 giai cấp Bà la môn, đức tính, quý tộc, tốt hơn, chúa, làm chủ, đáng kính, danh dự, thầy, chủ nhân, chân chính, chiến binh tinh thần, anh hùng, người đã làm việc cho sự bình đẳng của tất cả và được yêu mến tất cả mọi người, tiến bộ, văn minh, các kinh nghiệm, người tiên tiến, cấp trên,

Trong các văn bản Phật giáo, thường thấy chữ ariya hay ārya được dùng với các danh từ như : Dhammavinayo ariyassa, Việt dịch là Phật Pháp và Giới Luật, āryasatyāni catvāry, ý Việt là Bốn chân lý cao qúy, hay Tứ diệu đế và Bát Chánh Đạo được gọi là āryamārga hay āryāṣṭāṅgikamārga hoặc ariyamagga trong tiếng Pāli.

Những người tu Phật giữ giới luật nghiêm chỉnh theo con đường Phật giáo cũng gọi là āryas. Phản nghĩa của āryas là anāryas.

Trong văn bản Phật giáo Trung Quốc, Arya được dịch là : thánh.

Chữ  avalokiteśvarāya, अवलोकितेश्वरस्

Avalokiteśvaras, āvalokiteśvaro, avalokiteshvara là danh từ phong cách số ít có nghĩa là Quán Thế Âm, Quán Tự Tại hay Quan Tự Tại, tiếng Nhật gọi là Kanzeon, Kanjizai, Kanzejizai, tiếng Trung Hoa là Kuan Yin, Guān Yīn, tiếng Triều Tiên là Gwan-eum,Gwanse-eu hay Gwanseeumbosal tiếng Thái Lan là Kuan Eim hay Phra Mae Kuan Eim, tiếng Nam Dương là Kwan Im, Dewi Kwan Im, tiếng Tây Tạng là Chenrezig, tiếng Khmer Lokeśvara, tiếng Mông Cổ là Nidubarüsheckchi, Janraisag, người Hồng Kong và Quảng Đông gọi là Kwun Yum hay Kun Yum.

Quán Thế Âm là vị Bồ Tát tượng trưng cho lòng thương yêu không bờ bến của tất cả các chư Phật.   Ngài là bà Mẹ hiền trong tất cả các bà mẹ hiền. Người của Chân Lý Hoa Đạo với nhành dương liễu và bình cam lồ trên tay rưới tắt và làm diệu đi những điều phiền não đang bừng cháy trong lòng chúng sanh.

Ngài cũng là một trong những vị Bồ Tát có diệu dụng đặc biệt là quán xét và nghe thấu tất cả tiếng đau khổ của thế gian, rồi từ bi giáo hoá cứu độ đưa chúng sanh đến nơi an vui giải thoát, cho nên cũng gọi là Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Đại-Từ Đại-Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ-tát.

Quán Tự Tại Bồ-tát có nghĩa là Ngài Quan Thế Âm Bồ-tát dùng trí huệ Bát-nhã quán sát sự vật đúng như chân lý một cách tự tại và thoát ra ngoài các Phiền não.

Pháp môn của Bồ Tát Quán Thế Âm là phương pháp phản văn, văn tự tánh   (không xuôi dòng đuổi theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe) tức là từ cái nghe để trở về tự tánh của mình. Trong văn học, Thi ca, dựa vào trong sự hóa thân đa dạng của Bồ tát, qua sự tín ngưỡng khác nhau, người ta đã dùng các hình thái để tôn thờ Ngài như sau : Quan Âm đồng tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính.

Đối với Phật Giáo không có quan niệm sơ khai các vị Bồ tát hay chư Phật có giới tính và sự sinh sản. Do đó Quán Thế Âm là nam hay nữ không phải là vấn đề quan trọng, theo phẩm Phổ môn, khi muốn cứu vớt hoặc giác ngộ cho chúng sinh, Quán Âm có khả năng hiện thân đa dạng như Phật, Bồ Tát, thiện nam, tín nữ, thân nhi đồng v.v.

Nếu cần hiện ra thân gì để cứu độ thì Quan Âm hiện ra thân đó như : Các ngư dân ra biển khơi thường hay cầu nguyện Phật bà Quan Âm để được bình an trong các chuyến đi của họ. Vì thế sự hóa thân này của Ngài cũng có biệt hiệu "Quan Âm Nam Hải".

Ba ngày vía kỷ niệm của Bồ tát Quan Thế Âm : 19-2 ngày đản sinh, 19-6 ngày thành đạo, 19-9 ngày xuất gia.

Phân tích từ :

अवलोकितेश्वरस, Avalokiteśvara tên được chia ra làm bốn phần : अव ava tiền tố từ, có nghĩa là "xuống", Lokita, một quá khứ phân từ của √ लोक् Lok  động từ, có nghĩa là "xem xét, quan sát, trông xuống" được sử dụng ở thời hiện tại trong ngữ pháp bất quy tắc Phạn ngữ, chữ इत ita viết riêng là hậu tố từ, अवलोक् Avalokita là động từ biến thành danh từ có nghĩa là "người trông xuống" và chữ cuối cùng   ईश्वर īśvara có nghĩa là " Bậc điều khiển tối cao, Đấng vô thượng, Thánh nhân vĩ đại, Đấng toàn năng, vị Chúa tể".

Bảng biến hóa thân từ của avalokiteśvara- ở dạng nam tính:

Nam tính

Số ít

Số hai

Số nhiều

Chủ cách

avalokiteśvaraḥ

avalokiteśvarau

avalokiteśvarāḥ

Hô cách

avalokiteśvara

avalokiteśvarau

avalokiteśvarāḥ

Trực bổ cách

avalokiteśvaram

avalokiteśvarau

avalokiteśvarān

Dụng cụ cách

avalokiteśvareṇa

avalokiteśvarābhyām

avalokiteśvaraiḥ

Gián bổ cách

avalokiteśvarāya

avalokiteśvarābhyām

avalokiteśvarebhyaḥ

Đoạt cách

avalokiteśvarāt

avalokiteśvarābhyām

avalokiteśvarebhyaḥ

Sở hữu cách

avalokiteśvarasya

avalokiteśvarayoḥ

avalokiteśvarāṇām

Vị trí cách

avalokiteśvare

avalokiteśvarayoḥ

avalokiteśvareṣu

Thuật ngữ này thường được dùng để biểu thị cho chức năng của một vị Chúa được tôn kính của một nhóm người, sinh vật, thú vật hay nơi chốn. Thí dụ : chữ Lokesvara là một danh từ ghép của 2 chữ Loka ( có nghĩa là thế giới) và "isvara"   (có nghĩa là Chúa hay Chúa tể). Theo quy tắc sự kết hợp âm thanh trong phạn ngữ chữ a + iśvara trở thành eśvara, như vậy chữ iśvara có chức năng là Chúa của ... ở đây nơi chốn là Thế giới.

Do đó dịch là Chúa của Thế giới. Một thí dụ khác : Campesvara là một danh từ kết hợp của Campa (Chăm Pa tên của một vùng ở miền trung Việt Nam thời Trung cổ) và isvara "Chúa" Qua diễn đạt ở câu trên chữ Campesvara dịch là Chúa tể của Chăm Pa. 

Nếu đứng trên dạng phân tách thì danh từ  Avalokiteśvara có nghĩa Chúa tể của người trông xuống nhưng trông xuống cái gì, cụm từ này chưa hoàn thành, vì thiếu hợp từ nơi chốn kèm theo chữ trông xuống đó là thế giới hay vũ trụ (loka Phạn ngữ) mà trong đó có nhiều sự sinh sống khác nhau. 

Do đó Ngài Huyền Trang dịch Avalokiteśvara như Avalokitasvara, Âm Trung Hoa là Guan Zizai thay vì Kuan Yin.  Âm ngữ Guan Zizai được viết từ 3 chữ Kuan Shi Yin. Kuan có nghiã là Nhìn có tánh cách suy nghĩ sâu sắc, Shi nói về Thế giới nhân loại và Yin dùng diễn tả Âm thanh (Phạn ngữ Svara स्वर ). 

Dịch nguyên nghĩa là Nhìn hay Quan sát những tiếng kêu thế giới và chữ Kuan Shi Yin là một diễn giãi của các chữ Avalokitésvara Avalokita. Cho nên chữ Avalokitasvara của Ngài Huyền Trang dịch tương đương chính xác với những bản gốc nói về Avalokitasvara trong tiếng Phạn ở thế kỷ thứ năm.

Vì vậy nguyên nghĩa danh từ Avalokitasvara là người có cảm nhận những tiếng kêu của chúng sinh hay những người cần giúp mình và được dùng làm Danh xưng cho vị Bồ Tát, người đã thực hiện một lời nguyện tuyệt vời để lắng nghe những lời cầu nguyện của tất cả chúng sinh trong thời gian khó khăn.

Trong Đại thừa Đức Quan Thế Âm được người ta tín ngưỡng như : Đấng Đại Từ Bi, vị Bồ Tát giàu lòng nhân ái, Vua Sư Tử Hống (lòng can đãm dũng mãnh), Ánh sáng Quang Minh vộ tận... Quán Thế Âm cũng là một lực siêu việt của tình thương, có mặt ở khắp nơi. Một người bình thường, đứng trước một tình huống, thương tâm, quên mình lao người ra giúp đỡ kẻ bị nạn.

Ngay chính lúc đó, Bồ Tát Quán Thế Âm đã thị hiện trong người ấy, hay nói cách khác người đó đã là sự ứng thân của Bồ tát Quán Thế Âm trong thế giới này. Bởi vì Ngài  đã được tượng trưng trong truyền thống Phật giáo bằng hình ảnh một người nữ có ngàn con mắt để thấu hiểu và ngàn cánh tay để giúp đỡ chúng sinh. 

Trong các chùa thường đọc " A bà lô kiết đế xá bà la ", là phiên âm Hán Phạn của chữ "Avalôkitesvara" nghĩa là " Vị Bồ tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn nghe thấu tiếng kêu khổ não của chúng sinh".

Còn tiếp

Kính bút

TS Huệ Dân

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm