Sau bài Trắc Nghiệm Lại Mình, cô đọc những ý kiến của các em đóng góp. Tất cả đều hiểu đúng ý nghĩa của các nghi thức này. Bây giờ cô chỉ đúc kết lại thôi.
Một sự kiện nào trên đời cũng sẽ có thể được nhìn qua hai chỗ đứng: một là chỗ đứng của người thế gian, gọi là cái thấy theo tục đế; hai là chỗ đứng của bậc tỉnh thức, có tu tập, tạm gọi là chân đế.
Tục đế là sự thật theo người còn tâm đời, ít nhiều vô minh, chỉ căn cứ trên giác quan tiếp xúc mà xét đoán, lý luận theo thói quen. Tất cả những gì mà người đời trông thấy, hay nghe hay xúc chạm được đều là có hiện hữu thật. Cho nên có sinh, có già, có bệnh, có chết, có khổ đau, có chiến tranh v.v...tất cả đều thật sự hiện hữu.
Còn chân đế là những sự thật được chư Phật chứng nghiệm rồi đem ra giảng dạy cho mình. Những sự thật này không bao giờ thay đổi, nó có giá trị trong tất cả thời gian và không gian của thế giới chúng ta đang sống. Trong chân đế lại tạm chia ra hai mức độ để dễ trình bày. Mức độ tương đối dễ nhận ra, lúc ban đầu còn dùng giác quan tiếp xúc, nhận biết cái bề ngoài của hiện tượng, tạm gọi là Hiện tượng học (Phenomenology) và mức độ sâu sắc hơn, nhận biết qua trí tuệ cái bản thể tiềm ẩn của hiện tượng, tạm gọi là Bản thể học (Ontology). Trong Phật học, liên quan tới bề ngoài của hiện tượng, tạm đặt tên là Tục đế Bát Nhã. Liên quan tới bản thể thì tạm đặt tên là Chân đế Bát nhã.
Thí dụ những chủ đề sau đây thường được các vị Tổ sau này xếp là Tục đế Bát nhã: vô thường, khổ, ngũ uẩn, tứ đế, duyên sinh duyên khởi, luân hồi, tái sinh, nghiệp v.v...
Những chủ đề này được xếp là thuộc Chân đế Bát nhã: tánh không, tánh huyễn, tánh chân như, niết bàn v.v...
Bây giờ cô trở lại trọng tâm của mình. Nghi thức lễ Phật và Tổ, có thể có nhiều cách thấy, tùy tâm của mình, hay căn cơ của mỗi người.
Chúng ta đều có tu học một thời gian rồi, không ai còn có cái nhìn theo tục đế, của người đời. Tức là xem Đức Phật là pho tượng bằng đồng này, đang ngồi ngắm nhìn mình, nên mình phải lễ lạy, cúng dường rồi cầu xin việc này việc kia.
Chúng ta có cái thấy của người tỉnh thức rồi, tuy mức độ tỉnh thức có khác nhau. Chúng ta lễ Phật với tâm chân thành tưởng nhớ tới công đức giáo hóa và trí tuệ của chư Phật. Hạnh biết ơn là một hạnh tu rất quan trọng. Khi mình biết ơn ai, thì ngay sau đó, mình biết trả ơn, bằng cách nào là tùy nơi mình. Chúng ta lễ Tổ, cũng với lòng biết ơn, nếu không có Tăng bảo, làm sao chúng ta tiếp cận được với Pháp.
Phật- Pháp- Tăng không thể tách rời. Tại sao? Pháp là thường hằng trong vũ trụ, có Phật hay không có Phật, Pháp vẫn có, vẫn vậy, không thay đổi. Nhưng nếu không có Phật nhận ra và giải thích lại cho mình, thì Pháp có mà cũng như không có đối với mình. Nhờ có Phật nói Pháp, nên mình mới biết Pháp. Tuy nhiên, tới bây giờ, Phật đã nhập niết bàn rồi, thì cần có Tăng, mình mới hiểu được Pháp. Nếu khi nào, thế gian không có Tăng, thì Pháp cũng biến mất luôn. Đối với người vô minh.
Ngay bây giờ, có Pháp, có Tăng, mà con người vẫn còn khổ. Tại sao vậy? Vì người này không biết, không thấy có Pháp, có Tăng. Tương tự như vậy, niết bàn có, nếu mình thấy. Nếu ai không biết, không thấy, thì niết bàn không có.
Ai nghe Đức Phật đang giảng pháp tại núi Linh Thứu, là người này quả có nghe thật. Ai không tin, là người đó không nghe, không thấy.
Pháp, tức là những chân lý thường hằng trên thế gian. Nghĩa là lúc nào cũng có, quá khứ, hiện tại và vị lai đều có. Pháp phổ biến khắp nơi, nghĩa là bao trùm, hiện hữu khắp nơi, như hư không có khắp nơi. Đây là hai mặt thời gian và không gian.
Tuy nhiên Pháp không hình sắc, không âm thanh, vậy Pháp ở đâu? Đối với cảnh giới người, có giác quan, nó hiển hiện ra tương ứng với giác quan của người. Con người có 6 khả năng: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nên Pháp hiển hiện ra bằng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Gọi chung là hiện tượng thế gian hay thế gian, hay cõi đời.
Tóm lại, mình hiểu ý nghĩa của câu niệm: ba đời, tột hư không khắp pháp giới rồi.
Phật, Pháp, Tăng trên mặt bản thể là một. Ba ngôi này hiện hữu đồng thời. Phật không thể có nếu không có Pháp và Tăng. Pháp không thể hiện hữu nếu không có Phật và Tăng. Tăng không thể có nếu không có Phật và Pháp. Vậy trên mặt chân đế, mặt bản thể, mình tưởng nhớ tới, hay tri ân ba ngôi báu này. Lòng hoan hỷ vô hạn vì biết rằng, Phật, Pháp và Tăng đang có mặt, thường trụ khắp thế gian. Mình đang sống bình an trong cảnh giới của Phật, Pháp và Tăng này. Tâm dừng lại. Là niết bàn. Thoát khổ.
Tiếp theo, niệm tới 3 danh hiệu Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Tới đây là đi vào thực tế, vào thế giới có tên gọi, có ngôn ngữ. Phật Vipassì (âm là Tỳ Bà Thi là một vị cổ Phật, theo lời kể lại của đức Thế tôn trong kinh Nikàya) là tượng trưng Phật từ thời quá khứ xa xưa, thuở mà con người sống hàng trăm ngàn năm. Sau khi các vị cổ Phật nhập niết bàn, Pháp dạy của các ngài cũng biến mất hẳn trên thế gian, nên Tăng cũng không có, bấy giờ đức Phật Thích Ca mới ra đời. Tạm xem là Phật thời hiện tại, từ thế kỷ thứ V trước công nguyên cho tới nay, Pháp và Tăng vẫn hiện hữu nên ngài vẫn còn là Phật của thời hiện tại. Thế nên bây giờ vẫn là thời đại của Chánh Pháp.
Cho tới khi nào Tăng không còn ai, kinh sách, hình tượng không còn, Pháp đã biến mất. Bấy giờ mới lại có một vị Phật khác ra đời để nhắc lại Pháp cho thế gian. Theo truyền thuyết, đó là ngài Di lặc.
Có một sự thật này, mà trong kinh nói rất rõ: tất cả các vị Phật đều xuất hiện, tu tập, thành đạo và giáo hóa, tương tự nhau. Nhất là nội dung của giác ngộ và giáo hoá đều là những chân lý y hệt nhau. Những chân lý muôn đời không thay đổi, chi phối vũ trụ mà con người đang sống. Tức là Pháp. Trong kinh khi nói tới việc chứng ngộ Tứ Diệu Đế, Đức Phật nói rằng: ta tìm ra được “con đường mòn mà chư Phật thời quá khứ đã đi, chư Phật thời hiện tại đã đi, chư Phật thời vị lai cũng sẽ đi, dẫn tới ngôi thành cổ. Đó là Bát chánh đạo...” . Cũng là con đường của Giới- Định- Huệ.
Mình cũng nên lưu ý một điểm nữa là: tất cả các vị Phật đều có danh hiệu Như Lai / Tathàgata, và đồng là Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Giác ngộ đồng nhau, như nhau. Vậy trên mặt bản thể, không gọi tên, thì tất cả chỉ là một mà thôi. Một bản thể giác ngộ, một chân lý đồng nhất.
Nhưng khi đi vào thế gian, thì có tên gọi, mình tưởng là khác nhau. Vì ý thức phân biệt của mình.
Khi đạt được vô phân biệt trí, thì không còn tên gọi nữa. Đó là trí của bậc A la hán, thể nhập được cảnh giới niết bàn.
Trở lại chủ đề của mình. Tạm xem là cái chỗ đứng của thế gian, tục đế. Sở dĩ chư Tổ bày ra những nghi thức tụng niệm hằng ngày là dành cho mình, sơ cơ, tập gom tâm lại, chỉ ghi nhớ tụng đọc mà thôi. Khi chắp tay trước bàn Phật, tâm không còn nghĩ tới những ý ác, tham sân nữa. Cho nên chư Tổ bày ra nhiều bài tụng đọc dài dòng, thời gian tâm mình bình an được kéo dài thêm.
Đây cũng là truyền thống học thuộc lòng và đọc tụng từ thời Đức Phật còn tại thế. Tuy nhiên, vị nào căn cơ thuần thục rồi, sau khi xuất gia, Đức Phật cho một chủ đề thích hợp, một mình vị ấy đi vào rừng, quán chiếu và một thời gian ngắn thì đạt được giải thoát khỏi các lậu hoặc, chứng ngộ niết bàn.
Cho nên tùy theo căn tánh mà chọn phương thức tu sao cho thích hợp với mình.
Nếu tâm mình quá loạn động, cuộc đời nhiều ngang trái, mình cần phải đi từ bước dễ, là tụng đọc kinh sách nhiều hơn, trấn an tâm, giải ra bớt buồn khổ, sám hối với Phật, quán chiếu vô thường, suy gẫm nhân quả nghiệp báo từ nhiều đời v.v... Sau đó tâm dịu lại rồi mới ngồi thiền. Mới có thể tập dừng tâm lại mà không dồn ép tâm.
Khi đọc kinh sách, không cần phải hiểu tất cả. Chỗ nào không hiểu, sẽ tự nhiên hiểu một ngày nào đó, trong giây phút thảnh thơi. Lúc đó mình biết là Huệ tự phát. Lại thêm một niềm vui, nhè nhẹ, âm thầm. Vì mình không thể nói với ai, nên niềm vui này âm ỷ, lan tỏa trong thân tâm mình thôi. Kinh gọi là “Thiền duyệt thực” , niềm vui trong Thiền, nuôi sống thân và tâm.
Đó là phương thức tu, tạm gọi là “tích cực” hay “lạc quan”. Thay vì những giờ phút rảnh rỗi, mình nhớ lại quá khứ có nhiều kỷ niệm sum họp, vui vẻ rồi bây giờ buồn thêm, hay mình nghĩ tới hiện tại già yếu, cô đơn rồi buồn lo. Thì mình phải có trí tuệ để thay thế những giờ phút nguy hiểm, vô ích đó bằng tu học, tích cực, lạc quan hơn.
Mình lấy kinh Phật ra đọc, hay lấy máy ra nghe đọc kinh Nikàya. Nghe kinh Tiểu bộ thì dễ hiểu hơn Trường bộ, hay Trung bộ. Kinh Tiểu bộ thường là những bài kinh ngắn, những truyện tích, ở cõi trời, cõi ngạ quỹ, những truyện tiền thân của nhiều vị đệ tử của Phật; những truyện chứng ngộ rồi nói ra thi kệ của các vị trưởng lão và trưởng lão ni. Mỗi câu truyện cho mình một bài học trên con đường tu của mình.
Một ích lợi nữa là trong những giờ phút này, tâm mình không lo buồn vẩn vơ nữa về quá khứ hay hiện tại hay tương lai. Không khởi nghĩ tới những “pháp ác, bất thiện”. Vậy là mình đang tu học đúng. Tâm mình đang chuyển hóa từ từ, trong sạch hơn. Tiếp theo, mình có thể lên thực hành “Như Thực” trong đời sống hay Biết không lời, kinh gọi là chánh niệm.
Kết luận, nghi thức tụng niệm có ích khi mình nhận ra trạng thái tâm của mình lúc đó đang “ly dục, ly pháp bất thiện”. Tâm đang trong sạch. Nhưng chưa thực sự trống không, vì tâm có một chỗ để duyên theo, là kinh sách, là kệ tụng v.v...cho nên phương thức này là bước đầu hỗ trợ mình, có thêm tuệ trí, hiểu biết kinh điển thêm.
Tâm thực sự trống không khi mình đi vào cái Biết không lời vững chắc, nghĩa là ngay cả không còn chủ đề dụng công.
Thích Nữ Triệt Như
25- 9- 2020