Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

PHÓ VIỆN CHỦ CHÙA VẠN PHƯỚC


(1916 -1999)


I. THÂN THẾ  
Ni trưởng thế danh là Bùi Thị Nương, Pháp danh Diệu Ý, Pháp hiệu Nhựt Ý thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Ni trưởng sinh ngày 15 tháng 02 năm 1916 (Bính Thìn) tại Giồng Trôm, Bến Tre trong gia đình trung nông, Nho giáo. Thân phụ là cụ ông là Bùi Văn Ký, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Do. Ni trưởng là con thứ ba trong gia đình có sáu anh chị em (hai trai, bốn gái), cả gia đình đều kính tin Tam Bảo vì giòng tộc nội ngoại nhiều đời đều là Phật tử thuần thành.
Thời thơ ấu, thường theo song thân lên chùa lễ Phật nghe Kinh nên lòng mộ đạo của Ni trưởng càng thêm tăng trưởng, chí xuất trần đã sớm phát từ đây.


II. THỜI KỲ  XUẤT GIA HỌC ĐẠO
Vừa 17 tuổi, Ni trưởng mạnh dạn thưa cùng song thân xin được xuất gia học đạo và đã được song thân chấp thuận. 
Đầu năm 1933, Ni trưởng được thế phát xuất gia với Hòa thượng Hồng Ảnh (trụ trì chùa Huệ Quang). Tuy xuất gia ở chùa Tăng, nhưng Ni trưởng luôn tuân thủ khép mình theo quy luật của thiền gia, tấn đạo nghiêm thân, trau giồi giới hạnh.
Năm 1936, Hòa thượng Huệ Quang mở Giới đàn và Ni trưởng được thọ giới Sa-di-ni.
Năm 1938, Ni trưởng về chùa Bửu Thành, Y chỉ với Ni trưởng Diệu Chơn (hiệu Quảng Thiện) ở xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm và được thọ Thức-xoa-ma-ni tại trường Hạ chùa Bửu Thành.


Năm 1940, thọ Đại giới tại chùa Phật Quang, tỉnh Bến Tre.
Mặc dù sống đời tu sĩ nữ lưu với áo vải nâu sồng, lam lũ nhưng tâm hồn Ni trưởng vẫn cảm thấy rất an vui nhẹ nhàng, thanh thoát, nương vào thiền định chuyên tu. Ngoài việc kệ Kinh tụng niệm hôm sớm, Ni trưởng còn phải ra đồng cày cấy, chăm bón hoa màu…  để làm kinh tế tự túc nhà chùa. Tuy cực nhọc nhưng Ni trưởng lúc nào cũng cảm thấy vui và nỗ lực ôn tầm bối diệp, tham cứu yếu nghĩa với các bậc Thiện tri thức để trí tuệ ngày thêm tăng tiến, nhất là trau giồi giới học.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO 
Năm 1941, Ni trưởng được Phật tử cùng ban Hương chức cung thỉnh về trụ trì chùa Huệ Khánh. Nơi đây, Ni trưởng đem giáo lý Phật đà giảng dạy khuyên tấn các Phật tử giác ngộ tu hành bằng phương tiện của năm giới. Ni trưởng là người thầy mẫu mực cho các Phật tử nơi đạo tràng chùa Huệ Khánh.
Năm 1943, Ni trưởng về trụ trì chùa Bửu Long, xã Tân Hào, huyện Ba Tri. 
Ni trưởng là cánh chim không mỏi bay khắp đó đây đem Chánh pháp nhiệm mầu của Như Lai để nơi nơi nhuần gội. Ni trưởng đã phát nguyện: “Nơi nào Phật pháp cần thì đến, chúng sanh cần thì đi, chẳng kể gian lao chẳng từ khó nhọc”. Thực hiện tinh thần Tỳ-ni Luật tạng, năm 1944, Ni trưởng an cư nhập hạ và tham học Phật pháp tại chùa Hội Phước.


Năm 1945, Ni trưởng về an cư tại chùa Bửu Tháp, xã Vang Quới tỉnh Bến Tre. Với thâm tình pháp lữ, linh sơn cốt nhục, Ni trưởng gặp Ni trưởng Như Chơn. Cùng là Bồ-đề quyến thuộc, vào đầu xuân 1952 Ni trưởng được Ni trưởng Như Chơn mời về chùa Vạn Phước, xã Kim Sơn, tỉnh Định Tường để cùng chung lo Phật sự. Thế là Ni trưởng dừng chân tạm nghỉ dưới mái chùa Vạn Phước, duyên lành pháp lữ được thù thắng nơi đây. Ni trưởng thấy cơ duyên thuận tiện nên nhận lời rồi cùng Ni trưởng Như Chơn phát nguyện cùng gánh vác Phật sự, trùng tu chùa Vạn Phước và xây dựng nơi đây trở thành chốn trang nghiêm để khai đạo tràng tiếp độ Ni lưu.


Tại chùa Vạn Phước, Ni trưởng đảm trách mọi công việc Phật sự, đêm công phu bái sám, ngày dạy đạo cho chúng Ni. Bên cạnh việc tu học còn làm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khi thì làm giá, nấu đậu, lúc khuya theo dòng nước thủy triều gánh giá ra chợ Kim Sơn để đổi lấy từng lon gạo cho Ni chúng an tâm tu học. Mặc dù, đa đoan công việc nhưng Ni trưởng lúc nào cũng kiên tâm, nụ cười luôn nở trên môi. Chiến sự bùng nổ, bom đạn dày xéo quê hương, Ni trưởng vẫn bám giữ mảnh đất khô cằn để nỗ lực xây dựng ngôi Vạn Phước được phồn thịnh và Ni chúng đạo nghiệp được chu viên.


Đầu xuân 1995, Ni trưởng cùng với Ni trưởng Như Chơn quyết định xây cất lại ngôi chánh điện chùa Vạn Phước đã hư hại, xuống cấp do thời gian và phần vì bom đạn chiến tranh tàn phá. Công việc này tốn kém cả tài lực lẫn tâm lực.


Khi ngôi chánh điện khánh thành thì cũng là lúc sức lực của hai Ni trưởng cạn kiệt do đã tận dụng thân ngũ uẩn làm phương tiện phụng sự Phật pháp.
Từ năm 1976, Ni trưởng nhận thấy thân tứ đại đã mòn mỏi, tuổi đã già sức đã yếu lại vướng bệnh bao tử, tự biết chẳng còn trụ thế được bao lâu nên việc Phật sự của chùa giao lại cho Sư cô Phước Quang đảm trách. Từ đó, Ni trưởng bế môn nhập thất, lấy pháp môn Tịnh độ làm y chỉ, ngày đêm chuyên tụng Kinh niệm Phật, lễ Sám cho đến ngày quãy dép về Tây.


Lúc tuổi già đau yếu, Ni trưởng tránh các duyên, chuyên lo tu niệm không một phút lãng xao. Ni trưởng còn khuyên mọi người cố gắng niệm Phật để dứt trừ phiền não, giải thoát khỏi sinh tử khổ đau. Ai có duyên nghe lời dạy bảo ấy đều cảm động tinh tấn tu hành, chẳng dám chểnh mảng. Thế nên sự tinh tấn tu niệm của Ni trưởng nhằm tự độ mà còn thầm có ý độ tha. 
Ni trưởng thường dạy : “Phàm làm đệ tử Phật, nếu không coi sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng, cần tu như tợ lửa cháy đầu phải mau dập tắt, không lo buông bỏ gánh nặng sinh tử trong một đời này, mà cứ dần dà dể duôi, bỏ phí tấc bóng quang âm thì luống uổng một đời làm đệ tử Phật”.


IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Đến năm Kỷ Mão (1999), Ni trưởng lâm trọng bệnh, toàn thể Ni chúng hết lòng lo thuốc thang điều trị nên bệnh có phần thuyên giảm nhưng sau cơn bệnh đó sức khoẻ của Ni trưởng đã kém đi nhiều.
Thế rồi, vào lúc 01 giờ khuya ngày mùng 4 tháng 7 năm Kỷ Mão (ngày 14 tháng 08 năm1999), Ni trưởng an tường viên tịch. Trụ thế 83 năm, 59 hạ lạp.
 
 “ Phật sự viên thành xã huyễn thân,
  Diệt sanh, sanh diệt đã bao lần,
  Mượn nương huyễn thể khơi nguồn giác,
  Hội nhập Tỳ lô hiện tánh chân.”
Từ khi nhập đạo, hành đạo đến khi xả báo thân, Ni trưởng đã thể hiện tinh thần tự hành hóa tha, chan hòa ánh đạo. Quả là tấm gương lành tỏa rạng ngàn sau, rạng danh hàng Thích tử.

(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/69/ni-truong-thuong-nhu-ha-y.html)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm