Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Trong tranh Vòng Luân Hồi vẽ hình con gà (thỉnh thoảng vẽ hình bồ câu), rắn và heo. Ba con vật này là tham, sân, si, đã chỉ huy và điều khiển cho bánh xe chuyển quay, nên nó là điểm trung tâm quan trọng.

Gà là tượng trưng lòng tham, tham đủ thứ, lòng tham vô đáy. Màu đỏ của lông gà trống dễ liên tưởng đến lửa tham nung nấu những ai ôm và nuôi lấy lòng tham.

Hoặc vẽ bồ câu là chỉ cho tham ái, dễ yêu, thấy là vuốt ve, ngã ái, nên những gì ngã (ta) thích thì tâm muốn vơ lấy để nhiễm, tăng trưởng lòng nhiễm, lòng thuận, mền mại, dễ chịu, hấp dẫn và ngọt lịm (giống mía lau), thế nên khó thoát, khó chịu ngóc đầu lên.

Đức Phật dạy: Tham dục là một hố than hầm, người bịnh (tức chúng ta) tưởng lầm là ấm áp sung sướng, nên đâm đầu vào.

Rắn là biểu hiện cho tâm sân giận. Khi chúng ta bực bội, khó chịu, tức giận, thù hằn thì mặt mày chúng ta xanh lét, không có chút máu, giống như màu xanh xám của da rắn vậy. Và cứ nuôi dưỡng lòng sân giận thì chúng ta sẽ đi đến trả thù, hãm hại người, giết người, giống như rắn sẽ mổ và cắn hại những ai đụng chạm hay xâm phạm chúng.

Tâm chúng ta nếu không biết ‘thiểu dục tri túc’, thì chúng ta ít khi nào cảm thấy hoan hỉ và vừa lòng với ai lắm. Việc gì cũng càm ràm và thấy khó chịu, không thỏa mãn. Đây cũng là một dạng chủng tử của sân giận, không hoan hỉ như Ca dao Việt Nam có câu:

“Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

Cao chê cao ngỏng, thấp chê lùn.

Mập chê béo trục béo tròn

Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.”

Sân hận mất bình an, nặng quá thì đi đến căm thù là chất liệu của địa ngục ở cả hiện tại và vị lai. Nguy hiểm của sân là kích thích thân miệng ý đi về đường ác. Sân làm bực bội là thọ ấm, dấy lên suy nghĩ là tưởng ấm, chuyển biến tâm địa là hành ấm, bản chất chủng tử của hành ấm là thức ấm, các tướng mạo hiện ra là sắc ấm. Thế là từ sân giận mà chuyển hoá đầy đủ cả năm ấm xí thịnh. Đây là một trong tám khổ. Và vì muốn thoát khỏi tám khổ này mà thái tử Sĩ Đạt Đa đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa nơi cung điện để xuất gia học đạo.

Heo là biểu tượng của sự ít quan tâm đến sự sạch sẽ của tâm hồn. Thân thể nặng nề, màu da xám tối.

Nếu thân mình nhơ bẩn liền đi tắm. Ngày mai lại mồ hôi cáu bẩn, lại đi tắm, như thế người này được coi là sạch sẽ. Đó là thân, còn tâm của chúng ta? Mỗi khi nói lỡ một câu sai, lỡ một hành động quấy, lỡ sân thì ta lại sám (rửa) hối (tiếc), sám hối là làm mới lại, là tắm rửa tâm đó, còn ngược lại là si, ít quan tâm đến tâm tư trong sáng; cứ để cho các phiền não, buồn phiền, ghen ghét, bực bội… nặng nề bao phủ tâm.

Đức Phật dạy cái khổ ngu si là đáng sợ hơn cả. Vì ngu si là mê muội, không biết tránh ác, làm lành để đến nỗi tự đọa đầy.

Chúng ta thấy ba con này cắn đuôi nhau. Gà ngậm đuôi rắn. Rắn ngậm đuôi heo. Heo ngậm đuôi gà nghĩa là ba độc tham, sân và si mật thiết dính liền với nhau. Vì si mới tham, tham bị chướng ngại liền sân. Ngày đêm ba con này không ngừng hoạt động trong tâm, kích thích chúng ta tạo nghiệp để cảm luân chuyển chịu báo.

Trong kinh Pháp Cú[1] có dạy:

“Không lửa nào bằng tham,

Không chấp nào bằng sân,

Không lưới nào bằng si,

Không sông nào bằng ái.”

Đức Phật với Phật tuệ biết được một trận mưa có bao nhiêu giọt. Nhưng vòng luân hồi đắng cay, biển khổ trầm luân của tham, sân, si và ái này, khổ nhiều quá gọi là biển khổ, không đếm được.

Cũng trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy chúng ta điều phục tham dục và sân giận:

“Khó nắm giữ giao động,

Tâm phàm dục chi phối,

Lành thay điều phục tâm,

Tâm điều hưởng an lạc.”[2]

“Hận thù diệt hận thù,

Đời này không thể có,

Từ bi diệt hận thù,

Là định luật thiên thu.”[3]

Cố Hoà Thượng Thiện Siêu đã viết trên tấm sáo hoành rằng:

“Một chút giận, hai chút tham,

Lận đận cả đời ri cũng khổ.

Trăm điều lành, ngàn điều nhịn,

Thong dong tấc dạ rứa mà vui.”

Người ngu si thấy dưới lòng nước có trăng, lao đầu xuống mò kiếm, nhọc sức luống uổng mà còn phải chịu cái khổ chết chìm. Chúng sanh từ lịch kiếp lầm nhận vọng tưởng phân biệt duyên theo sáu trần làm tâm. Suốt đời vất vả mưu cầu hạnh phúc hảo huyền, kết cuộc chẳng nắm bắt được gì. Tâm phan duyên nuôi ba độc tham sân si, đưa đến sát đạo dâm vọng để trầm nịch (chìm đắm) luân hồi, không biết bao giờ mới ngóc đầu lên được.

Gió giác quan (tức cảnh từ sáu trần nhập vào) nếu không theo dõi sẽ gây bão tố tham sân si, nuôi dưỡng tâm gà rắn heo. Do tham sân khiến miệng nói, thân làm sai quấy. Do si mê thấy thiện ra ác, ác ra thiện. Ba thứ phiền não này vừa như lửa nung nấu, vừa như nước nhận chìm.

Chúng ta nghe lời Phật dùng hơi thở (thân niệm xứ, quán sổ tức) để trở về với chánh niệm, không bận lòng đến đối phương muốn khiêu khích hay gây sự. Hành động xấu xa, lời nói độc ác, vừa nói đã tan theo bản chất vô thường của nó, vì cứ vơ lấy nghĩ ngợi nên mình tự đốt nhà mình. Chính sân hận của mình hại mình, nên tập mát mẻ. Thân ta là đất nước gió lửa, nên chẳng có nhục nào để nhẫn. Nhớ tâm từ để diệt trừ ác ý. Nhớ tâm bi để trừ tàn nhẫn. Nhớ tâm hỉ để trừ phiền hận. Nhớ tâm xả để trừ thù oán là các chủng loại họ hàng của con rắn.

Chúng ta thấy ba con gà, rắn và heo chạy trên màu xanh da trời là màu hư vọng. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… là căn bản phiền não, là gốc của tái sanh, gốc của sanh tử luân hồi. Chúng ta nuôi ba con này trong lòng nên bồi đắp mãi cảnh luân hồi. Vị trí trung ương điều khiển bánh xe, là tạo hoá bày ra vũ trụ, là nhân chính sinh thế giới, chúng sanh và nghiệp quả nhưng thể chất là hư vọng, tỉnh là tan ngay.

 

(Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)

 

[1] Dhammapala, tr. Ven. Narada Maha Thera, Maha Bodhi in Sarnath, 2000, (versse) kệ số 251.

[2] Nt, (versse) kệ số 35.

[3] Nt, (versse) kệ số 5.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm