Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hinh anh hoa dep1

 7. Thiện Duyên

Liêu Linh Chuyên

Tối hôm đó, vào một đêm mưa, Mạ tui loay hoay ôm vào nhà một túi nặng được bọc kín vải một cách cẩn thận.

Ba sốt sắng đi bắt những ngọn đèn màu lấp lánh trên chiếc tủ gỗ. Một hồi sau, bọc vải được mở ra. Ba Mạ nâng niu đặt pho tượng màu trắng lên bệ gỗ nhỏ để thờ. Đó là lần đầu tiên trong đời Phật đến nhà tui!

Là những người cán bộ lâu năm, chống mê tín dị đoan như một cái gì ăn sâu vào tâm trí của Ba Mạ. Mỗi lần thấy người ta đi chùa lễ Phật, Ba tui thường thắc mắc vì răng người ta lại quỳ lạy một pho tượng vô tri vô giác… Ba không tin có Phật độ trì, không tin luân hồi nghiệp báo… Con người chỉ có một lần sống duy nhất, gắng sống thật tốt, rứa là được. Nhưng rồi nhiều oan trái giáng xuống khiến gia đình nhà tan cửa nát… Kêu trời, trời chẳng đoái hoài… Hết điều này đến điều khác khiến Ba Mạ tui nhiều lúc bế tắc, không dám tin vào “tình người”…Trong những tháng ngày hoang mang tột cùng đó, Ba Mạ đã tìm đến một niềm tin mà lâu nay không hề tin đến. Tin Phật!

Và cũng nhờ vậy mà duyên Phật đến với bản thân tôi, đứa con gái út vốn từ nhỏ đã được tiêm nhiễm vào đầu những tư tưởng mới, không thích thắp hương hay vào chùa lạy Phật! Từ ngày thờ Phật, Ba thường chở tui lên chùa giúp chùa viết lại

 

kinh sách. Chữ Hán của Ba rất đẹp, tài vẽ thì tuyệt vời, chính vì rứa mà Ba đã hồi phục lại nhiều kinh sách quý cho chùa (khi đó máy phô-tô còn là chuyện xa xỉ). Và cũng nhờ công đức Ba làm đó mà đưa tui đến với những thiện duyên, được chùa Kiều Đàm-Huế cho nhận hỗ trợ tiền học giúp trẻ em nghèo hiếu học. Ba tháng 50 nghìn, dù chỉ đủ mua vài ba quyển sách nhưng với tui là cả một sự động viên vô bờ. Các Sư cô trong chùa cũng hết lòng hỗ trợ người khó khăn, khi có tiền thì nhờ chú xe thồ đạp xe về tận nhà để gọi tui lên nhận. Nghe tin, tui lại đi mượn chiếc xe đạp đến nhận tiền. Có lần xe trật xích liên tục, lên đến nơi đã trễ hơn cả tiếng đồng hồ nhưng tui vẫn luôn nhận được sự ân cần an ủi của các Sư cô, khiến cho tui cảm nhận được những tình thương bao la từ những người con của Phật. Mỗi lần nhận tiền, tui lại nắn nót viết dòng “Con xin cảm ơn quý ân nhân đã giúp con học tập, con hứa học tập thật tốt để không phụ lòng quý ân nhân!”. Dòng chữ đó như một lời hứa, một niềm tin để tui vượt qua tất cả những biến cố của cuộc đời!

Vào một đêm trời Huế vào thu, se lạnh. Ba ngồi bên cạnh tui và nói rằng: “Bé ơi, Ba không thể cho con đi học được nữa vì nhà không có điều kiện. Trời không có con mắt, Ba bất lực rồi con à!” Tui lặng nhìn Ba, lần đầu tiên thấy Ba yếu đuối đến vậy. Khuya. Tui nằm mơ thấy nước dâng ngập người mình, rồi nghe tiếng Ba gọi “Bé ơi,” tiếng gọi ngày một rõ. Tui vùng dậy thì thấy Ba đang ngồi trước một vũng máu tươi. Máu chảy đầy cái thau đồng ông nội để lại. Ba lặng lẽ rút những đồng tiền ít ỏi còn lại đưa cho chị em tui rồi lên viện. Từ đó tui không còn được nói chuyện với Ba cho đến ngày đưa Ba về và xa Ba mãi mãi…

Ngày Ba mất, trời đổ mưa. Cơn mưa như xoáy lấy nỗi đau và làm xói mòn cả niềm tin về cuộc sống. Các Thầy, các Sư cô về thay nhau hộ niệm vì họ quá xót xa cho một cuộc đời tài hoa của Ba tui phải ra đi khi những nỗi đau chưa hề được bày tỏ… Anh chị em tui chỉ biết nhờ những lời giảng trong kinh Phật mà xoa dịu nỗi đau, thấu hiểu được việc báo hiếu của cuộc đời làm

 

con, ngộ ra nhiều điều về kiếp luân hồi của đời người.

Ngày tháng cứ thế đi qua… Một sinh viên vừa vào Đại học, xa Mạ, mất Ba, ở nhờ nhà anh trai mà anh lại là một giảng viên cực khổ chạy từng bữa cơm nên đôi khi cảm giác thật bế tắc. Tui lại là người đam mê học, nhất là mỗi lần nhận học bổng từ chùa, lời hứa trên dòng chữ đối với tui là điều khiến cho tui không thể bỏ cuộc. Tui thay Ba Mạ thắp hương lạy Phật, ngày một thành tâm. Và thế rồi phép màu đến với tui.

Đó là lần tui được Trường đưa đi học một năm Đại học tại Trung Quốc nhưng xe Trường bị hỏng, đành nán lại một tuần và tui nhận được một bức thư gửi từ Mỹ về. Nhận thư, tui không dám mở ra vì không hề quen ai ở Mỹ. Sau một hồi lấy lại “dũng khí”, tui mở thư ra và vỡ òa cảm xúc khi biết bức thư đó chính là “Quý ân nhân” lâu nay đã gửi tiền về nhờ chùa giúp trẻ em nghèo học tập! Chao ơi, thật không ngờ có ngày tui lại cầm được trên tay chữ của ân nhân mà tui nghĩ không bao giờ gặp được.

Bỗng thấy niềm tin về duyên nghiệp ngày càng hiện hữu rõ hơn. Và thế rồi hai bác đó về thăm tui, nhận tui làm con nuôi và cho tui tiền đóng học phí để đi học tiếp cho xong Đại học. Ba Má nuôi là hai Phật tử đã thọ tại gia Bồ Tát giới, cả một đời lam lũ, tích góp tiền đề làm từ thiện. Ngày gặp tui, Ba Má ôm khóc như tìm lại được đứa con bị lạc và nói rằng: “Con là người đầu tiên hỏi Ba Má ở bên đó cực không?! Thật ra ai cũng nghĩ tiền Mỹ dễ kiếm nên gửi về không biết quý. Chứ những ai ở bên này đều phải lao động, phải vất vả kiếm tiền, tiết kiệm để hỗ trợ người nhà, hỗ trợ người khó khăn… Ba Má cố gắng giúp con học rồi sau này thay Ba Má giúp đời lại nghe con...”

Và thế là tui quyết vượt qua khó khăn để ra trường là một thủ khoa rồi được giữ lại trường Đại học làm giảng viên. Những tháng ngày ở nhà trọ rách nát (mỗi lần trời mưa phải kiếm bảy cái chậu thau hứng nước trong nhà), tui vẫn tiết kiệm tiền đi làm từ thiện. Tiền ít thì mua ít, đôi khi đạp xe đi cả 40 cây số để

 

mang từng gói mỳ ít ỏi đến với bà con nghèo khó. Nhìn những mảnh đời bất hạnh hơn mình, tui thấy mình cần cố gắng nhiều hơn. Rồi tui mở lớp dạy thêm, những em nghèo khổ thì sẵn sàng dạy miễn phí. Nhiều người cười nói tui sống không thực tế, “sống trên mây”, thân mình lo còn chưa trọn mà đi giúp người khác. Tui cứ mặc kệ và làm những gì cần thiết, bởi lẽ nếu như ai cũng thừa mới giúp người khác thì biết đến bao giờ mới giúp được. Và nếu như không có “người dưng” tốt bụng như Ba Má thì làm răng tui có được ngày hôm ni?!

Rồi tui tiếp tục học Thạc sĩ, Tiến sĩ bằng học bổng và sự nỗ lực của bản thân. Ba Má nuôi ngày nào cũng gọi điện giảng kinh Phật cho tui nghe hàng tiếng đồng hồ, giúp tui ngộ ra nhiều điều giữa cuộc sống. Đến lúc tui yên bề gia thất thì Má tui lại bỏ tui đi vì căn bệnh ung thư, tui chưa một lần được cơ hội đáp đền công nuôi dưỡng. Những lời dạy của Má như ăn sâu vào trái tim tui. Lập gia đình, tui lại may mắn có người Mẹ chồng nhà nghèo nhưng rất thích làm từ thiện, cứ trồng được đậu là chọn hạt ngon ép dầu đi cúng dường. Những ngày làm dâu tui chưa hề được ăn hạt đậu ngon hay trái cây đẹp, cứ những cái gì tốt nhất, đẹp nhất là Mẹ chồng lại mang lên chùa hoặc cho người hoàn cảnh khó khăn trong khi nhà Mẹ cũng rất khó khăn vất vả. Ba chồng thì chỉ nói một lần là “khi con cái đều lập gia đình đâu vào đấy, Ba phát nguyện xuất gia”! Tưởng là một lời nói bâng quơ nhưng Ba đã làm đúng như lời Ba nói. Khi em út chồng tui đã yên ổn chuyện gia đình, Ba đã quyết lên chùa xin nương nhờ cửa Phật, giờ cũng đã được 8 năm. Mẹ chồng tui là người ủng hộ và đưa Ba chồng lên chùa xuất gia. Nhiều người chỉ trích Mẹ, bảo Mẹ không thương Ba, bảo Mẹ là người phụ nữ không biết buồn… Thế nhưng, nhiều lần ra nhà thăm, thấy Mẹ ngồi cô đơn, nhớ Ba… Mẹ cứ cố gắng vượt qua vì Mẹ nói Mẹ chưa có duyên xuất gia, Mẹ muốn trợ duyên cho Ba được như ý. Đối với Mẹ, cuộc đời là cõi tạm, lỡ theo chuyện chồng con vì duyên chưa dứt được nhưng có cơ hội thì Mẹ cũng muốn vào nương cửa Phật,

 

sống thanh thản tuổi già trong tiếng kệ lời kinh…

Thế rồi mẹ chồng đột ngột phát hiện căn bệnh ung thư khi tuổi đời vừa quá 60 và ra đi sau 2 tháng phát bệnh. Trước ngày Mẹ chồng mất, Mẹ tỉnh tỉnh mơ mơ gọi tui- đứa con dâu đầu của Mẹ, và nói: “Em ơi, chị nói nì, em đừng sinh con hí, cuộc đời sinh sinh diệt diệt, không xuất gia được thì cứ làm việc thiện và sống hết đời là được thôi em…”. Mẹ mất trên tay tui. Là một người tận mắt nhìn thấy Ba Mạ ruột trút hơi thở cuối cùng, rồi ôm Mẹ chồng phút cuối trên tay, tui cảm nhận được cái vô thường của cuộc đời… Sau thời gian không lâu, người chị gái tui thương yêu nhất cũng đột ngột ra đi…

Nhìn hơi thở của chị dừng lại, rồi dừng mãi, tui cảm nhận rõ hơn nữa cái ranh giới mong manh của sự sống và cái chết… Đời người rồi cũng phải kết thúc, còn làm người là còn chịu sự đau khổ của tử sinh. Thế nên tui chỉ biết cầu nguyện cho những người thân được sanh về cảnh giới Tây phương cực lạc, nơi không còn sự đau khổ của sự tử sinh…, được mãi bình an, hạnh phúc!

Tui cứ rứa dạy học và sống theo hoài bão của mình. Việc không sinh con là một điều thử thách ghê gớm đối phụ nữ người ở Huế. Đi đâu ai cũng hỏi, thậm chí cười nhạo hoặc nghi ngờ về vấn đề sức khỏe của vợ hoặc chồng… Chẳng ai tin rằng hai đứa tui đã quyết chọn cho mình một cuộc sống “khác biệt” như rứa… Có lần người học trò của tui hỏi rằng: “Thưa cô, làm răng cô ở Huế, không sinh con mà có thể vượt qua được những lời cay độc của thế gian? Chị gái của em cũng chọn cuộc sống như cô, nhưng mỗi lần gọi điện về nhà thì cha mẹ em buồn, la mắng anh chị, chị khóc nhiều lắm. Giờ em xin cô cho em một lời khuyên để em về khuyên chị…”. Tui cười, nói là “mỗi khi chị em còn thấy buồn khi ai đó nói đến vấn đề con cái, nghĩa là bản thân chị vẫn chưa xác định được con đường mà chị muốn đi.

Chừng nào chị thấy vui và không thấy buồn vì những lời người bên ngoài nói, thì lúc đó chị sẽ thấy bình an… Chị hãy

 

sống thật vui với con đường mình lựa chọn, để cha mẹ yên lòng mà không la mắng, lo lắng; để bạn bè ngưỡng mộ và hiểu được vì sao…”! Bởi tui nghĩ một điều đơn giản, như những người xuất gia, nếu như vẫn còn vướng muộn phiền vì lời nói ra nói vào, về những thứ tồn tại làm mình phiền não thì làm sao có thể tìm được an vui trong con đường đi tìm Chánh Pháp?! Con đường tui chọn, cũng không phải tự nhiên mà ngộ ra… Tui đã có duyên được nghe lời Ba Má nuôi giảng rất nhiều về Phật pháp, chứng kiến những việc Ba Má đã làm… Má nuôi không có con, tui là một đứa trẻ mà Ba Má chọn nhận làm con nuôi qua mấy chục bức ảnh của những đứa trẻ mà Ba Má đã nhận hỗ trợ.

Ba Má chỉ là một công nhân bình thường, kiếm tiền bằng sức lao động để làm từ thiện, giúp rất nhiều người vượt qua khó khăn. Khi tui chưa có tiền, Ba Má giúp tui đến con đường thiện nguyện bằng cách “giao việc” cho tui đi. Sau đó tui mới biết rằng là Ba Má đang tạo cơ hội cho tui “có công” để khởi duyên trên con đường gieo trồng cội phước. Ngày Má mất, người thân của Má nghĩ rằng chắc Má còn rất nhiều tiền vì có nhiều tiền thì mới có thể dám cho người khác nhiều như rứa. Thế nhưng một điều bất ngờ, đó là Má chẳng có tài sản gì vì đã làm từ thiện đến những đồng lương cuối cùng. Quả đúng là Bồ Đề Tâm!

Từ những nỗi đau được mất, tui như ngộ ra được nhiều điều và sống vui vẻ với con đường mình đã chọn, mặc lời người đời dị nghị, khen chê… Không nợ thì thôi, cứ để thân này nhẹ nhàng và gắng làm những việc tốt nhiều hơn vậy…

Những lần tích góp tiền cùng học trò đi cứu trợ bà con bão lũ, khó khăn, tui lại như gieo thêm được tình thương trong từng thế hệ học trò, giúp các em ngộ ra những duyên nghiệp trong cuộc đời, nhất tâm hướng thiện. Pháp danh của tui là Tâm Niệm, là pháp danh của Mạ tui đưa tui đi quy y Tam Bảo khi tui còn nhỏ. Bia mộ của Ba Mạ tui – 2 cán bộ nhà nòi - thì ngoài tên chính ra là Pháp danh Quảng Đức và Tâm Duyên của Hòa thượng Bổn Sư đặt cho. Rứa đó. Và ngày đưa đám của Ba Mạ đều rực sắc

 

áo vàng, nhẹ nhàng siêu thoát trong tiếng kinh cầu, về nương cửa Phật!

Cuộc đời tui có được ngày hôm nay, có lẽ cũng bắt đầu từ bước ngoặc của Ba Mạ tui ngày đó, bất chấp dư luận để tìm niềm tin nơi Phật Pháp. Tâm nguyện của Ba Mạ ruột là tui học giỏi, bình an. Tâm nguyện của Ba Má nuôi là tui có thể giúp được nhiều người. Tâm nguyện của Ba Mẹ chồng là vợ chồng tui sống tốt hết đời mình, không đặt nặng vào “sinh sinh diệt diệt”… Bấy nhiêu đó cũng là một sự trợ duyên cho tui có được niềm tin với Chánh Pháp, vững bước đi trên con đường mà mình đã được gieo duyên.

Hôm nay là thời hạn cuối cùng của thời gian viết bài thi. Mặc dù tui được biết thông tin trước đó rất lâu nhưng không nghĩ đến mình sẽ tham gia để được mong có giải (vì cuộc đời tui xưa nay đều không mấy may mắn), và một người đang ở Việt Nam như tui thì chắc cũng khó có cơ hội được gửi bài. Nhưng chiều hôm nay, trên đường đi dạy về, tui đã phát hiện tượng Phật đeo trên cổ mà Ba Má nuôi tặng tui 24 năm trước đã bị rớt mất. Tui đã chạy đi đến những nơi có thể để mong tìm lại được vật báu mà bản thân đã gìn giữ lâu nay. Kết quả là tìm hoài không thấy! Buồn, tiếc nhưng rồi nghĩ tới lời Ba Má dặn: “Khi cái gì không còn duyên với mình, con đừng nuối tiếc. Những thứ mình mất đi, đôi khi lại mang niềm vui đến cho người khác! Vì vậy con đừng đau buồn khi mất đi cái gì đó, hãy nhẹ nhàng vui vẻ chấp nhận những gì đã hết duyên với mình con nhé!”. Và rứa là tui đi về. Đến nhà, tui liền chạy lên nhà trên định bụng thắp hương cho Má thì thấy học trò tui, những em hay cùng tui đi thiện nguyện về thăm tui đã đang đứng cạnh bàn thờ thắp hương... Khói hương nhẹ bay, sưởi ấm lòng tui vào một buổi chiều Huế đang se lạnh…

Bất chợt nhìn lịch, thấy ngày hết hạn nộp bài, tự nhiên lại muốn viết ra dòng cảm xúc và gửi đến nơi Má tui đang gửi xác thân tại đó… Lòng hân hoan nghĩ đến ai đó đang vui vì đã nhặt

 

được bức tượng Phật mà tui gìn giữ 24 năm như một báu vật. Và mong đó sẽ là một sự trợ duyên cho người ta, cho một người như tui ngày xưa chưa biết Phật là ai, để rồi lại gắn kết cả một cuộc đời mình theo duyên cửa Phật.

Liêu Linh Chuyên

(An Tây, Thành phố Huế)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm