Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Flying above the Clouds by sroelofsen | VideoHive

NI SƯ DIỆU TÁNH – GÁNH VÁC PHẬT SỰ GIÁO HỘI

Trụ trì Thiền Tịnh Đạo Tràng (Miền Nam California)

  1. Mơ hay Thật

Mùa Phật Đản 2526-1982, tham dự đại lễ Khánh Thành chùa Tam Bảo Montréal, Canada, và tôi, từ nhân duyên đó đã gặp cố HT. Thích Đức Niệm, là vị Bổn sư sau này của đời tôi.

Ba tháng sau, tôi quyết định qua Mỹ tìm đến Phật Học Viện (California) nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu. Trong đại lễ này có lễ thọ Tam quy Ngũ giới, lễ xuất gia của Ni sư Quảng Tâm, chú Minh Đức, chú Minh Tuấn, và lễ xuất gia nầy đã quyết định con đường ấp ủ của đời tôi, là chí nguyện xuất gia sau này cũng bắt đầu từ đây.

Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là trở thành một vị Tăng sĩ, với lòng cảm kích nên đã đảnh lễ xin cố HT. Thích Đức Niệm được phát tâm thọ Tam quy Ngũ giới. Bắt đầu từ ngày đó, tôi trở thành Phật tử với pháp danh Diệu Tánh. Trong sân vườn chùa Phật Học Viện, sau khi thọ giới, tôi vừa đi vừa tự hỏi lòng rằng tôi đang sống trong hay Thật.

  1. Con đường mới, tôi đi.

Trong hai tháng lưu trú tại Viện, tôi được nghe giảng dạy về Lý vô thường, Nhân quả, Nghiệp báo, Hạnh nguyện và Công đức của người xuất gia v.v... Suốt thời gian nầy tôi cảm thấy lòng mình thật là an lạc, giải thoát làm sao. Tôi cũng được biết thêm tâm nguyện, hoài bão của Tôn Sư thành lập Phật Học Viện với mục đích đào tạo những vị xuất gia, những người Phật tử trung kiên, cũng là nơi để nghiên cứu giáo lý, văn hóa, tu tập giáo pháp của Đức Phật cho hàng Tăng, tín đồ.

Tâm nguyện Ngài như vậy cùng với hoàn cảnh người tị nạn rất cần nơi nương tựa tinh thần. Tôn Sư khởi hành bằng niềm tin và tâm thành với sự cố gắng từng bước, vượt qua mọi khó khăn trước mắt, khắc phục mọi chướng ngại để hoàn tất sứ mạng thành lập Phật Học Viện theo đường hướng mà Tôn Sư đã vạch ra.

Hình chụp 1993.

Trước khi về lại Canada, tôi lại trình xin Thầy cho tôi được tiến thêm một bước nữa trên con đường học đạo giác ngộ giải thoát, đó là xin được xuất gia. Thầy dạy rằng: “Ngày nào con trở lại Hoa Kỳ, Thầy sẽ chấp thuận cho con xuất gia với sáu vị kia, nếu con học thuộc Lăng Nghiêm, Di Đà, Phổ Môn và Luật Sa Di”. Nghe Thầy nói thế, lòng tôi vui mừng khôn xiết, biết rằng Thầy đã hứa khả cho tôi.

Đêm trước ngày rời Mỹ về lại Canada, tôi cũng cố xin Hòa thượng cho thọ Bồ-tát-giới, hầu trong những ngày xa Thầy, tôi lấy đó làm hành trang để giữ chí nguyện trở lại Phật Học Viện xuất gia làm người Tăng sĩ.

Khi trở về Canada để thu xếp một số việc, những dư âm giảng dạy trầm hùng của Thầy và phong cách giải thoát của một vị tu sĩ làm tôi cảm thấy như có thêm được sức mạnh tinh thần. Tôi thật sự quyết định đi trên con đường mới này, con đường của một nhà tu và xin trọn đời phụng hiến cho muôn sanh. “Con sẽ trở lại và nguyện đi theo con đường của Thầy đã đi...”, tôi nói với lòng tôi như vậy.

  1. Gieo phước, bòn Đức và phụ Thầy

Phật Đản 2527-1983, tôi trở lại Phật Học Viện quyết tâm “Hủy hình thủ chí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng thánh đạo, thệ độ nhất thế nhân”. Tôi thật sự muốn trở thành một nhà tu kể từ hôm nay.

Đầu Thu, vào những ngày 2,3,4 tháng 9 năm 1983. Đại Giới Đàn Thiện Hòa, trong vườn thiền Phật Học Viện Quốc Tế, chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng già khắp nơi như Pháp, Đức, Úc, Canada và Đài Loan về chứng minh. Lễ đăng đàn của Tam sư Thất chứng đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh. Giới đàn Tỳ kheo, Thức Xoa ma na, Sa i, Sa di Ni, Bồ tát giới và Ngũ giới được truyền trao. Những giới tử đã cung kính, chí thành nhận lãnh giới tướng mà ba vị Đàn Đầu Hòa Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ A-Xà-Lê Sư đã trao cho họ. Riêng tôi thì thọ Sa Di Ni giới, lúc đó tôi được 27 tuổi. Bảy năm sau, tôi được thọ Tỳ kheo Ni vào năm 1990 cùng một số chư Ni mà tôi nhớ đó là, Ni sư Diệu Liên chùa Việt Nam Los Angeles, Ni sư Đức Thường, vv...

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, thuở khởi đầu, cảnh trí Phật Học viện thật hoang sơ và xa cách cộng đồng người Việt. Nhiều Phật tử lo ngại tương lai của Viện vì chẳng khác nào "cọp rời rừng, cá bỏ nước”. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên trấn an: "Giới luật còn là đạo pháp còn. Giới luật trang nghiêm là hoàn cảnh trang nghiêm. Giới đức có năng lực hoán cải hoàn cảnh". Cơ sở Phật Học Viện tuy còn chật hẹp nghèo khó, nhưng đã có chiều hướng phát triển, mặc dù lúc bấy giờ mới chỉ có ba vị xuất gia và sáu vị đang tập sự, nhưng cũng ghi dấu đầu tiên của Phật giáo Việt Nam tị nạn là đào tạo người xuất gia nơi đất mới của xứ Hoa Kỳ, nhất là trong xã hội văn minh máy móc đầy cám dỗ, là nơi nương tựa tinh thần của những người Phật tử có nơi tu học Phật Pháp.

Ngoài giờ học Phật pháp, kinh luật, tụng kinh bái sám ra, Tăng sinh Phật Học Viện sống trong nếp sống của Thiền môn quy củ, phải cuốc đất trồng rau, làm tương… Không những vậy, để đáp ứng với tình trạng thiếu Kinh sách Việt ngữ tu học một cách nghiêm trọng cho cộng đồng Phật tử khắp nơi ở hải ngoại, đặc biệt trong giai đoạn chưa có sự giao lưu giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài, Ngài vẫn luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của Dân tộc ở xứ người mà chính yếu là nền Văn học Phật giáo Việt Nam được chuyên chở qua Kinh điển, sách báo Phật giáo bằng chữ Việt. Do đó, Ngài đã sáng lập nhà in ấn quán Ananda, cơ sở ấn hành tại Phật Học Viện Quốc Tế và tôi đã đắc lực sát cánh cùng với Tôn Sư (1983-2000) suốt 17 năm, làm thủ quỹ, tri khách hướng dẫn Phật tử... chăm sóc phòng phát hành kinh sách để đánh máy, thiết kế, in ấn các Kinh sách cũ mới, thực hiện các công trình in ấn. Cho đến năm 2000, đã có khoảng 235 Kinh sách đủ loại đã được in xuất bản và các Tập san định kỳ, nhằm phổ biến tin tức và giáo lý đến các cộng đồng Phật tử Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên thế giới, đã liên tục cho xuất bản các Tập san định kỳ, mà danh xưng tùy hoàn cảnh tổ chức của sinh hoạt Giáo hội ở Hoa Kỳ có khác, nhưng nội dung vẫn trước sau như một. Liên tục từ năm 1980 đến năm 2000, đã có những Tập san của nhiều giáo hội như sau:

  1. Tập san Phật Học Viện Quốc Tế (từ năm 1980 đến 1984)
  2. Tập san Phật Học (từ năm 1985 đến 1988)
  3. Tập san Phật Giáo Thống Nhất (từ năm 1988 đến 1993)
  4. Tập san Phật Giáo Hải Ngoại (từ năm 1994 đến 2000)

Ngoài những bài viết được đăng trên các Tập san Phật giáo, cố HT. Thích Ðức Niệm còn dịch thuật và biên soạn những Kinh, Luật, Luận để Tăng Ni và Phật tử có tài liệu tu học và nghiên cứu, tham khảo như sau:

  1. Phật Pháp Yếu Nghĩa (Biên soạn – 1988)
  2. Câu Xá Luận Cương Yếu (Dịch – 1985)
  3. Kinh Bảo Tích Giảng Giải (Dịch và giải – 1986)
  4. Tại Gia Bồ Tát Giới (Soạn dịch – 1989)
  5. Lược Truyện Tiền Thân Ðức Phật (Soạn dịch – 1988)
  6. Tịnh Ðộ Ðại Thừa Tư Tưởng Luận ( Soạn dịch – 1989 )
  7. Kinh Thắng Man Giảng Giải (Dịch giải – 1990)
  8. Phương Pháp Cải Ðổi Vận Mạng (Soạn dịch – 1991)
  9. Pháp Ngữ Lục (Biên soạn – 1991)
  10. Kinh A Nan Vấn Phật Cát Hung (Dịch giải – 1994)
  11. Kinh Kim Cang Bát Nhã Giảng Luận (Dịch – 1997)
  12. Tâm Kinh Yếu Giải (Dịch - 1998)
  13. Thiện Tài Cầu Ðạo (Soạn dịch – 1998)
  14. Người Muôn Thuở (Sáng tác – 1996)
  15. Những Mùa Vu Lan (Sáng tác – 1996)
  16. Cho Trọn Mùa Xuân (Sáng tác – 1996)   
  1. Ra Khơi

Thời gian trôi qua nhanh, Sư phụ Đức Niệm ngày càng lớn tuổi và già yếu, nên Tôn Sư đã sắp xếp tương lai cho những người đệ tử của Ngài. Chúng Tăng thì tiếp tục gìn giữ những công trình hoằng pháp tại Phật Học Viện Quốc Tế. Còn tôi thì được Tôn Sư cũng trong bổn phận và trách nhiệm hoằng truyền Chánh pháp, Ngài thành lập ngôi Thiền Tịnh Đạo Tràng vào tháng Bảy năm 2000, vùng Orange County miền Nam California, thành phố Garden Grove. Nhưng chỉ được vài tháng, tôi phải trở về lại Phật Học Viện vì bệnh của Tôn Sư trở nặng... và cũng để chúng Tăng có thời gian mà yên tâm hướng dẫn Phật tử tu học tại Phật Học Viện Quốc Tế.

Thế rồi sự vô thường không hẹn mà đến, không ai tránh khỏi sanh lão bệnh tử, nó cũng không ngoại lệ đối với Thầy của chúng tôi. Thầy đã thâu thần thị tịch vào năm 67 tuổi, đúng vào ngày vía Quán Thế Âm 19-2-Quý Mùi ( 21-03-2003 ) tại Phật Học Viện Quốc Tế. Xác thân tứ đại của Ngài theo luật vô thường đã không còn nữa, nhưng những xây dựng, đóng góp của Ngài cho Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại, cho nền Văn học Phật giáo Việt Nam khi định cư ở xứ người sẽ tồn tại mãi mãi.

Dù thấu hiểu lẽ vô thường, những người đệ tử cũng không thể không buồn thương, tiếc nhớ khi vị Thầy của mình vĩnh viễn ra đi. Riêng tôi, tôi luôn tự nhủ lòng rằng, hãy biến đổi lòng buồn thương tiếc nhớ thành hăng say phục vụ Đạo pháp, vì suốt cuộc đời của Tôn Sư đã sống và làm như thế. Tôi tự nguyện dâng trọn đời mình cho lý tưởng lợi sanh, noi theo tâm nguyện của Thầy Tổ mà tiếp tục dấn bước trên bước đường hành đạo phụng sự Giáo Hội. Có như vậy mới được một phần nào báo đền ơn cha, nghĩa mẹ, công giáo dưỡng của Thầy Tổ trong muôn một. – “Tôi thật sự ra khơi”.

                                    “Ơn giáo dưỡng một đời nên Huệ Mạng,

                                     Nghĩa Ân Sư muôn thuở khó đáp đền”.

CUỘC ĐỜI HÀNH ĐẠO – PHỤNG SỰ GIÁO HỘI TỪ KHI TÔN SƯ RA ĐI...

Ôn lại những điều mà bậc Tôn Sư khả kính đã dìu dắt hướng dẫn cho tôi suốt 17 năm trên bước đường học và hành đạo. Nay, chập chững bước khi không có Tôn Sư bên cạnh dắt dìu... Tôi phải mạnh dạn đi trên con đường hành đạo và phụng sự Giáo Hội theo đường hướng mà suốt cuộc đời Tôn sư đã sống và mong thực hiện làm như thế... Tôi luôn tin tưởng Tôn Sư sẽ gia hộ cho tôi đi tiến về phía trước, nơi của bao người cần Phật pháp.

  1. Tha phương cầu Học

Năm 2005, tôi đã đến Chùa Viên Giác ở Hannover Đức quốc để cùng chư Tăng nơi đây An cư tròn 3 tháng Hạ. Tham dự Khóa học Phật Pháp tại Châu Âu lần thứ 17. Trong thời gian gian An cư, Chùa có tổ chức Đại giới đàn Đôn Hậu, và đã được Hòa thượng Phương trượng Thích Như Điển mời làm Đệ Tứ Tôn Chứng cho các Giới tử Ni.

  1. Thực tập một trái tim

Do sự hỗ trợ tận tình giúp đỡ của toàn thể Phật tử gần xa cho công tác từ thiện nên mỗi hằng năm tôi đã đi làm từ thiện khắp nơi trên đất nước VN từ Nam–Trung–Bắc..., cấp học bổng cho những Tăng Ni đang du học ở Mỹ, Ấn Độ, Taiwan, China... và hỗ trợ những ngôi Chùa di tích lịch sử đã bị hư hại trong thời gian chiến tranh...  như Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Tôi cần phải làm và làm nhiều hơn nữa để trái tim này của tôi được lớn rộng. Tôi là nhịp cầu với người thí chủ Quảng Nguyện Brodard Restaurant phát tâm xây dựng các di tích chốn thiền môn Phật giáo được xếp vào hạng bậc nhất ở tỉnh Khánh Hòa, quá trình hình thành của một trong những nơi đào tạo Tăng tài của Phật giáo Việt Nam

  1. Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang (số 51 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, phía Tây thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
  2. Chùa Phật Ân (33-B đường Trần Phú, phường Lạc Đạo, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, là trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận), cũng do vị thí chủ Quảng Nguyện Brodard Restaurant đã phát tâm xây dựng một phần lớn của ngôi chùa do cố HT. Thích Chơn Thành Trụ trì lúc bấy giờ và hiện nay vị Trụ trì kế thừa là Thượng Tọa Thích Minh Nhật.
  3. và nhiều chùa nữa...

Nơi nào cần nhu cầu hữu duyên thì chúng tôi đến. Xong lại đi tiếp chỗ khác để hoàn thành sứ mạng Như Lai mà người con Phật có nhiệm vụ cần làm...

  1. Tập sống đời phụng hiến

Ngày 20.9.2008 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) được thành lập và đã công cử thông qua thành phần nhân sự vào các hội đồng, tôi được đảm nhiệm nhận chức vụ Tổng Thủ Quỹ của Giáo Hội. Bấy giờ vị Chủ tịch là cố HT. Thích Trí Chơn, Tổng Thư Ký là HT. Thích Nguyên Siêu. Và cũng là Thủ Quỹ tờ Nguyệt san báo Chánh Pháp của Giáo Hội PGVNTNHK cũng do vị thí chủ Quảng Nguyện Brodard Restaurant đã hỗ trợ cho đến nay tháng 6/2020 là số 103 – vẫn còn in ấn.....

Tôi luôn sát cánh với Giáo Hội. Vì phụng hiến cho Giáo Hội tức là làm cho chính mình. Do vậy những chương trình Phật Đản chung của Giáo Hội, Khóa Học Phật Pháp, An Cư tôi đều tham gia và đóng góp nhiệt tình.

Ngày  31/5/2011 – sóng thần Tsunami ở Japan – Phái đoàn chư Tôn Đức Liên Châu ủy lạo sóng thần như HT.Thích Như Điển, HT.T. Quảng Ba, HT.T. Bổn Đạt, HT.T. Trường Phước, HT.T. Minh Hiếu, HT T. Nhật Quang, HT.T. Thông Hải, HT.T. Minh Dung, HT.T. Nhật Huệ, TT.T Tâm Minh, TT.T. Tâm Phương, Ns. Thích Diệu Tánh... Qua sự vận động của Ni Sư Diệu Tánh, Thủ Quỹ của GHPGVNTNHK và đồng thời cũng là Thủ Quỹ của Đoàn, nên thí chủ Quảng Nguyện Brodard Restaurant cúng dường mỗi chư tôn đức trong phái đoàn đi ủy lạo Nhật Bản là 500 US đô-la để phụ tiền vé máy bay. Công đức ấy xin nguyện cầu chư Phật gia hộ đến gia đình Quảng Nguyện nói riêng và hàng ngàn gia đình đạo hữu khác nói chung khắp 4 châu trên địa cầu nầy.

Ngày 8/8/2013 – Theo di huấn của cố HT. Thích Đức Niệm trước khi viên tịch, Ngài dạy Tăng chúng đệ tử của ngài tại Phật Học Viện Quốc Tế nên Y chỉ với Hòa thượng Khánh Anh thượng Minh hạ Tâm (Chùa Khánh Anh, Pháp quốc). Lễ y chỉ được cử hành trước ngày di quan, và nhờ ân đức của Hòa Thượng cùng tất cả chư Tôn Đức luôn quan tâm từ bi thương xót thường về Phật Học Viện để hướng dẫn, giảng dạy trong những khóa học, giúp cho Tăng chúng đệ tử vơi đi sự lạc lõng bơ vơ.

Và rồi năm nay 2013. Lại một người Thầy thân thương của chúng tôi, Hòa thượng Minh Tâm đã quảy bước về Tây. Hòa thượng đã gầy dựng biết bao nhiêu là sự nghiệp, bao nhiêu công trình cho đời, cho đạo. Giờ thì, Thầy đã thật sự an nghỉ rồi, Thầy không còn nhìn thấy những bạn đạo, học trò đệ tử của mình qua hơi thở và nhịp đập của con tim nữa, nhưng họ đã và sẽ quán chiếu những hành trạng của Thầy suốt một chặng đường dài, trải qua không biết bao nhiêu là chông gai của lịch sử và Đạo pháp.  Khi sức mạnh tự thân không còn nữa, thì thân cát bụi sẽ trả về cho cát bụi; gió thời gian xin trả lại cho thiên nhiên. Đời hay Đạo lâu nay vốn là thế, chẳng thiên vị một ai bao giờ ! Ai có đến ắt có đi, ai có còn hẳn có mất, nghìn thu vĩnh biệt từ đây !!!

Ngày 30/12/2013 – cứu trợ bão Haiyan Philippines – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu đã cử phái đoàn Giáo phẩm Tăng, Ni từ Úc châu, Âu châu, Hoa Kỳ và Canada cùng Phật tử Cư sĩ đích thân đến tận nơi bị thiên tai trong những ngày từ 11-13/12/2013, Phái đoàn gồm 24 vị, trong đó: HT.T.Nguyên Trí (chứng minh); HT.T.Quảng Ba (tr. đoàn); HT.T. Minh Trí, HT.T Bổn Đạt (phó đoàn); TT.T. Tâm Phương, TT.T. Thiện Tâm (điều hợp tổng quát); TT.T. Phước Tấn, TT.T.Trường Phước, Ns.Diệu Tánh, Đạo hữu Giác Quý

(thủ quỹ của đoàn); TT.T. Giác Tín (thư ký đoàn); TT.T. Tuệ Uy (nhiếp ảnh) và một số Phật tử tháp tùng đi ủy lạo và giúp đỡ tài chánh cho khoảng 3,500 nạn nhân, giúp 8 trường học tái xây dựng sau thiên tai bị thiệt hại với số tịnh tài lên đến 401,000.Mỹ kim. – Lại một lần nữa, gia đình Phật tử Quảng Nguyện Brodard Restaurant, qua sự vận động của Ns. Diệu Tánh đã cúng dường 500 US đô-la cho mỗi vị Thầy Cô trong phái đoàn đi ủy lạo tại Philippines và Việt Nam. Xin tri ân công đức của Quảng Nguyện và gia đình.

Sau chuyến đi Philippines này, chư Tăng mỗi người có công tác của mình nên đã chia tay để tiếp tục chuyến đi cứu trợ ở phương trời khác. Nhưng riêng chúng tôi bay về Việt Nam ngày  14/12/2013 để cứu trợ gồm có TT.T. Tâm Phương, TT.T. Tuệ Uy, Ni sư Diệu Tánh; Pt. Quảng Huệ Nguyễn Chiêu Tường và SC. Nhật Thoại đã từ Sóc Trăng đến phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục công tác cứu trợ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Qui Nhơn, vv...

Ngày 17/12/2013 thì được tin Mẹ ở Canada qua đời. Lòng buồn thương nhưng không thể rời bỏ đoàn mà về được. Chư Tăng trong thời gian làm Phật sự mỗi khi dừng chân cũng đều không quên những buổi lễ cầu siêu độ cho Mẹ... 

Bây giờ mẹ đã thoát siêu

Về nơi Cực Lạc… bao điều nhớ mong

Lòng con kính cẩn dâng hương

                     Nam Mô… Bồ Tát… hồn vương cõi trần.

Ngày 6/8/2015 – Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 5. – Do HT.T. Minh Dung làm trưởng ban, tôi làm phụ tá cùng một số chư Ni khác... lo cho khóa tu này tại khách sạn Town Country Resort Hotel thuộc thành phố San Diego, miền Nam California, Hoa Kỳ.

  1.  Nhìn lại

Ngày 19/3/2019 – Hai mươi năm ra khơi, nơi dung thân bây giờ đã hư hoại quá nhiều. Tôi chọn ngày này để khởi công trùng tu lại ngôi Thiền Tịnh Đạo Tràng cũng là ngày hiệp kị của Tôn Sư, để tưởng nhớ đến công ơn Ngài đã dạy dỗ và cho tôi Pháp thân Huệ mạng ngày hôm nay.

Ngày 15/3/2020 – Trong lúc này mùa dịch Coronavirus xuất hiện ở Mỹ. – Dù đang bận rộn trong công việc trùng tu ngôi Thiền Tịnh Đạo Tràng, nhưng tôi cũng không quên những công tác Phật sự xã hội để vận động may những khẩu trang cho những nơi cần và mua 4,000 khẩu trang dành tặng riêng cho các bịnh viện nào cần đến. Hỗ trợ cúng dường gạo, muối, mì gói v.v... chở đến các Chùa và chư Ni do gia đình Phật tử Tịnh Nguyện cùng thân quyến, bạn hữu phát tâm.

Trên bước đường hành Đạo mấy chục năm qua trong những công tác từ thiện dù lớn nhỏ, nếu có làm được chút gì có lợi cho Đạo, chắc chắn là do sự tận tình giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử.

Con xin thành tâm thâm tạ tất cả và cầu nguyện tất cả quý vị tâm Bồ Đề không thối chuyển, tinh tấn một đời tu hành, một đời làm việc thiện và tích cực giáo hóa gia đình sống theo Chánh pháp.

Cuối cùng xin hồi hướng công đức này đến tất cả chúng sanh để cùng giải thoát.

Chánh điện

Thiền Tịnh Đạo Tràng

năm 2000 đến năm 2019

Thiền Tịnh Đạo Tràng

11502 Daniel Avenue,  

Garden Grove, CA 92840

Tel: 714-638-0989, 714-266-4171

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trụ trì: Ni sư Thích Diệu Tánh

Thiền Tịnh Đạo Tràng, ngày 10 tháng 6 năm 2020

Kính ghi,

Thích Nữ Diệu Tánh

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Xin mời đọc toàn bài với hình ảnh: dpf

2.32._Ni_Su_Dieu_Tanh_-_Ganh_Vac_Phat_sư_Giao_hoi-Thien_Tinh_Dao_Trang.pdf

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm