Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Body of missing mom found in Grand Canyon National Park

TÂM THƯ KÍNH GỞI THÁNH TỔ KIỀU ĐÀM DI

Kính bạch Thánh Tổ Kiều Đàm Di,

 Lời nói đầu tiên con xin gởi đến Ngài ngàn vạn lời tri ân. Nhờ ân đức của Ngài, và muôn mối nhân duyên ở đời, kiếp này con được dự vào hàng đệ tử xuất gia, được an trú trong Chánh Pháp của đức Như Lai. Từ khi bước chân vào ngôi nhà Chánh Pháp, phần nào con cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn. Thế nhưng, đôi khi cũng cảm thấy lạc lõng trong ngôi nhà tâm linh rộng lớn này.

Khi nhận lời Ni Sư Giới Hương, con ưu tư rất nhiều, biết viết gì đây về hành trạng Ni Giới ở Hoa Kỳ này, bởi con là hàng hậu học, đi sau về muộn, sự hiểu biết về giáo pháp còn giới hạn, nên không dám luận bàn. Đây chỉ là những dòng tâm sự, gởi đến bậc Tổ Ni tôn kính đã mở đường cho Ni Giới chúng con.

Kính bạch Ngài, Ta Bà cõi tạm, vốn đầy dẫy những yêu thương, hờn giận, ganh ghét, bởi biệt nghiệp của mỗi người có là bao, so với cộng nghiệp của chúng sanh từ vô lượng kiếp. Từ khi được dự vào hàng ngũ Tăng già, có mặt trong ba Ngôi Báu, con trăn trở ưu tư rất nhiều về trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với Phật pháp, nhưng bao nhiêu hoài bão chỉ dừng lại trên những trang sách. Con đành ôn lại những gì bậc tiền bối đi qua, để làm động lực cho mình bước đi. Hôm nay, lật lại từng trang sử về Ngài, con vô cùng cảm phục - một bậc Thánh Ni Tôn Kính. Nhờ tinh thần cầu đạo bất thối chuyển của Ngài, nữ giới có mặt trong hàng đệ tử xuất gia của Phật. Từ đó, Ni Đoàn được thành lập.

Theo học giả E. J . Thomas, vào năm thứ năm sau ngày thành đạo, Thế Tôn trở về cung thành Kapilavatthu để thăm Vua Suddhodana đang lâm bịnh. Ngài thuyết pháp giúp vua cha chứng đắc A-la-hán quả trước giờ lâm chung. Vào dịp này, Di mẫu Mahà-Pajapàti đến công viên Nirodha, nơi đức Phật đang tạm trú, cầu xin Ngài cho người nữ được gia nhập Tăng đoàn, sống đời sống không gia đình. Sau ba lần từ chối lời thỉnh nguyện, đức Phật trở về Vesàli, Di mẫu Pajapàti cùng với nhiều phụ nữ dòng Sàkya tự xuống tóc khoác cà sa vàng, bộ hành đến Vesàli để gặp đức Phật. Xúc động trước sự kiên định và lòng tha thiết xuất gia tu hành của số phụ nữ Sàkya này, Tôn giả Ànanda đồng ý chuyển lời thỉnh cầu của họ đến Thế Tôn. Ba lần Tôn giả Ànanda thay mặt họ cầu xin đức Phật cho phép nữ giới xuất gia, Thế Tôn đều ba lần từ chối. Tôn giả Ànanda hỏi: “Bạch Thế Tôn, sự kiện một phụ nữ xuất gia, sống đời sống không gia đình, sống trong Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng, có thể có khả năng chứng được Tứ quả Sa môn hay không?” Đức Phật trả lời: “Này Ànanda, người nữ có khả năng chứng Tứ quả Sa môn”. Sau đó, Tôn giả Ànanda thưa, nếu như vậy, Di mẫu là người có công ơn nuôi dưỡng ẳm bồng Như Lai lúc ấu thơ…, Người xứng đáng được Thế Tôn cho phép xuất gia, gia nhập Tăng đoàn. Cuối cùng, Đức Thế Tôn đồng ý cho nữ giới xuất gia và chế “Bát Kỉnh Pháp”, tức tám điều cung kính đối với chư Tăng mà chư Ni phải trọn đời vâng giữ. Di mẫu Pajapàti và nữ giới dòng Sàkya đều hoan hỷ phụng hành. Giáo hội Tỳ kheo Ni ra đời từ đó.

Thưa Thánh Tổ,

Ôn lại trang sử về Ngài cũng như sự thành lập Ni Đoàn từ buổi sơ khai, con thật sự xúc động, và cảm phục trước sự kiên định của Ngài và những tùy tùng dòng họ Sakya thời đó. Có thể nói rằng, sự kiện người nữ xuất gia, có mặt trong Tăng đoàn của Phật, là sự mở đầu cho vấn đề bình đẳng giới tính sớm nhất của nhân loại. Dù rằng, chúng ta không thể xác định phong trào giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới tính được hình thành trong khoảng thời gian nào của lịch sử nhân loại, nhưng hầu hết các nguồn sử liệu liên quan đến Ấn Độ đều cho thấy các tôn giáo Ấn Độ chưa hề đề cập sự kiện người nữ xuất gia và tổ chức tu hành xuất thế của phụ nữ, cho đến khi đức Phật Gotama Sakyamuni chấp nhận nữ giới xuất gia và cho phép thành lập Ni đoàn. Từ đó, người ta nói rằng Tăng đoàn Phật giáo là tổ chức đầu tiên đặt nền móng cho tư tưởng bình đẳng giới tính ở Ấn Độ cổ đại, mặc dù vẫn còn một vài bất đồng ý kiến về sự kiện trên.

Thực ra, Đức Phật không hề đấu tranh đòi quyền này, quyền kia cho nữ giới, mà chỉ nhìn nhận nữ giới đúng như vai trò của họ, mở đường cho họ tiến đến cuộc sống hạnh phúc. Bởi vì, sự kỳ thị giới tính hay màu da chủng tộc chỉ chấm dứt khi nào con người vươn lên bình diện tâm linh, nơi không còn tranh chấp. Chỉ trong địa hạt tâm linh, niềm vui của con người mới không trả giá vì nỗi khổ của ngừời khác. Chỉ trong địa hạt tâm linh, mỗi người mới có thể đạt đến tự do tuyệt đối mà không phương hại đến kẻ khác, và chỉ trong địa hạt tâm linh, tình yêu mới không thể biến thành ganh ghét hận thù. Chỉ có những bậc thầy tâm linh vĩ đại mới không có thành kiến hay sự kỳ thị nào đối với phụ nữ. Đức Phật chính là bậc Thầy tâm linh vĩ đại đã mở ra cho nữ giới muôn vàn lối thoát, không những ra khỏi thân phận đen tối bởi sự kỳ thị giới tính, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn tới chân lý giác ngộ.

Thật vậy, trong Tăng đoàn Phật giáo, vai trò của Tỳ kheo Ni cũng nổi bật như vai trò của các Tỳ kheo Tăng. Nếu chúng Tỳ kheo Tăng có các đại đệ tử như Sàriputta, Moggalàna…, chúng Tỳ kheo Ni cũng có các đại đệ tử sáng chói như Dhammadinna, Khemà…. Điều này cho thấy, mọi thành viên của Tăng đoàn khi nỗ lực thực hành Giới-Định-Tuệ đều có khả năng chứng đắc Thánh quả như nhau. Mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình trước hội chúng. Chúng ta có thể tìm thấy không khí sinh hoạt đầy ấn tượng của Tăng đoàn ở buổi sơ khai qua hai cuốn Chứng Đạo Ca: Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà) và Trưởng lão Ni kệ (Therigàthà). Sự nhiệt tình tu tập mà đức Phật khơi dậy trong lòng các đệ tử, niềm lạc quan về Tăng già nguyên thủy trên con đường cứu khổ, niềm hân hoan về thực chứng tâm linh và niềm duyệt hỷ về giải thoát – tất cả mọi tâm trạng ấy đều ghi lại một cách sinh động ở hai cuốn Chứng Đạo Ca trên.

Kính bạch Ngài,

Ôn lại trang sử về nếp sống phạm hạnh của đệ tử Phật thời sơ khai, con suy ngẫm nhiều hơn về nếp sống hiện tại của Ni đoàn tại Hoa Kỳ. Sống một nơi được mệnh danh là thiên đường tự do, quyền con người được bảo vệ một cách tốt nhất, và vai trò của phụ nữ luôn được coi trọng,  nhưng đôi khi đó cũng là yếu tố khiến đời sống tâm linh yếu đuối. Cái tôi càng được nuôi dưỡng lớn hơn, mà không phải được mài giũa và dẹp bỏ. Phải chăng, đây là yếu điểm khiến chúng con đánh mất cơ hội ngồi lại bên nhau, chia sẻ kinh nghiệm tu học và sách tấn lẫn nhau.

Theo thiển ý của người hậu học, con nghĩ rằng, để Ni đoàn được hưng thịnh thì mỗi thành viên trong đó phải cải cách chính mình trước. Cải cách và hoàn thiện con người năm uẩn còn nhiều tham lam, sân giận và tỵ hiềm thì mọi việc sẽ đi dần vào ổn định. Thế cho nên, xã hội công nghệ dù có phát triển đến đâu chăng nữa, thì những điều căn bản cho nếp sống phạm hạnh của người xuất gia vẫn thế, vẫn là nền tảng của Giới-Định-Tuệ.

Thiết nghĩ, chúng ta không cần ưu tư quá nhiều về việc cải cách hay đưa ra những phương pháp mới lạ để xây dựng một tập thể phạm hạnh phù hợp với xã hội đương đại, mà hãy cùng nhau trở về suối nguồn uyên nguyên của Diệu Pháp để thực hành và thể nghiệm đời sống tâm linh một cách thiết thực nhất. Hơn nữa, theo tinh thần duyên khởi của đạo Phật, con người cá nhân và xã hội là một khối nhất thể. Do đó, mỗi thành viên được cải thiện thì tập thể ấy sẽ được hoàn thiện một cách tự nhiên. Nói cách khác, mọi tổ chức xã hội đều do con người dựng nên và số phận thịnh suy của nó tùy thuộc vào con người. Dĩ nhiên có rất nhiều yếu tố đóng vai trò quyết định sự thịnh suy của một tổ chức, nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt.

Như lời đầu thư con đã bộc bạch, tất cả đây chỉ là sự trải lòng và tâm tình của một học trò nhỏ, sống cách xa Ngài mấy ngàn năm. Nhưng dù sao, con vẫn mong lá thư này chuyển ngược dòng thời gian, và nhận được hồi âm của Ngài.

Pháp Viện Minh Đăng Quang, California, ngày 26 tháng 06 năm 2020

TKN. Thích Nữ Ngọc Liên

                This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

1.14._Tam_thu_kinh_goi_Thanh_To_Kieu_Dam_Di_-_TKN_Ngoc_Lien.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm