Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Khi nói về tiểu-sử của đức Phật Tỳ-Bà-Thi*, vị Phật đầu tiên trong kiếp Trang-Nghiêm đức Thích-Ca thuật lại “truyền-thống” thị-hiện giống nhau gọi là pháp thường của chư Phật từ xưa đến nay là: sinh ra từ hông phải của mẹ, vừa đến đất đã đứng dậy đi bảy bước, ngó khắp bốn phương rồi đưa tay lên nói rằng “Trên trời dưới trời, chỉ có TA là tôn-quý. Ta sẽ cứu-độ chúng-sinh thoát vòng sinh già bệnh chết”. Toàn câu kinh bằng chữ Hán ghi là được trích dẫn từ kinh Đại Bản Duyên trong bộ Trường-A-Hàm“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử”Câu “thiên thượng thiên hạ duy NGÃ độc-tôn” đã làm cho những người không theo đạo Phật thường chỉ-trích là đạo Phật thiếu khiêm-nhường, còn những người học Phật thì có thể hiểu lầm Phật là cái gì phải thật to lớn cho nên người ta tranh nhau chạy theo cái danh cho thật kêu, cái tướng cho thật nổi.

            Trong một dịp họp mặt chuyện trò, tôi nghe một anh bạn vừa đi VN về kể rằng “Nước VN mình bây giờ khá lắm nghe, ở tỉnh Bình-Dương, có một “đại-gia” lập một cái chùa tên là Đại Nam Quốc-tự trong một khu du-lịch có quy-mô nhất nước gọi là “Đại-Nam Thế-giới du-lịch”, xây-dựng trên một diện-tích rộng 450 mẫu với tổng-số vốn đầu-tư lên đến ít nhất là 3000 tỷ đồng. Chính điện của Đại-Nam quốc-tự gồm 3 tầng thờ tượng Phật, tượng vua Hùng và tượng chủ-tịch Hồ-Chí-Minh, tất cả đều được mạ vàng 24K! Một bức “vạn lý trường-thành” ôm lấy một khu du-lịch trong đó có 1.000 phòng được thiết-kế theo kiểu cung-điện với giá từ 50 đến 200USD mỗi phòng một đêm, 4.000 phòng còn lại có giá 5-30USD/phòng/đêm. Nếu đúng như quảng-cáo thì khi hoàn-thành có lẽ đây là một thứ khách-sạn được ghi vào kỷ-lục về chiều dài của thế-giới, đến 13km!”. Anh bạn kể tiếp “Đó là ngôi chùa ở miền nam, còn miền bắc thì dĩ-nhiên đâu chịu thua. Này nhé, ở xã Gia-Sinh, huyện Gia-Viễn, thuộc tỉnh Ninh-Bình có một ngôi chùa tên là chùa Bái-Đính nằm trong một thung-lũng mênh-mang hồ và núi đá. Trên đỉnh núi là điện Tam-Thế với 3 tầng mái cong, 12 mái, bốn phía cao 30 mét, rộng 47 mét, dài 52 mét, quả chuông nặng 36 tấn, 500 tượng La-Hán sắp thành hai hàng, mỗi hàng dài khoảng 500 mét. Sau khi hoàn-tất, chùa Bái-Đính sẽ là khu chùa lớn nhất Việt-Nam”. Anh bạn say-sưa nói tiếp “Chưa hết đâu, tại tỉnh Trà-Vinh còn có ngôi đại-tự tên là chùa Vàm Ray được xem là ngôi chùa Khmer lớn nhất ở Việt-Nam. Nội việc phục-chế và cải-tạo cũng phải tốn hơn 1 triệu đô-la Mỹ và kéo dài 3 năm!”.

Hình như ở Việt-Nam bây giờ có cái “bệnh” thích chạy theo thành-tích để được ghi danh vào cuốn Guinness của thế-giới (Guinness World Records). Nghe nói trong cuốn này VN được ghi danh làm chiếc bánh tét lớn nhất thế-giới, rồi đến đôi guốc, cái ghế hay cái vỏng gì đó cũng lớn nhất thế-giới!

            Người Việt mình ở hải-ngoại, ở Mỹ, Canada, Âu-Châu cũng có những ngôi chùa thật lớn. Công-trình hộ-pháp xây-dựng được những ngôi đại-tự ở đâu cũng thật quý, thật đáng tán-dương để Phật-tử có nơi chiêm-bái, lễ Phật, nghe pháp hay tu-hành, vì đó là một nhu-cầu tâm-linh tất yếu. Song nếu người ta “đầu-tư” lòng tin của Phật-tử, quyên-góp tiền-bạc để xây-dựng những kiến-trúc to lớn liên-quan tới đạo Phật chỉ nhằm mục-đích kinh-doanh, kinh-tài, có lợi cho cá-nhân, phe-phái thì vô tình hay cố ý có thể làm cho người ngoài đạo Phật nhìn vào hiểu lầm phán-đoán không đúng về đạo Phật và làm cho Phật-tử chân-chánh có thể “chán ngán”, mất niềm tin, bỏ chùa, bỏ đạo thì thật là một điều đáng buồn!

            Thử xem công-trình của ông cha ta ngày xưa như ngôi chùa Dâu, ở tỉnh Bắc-Ninh xây vào thế-kỷ thứ III tại vùng Luy-Lâu, được xem là ngôi chùa cổ nhất VN, tuy được công-nhận là di-tích lịch-sử văn-hoá quốc-gia song chỉ là một ngôi chùa có kích-thước khiêm-tốn. Còn chùa Một Cột tuy có kiến-trúc độc-đáo, nhưng thật ra chỉ một gian nhà nằm trên một cái cột đá như một cái tháp cho nên còn có tên là Nhất trụ tháp, hay như một cái đài hoa sen nên cũng có tên Liên-Hoa đài, song chùa Một Cột vẫn được xem là biểu-tượng của đạo Phật ở Việt-Nam. Còn tượng Phật đời Lý thờ ở chùa Vạn-Phúc (Phật-Tích), được xem là tượng Phật bằng đá lớn nhất Việt-Nam nhưng cũng chỉ cao 1m85, nếu kể cả bệ thì được 3m. Ông bà ta thời xưa hình như không phải đua theo cái to lớn, các vua chúa Việt-Nam xưa cũng không bị mặc-cảm với những cái vĩ-đại của xứ người, không bắt dân phải đóng sưu cao thuế nặng, tiêu xài hoang-phí nhân-lực và tài-lực của quốc-gia để xây-dựng những kiến-trúc khổng-lồ để đánh dấu tôn-vinh thời trị-vì của họ mà thích tôn-trọng cái nét độc-đáo, cái tinh-thần bình-dị, thanh-bạch, cái đức khiêm-từ, rất thích-hợp với giáo-pháp từ-bi, phá ngã-chấp của đạo Phật. Nhún-nhường nhưng dũng-cảm bất-khuất, vì trước một “chú mèo to lớn trên cao” luôn hăm-he, dân ta thà làm một “chú chuột nhỏ bé, im-ẩn”:

    “Con mèo mày trèo cây cao,

     Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?

nhưng chú chuột ta rất thông-minh, giỏi ứng-xử và can-đảm hơn là chịu khuất-phục để được làm một con mèo con ngoan-ngoản:

 “ Ta thà làm quỷ nước Nam hơn là làm vương đất Bắc” (câu nói của tướng Trần-Bình-Trọng).

Đôi khi chú chuột còn làm cho chú mèo phải chạy thất điên bát đảo:

    “Chú chuột đi chợ đường xa,

     Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo!” (Ca-dao)

Đó là tinh-thần Bi, Trí, Dũng của nhà Phật. Nhưng đáng tiếc thay 1000 năm sau khi vua Lý-Thái-Tổ dời đô từ Hoa-Lư về thành Đại-La (Thăng-Long) thì “người ta” (bởi vì đây không phải là ý của nhân-dân VN) đã nhân-danh “ăn mừng 1000 năm Thăng-Long” (hay ăn mừng ngày lễ độc-lập của “nước lạ” miền Bắc (?) vì được tổ-chức vào ngày 1 tháng 10 thay vì vào tháng 7 âm-lịch mùa thu theo như sử sách) và tiêu xài xa-hoa với một ngân-sách tốn kém đến 4.5 tỷ mỹ-kim do tiền thuế của dân đóng góp tương-đương 1/10 tổng thu-nhập quốc-gia, trong khi đất nước đang còn rất nhiều người nghèo đói và dân-chúng một dãi miền Trung Nghệ-An, Hà-Tĩnh, Quảng-Bình, Thừa-Thiên Huế đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi, hàng trăm người mất mạng, mất tích, hàng ngàn người đang đói khát và sợ-hãi, mong chờ cứu-trợ! Đồng ý làm lễ kỷ-niệm 1000 năm tồn-tại cho một thành-phố là một niềm vui và hãnh-diện của dân-tộc, song trong lúc tổ-quốc đang lâm nguy, giặc ngoại xâm đã chiếm một phần đất và đảo biễn, nhân-dân đang lầm-than khốn-khổ vì thiên-tai mà chính-quyền nỡ vung tay tiêu xài hoang-phí, quan-chức nhà nước thi nhau tiệc-tùng trong nhiều ngày để ăn mừng thì thử hỏi có hợp với tinh-thần của vua Lý-Thái-Tổ, một vị minh-vương tôn-sùng Phật-giáo, thương dân như con đỏ, anh-dũng bảo-vệ đất nước không? (Thông-điệp của Hoà-thượng Thích-Quảng-Độ về Ngàn năm Thăng-Long - Ỷ-Lan, RFA;  Úm ba la chúng ta cùng đã - Tuệ-Vân, Take2 Tango).

Còn nhớ tháng 12 năm 2004, thảm-hoạ sóng thần Ấn-độ-dương đã giết hại khoảng 250.000 người, riêng tại Indonesia có đến 168.000 nhân-mạng. Các cơ-quan nhân-đạo của thế-giới đã cùng nhau đóng-góp cứu-trợ. Người Việt chúng ta ở hải-ngoại cũng hăng-hái tham-gia việc cứu-tế, trong số đó có một vị sư đã không ngần-ngại bán ngay ngôi chùa lớn mà Thầy và các Phật-tử vừa mua được ở Vancouver (Canada) để đóng-góp vào việc từ-thiện và chính bản-thân sau đó Thầy cũng dấn thân đi vào vùng thiên-tai để cứu-trợ. Việc làm ấy thật đáng tán-thán, đúng với tinh-thần vị-tha của Ngã Phật từ-bi.

Trở lại đề-tài của bài nói chuyện ngày hôm nay, cũng thế nếu hiểu “Ngã”, Phật là một cái gì phải thật to, thật kêu thì thử hỏi có hợp với tinh-thần của đạo Phật chăng? Có phải đạo Phật dạy người ta phình to “cái mình” cho thật lớn mới thấy được Đạo không? Và chữ “NGÔ trong câu “Duy Ngã độc-tôn” phải hiểu nghĩa như thế nào?

           Theo chính-nghĩa bộ Phật-học Đại tự-điển dẩn-giãi theo kinh liễu-nghĩa Đại Niết-Bàn thì chữ NGÃ đó có nghĩa là “tuyệt-đối tự-do (đại tự-tại), là pháp-thân thường trụ bất diệt, là bản-tánh thông-suốt, bình-đẳng của tất cả chúng-sinh và chư Phật”. Nó mới là cái cao-quý nhất vốn sẵn có trong mỗi một mà chúng-sinh không thấy để đời đời kiếp kiếp bị trôi lăn trong vòng sinh-tử luân-hồi.Chư Phật ra đời chỉ vì một đại-sự nhân-duyên là muốn chỉ ra cho chúng-sinh thấy cái NGÃ đó, gọi là “khai thị ngộ-nhập Phật tri-kiến” (kinh Pháp-Hoa, phẩm Phương-tiện). Nếu không hiểu đúng nghĩa chữ Ngã đó thì người học Phật, tu Phật dễ bị lạc ngoại-đạo, hoặc chạy theo hư-danh, học-vị của thế-gian, hoặc đua-đòi sắc-tướng, lợi-dưỡng hay mong cầu thần-thông, huyền-bí, dễ sinh ra bệnh đại ngã-mạn, tưởng mình là Phật Thánh (kinh Lăng-Nghiêm, Ngũ-ấm-ma). Nên nhớ đức khiêm-cung và  tinh-thần phá ngã chấp là nét đặc-sắc của đạo Phật chân-chính. Chúng ta hãy nghe những lời đối-đáp của đức Đạt-Lai Lạt-Ma sau đây.

*Một ký-giả hỏi đức Đạt-Lai Lạt-Ma: “Thưa Ngài, thực sự Ngài có phải là hoá-thân của Bồ-tát Quán-Thế-Âm không?”. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cười và đáp: “Bản-thân tôi tự xem mình như một tu-sĩ Phật-giáo già!”.

             *Leonardo Boff, một giáo-sư Thần-học nổi tiếng người Brazil đã thuật lại một mẫu đối-thoại ngắn giữa ông và đức Đạt-Lai Lạt-Ma tại một cuộc hội-thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” như sau:

Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi Ngài, vừa tinh nghịch vừa tò mò:

"Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?"

Tôi nghĩ Ngài sẽ nói:" Phật giáo Tây Tạng"  hoặc "  Các tôn giáo phương đông, lâu đời hơn Kitô giáo nhiều". Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi... Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

Ngài trả lời: "  Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn."

Để dấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi:

" Cái gì làm tôi tốt hơn?"

Ngài trả lời:

"Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bi hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất."

Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan, trí-tuệ và khó phản bác:

"  Anh bạn ơi, tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không. Điều thật sự quan trọng đối với  tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng, và đối với thế giới. Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý, nó cũng được áp dụng cho tương quan con người: nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành; nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.

Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn."

 Cuối cùng Ngài nói:

 "Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói.

Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động.

Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói quen.

Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách.

Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh,

và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh

... và ...

Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật."

            Đặc-tính của đạo Phật là Từ-Bi, Bình-đẳng, Bao-dung, Trí-tuệ. Giáo-lý của Phật tuy được ghi thành thiên kinh vạn quyển, song tóm-tắt lại là cốt chỉ cho người đời thấy những sự thật “đơn-giản” muôn đời như luật nhân-quả, lý vô-thường, thuyết duyên-sinh, duyên-khởi. “Con đường cổ xưa” mà đức Phật vạch ra tuy đã nhiều ngàn năm song không bao giờ “lỗi thời” hay sai-chạy, đó là con đường Bát-Chánh. Ngày nào chúng-sinh còn sinh-tử luân-hồi, ngày ấy đạo Phật vẫn còn là lối đi dắt-dẩn con người đến giải-thoát. Phật dạy muốn giải-thoát phải phá mê-chấp. Mê-chấp mê chân, và chấp ngã. Mê chân nghĩa là không biết mình có tánh giác (Chân Ngã); chấp ngã là ôm chặc cái vọng ngã. Phật dạy thế sao mình vẫn chạy theo cái danh sắc, cái hình-tướng to lớn, cái địa-vị trong thế-gian, cái chức-vị trong giáo-phẩm? Lên một tầng nữa, kinh Đại-thừa còn nói phá chấp pháp:  “Thị cố bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp” (kinh Kim Cang, phẩm Chánh tín hy-hữu), nghĩa là Pháp (phương-tiện đưa đến Chân-lý) còn nên xả bỏ huống chi là phi-pháp (phi đạo-lý). Như thế muốn thấy Phật phải sao? Chạy tận bên Tây bên Tàu chăng? Tìm cầu ở những cung vàng điện ngọc chăng? Đó chỉ là bắt bóng ngoài tâm, không thấy Phật. Vì sao? kinh nói “Thật tướng tức phi tướng”, Phật không có tướng, tìm Phật qua âm-thanh, sắc-tướng thì không thấy được Phật, đó không phải là tu theo đạo Phật:

“Nhược dỉ sắc kiến Ngã, dỉ âm-thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà-đạo, bất năng kiến Như-Lai” (kinh Kim-Cang, phẩm Pháp-thân phi tướng).

Phật là tính giác vốn có (thủy giác) ở mọi chúng-sinh, nó không ở ngoài tâm, cũng không phải ở trong, không phải ở giữa(Kinh Lăng-Nghiêm, phẩm Bảy chỗ gạn hỏi Tâm). Phật là Chân Tâm và người nào thấy được Tâm (minh tâm), hằng sống với tính giác đó (chứng-ngộ) thì mọi vô-minh phiền-não đều vĩnh-viễn chấm dứt như chợt tỉnh “giấc mộng đêm qua” hay giấc mộng ngàn đời và khi đó người ấy sẽ thấy một đức Phật hiện toàn thân rực-rỡ trong ngôi nhà Như-Lai tức pháp-giới. Đó mới chính là tượng Phật lớn nhất, ngôi chùa lớn nhất mà mọi Phật-tử nên tìm cầu và tín-hướng vậy.

                                   Nam-mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật

      Bài nói chuyện tại Tổ-đình Từ-Quang ngày 07 tháng 11 năm 2010

                           Giác-Tâm Nguyễn-Thành-Long soạn. 

Trang-nghiêm kiếp (Vyùha-kalpa) Theo “Tam thiên Phật-danh kinh” thì chư Phật thị-hiện giáng-sinh đến thế-giới Ta-Bà này đã có từ vô lượng kiếp, nhưng tóm tắt lại có 3 thời-kỳ (tam thế).Thời quá-khứ gọi là Trang-nghiêm-kiếp đã có 1000 vị Phật ra đời mà đức Tỳ-Bà-Thi (Vipacyi) là đức Phật thứ 998. Thời hiện-tại gọi là Hiền-kiếp, cũng có 1000 vị Phật ra đời mà đức Thích-Ca-Mâu-Ni là vị Phật thứ 4, đức Di-Lặc là vị Phật thứ 5. Sau đó là thời vị-lai gọi là Tinh-Tú-kiếp cũng sẽ có đủ 1000 vị Phật giáng-sinh để giáo-hoá chúng-sinh.Gọi chung là Tam thế Tam thiên Phật.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm