Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Đại Hồng Chung là một Pháp khí của Phật Giáo, đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài phần trang trí những hoa văn hoạ tiết, mà đa phần là những chữ Hán ghi lại bài minh, lời chú nguyện, đề từ, lạc khoản... được bài trí một cách mỹ thuật ở quanh thành chuông, các nghệ nhân đúc đồng đã khéo trang trí trên núm chuông hình con Bồ lao (một loại cá voi rất to) dựa theo điển tích từ lời chú thích của Ban Cố ở Hậu hán thư : "trong biển có cá lớn là cá Kình, trên biển có con thú là con Bồ lao. Con Bồ lao rất sợ cá Kình. Hễ cá Kình đánh Bồ lao thì Bồ lao hoảng sợ, kêu vang lên. Cho nên cái chày gỗ có chạm hình cá Kình dùng đễ dộng chuông gọi chày Kình".

Cũng thấy có một số chuông chạm hình rắn (có nơi biến cách như rồng), với ý nghĩa dựa theo truyền thuyết : vợ Vua Lương Võ Đế là Hy Thị vì độc ác nên bị đọa làm mãng sà và sau nhờ HT. Chí Không tụng kinh cầu nguyện mới được ân xá, Hy Thị ăn năn hối lổi thoát kiếp mãng xà. "Bà" xin được nằm trên chuông để sớm hôm được nghe tiếng kinh kệ, đồng thời cũng là một cách gián tiếp để cảnh tỉnh người đời.

Đại hồng chung có nhiều loại, và tất nhiên cũng có những giai thoại về nó :

Chuông Bạc

Tháng 12 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ phát bạc ở kho 1.680 lượng Bạc để đúc chuông lớn treo ở chùa Đại Giác.

Bốn năm sau (1014), Vua lại xuống chiếu phát 800 lạng bạc để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và lầu Ngũ Phượng.

Chuông Vàng

Tháng 9 năm Giáp Dần (1014), vua Lý Thái Tổ xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiện. (sách Gia Định thành thông chí ghi, ở chùa Linh Sơn, núi Bà Đen - xưa thuộc trấn Phiên An - người ta thấy có chuông vàng ở trong hồ, nhưng khi đến gần thì biến mất).

Chuông Đồng lớn nhất

Đồng lấy từ quặng có màu đỏ. Tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ nhiều, xưa đã biết luỵên đồng từ sắt. Tưởng cũng nên tìm hiểu đại nét về công nghệ này. Theo Vân Đài loại ngữ, sách Ngũ Tạp Trở nói : các nơi cổ khanh (tức hang hố cổ, rất lâu đời), chỗ nào có nước gọi là Đảm thuỷ ; chỗ nào không có nước gọi là Đảm thổ. Đảm thuỷ có thể nấu đồng, Đảm thổ có thể cắt đồng. Xét Tống sử chí nói, xưa Hàn Cầu đúc tiền, lấy đảm thuỷ đổ đồng, tuỳ số tiền làm cữ, có chua phép tẩm đồng như sau : lấy sắt sống, nung dọt thành phiến mỏng, xếp trong bã Đảm thuỷ, ngâm độ vài ngày, phiến sắt bị Đảm thuỷ ăn mỏng, sinh han đỏ trên mặt, rồi cạo lấy han ấy, cho vào lò, nung 3 lần, thành đồng. Cứ 3 cân 4 lạng sắt thì được 1 cân đồng. Sách Hành Trù tập nói, lấy đảm phàn mà tôi sắt, thì hoá thành đồng. Đại Việt sử lược ghi : Năm Mậu Ngọ (1198) ở Lạng Châu sản xuất được đồng màu xanh biếc.

Ngày 13 tháng 8 năm Quý Dậu (1033) vua xuống chiếu đúc quả chuông 1 vạn cân để ở chùa Long Trì.

Tháng 4 năm Bính Thân (1056) làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, Vua phát 12.000 cân đồng để đúc chuông lớn. Vua thân làm bài minh chạm vào chuông.

Chuông thiêng

Việt sử Tiêu Án chép, thời vua Lý Thái Tông, đúc chuông chùa Trùng Quang, khi đúc xong không cần đến nhân lực, tự nhiên chuông đi đến chùa được.

Sách "Đại Việt sử lược" chép, tháng giêng năm Ất Mão (1135) cái chuông bằng đồng xưa hiện ra. Còn Đại Việt sử ký toàn thư thì nói, tháng giêng năm Bính Thìn (1136) thấy chuông lớn thời xưa. Phải chăng do bị đất lở sụp, chuông bị chôn vùi, rồi sau khi biển hoá ruộng dâu, người ta đào đất ở bãi sông tình cờ gặp lại ?

Chuông điếc

Chiếc chuông "điếc" nổi tiếng nhất có lẽ là đại hồng chung chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Sử ghi, mùa xuân, tháng 2, năm Canh Thân (1080) đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, nên không tiêu huỷ, bèn đem bỏ ở quy điền (ruộng Rùa) của chùa.

Chùa Tây An Cổ Tự ở cù lao Ông Chưởng (An Giang) hiện có một quả chuông điếc (đánh vẫn kêu nhưng âm vang rất nhỏ), vì xử dụng nguyên liệu toàn bằng đồng xu (xu bằng đồng, quyên góp), không tinh luyện lại, vì trong loại xu đã có lẫn sẵn tạp chất. Nay treo ở hành lang phía sau chùa.

Chuông kêu oan

Tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1029), vua Lý Thái Tông cho đặt lầu chuông đối nhau ở hai bên tả hữu thềm rồng Long Trì ở điện Thiên An, để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Tháng 8 năm Quý Dậu (1033) lại xuống chiếu đúc quả chuông 1 vạn cân để ở lầu chuông Long Trì. Tháng 10 năm Canh Thìn (1040) vua ngự đến núi Tiên Du, khi về xuống chiếu phát 7.560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc, 2 vị Bồ Tát, cùng chuông để ở viện ấy. Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1052) lại đúc chuông lớn để ở Long Trì "cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông đó để tâu lên". Như vậy chuông này thay thế 2 chuông cũ hay đúc thêm ? Lẽ nào một chỗ tại Long Trì mà đặt nhiều chuông chỉ cùng một mục đích ? cũng cần biết thêm, thời Lý Trần các vua đều rất trọng đạo Phật, có thể rằng, chuông đặt tại sân rồng Long Trì cũng đồng thời là chuông chùa Diên Hựu ?

Nguyễn Hữu Hiệp

Chuông Chùa Cổ Lễ Nam Định

Theo văn bia để lại, Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có hiệu là "Thần Quang Tự". Tương truyền rằng ngôi Chùa này được Ngài Không Lộ Thiền sư xây dựng vào thế kỷ XI nên trong Chùa còn thờ tượng Ngài. Trên thượng điện có pho tượng đức Bổn Sư cao 4m, bề ngang 3,5m. Tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thiếp vàng. Chùa Cổ Lễ là một ngôi Chùa lớn và đẹp, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến bởi cảnh quan và kiến trúc tổng thể hài hòa của toàn khu vực Chùa.

Đặc biệt tại nơi đây, năm 1936 cố đại lão Hòa thượng Thích Thế Long... viện chủ của Chùa Cổ Lễ, cùng tín đồ Phật tử đúc một quả chuông đồng lớn cao 4.2m, đường kính 2.2m, thành chuông dày 8cm, chuông nặng 9000kg. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước... Đây là quả chuông lớn nhất nước ta, và là báu vật thiêng liêng của Chùa Cổ Lễ. Sau khi chuông được đúc, nhà Chùa chưa kịp xây gác để treo chuông thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Sợ chuông bị giặc phá hoại, đồng bào Phật tử cùng nhà Chùa đem chuông ngâm giấu dưới hồ.

Sau khi hòa bình lập lại (1954), chuông lại được kéo lên đặt ở bệ trước Chùa. Do thời gian và ảnh hưởng của chiến tranh, Chùa Cổ Lễ bị xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1988, Chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin ra quyết định công nhận xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa" là "Danh lam thắng cảnh quốc gia". Hiện tại được sự đồng ý và giúp đỡ của các cấp ngành có liên quan, Chùa Cổ Lễ được trùng tu, tôn tạo từng phần ngôi Chùa chính dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hòa thượng Thích Thuận Đức, viện chủ Chùa Cổ Lễ.

Quả chuông đồng nặng 9 tấn trải qua hơn 60 năm, do ảnh hưởng của chiến tranh và điều kiện thực tế nên chưa một lần được ngân vang vì chưa có gác để treo. Đầu năm 1997, với sự thành kính tín ngưỡng đạo Phật, hướng về cội nguồn quê hương, gia đình ông Trần Quang Khải và gia đình ông Nguyễn Đức Cử, quê quán Nam Định, hiện đang là chủ doanh nghiệp tại Sàigòn đã phát tâm hiến cúng xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ công trình gác chuông Chùa Cổ Lễ, theo bản vẽ thiết kế kỹ thuật của Viện Khoa học kiến trúc thuộc hội kiến trúc sư Việt Nam.

Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 08/05 Đinh Sửu (1997), trải qua 5 tháng 15 ngày đến nay đã được hoàn thiện. Gác chuông được các nhà thiết kế tạo hình mang nét đặc trưng của kiến trúc các ngôi Chùa cổ Việt Nam, và hài hòa với kiến trúc tổng thể của khu Chùa. Gác chuông cao 14.5m, rộng 9m gồm 3 tầng, mái cong lợp ngói mũi hài. Tầng trên cùng treo quả chuông nhỏ đời Lê Cảnh Thịnh thế kỷ XV nặng khoảng 300kg, hai tầng dưới treo quả chuông 9 tấn.

Ngày 15/12/97, ban chỉ đạo trùng tu, tôn tạo Chùa Cổ Lễ long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành gác chuông, với sự tham dự đông đảo của chư Tôn Giáo Phẩm và đại diện đồng bào phật tử của 10 huyện và Thành phố Nam Định...

Phúc Thịnh

Quả Đại Hồng Chung lớn thứ nhì thế giới

Tại bảo tàng quốc gia Kyongju, Hàn Quốc, đang lưu giữ một quả Đại hồng chung khổng lồ. Chuông có tên dân gian là Emille, được đánh ký hiệu hiện vật số 29. Trọng lượng quả đại hồng chung này đến 23 tấn đồng, cao 3,3m được đúc hoàn thành vào năm 770 sau 23 năm dự án khởi sự. Đây là quả chuông lớn thứ hai thế giới, sau quả đại hồng chung ở Moscow (Nga) cao 6,5m. Tuy nhiên, về phương diện mỹ thuật và khảo cổ, rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá quả đại hồng chung ở Hàn Quốc hơn hẳn quả đại hồng chung ở Nga. Về thời gian, quả đại hồng chung ở Hàn Quốc có trước đến gần 1000 năm. Tiếng ngân của nó vượt xa đến khoảng 60km (40miles) vào những đêm thanh vắng.

Có rất nhiều giai thoại và truyền thuyết xung quanh quả hồng chung vĩ đại này. Người ta nói rằng để có kinh phí đúc quả chuông lớn như thế, các nhà sư ở chùa Pongdoska gần Kyongju, cố đô của triều đại Silla (51 TTL - 935 TL) đã đi từng nhà quyên góp. Tháng 12 năm 771 chuông được treo ở Chùa Pongdoska ; nhưng sau đó, tại vùng này đã xảy ra một trận lũ lớn và phá huỷ toàn bộ ngôi chùa. Quả đại hồng chung Emille bị nước lũ cuốn về gần Chùa Yonguyosa. Vào đầu thế kỷ 16, chuông Emille lại một lần nữa được di dời đến cổng nam của thành Kyongju. Chính phủ Hàn Quốc xem quả đại hồng chung này là một tài sản văn hoá quý của đất nước và đang được lưu giữ tại bảo tàng quốc gia Kyongju.

Nguyễn Đức Sơn

Những Đại Hồng Chung Cổ tại Nhật Bản

Đã từ lâu tiếng chuông chùa được xem là những âm thanh quen thuộc, thiêng liêng và siêu thoát, luôn gắn liền với những sinh hoạt tự viện Phật Giáo tại các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản. Ở Nhật, vào đêm giao thừa, chuông chùa được gióng lên 108 lần để mở đầu cho một năm mới đầy ước vọng và hứa hẹn một cuộc sống thanh bình thịnh vượng.

Nghệ thuật đúc chuông bắt đầu xuất hiện tại Nhật khoảng 100 năm sau khi Phật giáo được truyền vào nước này (552). Đến thời Nara (710-794) và thời Heian (794-1184), rất nhiều đại hồng chung mang nét mỹ thuật tinh xảo ra đời. Thời đại cực thịnh của việc đúc chuông ở Nhật là thời Kamakura (1185-1333). Lúc bấy giờ Phật Giáo được truyền bá rộng khắp, nơi nơi đều đúc chuông . Tuy vào thời Moromachi (1392-1603) và thời Yedo (1603-1867), người ta cũng đúc nhiều chuông nhưng chất lượng không bằng các thời trước đó.

Hiện nay đại hồng chung cổ nhất ở Nhật được đặt tại chùa Myoshin ở Kyoto, cố đô Nhật. Đại hồng chung này được đúc vào năm 698, có chiều cao là 1,5m, đường kính 86 phân. Đại hồng chung chùa Kanzeon ở đảo Kyushu cũng rất cổ xưa, rất đẹp và tiếng chuông nghe rất êm tai giống như âm "ra" của cung nhạc cổ 12 nốt.

Đại hồng chung lớn nhất tại Nhật được đúc vào năm 752. Đại hồng chung này cao tới 4,1m, đường kính 2,7m, dày 27cm, cân nặng khoảng 30 tấn, được treo ở chùa Todai ở Nara. Hai đại hồng chung khác được đúc ở Nhật và được đưa ra nước ngoài và hiện nay rất nổi tiếng có tên là Hoà Bình và Ariana. Đại hồng chung Hoà Bình được đúc vào năm 1952, bằng 20 thứ tiền đồng do 64 quốc gia trên thế giới cúng, trong đó có cả chiếc huy chương của đức Giáo Hoàng. Đại hồng chung này hiện đang được đặt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Đại hồng chung Ariana ra đời tại Nhật, nhưng dưới thời Minh Trị hoàng đế, đại hồng chung này được đem ra nước ngoài và đến năm 1867 đem triển lãm tại Paris rồi sau đó được chuyển đến Bảo tàng Ariana ở Geneve (Thuỵ Sĩ). Tháng 9. 1957, đại hồng chung này được chuyển về chùa Shinagawa ở Tokyo và được lưu giữ cho đến ngày nay. Đại hồng chung này có chiều cao là 1,5m, đường kính 1m, có lối trang trí hoa văn rất độc đáo.

Ba đại hồng chung khác được đúc từ thời Heian (794-1184) cũng rất nổi tiếng là ba quả chuông ở Daiun, Byodoin và Shingo. Chuông chùa Daiun ở Kyoto cao 1,15m có đường kinh là 55,3cm ; chuông chùa Byodin thì lớn hơn nhiều, cao 1,99m và đường kính 1,23m. Còn chuông chùa Shingo ở Kyoto cao 1,47m và đường kính 80cm. Ba quả chuông này mang ba đặc điểm nổi tiếng khác nhau. Chuông chùa Daiun có lối trang trí rất công phu và tinh xảo, chuông chùa Byodin có dáng vẻ rất đẹp và chuông chùa Shingo nổi tiếng vì những nét chữ được khắc lên trên.

Tại cổ thành Kamakura có hai đại hồng chung khác cũng rất xưa, đó là đại hồng chung Chùa Kencho, cao 2m, đường kính 1,2m và đại hồng chung chùa Enkaku cao tới 2,59m và đường kính rộng 1,42m được đúc vào thời Kamakura. Có lẽ quận Fukuoka trên đảo Kyushu là nơi sản sinh nhiều nghệ nhân đúc chuông tài hoa. Hầu như tất cả những đai hồng chung lớn và nổi tiếng hiện nay ở Nhật đều được ra đời trên đảo này.

Ngày nay, tất cả những đại hồng chung được kể trên đây đều được chính phủ Nhật giữ gìn cẩn thận như những quốc bảo khác ở nước này.

Thông Đạt (theo Maha Bodhi)

Tham quan Viện Bảo Tàng Chuông Cổ ở Bắc Kinh

Chùa Giác Sanh ở Bắc Kinh ngày nay có tên gọi là "Đại Chung Tự". đứng ngay dưới cổng chùa, du khách sẽ thấy một tấm bia bằng bạch ngọc khắc 5 chữ "Sắc Kiến Giác Sanh Tự", được khắc vào năm Ung Chính thứ 11. Đây là ngôi chùa do Ung Chính Hoàng Đế sắc phong kiến lập. Vậy nguyên nhân gì lại đổi tên thành "Đại Chung Tự ?"

Theo khảo cứu, vào năm đầu đời Thanh, một vị đại thần tâu cùng Hoàng Đế Ung Chính rằng : "chùa Giác Sanh ở Bắc Kinh thuộc hướng Càn, vườn Viên Minh thuộc hướng Tỵ. Chuông bản chất thuộc Kim nên dời đến chùa Giác Sanh như vậy thật thích nghi". Lại tâu : "gác 5 tầng phía sau chùa thuộc Thổ, nếu kiến tạo thêm một lầu gác đặt chuông, kết hợp được Kim - Thổ thì tuyệt". Ung Chính chuẩn tấu, liền di chuyển quả chuông đồng đời Minh từ chùa Vạn Thọ đến chùa Giác Sanh.

Vì Đại hồng chung quý hiếm, tiếng vang ngân xa trăm dặm, mọi người gọi chùa Giác Sanh là "Đại Chung Tự", hơn nữa trong dân gian còn lưu câu : "người đi qua Đại Chung Tự, chuông chùa lớn hơn người".

Đại Chung Tự (Giác Sanh Tự) hiện nay được xây dựng thành "Viện Bảo tàng Chuông cổ". Trong khu bảo tàng còn cất giữ hơn ngàn quả chuông đủ loại của nhiều triều đại. Như là quả chuông bằng gốm, bằng đá thời xã hội nguyên thuỷ ; quả chuông dòng họ Não, họ Nĩu đời Hạ Thương ; những quả chuông Phật Giáo, Đạo giáo, chuông trong triều đình của các thời đại Tần, Hán, Đường Tống, Nguyên, Thanh... trong số đó có nhiều quả chuông từ trước giờ chưa hề thấy.

Trong điện Quán Âm còn có 7 quả chuông cổ, đều khắc chạm rất tinh xảo, nên nói "Cổ chung tinh phẩm triển". Quả chuông chính giữa đúc 22 hình rồng thăng thiên, dưới chuông là hình Bát quái. Chuông không khắc văn tự chỉ khắc hình Bát quái với một phù điêu ghi Càn, đại diện Thiên hợp với chữ "Càn" của Hoàng đế Càn Long. Hình rồng khắc trên chuông là tượng trưng đế Vương thời phong kiến, lại thêm đồng âm "Càn", ngụ ý do hoàng đế Càn Long kiến tạo. Sáu quả chuông còn lại điêu khắc tinh xảo với các tên gọi : "Song ưng xung thiên bài vân chung", "Tam thập tam điều long văn chung", "Hoa Nghiêm giác hải thông kinh chung", "Phiêu chá yến kinh lưu kim chung", "Bạch liên Phật tượng kiết tường chung", "Bồ đề thiền tư vân sức chung".

Trong Đại hùng Bảo điện hiện có một dãy chuông được dự đoán đúc vào đời Ngạc Châu cách đây 2400 năm với chiều dài 10m, phân bố 3 tốp với 9 tầng, lớn nhỏ khoảng 64 quả, trên chuông rất nhiều hoa văn.

Tấm biển trên lầu chuông khắc 4 chữ "Hoa Nghiêm Giác Hải", do hoàng đế Càn Long đời Thanh đề. Phía dưới là tấm biển đồng khắc "thế giới chi tối". Những quả chuông Vĩnh Lạc đời Minh cách đây hơn 600 năm, cao gần 10m, nặng 4,65 tấn, màu xanh đen, khắc đầy 23 vạn chữ, theo thuyết kinh văn này do hoàng đế Vĩnh Lạc đời Minh ngự chế, thư pháp Trầm Độ viết. Nếu du khách gõ nhẹ vào chuông, sẽ nghe những tiếng ngân vang, trầm mặc kéo dài...

Trần Thiếc Binh, Như Phụng dịch

Công phu 108 tiếng chuông Thiên Mụ

"Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương". Đã hơn 300 năm qua, tiếng chuông Thiên Mụ vẫn đều đặn giữ nhịp thời gian. Nhưng, chuông ấy mỗi ngày hai buổi được gõ như thế nào thì mấy ai biết ?

Tương truyền về linh khí

Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) tọa lạc trên một ngọn đồi xã Hà Khê (cũ) mặt nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại, cách Cố đô Huế về phía Tây khoảng 5 km. Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An viết năm 1553, đã mô tả về ngôi chùa : "Chùa nằm phía Nam xã Hà Khê huyện Hương Trà, ở trên đồi núi, dưới giáp dòng sông, cảnh đẹp vượt hẳn ba nghìn thế giới, gần gang tấc với thiên trì. Khách tản bộ đăng lâm bỗng chốc phát lòng lành, tiêu tan tục lụy...".

Tương truyền, năm Tân Sửu (1601), chúa Nguyễn Hoàng, nhân buổi dạo chơi phong thủy, thấy vùng đồng bằng xã Hà Khê, có một ngọn đồi cao nổi lên như hình rồng quay đầu nhìn lại, phía trước trông ra sông dài, phía sau có hồ lớn, cảnh trí rất đẹp, hỏi người dân địa phương, người ta cho biết : Ngọn đồi này linh lắm, xưa có bà lão mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên ngọn đồi nói rằng : "Rồi sau sẽ có vị chân Chúa đến đây sửa núi lập chùa để tụ linh khí, giữ bền long mạch". Nói xong bà lão biến mất.

Chúa Nguyễn Hoàng cho rằng đất này có khí thiêng mới lập chùa gọi tên là chùa Thiên Mụ.

Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông là một cư sĩ tại gia thọ giới với ngài Thạch Liêm hòa thượng, phái Tào Động, pháp danh là Hưng Long, rất chú trọng đến việc chăm lo kỷ cương phép nước, khuyến khích xây dựng chùa chiền, chấn hưng Phật giáo.

"Bách bát hồng thanh"

Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Một quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg).

Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu "chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an". Tương truyền trong ngày rằm Phật Đản, chú nguyện đúc chuông có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm thả vào vạc đồng sôi rất nhiều vật quý giá... bằng một niềm tin bất hoại.

Chính vì vậy chiếc chuông đã mang trong mình cả những giá trị tâm linh và một hàm lượng hợp kim đặc biệt tạo nên âm thanh ngân nga siêu thoát.

Đến thời vua Thiệu Trị, vua đã cho xây tháp Từ Nhân (sau đổi tên thành tháp Phước Duyên) cao 7 tầng và xây đình Hưng Nguyện, viết văn bia để lưu giữ công đức xây tháp và đình.

Vua cũng cho xây dựng 2 tiểu đình trước Nghi môn để dựng bia đá khắc bài minh Thiên Mụ chung thanh và đưa chùa Thiên Mụ vào danh mục 20 cảnh đẹp chốn Thần kinh.

Trong bài minh, có đoạn : "Bách bát hồng thanh tiêu bách kết, Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên...Một trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan, trăm nỗi oan kết muộn phiền, Ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên..." (ngộ lý duyên khởi của nhà Phật).

Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn chiếc chuông đang làm nhiệm vụ giữ nhịp thời gian của "tiếng chuông Thiên Mụ" hiện nay được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, để đi vào điện Đại Hùng.

Trong thời đại phong kiến, người đánh chuông chùa Thiên Mụ do Tăng cang (chức danh do triều đình phê chuẩn) của chùa phân công. Kế tục hạnh nguyện và giữ hồn cho tiếng chuông Thiên Mụ hiện nay là các nhà sư trẻ đang tu học tại chùa.

Thượng tọa Thích Trí Tựu cho biết từ xưa đến nay, chuông chùa vẫn được đánh mỗi ngày hai thời (2 lần), vào lúc 19 giờ 30 và 3 giờ 30 sáng.

Mỗi lần đánh trong thời gian một tiếng đồng hồ (60 phút) bằng 108 tiếng chuông để xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế gian.

Theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tắn hội khổ, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ).

Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Trong mỗi tiếng chuông của người thiền giả đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ.

Công phu gõ Chuông Thiên Mụ

Cái khó của việc gõ chuông Thiên Mụ là không phải bất kỳ ai cũng làm được. Tiếng chuông đầu tiên phải cất lên đúng vào lúc 3 giờ 30 mỗi sáng, đều đặn trong một tiếng đồng hồ và phải đủ 108 dùi (lần gõ).

Với người tu luyện chưa có đủ công phu thì chắc chắn sẽ không làm chủ được bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng và đủ thời gian để đánh đủ 108 tiếng chuông trong thời gian 60 phút mà không phải canh đồng hồ hay dùng bất cứ phương pháp nào để giữ nhịp.

Mỗi sáng sau khi thức dậy tĩnh tọa hành thiền, người đánh chuông bước xuống khỏi thiền sàng và đi trong bước chân thiền từ tăng phòng đến tháp chuông, đánh tiếng đầu tiên đúng vào lúc 3 giờ 30, không được sai lệch.

Giai thoại thiền môn kể rằng, cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu là một thiền sư gắn liền nhiều nhất với hạnh nguyện đánh chuông.

Lúc sinh thời, những khi còn khỏe, Hòa thượng vẫn thường thức dậy đánh chuông hằng đêm và tiếng chuông của ngài có âm thanh vang vọng thanh thoát một cách lạ thường.

Những người cao niên ở các làng xung quanh khu vực Chùa Thiên Mụ như Nguyệt Biều, An Ninh Thượng, Long Hồ, Ngọc Hồ, Lựu Bảo, Xuân Hoa... nói rằng, khi nào Hòa thượng đi vắng hay đau ốm là biết liền. Bởi tiếng chuông được người khác thay thế là biết ngay; âm sắc và nhịp điệu của tiếng chuông khác hẳn.

Tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên huyền diệu...

Nhưng trên tất cả những yếu tố ấy còn có ẩn chứa một âm sắc vi diệu khó diễn đạt từ chính công phu thiền định và hạnh nguyện từ bi được chuyển tải trong mỗi tiếng chuông của người hành đạo.

Ngày nay, trước hàng vạn tạp âm của nhịp sống đô thị, tiếng chuông Thiên Mụ hằng đêm vẫn giữ nhịp thời gian, gửi vào trần thế tiếng thiền vi diệu.

Bùi Ngọc Long

“Chuông chùa cảnh tĩnh người trần thế - Đem đến an vui cho mọi nhà”
Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc có vua Lương Võ Đế rất tin tưởng Phật pháp, song bà Hoàng hậu tên Hy Thị được vua yêu quý nhất thì tánh lại độc ác và luôn tìm cách huỷ bán Tam Bảo.

Một hôm nhà vua thỉnh Hoà thượng Chí Công và 500 chư Tăng vào cung để cúng dường trai Tăng, bà Hoàng hậu Hy Thị tức giận, bèn sai những người hầu cận giết 100 con chó đem làm nhân bánh ít để cúng dường chư Tăng. Sau khi chư Tăng thọ trai xong ra về, Hoàng hậu Hy Thị liền tâu với vua rằng: “xưa nay vua tin các vị Hoà thượng đã chứng đạo nên cung kính cúng dường, vừa rồi nhân bánh ít dâng cúng được làm bằng thịt 100 con chó mà chư Tăng không hề hay biết mà đã ăn hết như vậy thì đâu đã chứng đạo”.

Vua Lương Võ Đế nghe vậy rất tức giận, bèn lên ngựa cùng lính hầu cận đến chùa để chém chư Tăng. Vừa đến cổng chùa, vua liền thấy Hoà thượng Chí Công đang dừng dưới gốc cây bồ đề, vua hỏi:

Hoà Thượng ra đây làm gì?

Hoà thượng Chí Công đáp:

Ra đây đợi vua đến chém đầu, vì sợ ở trong chùa máu đổ hoen ố cửa Phật

Vua Lương Võ Đế rất ngạc nhiên và hỏi:

 -Hoà Thượng đã biết trước như vậy sao trưa nay khi thọ trai, bánh ít được làm bằng nhân thịt chó mà Hoà thượng và chư Tăng vẫn dùng?”

Hoà thượng Chí Công đáp:

Đêm qua trong lúc thiền định bần đạo đã biết ác tâm của Hoàng hậu nên đã sai Tăng chúng làm bánh ít chay bỏ vào tay áo tràng bên phải và khi ăn lấy bánh ít nhà vua dâng cúng bỏ vào tay áo bên trái đem về chôn và lấy bánh ít đem theo ra ăn.

Nói xong, Hoà thượng Chí Công mời nhà vua và tuỳ tùng cùng ra chỗ chôn bánh ít, Hoà thượng bảo chư Tăng đào lên thì bánh ít vẫn còn, Hoà thượng Chí Công lấy nước làm phép và đọc thần chú, lập tức số bánh ít ấy được hiện thành 100 con chó. Vua giật mình và quỳ xuống lạạy sám hối rồi lặng lẽ hồi cung.

Ít lâu sau, Hoàng hậu Hy Thị lâm trọng bịnh và qua đời, nhà vua lo tang lễ chu toàn. Một hôm vào lúc đêm khuya đang ngồi trong cung tĩnh mịch vua Lương Võ Đế nghe có tiếng người kêu van thảm thiết, vua bèn lên tiếng hỏi:

Nhà ngươi là ai, đêm khuya thanh vắng nghiêm mật thế này lại vào đây được?

Liền có tiếng trả lời:

Hoàng đế ơi thần đây chính là Hy Thị vì quá độc ác, không tin Tam bảo gây nhiều tội lỗi nên sau khi chết rồi thần thiếp phải bị đoạ làm rắn mãng xà ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vảy bị vi trùng rỉa ráy không thể chịu được. Nghĩ đến tình cầm sắc trước kia nên thần thiếp đến đây mong nhờ Hoàng đế tìm phương cứu thiếp" -nói rồi liền biến mất.

Nghe xong, vua Lương Võ Đế như thoát cơn ác mộng, lòng đau như dao cắt. Ngày hôm sau lâm triều, vua đem chuyện ấy kể lại cho bá quang văn võ nghe để cùng vua tìm phương cứu vớt Hoàng hậu Hy Thị.

Các quang lại tâu vua, xin cung thỉnh Hoà thượng Chí Công lo việc nầy, vua Lương Võ Đế chấp thuận, thỉnh cầu Hoà thượng Chí Công triệu tập các vị danh Tăng soạn ra cuốn Lương Hoàng Sám Pháp và lập đàn tràng sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị đồng thời đúc đại hồng chung để hồi hướng công đức cầu siêu cho Hoàng hậu Hy Thị. Nhà vua chí tâm thân hành lễ bái, trong đêm khuya giữa đàn tràn sám hối, tiếng đại hồng chung ngân vang, mùi hương thơm ngào ngạt khắp cả đạo tràng, Hoàng hậu Hy Thị hiện thân tiên nữ sinh đẹp, tỏ lòng cảm ơn Hoà thượng và Hoàng đế bà nói nhờ công đức đúc đại hồng chung, nhờ đàn tràn sám hối mà bà đã thoát nạn và đã được sanh lên cung trời Đao Lợi.

Đó là quả đại hồng chung đầu tiên trong lịch sử chuông chùa. Từ đó đến nay tất cả các chùa Phật giáo nhơn đó mà đều rất chú trọng đến việc chú tạo đại hồng chung…

hủ nhật - 22/07/2012 20:04

Hỏa táng là một trong những tục lệ lâu đời tại Ấn Độ (văn minh Ấn độ ), mỗi khi có Người qua đời ,tử thi được hỏa táng cạnh dòng sông , phần tro, xương, thịt còn lại để trên bè thả trôi, trên sông Hằng thiêng liêng, qua những đoạn sông hoang vắng, bầy Quạ đói hè nhau vồ tới tấp , thỏa mãn những cơn đói lòng, thời tiết nóng bức đã hấp chín, bay mùi xương thịt ,gió từ dòng sông phát tán những hương vị này đến khứu giác của loài Quạ

         Hàng  ngàn con Quạ  chia nhau rút rỉa phần xót lại của  các Tử thi  trôi bềnh bồng trên  sông Hằng, hướng về phía biển, mãi mê mồi ,bầy Quạ  càng được đưa xa bờ biển, khi no chúng không còn đủ sức để bay vào bờ , hàng ngàn con đâm đầu xuống biển , kết thúc sinh mạng  trong ham muốn.. Xác của Quạ làm cho Dân chúng hoảng loạn, tiếng đồn đến tai Đức Vua, các Quan Đại thần lo sợ sự diệt chủng của bầy Quạ , làm ô nhiễm dòng sông Hằng thiêng liêng. Nên thảo luận đi đến kết luận : bầy Quạ vì mê mồi, chìm đắm trong hương vị ưa thích ,mải mê thỏa mãn vị giác và khứu giác , nên không còn khả năng chú ý để phân biệt mối hiểm họa rình rập mạng sống  xung quanh. Để gỡ bỏ , cắt lìa dòng tư tưởng đang dính chặt vào mồi ăn của bầy Quạ, thì âm thanh của Chuông sẽ làm cho bầy Quạ hoảng sợ và thức tỉnh, từ đó dọc cửa biển nơi sông Hằng  tiếp giáp ,giàn Phong cầm (Đàn gió) Phong linh (Chuông gió ) được dựng rải rác ,gây âm thanh thức tỉnh bầy Quạ.
 
        Pháp khí Đại Hồng Chung tỉnh mộng Vô minh ,dùng  âm thanh của chuông lay động mọi Người  thức tỉnh bớt đam mê  cuộc đời
 
     Những ai làm phước đúc Chuông, kiếp này, kiếp sau được các quả tốt sau đây :
     1.Có âm thanh tốt
     2.Luôn được mọi người nhắc nhở khi đam mê quên mình
     3.Có uy tín lan rộng
     4.Thường chánh niệm biết rõ ràng
     5.Sanh  Chư thiên nhờ Chánh niệm.
 

Hồng có nghĩa là phúc, tức là chuông đại phúc hay đại phước.

Theo dấu người xưa - Huyền thoại về chiếc đại hồng chung

06/08/2012 03:31

Tin tức

0

Bình luận

Chia sẻ

Tôi Viết

Nhiều truyền thuyết về vua Gia Long - Nguyễn Ánh thực hư khó biết, nhưng có những câu chuyện mang tính ngẫu nhiên có thể giải thích được, như chuyện cá sấu cản đường, rái cá nâng thuyền...

Riêng chuyện đại hồng chung chùa Sắc tứ Linh Thứu giúp ông trốn sự truy đuổi của Tây Sơn vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

 
Biển Sắc tứ Linh Thứu tự - Ảnh: Hoàng Phương

Ngôi chùa 3 lần được sắc tứ

Sắc tứ Linh Thứu nguyên thủy là ngôi chùa mục đồng nằm giữa khu rừng hoang thuộc làng Tân Thạnh Trung, nay thuộc ấp Chợ, xã Thạnh Phú, H.Châu Thành, Tiền Giang.

Vào khoảng giữa thế kỷ 18, vị tiểu tăng Nguyễn Phước Chánh (? -1816) đến trụ trì, về sau trở thành hòa thượng pháp hiệu Nguyệt Hiện, pháp danh Thiệt Thanh. Lúc này ngôi chùa có tên là Long Nguyên tự. Nhà sư Nguyễn Phước Chánh vốn thuộc dòng dõi chúa Nguyễn, vì vậy năm Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi đã ghé lại chùa tá túc. Tương truyền chúa Nguyễn ở được ít hôm nhưng do sự truy đuổi gắt gao của quân Tây Sơn nên nhà sư tìm cách đưa chúa đến trú ngụ ở chùa Quang Long (ngôi chùa này cũng được ngự tứ, hiện nay tọa lạc ở xã Tam Bình, H.Cai Lậy, Tiền Giang).

Nhờ công trạng đó nên vào năm Gia Long thứ 11 (1812), hòa thượng Nguyệt Hiện được phong Tăng Cang, chùa Long Nguyên được “sắc tứ” và đổi tên là Sắc tứ Long Tuyền tự, vua còn cấp cho 10 dân phu chăm sóc quét dọn chùa. Khi hòa thượng viên tịch, triều đình ban thụy hiệu là “Mẫn Huệ hòa thượng”.

Sau đó, hòa thượng Từ Lâm kế thế trụ trì. Năm 1830, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh của vua Minh Mạng, triều đình triệu Từ Lâm về kinh đô Huế để tụng kinh chúc thọ. Sau khi lễ nghi hoàn tất, Bộ Lễ tổ chức sát hạch, hòa thượng Từ Lâm và 50 cao tăng trúng tuyển được cấp “giới đao độ điệp” (tức dao cạo tóc và tờ điệp chứng nhận). Dịp này, triều đình đổi hiệu “Sắc tứ Long Tuyền tự” thành “Sắc tứ Linh Thứu tự”.

Khoảng năm 1890, Sắc tứ Linh Thứu tự được hòa thượng Trà Chánh Hậu trùng tu khá quy mô. Đến đời Bảo Đại, chùa Linh Thứu được sắc tứ lần thứ ba.  

Huyền thoại về chiếc đại hồng chung

Sắc tứ Linh Thứu tự là một trong những ngôi chùa xưa nhất ở vùng Tiền Giang, nhưng có lẽ chùa nổi tiếng là nhờ huyền thoại về chiếc đại hồng chung. Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1936 ghi lại huyền thoại này như sau: “Tại làng Thạnh Phú, cách Mỹ Tho 7 km, có một kỷ niệm lạ kỳ thời ông tẩu quốc. Tại đó có một ngôi chùa rất cổ được phong sắc tứ. Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi, chạy trốn vào Nam kỳ, ông đã trốn ở nhiều tỉnh để khỏi bị bắt và đến ngôi chùa này. Hòa thượng Dung, trụ trì ngôi chùa, một mình lật đại hồng chung để giấu kín vua vào bên trong. Đội quân Tây Sơn đến ngay lúc ấy cũng không ngờ sự có mặt của nhà vua. Bởi vì mạng nhện giăng đầy xung quanh chùa làm quân lính tưởng rằng không người nào vào nơi tôn nghiêm này. Sau khi quân Tây Sơn đi rồi, hòa thượng Dung mời nhà vua ra khỏi chuông và lấy ghe chài hộ tống vua đưa qua Long Hồ (Vĩnh Long). Khi Gia Long lên ngôi, ông cấp cho chùa này tấm biển bằng gỗ quý có khắc chữ Long Tuyền tự để tỏ lòng tri ngộ” (1). Câu chuyện đặc biệt này các tài liệu lịch sử chùa chiền ở Nam bộ trước đó chưa thấy đề cập.

 
Chiếc đại hồng chung - Ảnh: Hoàng Phương

Lần theo câu chuyện, có tài liệu cho rằng vào năm 1929, chùa Linh Thứu có một nhà sư đam mê nghề làm báo rồi thiếu nợ bèn đem… đại hồng chung qua Bến Tre bán. Sau đó bị dư luận phản đối nên tìm cách chuộc về, trùng dịp vua Bảo Đại sắc tứ chùa lần thứ ba, ông lập giới đàn lên làm hòa thượng, trong lúc cao hứng đã tạo ra giai thoại chúa Nguyễn Ánh từng trốn trong đại hồng chung kể cho mọi người nghe. Và huyền thoại ấy được những người tham dự lưu truyền rồi ghi vào tài liệu.

Chiếc đại hồng chung hiện còn lưu giữ tại chùa. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, chuông này được đúc vào năm 1805. Trên thân chuông còn khắc dòng chữ “Thiên vận Ất Sửu niên (năm 1805), tứ nguyệt cát tạo; Long Nguyên tự bổn đạo chú tạo hồng chung”. Điều đó chứng tỏ, chuông được đúc trước khi chùa đổi tên thành Long Tuyền, đồng thời sau khi vua Gia Long lên ngôi đến 3 năm. Do vậy, giai thoại nói chúa Nguyễn Ánh từng trốn trong chuông như đã mô tả trong nhiều tài liệu từ năm 1936 đến nay hoàn toàn phi lý. Hơn nữa, quả chuông quá nhỏ, không thể chứa được một thanh niên cỡ chúa Nguyễn lúc bôn tẩu được.

Ngoài ra, người ta còn thấy trên chuông có một dòng chữ khác “Gia Long thập nhất niên tặng phong Sắc tứ Linh Thứu tự”. Theo các bô lão, đây là dòng chữ do hội tề làng Thạnh Phú khắc thêm vào lúc chuộc được quả chuông từ Bến Tre đem về. Có lẽ hội tề làng xưa cũng không rành lịch sử ngôi chùa, bởi vào năm Gia Long thứ 11, chùa Sắc tứ Linh Thứu vừa mới được đổi tên từ Long Nguyên tự thành Sắc tứ Long Tuyền tự.

Ở đất Nam bộ, các huyền thoại, giai thoại về chúa Nguyễn Ánh trong thời gian bị Tây Sơn truy đuổi khá nhiều. Từ những chuyện khá bình dân như chúa Nguyễn Ánh ăn trái bần chua với mắm sống rồi đặt tên cho cây bần là thủy liễu, đến những chuyện ly kỳ như chuyện cá sấu đỡ trâu, cứu ông thoát hay kỳ đà lội qua sông chặn đường... Trong đó, có nhiều chuyện được tập hợp trong bộ tiểu thuyết lịch sử Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử xuất bản hồi năm 1930. Các huyền thoại Nguyễn Phúc Ánh lánh nạn Tây Sơn ở các chùa cũng không ít, như chùa Trường Thọ, chùa Long Huê (ở Gò Vấp, TP.HCM), chùa Thiên Tôn (Lái Thiêu, Bình Dương) hay xa hơn là chùa Sắc tứ Tam Bảo (Rạch Giá, Kiên Giang).

Lịch sử đẻ ra huyền thoại, nhưng huyền thoại không phải là lịch sử. Điều này những người viết sử nên cẩn trọng kẻo làm “nhiễu sóng” các thế hệ mai sau.

Sự thật về chiếc "chuông rung thiên long tam cõi, thuộc hàng đại quý hiếm"

Một số báo trong nước mấy ngày qua đưa tin, một người nông dân ở Phú Yên đang sở hữu một chiếc “chuông rung thiên long tam cõi”, là chuông cổ, lạ và là vật dùng để thờ phượng thuộc hàng "đại quý hiếm" khiến không ít người nghi ngờ giá trị thực của nó.

Theo mô tả của báo chí, chiếc chuông này nặng khoảng 0,3 kg (có báo nói 0,5kg), có chiều cao khoảng 15cm, đường kính lòng chuông khoảng 10cm, làm bằng đồng, có màu nâu đỏ. Trên chóp chiếc chuông có hình nổi một con rồng, bên thân chuông có 3 vị Phật, giữa các vị phật là những dòng chữ tượng hình của Trung Quốc.

Chủ nhân chiếc chuông nói trên là ông Nguyễn Bông (48 tuổi) quê ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa). Về nguồn gốc của chiếc chuông, ông Bông cho biết, năm 2005 ông mua lại chiếc chuông này từ một thanh niên khi đó làm tại công trình Thủy điện Sơn La với giá rẻ.

Sau đó, ông Bồng mang chiếc chuông này đi khắp nơi nhờ các nhà sư giải mã những ký tự trên chuông, cũng như thẩm định được giá trị của cổ vật này. “Nhưng các nhà sư chỉ biết đây là “chiếc rung thiên long tam cõi”, là vật dùng để thờ phượng nhưng  chưa một lần nhìn thấy chuông loại này. Các nhà sư cũng không thể dịch hết những ký tự trên thân trên thân chiếc chuông để xác định niên đại cũng như giá trị của nó”, ông Bông nói.

Tuy nhiên, quan sát kỹ hình ảnh chiếc chuông mà báo chí cung cấp, bất cứ người phật tử nào cũng có thể nhận diện được 3 vị Phật trên chuông ấy là 3 hình ảnh ngài Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen, một tay cầm nhành dương liễu, một tay cầm bình cam lồ (nhưng đúc không rõ nét).

3 vị Phật trên chuông là 3 hình ảnh ngài Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen. Ảnh: VTC

Cái được gọi là những "dòng chữ tượng hình của Trung Quốc" trên thân chuông thật sự chỉ là những chữ Hán theo lối viết thông thường của người Trung Quốc. Người nào biết chữ Hán cũng đều đọc được đó là bài Bát Nhã Tâm Kinh, một bài kinh ngắn, chỉ gồm 260 chữ, nói về Tánh Không của Phật giáo Đại Thừa mà Bồ tát Quán Tự Tại, tức Bồ-tát Quán Âm chứng đắc. Nó cũng là bản kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.

Bí ẩn "dòng chữ tượng hình của Trung Quốc" trên thân chuông là bài Bát Nhã Tâm Kinh. Ảnh: VOV

Các hoa văn họa tiết được khắc trên cái chuông này cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí đúc khá thô thiển. Mầu sắc của chuông thì rõ ràng không phải là mầu đồng nguyên thủy, mà là mầu xi mạ mà ta thường thấy trên các đồ vật làm giả đồng cổ ngày nay.

Còn kiểu dáng "chiếc chuông cổ thuộc hàng đại quý hiếm" này khá giống với chiếc đại hồng chung cổ được triển lãm tại một viện bảo tàng của Trung Quốc, nhất là phần bên dưới của chuông, phần quai treo chuông đã được thay thế bằng hai thỏi vàng giả.

Trong nhà Phật không có cái chuông nào được gọi là "chuông rung thiên long tam cõi", mà chỉ có chuông bảo chúng, còn gọi là chuông Tăng đường, tức là chuông nhỏ, chỉ một người xách lên được. Kiểu dáng của nó cũng giống như chuông U minh (đại hồng chung), được treo ở trai đường, dùng để báo tin trong lúc họp chư Tăng biết vào những lúc: Nhóm họp chúng, thọ trai, giờ chấp tác (lao động, làm việc đã được phân công), giờ bái sám trong các tự viện.

"Chiếc chuông cổ thuộc hàng đại quý hiếm" này khá giống với chiếc đại hồng chung cổ được triển lãm tại một viện bảo tàng của Trung Quốc. Ảnh: daitangkinh

Từ những phân tích trên có thể khẳng định đây là chiếc chuông nhái đại hồng chung theo kiểu giả cổ, nói theo Tiến sỹ Vũ Thế Long (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam), là chiếc chuông bình thường, mà ông cũng đã từng thấy bên Trung Quốc người ta bày bán những chiếc chuông dạng như thế này rất nhiều, chủ yếu làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Nguồn gốc của nó có thể được chế tác từ Trung Quốc hoặc Đài Loan. Và giá trị thực của chiếc chuông "đại quý hiếm" này không quá vài trăm ngàn đồng.

Công trình Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng được xây dựng trên đồi C4 (núi Hàm Rồng - một địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Thanh Hoá).

Sau khi hoàn thành, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng không chỉ là nơi tu học của các tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, mà còn góp phần tôn tạo danh thắng núi Hàm Rồng, góp phần thực hiện thành công dự án Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng đưa nơi đây trở thành danh lam thắng tích, điểm tham quan du lịch thu hút du khách.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm