Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

4 Tips for Taking Better Photographs of Trees

NI SƯ CHÂN THIỀN & NI SƯ CHÂN DIỆU – NIÊM HOA THỊ CHÚNG

Trụ trì Thiền Viện Sùng Nghiêm (Miền Nam California)

                                                                                                            Ngày 28 tháng 4 năm 2020

Kính gửi Ni Sư Giới Hương,

Thiền Viện Sùng Nghiêm chúng tôi cũng thường hay viết lách về đủ mọi thứ      Đạo/Đời… Đôi khi cũng Thơ Phú, nhưng chỉ là những vần thơ “Con Cóc”!

Ngày hôm nay hân hạnh được Viện Chủ chùa Hương Sen là Ni Sư Giới Hương  muốn chúng tôi viết về tiểu sử của chính mình, và mọi sinh hoạt của Thiền Viện Sùng Nghiêm…

Ni Sư Giới Hương ơi, khó quá đi! Khi phải viết về chính cá nhân mình! Ngồi ngẫm nghĩ mãi cả giờ mà không ra một chữ! Vì mình thì có là cái gì đâu! Chẳng có gì đáng viết.

Thời gian qua nhanh đã đến gần cuối tháng Tư 2020, Ni Sư Giới Hương dục đã đến thời hạn chót nộp bài. Chết rồi! Sư chị nhìn Sư em, Sư em nhìn Sư chị ? ? ?

Thế rồi, một dịp may không thể tưởng tượng được, bất chợt có ánh sáng cuối đường hầm đã lóe rạng! Chúng tôi đã nhìn thấy những tài liệu cũ vàng khè, là những tờ Báo: Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông, cũng như những cuốn magazine cũ như: Báo Y Tế, Báo Văn Hóa, Báo Saigon Nhỏ, Báo Sức Sống, Báo Nắng Mai, Báo Mới, Báo Saigon Post v.v..  đã cứu chúng tôi, vì họ đã viết dùm tất cả, đại khái là những ý kiến khác nhau, nhận xét về đường lối Sinh Hoạt cũng như sự Hoằng Pháp của Thiền Viện Sùng Nghiêm, và ngay cả cá nhân của chị em chúng tôi với những bước đầu gian nan đi kiếm Minh Sư, và sự Tu Hành thật là khắc nghiệt.

Sau đây xin tượng trưng hai bài viết của hai vị Thiện Tri Thức như sau:

 Đường Lối Tu Hành của các Ni Sư

Thiền Viện Sùng Nghiêm

                                  (Phan Tấn Hải chủ bút Việt Báo)

Ba chị em Ni Sư Thích Nữ Chân Như, Thích Nữ Chân Thiền, Thích Nữ Chân Diệu, khi tìm học Thiền với Thiền Sư Philip Kapleau trong hơn một thập niên, chỉ quan tâm tới việc hiểu đạo, và không nghĩ gì tới chuyện trần gian nữa. Suốt thời gian đó ba vị vẫn chưa xuất gia, ngay cả khi được Thiền Sư Philip Kapleau và Thiền Viện Rochester đón nhận "đã vào nhà", nghĩa là đã trở thành con cháu trong Đạo sau nhiều năm miệt mài qua các khóa Tu và các Thiền Thất “Shessin” với nhiều Công Án gay go, hóc búa...

Ni Sư Chân Thiền kể lại những ngày Tu Học ở Thiền Viện Rochester, nơi đầy các thử thách; Khi thầy Kapleau đã nói rằng: "Ta không tin các con qua nổi 3 tuần lễ". Thiền Viện Rochester sinh hoạt theo qui củ xưa cổ, đúng theo nguyên tắc "Một ngày không làm, một ngày không ăn". Những Thiền Sinh lúc đó, khi Ni Sư Chân Thiền vào năm 1987, hầu hết là da trắng, Ni Sư kể, lúc đó chỉ có quí Ni Sư là người Việt Nam. Thời gian thử thách lúc đó là 3 tuần lễ. Bây giờ, năm 2004, theo lời quí sư cô, thời gian thử thách đã tăng tới 3 tháng. Tất cả tiền chi phí, ăn ở, sinh hoạt... đều là tiền túi, do các Thiền Sinh nộp trước cho Thiền Viện. Và sau thời gian thử thách, những vị nào được công nhận là qua được thử thách, là thật tâm tìm cầu Giáo Pháp tối thượng thì sẽ được tự do, muốn ở bao lâu nữa cũng được, ở vĩnh viễn cũng được, và mọi chi phí từ đó sẽ là do Thiền Viện Rochester đài thọ.

Trong mấy ngày đầu tiên, Ni Sư Chân Thiền được giao công việc chùi cầu tiêu, 5 giờ mỗi ngày. Độc giả có thể hình dung, khi một vị nữ lưu xin vào học Thiền, dù đã trải qua nhiều khóa Tu, mà được giao công việc chùi cầu tiêu vài giờ mỗi ngày cũng là thấy ngay vất vả rồi. Vị Thầy hướng dẫn lúc đó nói với Sư cô rằng: “ Phải thấy là cầu tiêu với mình là một”, Tịnh với Bất Tịnh là một... và mọi chuyện, "lúc nào mình cũng phải enjoy từng giây phút". Nghĩa là lúc nào cũng phải trân trọng cuộc sống tu trì. Mọi việc trong ngày lúc nào cũng có người giám sát, theo dõi, "họ spy" mình mà, theo lời kể của Sư cô, nhất cử, nhất động gì họ đều biết cả. Nếu so lại với các dòng Thiền xưa cổ, thời gian thử thách này có thể hiểu như một pháp sám hối, để giải nghiệp, kiểu như chuyện xách nước, chẻ củi trong sách cổ, trước khi cho học trò tu trì gian nan hơn.

Tiếp theo Sư cô được giao công việc nhẹ nhàng hơn, xuống bếp rửa chén, sau đó là ra làm vườn... nhưng lam lũ vẫn là chuyện bình thường. Lúc này, nói theo kiểu thế gian, là không chút gì thơ mộng như đọc sách, uống trà... Chưa, chuyện còn dài, vẫn chưa tới giai đoạn này. Những khi giao tiếp, các Sư cô mới thấy chung quanh mình toàn là giới thượng lưu Hoa Kỳ: bác sĩ, luật sư, giáo sư đại học, kỹ sư, thương gia, v.v... và hầu hết là những người rất uyên bác, đọc đủ thứ sách, tu đủ thứ Pháp, rồi mới về đây.

Thời biểu bình thường là mỗi ngày làm việc 8 giờ đồng hồ, không kể giờ ngồi Thiền và Độc Tham. Độc Tham là vào gặp riêng Sensei, tức Thấy hướng dẫn, hoặc để hỏi, hoặc để trả lời, hoặc để nêu các trở ngại trong khi Thiền tập, hoặc trình kiến giải, và tùy trường hợp. Mỗi ngày đều có một giờ Teisho, nghĩa là giờ Thầy thuyết giảng. Còn khi vào các thất “Shessin” ( có sách dịch là nhiếp tâm thất, có sách khác còn dịch là tiếp tâm thất), thì cực kỳ gian nan, Thiền tập tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và có khi dài hơn.

Ni Sư kể lại, lúc đó Thiền Sư Kapleau đã già lắm, chỉ còn dạy bán thời gian, nhưng đặc biệt quý trọng quý Ni sư vì thấy rõ nhiệt tâm cầu Pháp. Ni Sư Chân Thiền kể, bao nhiêu thắc mắc về Phật học cả một đời đều được Thầy trả lời hết.

Nhờ vốn liếng Phật học từ thời nghe mẹ Niệm Phật, Tụng Kinh, từ thời sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm, từ thời loanh quanh sân chùa Giác Minh, Từ Quang và các chùa Sài Gòn, và cả vốn học, vốn tu từ thời theo học Hòa Thượng Duy Lực, rồi sang ngồi Thiền tại chùa Cao Mân ở Trung Hoa... và rồi nhờ trí huệ dần dần tỏ sáng, cho nên được Thầy hướng dẫn và cả các bạn đồng tu trân trọng…

Khi những câu hỏi, những cơ phong, những vấn đáp đều được quý sư cô tùy thời, tùy cơ, tùy cảnh ứng đáp.

Qua thời hạn thử thách, quý Sư cô vẫn ở lại tham học. Ni Sư Chân Thiền kể: "Thực sự bây giờ vẫn được mời về dự các khóa shessin liên tục. Tu học là cả một đời..."

Không khí tu học thực sự vui không thể tưởng tượng, niềm vui này không thể dùng lời diễn tả nổi... Nơi đó, người đi trước giúp người đi sau. Nơi đó, niềm vui không cần lên tiếng; chỉ cần cảm nhận được sự im lặng, sự vắng lặng trong trẻo, có khi cả ngày không một lời cần thốt lên, không phải chỉ vì không còn âm thanh nào cần nữa, mà cả những khi thâm cảm sự vắng lặng đang diễn ra trong mọi náo động khi mình xuống núi, vào chợ.

Thời gian khi tính bằng năm, tất nhiên không diễn hết được sức tu học mỗi người, nhưng những năm tháng học Thiền tại Rochester thật không dễ tí nào!

Vào giữa thập niên 1990s, Ni Sư Chân Thiền đột nhiên khởi bệnh. Người cứ xuất huyết. Khi vào Thiền Viện, Ni Sư Chân Thiền nặng 118 pounds, và bây giờ thì chỉ còn 80 pounds; Bệnh nguy ngập thấy rõ trên sắc mặt. Thiền Sư Philip Kapleau yêu cầu Sư Cô nhập viện khám bệnh. Thiền Sư Kapleau bảo là Sư Cô Chân Thiền phải rời Thiền Viện. Ni Sư Chân Thiền được đưa về một bệnh viện ở San Diego (Nam Calif.), nhập viện và nằm trong nơi này suốt 2 tháng. Hiểu Đạo rồi thì có ngại gì sống với chết...

Vậy mà thoát chết, không hiểu vì sao, và rồi sức khỏe tự nhiên dần dần hồi phục.

Thế là phải nghĩ tới việc Hoằng Pháp. Ba chị em lên Hòa Thượng Thích Tịnh Từ (Viện Chủ Tu Viện Kim Sơn ở Bắc Calif.) xin thọ giới. Nghe kể chuyện tu học của ba chị em, và qua trình bày mọi chuyện, Hòa Thượng Thiền Sư Thích Tịnh Từ quyết định tổ chức một đại giới đàn đặc biệt năm 1997 cho cả ba chị em. Điều hết sức đặc biệt là cho cả ba chị em thọ cả 3 giới cùng một lúc: giới Sa di ni, rồi giới Thức-xoa-ma-giới và giới Tỳ Kheo Ni cùng một ngày.

Ni Sư Chân Thiền bấy giờ trở lại tìm các phương tiện hoằng pháp, và Ni Sư đã làm thơ, làm nhạc, in các đĩa CD thuyết giảng về Thiền Tông, về Công Án, cũng có về Niệm Phật, nhưng thay vì Niệm Phật, thì là câu hỏi: “Niệm Phật là Ai” ? Đúng y chỉ của Thiền Tông. Về phần tụng Kinh, thì các hành giả phải Chú Tâm Tuyệt Đối 100% trong từng câu Kinh mà mình đang tụng, không cần tụng nhanh, cũng không cần phải thuộc lòng, mà điều cốt tủy là tụng để hiểu nghĩa của từng câu Kinh... Nếu chúng ta tụng thuộc lòng thì e rằng: Cái miệng thì tụng trơn tru theo thói quen, còn cái đầu thì vẫn bị vọng tưởng, suy nghĩ lung tung!

Về nhạc Phật Giáo, về chủ đề Vu Lan, chủ đề Phật Đản, v.v… thì Thơ, Nhạc bấy giờ đã trở thành phương tiện Hoằng Pháp, chứ không để cho thành pháp thế gian mê hoặc người nữa.

Rồi lại thêm cơ duyên tới. Một lần, ba vị Sư cô gặp lại Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Ba vị nhớ tới những ngày thơ ấu ở các sân chùa Sài Gòn, và những ngày sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Hình ảnh Hòa Thượng Tâm Châu vẫn là một vị Tôn đức gánh vác nhiều Phật sự cho Giáo hội qua nhiều thời kỳ.

Ba vị Ni Sư về Quận Cam, mở Thiền Viện Sùng Nghiêm để hoằng pháp. Đó là duyên khởi cho phần xuống núi của ba vị.

Chủ Bút Việt Báo

Phan Tấn Hải tường trình

www.vietbao.com ngay 23/07/2004

Thiền Sinh Phước Đỗ - Trưởng Tràng của Thiền Viện Sùng Nghiêm

Mở đầu Buổi Lễ Tạ Ơn Sư Phụ -  30 năm nhìn lại

Kính thưa quý vị,

Hôm nay Thiền viện Sùng Nghiêm có một buổi họp mặt “Kỷ Niệm 30 năm Thành Lập và  Tạ Ơn Sư Phụ” cùng với các sinh hoạt, đồng thời: Chào Mừng quyển “Sách Bát Nhã” mới in và cũng để chào mừng Thiền Sinh Lý Thu Vân, bây
giờ là Sư Chân Minh.

Sau khi Thế Chiến Thứ II chấm dứt, Thiền sư Suzuki, nhà học giả nổi danh đến Mỹ để giảng về Thiền. Thời ấy Zen Master Philip Kapleau là một thanh niên mới vừa xong nhiệm vụ trong Thế Chiến Thứ II, ông rất ngưỡng mộ nhà Học Giả này, và đã xin theo Thiền sư Suzuki đi qua Nhật Bản để tu Thiền. Sau một thời gian dài, ông đã chứng ngộ, và trở về Mỹ mở Rocheste Zen Center, Đó là Thiền sư Phillip Kapleau, người Thầy dạy sư Chân Thiền, và đó cũng là “nguồn cội của Thiền Viện Sùng Nghiêm” được thành lập cách đây  30 năm. Thiền Viện Sùng Nghiêm được thành lập đầu tiên tại San Diego, kế đến là di chuyển về tại Orange County, tổng cộng đã 30 năm sinh hoạt, một chặng đường khá dài, đời người của một vị Trụ Trì là Sư Chân Thiền.

Và hôm nay đây chúng tôi xin chào mừng quý vị đến tham dự lễ kỷ niệm này.
Xin cho phép chúng tôi nhìn lại chặng đường 30 năm TVSN hoạt động một cách tóm lược, dầu biết rằng nói nhiều vẫn chưa đầy đủ.

1- Đường lối tu tập:

Thiền Viện Sùng Nghiêm Tu theo Pháp Môn Tổ Sư Thiền, dùng Công Án làm công phu, do Thầy Phillip Kapleau hướng dẫn; tại đây, lấy Công Án MU làm chính, Công Án MU là chữ không mang ý nghĩa gì, nên mới giải quyết được Vọng Niệm, đó là một Phuơng Tiện Thiện Xảo để đưa Chân Như Niệm bật lên! Để dễ dàng tu trong phép tu Vô Niệm của Lục Tổ Huệ Năng truyền lại. Sư Chân Thiền đã cho các đệ tử Độc Tham mỗi tuần, để kích hoạt Chân Như Niệm này, và sẽ bẻ gãy từng Công Án một, kế tiếp nhau… có khi đến hàng trăm Công Án! Đường lối này nhà Thiền gọi là:  “Đốn Ngộ Tiệm Tu” theo Lục Tổ Huệ Năng.

2-Thành tích hoạt động 30 năm:

Về nhân sự, một Đạo Tràng TVSN thành hình trong 30 năm nay: Có người vào, có người ra, có người đạt được Đốn Ngộ, và rồi Tiệm Tu ở nhà làm cư sĩ tại gia, nhưng vẫn sinh hoạt với Thiền Viện như trong một vài quý vị ngồi đây. Hiện nay “Đạo Tràng Thiền Viện” sinh hoạt đều đặn mỗi tuần gồm có: Độc Tham, ngồi Thiền,  nghe giảng Kinh Sách …

Đạo Tràng Sùng Nghiêm còn tổ chức tết Nguyên Đán, các buổi lễ lớn về Phật Pháp như: Phật Đản Sinh, Vu Lan, lễ khai thị cho các vị đã quá vãng, cùng với các sinh hoạt hòa hợp với toàn thể các tông phái, tôn giáo bạn như: Tịnh Độ tông, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa-Hảo v.v...  tại Orange County. Tất cả các Thiền sinh của Thiền Viện đều chấp tác mỗi tuần và nhất là trong các ngày lễ đều thể hiện tinh thần đoàn kết, với mọi công việc thật nhịp nhàng, toả sáng Tâm Bồ Đề và Thiền Định trong từng hành động, nhà Thiền gọi đó là oai nghi, là diễn đạt con đường của sự tỉnh thức, thể hiện Chân Thiện Mỹ trong từng hành động chấp tác. Đạo tràng Sùng Nghiêm cũng là một Ca Đoàn. Tất cả các bản Nhạc Thiền của TVSN do Sư Chân Thiền sáng tác đều được các Thiền Sinh đồng đều giữ một “Niệm Đạo Ca” thanh tịnh khi cất lên tiếng hát … Hát lời Phật Pháp cũng là một lối thể hiện sự Tham Công Án từng Sát Na… vì từng câu Phật Pháp được ca lên với Tâm Vô Biên Xứ, là một cách miên mật ôm Công Án của chính mình. Trình độ học vấn về Đạo của Thiền sinh được tinh tấn theo thời gian dần dần …để bẻ gãy Công Án mà chúng ta đang theo.

Về Độ tha

Thiền Viện Sùng Nghiêm mỗi tuần có chương trình TV để phổ biến Phật Pháp, với mục đích tha độ cho mọi người. Chương Trình TV này không hề ngừng nghỉ suốt mấy chục năm nay. Chương trình bao gồm:

Phổ biến Phật Pháp, Kinh Điển và mọi sinh hoạt của TVSN:

 - Lớp Thiền người lớn

- Lớp Thiền trẻ em

- Lớp Việt Ngữ của trẻ em

- Đặc biệt là Chương Trình TV Hoằng Pháp, Thiền Viện Sùng Nghiêm đã cố gắng     gìn giữ Chương Trình TV này với số tổn phí không nhỏ suốt vài chục năm nay.

  • Về phổ biến Nhạc Thiền:
  • Sư Chân Thiền sáng tác thơ và được phổ nhạc qua các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Tuấn Khanh, Nguyễn Hiền, Lê Cao Phan, Nghiêm Đông Quân, Uy Thi Ca, Giác An, Võ Tá Hân, Hoằng Bá, Nam Hưng, Nguyên Hà, v.v.., áp dụng Hoằng Pháp bằng Phật Âm, mang lời ca tiếng hát đi vào lòng người, TVSN đã có hàng trăm, hàng trăm đĩa Nhạc Thiền CD , DVD Karaoke và hàng trăm, hàng trăm đĩa Thuyết Giảng Phật Pháp CD, DVD Karaoke và còn có đủ mọi thể loại diễn ngâm, thuyết giảng qua “Thơ Nhạc Thiền”, đã mang đầy đủ sắc thái của Thiền Tông.

 4- Về in ấn sách Phật pháp:

 Người ta thường bảo Thiền Tông là bất lập văn tự nên không có kinh điển, sách luận… Điều này sai lầm, vì ý của Phật là Thiền Tông không chấp vào kinh điển, vào văn tự mà không chú ý đến Tâm. Ngay khi Bồ Đề Sư Tổ qua Trung Quốc cũng đã giao 4 quyển kinh Lăng Già cho Huệ Khả, sau này Lục Tổ Huệ Năng cũng ngộ Đạo nhờ câu Kinh: “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm” của Kinh Kim Cang trong hệ thống Bát Nhã.

Sư Chân Thiền phổ biến Bát Nhã Tâm Kinh với nhiều lần viết đi, viết lại từng chi tiết. Chúng ta chào mừng quyển sách mới vừa được in ấn: “Bát Nhã Tâm Kinh Trực Chỉ, Lý Giải ngắn gọn”.

Trong 30 năm qua, không biết bao nhiêu quyển sách do Sư Chân Thiền viết và đã phổ biến về Thiền Trực Chỉ như :

Cùng Vầng Trăng Soi                                    

Đóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi

Tại Sao Không Mở Mắt Vãng Sinh Khi Đang Hiện Sống?

Những Liên Hệ Đến Cái Chết Cần Biết Rõ

Chân Thật Nghĩa của  Bát Nhã Tâm Kinh

Bát Nhã Tâm Kinh Trực Chỉ, Lý Giải ngắn gọn

Như Lai Tạng

Tiếng chuông ngân I

Tiếng Chuông Ngân II

Thiền Thơ Không Tên

  • Về truyền thừa kế tục của Thiền Viện Sùng Nghiêm

Mới đây chúng ta có sư Chân Minh là Thiền Sinh Thu Vân vừa thế phát quy y kế tục Thiền Viện, việc này rất gây hứng khởi cho toàn thể Đạo Tràng. Kế Tục là việc làm cần thiết cho Thiền Tông với con đường đi không đông đệ tử, do Thiền Công Án trực chỉ giữa Thầy và đệ tử, Tâm Truyền Tâm; sự ngộ đạo được chứng thực từ Thầy qua trò. Công lao của Thầy truyền cho đệ tử rất trực tiếp và đầy đủ năng lượng. Thiền Tông không có đông người như các môn phái khác cũng chính vì lý do này.

Kính thưa quý vị,

Hôm nay chúng ta chào mừng 30 năm sinh hoạt của Thiền Viện Sùng Nghiêm, đồng thời chào mừng quyển sách vừa được in ấn “Bát Nhã Tâm Kinh Trực Chỉ Lý Giải Ngắn Gọn”  do Sư Chân Thiền viết. Cũng là ngày Tạ Ơn Thầy nhân mùa Thanksgiving của nước Mỹ , và cũng là để chào mừng Sư Chân Minh vừa được kế tục cho Thiền Viện.

Tu Viện Sùng Nghiêm, ngày 18 tháng 5 năm 2020

Mô Phật,

Thích Nữ Chân Thiền

Phan Tấn Hải

Thiền Sinh Phước Đỗ

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HT Nguyên Siêu, HT Minh Mẫn, chư tôn đức tăng già... chứng minh.

 Ni sư Chân Thiền, Ni sư Chân Diệu và quý Phật tử

 trong dịp sinh hoạt cộng đồng năm 2019

Quý Ni sư và các thành viên của Thiền Viện Sùng nghiêm

Tại Chánh điện Thiền Viện Sùng Nghiêm 2020

Lớp học Phật pháp cho trẻ em tại Thiền Viện Sùng Nghiêm

Xin mời đọc toàn bài với hình ảnh: dpf

2.38._N_isu_Chan_Thien_va_NS_Chan_Dieu_-_Thien_Vien_Sung_Nghiem_-TN_Chan_Thien_PT_Hai_va_Phuoc_Do.pdf

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm