Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Ngạ quỷ cũng là một trong vô số các loài chúng sanh trong vũ trụ này. Loài chúng sanh này có sự thọ dụng cảnh giới thuần khổ và bị đói khát liên miên. Nguyên nhân chính là do những chúng sanh này khi sanh tiền, tâm chứa đầy những ý niệm tham lam, bỏn xẻn, không thích làm những việc lành, không bố thí, cúng dường, nên sau khi chết đọa vào cảnh giới ngạ quỷ.

Ngạ quỷ thường chịu hai báo chướng:

1) Nội chướng: Cổ như cây kim, miệng như ngọn đuốc, bụng to như cái trống và toàn lửa, rất khó uống ăn. Đây là quả báo của những tâm hồn khô khan, bỏn sẻn không biết bố thí. Có quỷ ăn được nhưng thức ăn vào bụng liền biến thành gươm đao, đâm lại vào da thịt. Đây là khi bố thí với độc tâm hoặc ác khẩu.

Buổi chiều là giờ ăn của quỷ,[1] nên trong chùa khuyên tránh ăn chiều tối. Nếu có ăn thì xem đó như dược thực (thuốc để chữa bịnh đói khát, khô gầy) và tránh đừng khua đũa bát, khiến quỷ thấy sự ăn uống mà thèm khát, miệng phực ra lửa.

Như ngài Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ. Bà Thanh Đề đói quá, một tay bốc ăn, một tay che, sợ quỷ khác giành ăn. Nhưng cơm vừa đưa đến miệng liền hoá than hồng. Tuy bà đói khát cùng cực mà không thể thọ dụng thức ăn được.

2) Ngoại chướng: Ngạ quỷ ở trong cảnh lửa hoặc máu mủ, bị dao đâm gậy đánh liên tục. Dòng sông đối với quỷ, nếu không là máu mủ thì cũng khô cạn toàn là cát nóng. Có ngạ quỷ ở trong sông nước cả ngàn năm mà không sao hớp được một ngụm cho đỡ khát, chỉ thấy toàn sạn cát nóng. Cảnh trăng thanh gió mát nhưng do nghiệp báo quỷ, nên thấy thành mặt trời nóng bức và ngược lại nếu cảnh nóng bức thì lại cảm thọ mát lạnh. Cây trĩu đầy quả thì thấy khô cằn héo hon không có trái nào, nên đói khát vì đâu có gì mà ăn.

Quỷ có ba loại:

1/ Có phước: nên được ăn uống nhiều: a) Có thế lực lớn, cung điện trang nghiêm; b) Trông mong thờ cúng, đi trên hư không hoặc ở nhà của mình hoặc ở mộ địa được bà con cúng (vì trước có bố thí); c) Ăn đờm dãi, phân uế và các thứ thiu thối.

2/ Ít phước: được ăn chút ít: a) Lông kim: tự đâm, đâm thân mình, đau đớn cuồng chạy, lâu lắm mới được ăn chút nhơ bẩn; b) Lông thối: Cào vốc nhổ lông vì mùi hôi thối khiến rách da xé thịt, đau đớn ngày đêm, lâu lâu mới được ăn chút nhơ bẩn; c) Bướu lớn: Nhức nhối, chảy mủ máu hôi thối, bốc lấy ăn cho đỡ đói.

3/ Không phước: Chẳng được ăn uống, đói khát cuồng chạy: a) Miệng thối; b) Toàn thân là lửa như cây đuốc; c) Họng kim, bụng lớn như cái trống.

Có rất nhiều quỷ như:

  1. Quỷ bị vạc nước sôi nung nấu (làm nghề sát sanh hoặc có nợ không trả mà còn chống cự).
  2. Miệng nhỏ như trôn kim.
  3. Ăn đồ mửa.
  4. Ăn phân.
  5. Ăn lửa.
  6. Ăn hơi.
  7. Ăn pháp (xưa kia do nói pháp cầu lợi, nên nay đói khát, chỉ nhờ nghe pháp mà mạng được tồn tại).
  8. Khô khan thèm nước uống.
  9. Hy vọng trông mong bà con cúng vái (buôn bán dối trá để lấy vật của người).
  10. Ăn đồ khạc nhổ (đã đem đồ bất tịnh cúng tăng ni).
  11. Ăn tràng hoa (đã ăn trộm hoa của Tam bảo).
  12. Ăn máu (hay sát sanh).
  13. Ăn thịt.
  14. Ăn nhang (hay ngửi và trộm nhang của chùa).
  15. Đi nhanh, lửa cháy đốt thân.
  16. Mỗi lông trong mình đều tuôn lửa.
  17. Hắc ám: ở chỗ tối tăm có rắn cắn mổ (xưa kia vì mưu cầu tiền bạc mà vu oan người khác).
  18. Đại lực thần thông nhưng chịu nhiều khổ não (ăn trộm của người này, đem cho người khác).
  19. Lúc nào cũng có cảm giác bị phừng cháy (giết người, cướp của).
  20. Rình con nít đại tiện, tiểu tiện để ăn hơi khí bất tịnh.
  21. Dâm dục (quyến rũ người làm việc này để lấy tiền sinh lợi như tú bà tức chủ chứa gái).
  22. Ở cồn biển (do lừa gạt người bịnh lấy tiền).
  23. Cầm gậy hầu (làm quan nịnh vua để tạo ác).
  24. Ăn thịt con nít.
  25. Ăn tinh khí người.
  26. La sát (sát sanh).
  27. Ăn lửa (tham ăn vật của tăng và Tam Bảo).
  28. Ở các đường hẻm ăn đồ bất tịnh.
  29. Ăn gió (ưa hứa xuông, rồi không làm).
  30. Ăn than (hành hạ tội nhân không cho ăn uống).
  31. Ăn chất độc.
  32. Ở cánh đồng.
  33. Ăn tro nóng, chỗ thiêu thây người chết.
  34. Ở dưới gốc cây (người trồng cây để bố thí, mình ác tâm chặt đi).
  35. Ở các nẻo đường giao thông (bóc lột khách đi đường).
  36. Mara: Ma quỷ phá hoại người tu hành.

Trong Ngạ Quỷ sự (kinh Petakhatha) liệt kê tên và hình tướng của các quỷ như:

  1. Atthisankhalika: Chỉ có bộ xương bay trong hư không khóc la thảm thiết, chim đuổi theo mổ vào những kẽ xương.
  2. Mainsapesi: Quỷ hình như khối thịt bị chim mổ xẻ (sát sanh làm kế sanh nhai).
  3. Mainsapinda: Quỷ hình như cục thịt (lúc sống làm thợ săn).
  4. Vicchavi: thịt đỏ trùng rúc rỉa.
  5. Asloma: Lông như lưỡi dao nhọn bay lên, bay xuống đâm vào thân.
  6. Sattiloma: Lưỡi kiếm bay lên, bay xuống đâm vào thân.
  7. Usuloma: Mũi tên lên xuống.
  8. Suciloma: kim lên xuống (đã dùng sắt nhọn đâm thúc ngựa, bò, trâu chạy nhanh).
  9. Cumbhanda: Ngọc hành thật to không ngồi được, cứ phải đi, chim mổ rỉa (xử oan người để đòi tiền hối lộ).
  10. Gidhakhadi: Ăn ở trong phân (đem đồ bất tịnh cúng dường tăng ni).
  11. Okilini: Than nóng xối thân.
  12. Ansakabandha: Quỷ không đầu, mắt mũi miệng ở giữa ngực (làm nghề đao phủ).
  13. Pabbazila: thân lửa (xuất gia phá giới).

Những quỷ kể trên đã phải trả quả trong địa ngục, nay chịu dư báo trong 10 kiếp đến 500 kiếp. Trai tăng hồi hướng phước báo có thể siêu thoát.

  1. Vantasa: Lông tóc xồm xoàm, chân tay cong queo, bụng to phềnh, răng lởm chởm, chân hôi thối, ghẻ lở, ăn đồ khạc nhổ, ở chỗ dơ bẩn (do xả bẩn, nhổ bẩn trên nền chùa).
  2. Xumpa: Bụng phệ, mắt to bằng cái chén, răng bằng lưỡi cuốc, tóc phết gót, đầu to hơn thân, hôi thối tanh nồng, ăn ròng máu mủ và tử thi, nhưng càng ăn càng đói (cúng dường những thứ cấm cho bậc xuất gia).
  3. Gutha: Ở gần cầu tiêu, ăn phân máu (xấc xược với người tu, bỏn xẻn với cha mẹ).
  4. Aggisala: Thân lửa bốc khói, đói khát mà không thể chết (khinh báng tăng ni).
  5. Sucimlbkha: Miệng nhỏ dài nhọn như cây kim, thân to lớn, trọn đời đói khát ở rừng sâu (keo kiết để cha mẹ đói khát hoặc đến phá hoa, lá, vườn ruộng nhà chùa).
  6. Xanhaji: Uống thì nước tự hoá lửa, ăn thì món ăn tự biến thành lửa.
  7. Nijjha: Miệng mọc đuôi dài hôi thối, chẳng bao giờ ăn uống (ác khẩu với tăng ni, chế giễu người tàn tật, ly gián người giới hạnh).
  8. Sabbanka: thân đầy ghẻ lở, ruồi nhặng bu khắp. Đói quá lấy móng tay nhọn như dao tự móc thịt ăn. Vừa ăn, vừa khóc, càng ăn càng đói. Loài quỷ này rất nhiều ở các thung lũng, núi non và cồn bãi (do bất hiếu cha mẹ, phản bội ân nhân).
  9. Pappanka: thịt cứng như đất, lửa cháy đỏ, đói khát cả triệu năm ở trên (chửi oan người đức hạnh).
  10. Ajagara: Thân dài như con trăn, mình lớn bằng con voi, nhiều đầu… khắp mình lửa cháy, đói khát trường kỳ, ngày đêm kêu khóc. Ở núi rừng cồn bãi có rất nhiều loài này (hung dữ mắng chửi cha mẹ và những bậc đức hạnh).
  11. Vemanika: Nửa tháng thọ vui như cõi trời. Nửa tháng thọ khổ như ở địa ngục tra khảo chúng sanh. Đói khát đau khổ vô cùng (si mê nên ai rủ làm ác thì làm ác. Ai rủ làm phước thì làm phước).
  12. Mahiddhika: Thân đẹp như Thiên Tử thần thông, có thần thông bay trong hư không, y phục toàn ngọc báu nhưng thân thể hôi thối, đói khát cả vạn năm. Món ăn cứ đặt vào miệng liền biến thành sắt nóng nung đỏ, cháy xém mồm miệng ruột gan (xuất gia, tà mạng, cầu danh lợi, phá giới).
  13. Ahi: Thân là rắn trong khi đầu là người. Lớn như trái núi, giãy dụa khóc la, sống lâu trong rừng núi (sân giận phá chùa am).
  14. Nimygga: Cứ phải cắm đầu xuống hầm phân, ăn đầy bụng mới trồi lên được, rồi lại cắm đầu xuống cứ thế trọn đời (tà dâm để thống khổ cho vợ con. Tội ở địa ngục, nay là dư báo).
  15. Sukara: Đầu heo, miệng lở thối (ác khẩu).
  16. Manguhi: Lác, cùi, hôi thối, trôi nổi trong hư không, diều hâu mổ cắn (mưu mô bóc lột người).
  17. Chataka: Không quần áo, không ăn uống, sống lâu 90 kiếp. Giống quỷ này rất đông (do khi sống không kính ngôi Tam Bảo).
  18. Surruta: Ban ngày cầm buá đập nhau bể sọ, sưng nát mình mẩy trong khi ban đêm lửa cháy toàn thân. Đến sáng lửa tắt, lại cầm búa đập nhau. (do buông lung uống rượu, chơi chọi trâu, chọi gà…).

Từ Bi Sám Pháp dạy:

  1. Mỗi bên nách đều có vành sắt nóng đốt thân cháy rực (một sadi chia bánh cúng chúng, ăn trộm hai chiếc kẹp nách).
  2. Trên vai có bình nước sôi, tự tay lấy gáo múc xối trên đầu, đau đớn than khóc (vị duy na nấu sữa nhưng không chia đều cho chúng. Đợi khách tăng đi rồi mới chia cho chúng trong chùa. Những tội báo trên đều là hoa báo. Quả ở địa ngục).

Kinh Địa Tạng dạy: Các quỷ vương có các hình tướng và tánh khí như mắt ác, ăn thai trứng, hành hình, ác độc, đa ác, đại tránh, huyết hổ, xích hổ, tán vương, phi thân, điện quang, lang nha, ăn thú vật, đội đá, chủ hao, chủ họa, chủ phước, chủ tài, chủ súc, chủ cầm, chủ mị, chủ sản, chủ tật, chủ mạng, chủ hiểm, ba mắt, bốn mắt, năm mắt, kỳ lợi thất, đại kỳ lợi thất, kỳ lợi xoa, đại kỳ lợi xoa, a na tra và đại a na tra.

Có bốn Thiên vương thống lãnh tám bộ quỷ thần:

  1. Càn thát bà (nhạc thần).
  2. Cưu bàn trà (hung dữ).
  3. Tỳ xá dà (ăn tinh khí).
  4. Tiết lệ đa (quỷ đói).
  5. Phú đơn na (hôi thối).
  6. Dạ xoa.
  7. Quỷ truyền thống.
  8. La sát (ăn thịt người).

Tương Ưng Bộ Kinh kể tôn giả Mục Kiền Liên thấy ở trên hư không có một bộ xương vừa đi, vừa kêu khóc vì bị vô số kên kên xúm nhau mổ rỉa thân thể. Đức phật dạy đó là một tên đồ tể giết trâu ở thành Vương Xá, đã bị nung nấu trong địa ngục hàng ngàn năm để trả nghiệp, nay chỉ là dư báo làm quỷ ốm như bộ xương và làm mồi cho đàn chim kên kên (tức các con trâu kiếp trước).

Có người lý luận rằng do có người ăn mới có người giết. Đồ tể giết trâu quả báo như thế, còn người ăn thịt thì sao, chúng ta nên suy nghĩ việc này. Người ăn thịt thì nợ miếng thịt của thân mạng đó. Sau này bị các con thú biến thành các vi trùng làm hoại và gây đau đớn hay truyền bịnh trong cơ thể mình.

Đó là quỷ, còn ma thì thế nào? Ma tiếng Phạn là Mara nghĩa là hay cướp mạng, làm chướng ngại, làm rối rắm, làm phá hoại, não hại.

Có bốn loại ma:

1) Phiền não ma: phiền não tham sân si, mười triền, mười sử hay làm tổn thương não hại nơi thân tâm nên gọi là ma.

      2) Ấm ma: vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay sinh ra điều khổ não, nên gọi là ma.

      3) Tử ma: Cái chết hay đứt dựt các căn (gân máu) sanh mạng của chúng ta.

      4) Tha hoá tự tại Thiên tử ma: tức ma Ba tuần ở từng trời thứ sáu của cõi dục giới hay phá rối bậc tu hành.

Nên trong kính Lăng Nghiêm dạy một người phát nguyện mạnh mẽ thì mười phương cõi ma chấn động. Vì ma sợ ánh sáng và thánh thiện, và hay phá ý chí của những bậc xuất gia này. Nay ma thấy sự phát tâm dõng mãnh của hành giả tu tập thì chúng lo sợ và áng sáng tu tập của hành giả làm cung điện của ma bị lay chuyển.

Ngạ quỷ và quỷ thần là khác nhau. Ngạ quỷ là đọa lạc đói khát, còn quỷ thần như đại lực quỷ vương, a-tu-la… là những quỷ thần có phước báo và thần thông, sống ở cõi trời và hộ chánh pháp. Quỷ mong có thể dùng thần thông dời núi lấp sông. Có vị ẩn hiện biến hóa kém hơn quỉ khác và có vị có oai đức chủng loại vô lượng. Các chánh thần có phước đức ở núi cao, sông lớn hưởng nhân gian cúng dường. Quỷ có phước nhưng kém đức như dạ xoa, la sát, lị mị… hưởng cúng máu huyết của các vật tế thần.[2]

Nói chung, ma quỷ là những chúng sanh đói khát, khổ đau và cô đơn. Vì thế ta phải làm thế nào để giúp cho ma quỷ tỉnh ra, hiểu biết được và mở cổ họng ra được. Chúng ta phải có lòng từ, kiên nhẫn và phải có định lực.

Mỗi trưa khi chư tăng độ ngọ đều lấy ra khoảng bảy hạt cơm bỏ trong chén nước nhỏ để xuất sanh và tụng như sau:

Pháp lực khó nghĩ bàn

Bảy hạt khắp mười phương

Cúng dường khắp tất cả

Từ bi không chướng ngại.

Đồng không quỷ mẹ con

Đại bàng kim sí điểu

Tất cả đều no đủ.

Án, độ lợi ích toá ha

Tất cả chúng quỷ thần

Tôi nay nguyện cúng dường

Cơm nay biến khắp mười phương

Quỷ thần đều no đủ

Nhờ nương pháp nhiệm mầu.

Án mục lục lăng toá ha

Ít nhất chỉ bảy hạt cơm cho quỷ đói thôi, nhưng đó lại có thể là thức ăn cho tất cả chúng sanh. Lời tụng kinh cảnh tỉnh Phật pháp thấm đượm trong từng hạt cơm đó, với lòng mong muốn khiến các loài đói khát sớm thoát kiếp đọa lạc. Đó là lòng thương không ngằn mé, không bờ bến. Chúng ta biết rằng hễ có tình thương thì cái gì cũng giải quyết được hết, mà không có tình thương thì cái gì cũng giới hạn hết.

Cầu nguyện cho tất cả vong hồn đoản tử, chết bờ, chết bụi, té sông, rớt giếng, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, mười hai loại cô hồn và các loài quỷ kể trên sớm bỏ đường mê sanh về bến giác.

 

(Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)

[1] Buổi sáng là giờ ăn của chư thiên. Buổi trưa là giờ ăn của Phật.

[2] Xin xem cuốn Luân Hồi trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, TN Giới Hương, chương 13, trang 294-328.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm