Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 

 

 3. Quan Am toan canh

 

52.  Nếp Sống Nhà Chùa

Nhung Vũ 

Tôi là một sư cô đã sống ở chùa từ hồi nhỏ lúc 10 tuổi (đồng chơn xuất gia). Tôi thích sống ở chùa hơn ở nhà,

vì chùa có các tượng Phật rất đẹp, có kinh sách rất nhiều đọc rất hữu ích, có sư phụ và quý huynh đệ cùng sách tấn tu tập hướng thượng. Chùa cũng có tháp chuông, nơi mỗi buổi hoàng hôn và bình minh âm thanh chuông ngân vang đánh thức người hãy tỉnh mộng. Chùa có vườn thiền với nhiều chuông gió (phong linh) reo vang rất thánh thoát thanh tịnh, có mõ gỗ khắc hình con cá đánh cóc cóc hòa với tiếng kinh tụng, có áo tràng lam đơn giản nhẹ nhàng khoác lên mỗi khi lên chánh điện, có cách chào cúi đầu khiêm cung với hai tay chấp lại ngang ngực, vv....

Vâng, đó là vài nét của phong cách sống nơi nhà chủa rất ấn tượng trong tâm khảm của tôi. Mời tất cả chúng ta cũng nhau điểm qua như sau:

  1. Phật Bảo

Nói đủ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là hiện thân của bi-trí, giới-định-tuệ, của điều hay lẽ phải cho chúng ta nôi theo.

Ngài là người không chỉ sở hữu trí tuệ mà còn có năng lực siêu phàm, trải qua nhiều kiếp tu hành, được chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề sau 49 ngày thiền định. Đức Phật là bậc thầy

 

gương mẫu xuất thế của cả cõi trời và cõi người, cho nên ngài có 10 hiệu:

  1. Như Lai: Như là Như Như hay Chơn Như, là thể bất sanh bất diệt, không động nên gọi là “Như.” Tuy thể không sanh không diệt nhưng mà tùy lợi ích chúng sanh, các Ngài hằng tùy duyên ứng hiện giáo hóa chúng sanh nên là “Lai.”
  2. Ứng Cúng: Phật là một bậc giác ngộ xứng đáng cho Nhơn Thiên ứng cúng dường nên gọi là Ứng Cúng.
  3. Chánh Biến Tri: Chánh là chơn chánh. Biến là khắp hết. Tri là hiểu biết. Hiểu biết đúng đắn khắp cả mọi hiện tượng trong vũ trụ này, nên gọi là Chánh Biến
  4. Minh Hạnh Túc: là Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, và Lậu tận minh.
  5. Thiện Thệ: là Ngài khéo vượt qua các cõi ở thế giới và các cõi Trời nên gọi là Thiện Thệ. Thiện là khéo, Thệ là vượt
  6. Thế gian giải: Ngài là người hiểu thấu tất cả pháp ở thế
  7. Ðiều Ngự Trượng Phu: Ngài là bậc khéo điều ngự hay chinh phục cảm hóa người khác.
  8. Thiên Nhơn Sư: là Thầy của cõi trời và người.
  9. Phật: là bậc giác ngộ.
  10. Thế Tôn: Cả Trời và Người đều tôn quý Ngài. Phật - Đức Từ Bi giác ngộ

Là bậc thầy tối thượng cứu muôn loài Bậc tỉnh thức giữa những người say mộng Ngài soi đường chỉ lối khắp mọi nơi.

Vì Đức Phật là bậc thánh trong cõi đời này và chùa là nơi thờ ngài để xưng tán và phổ biến cách sống giải thoát và giác ngộ của ngài, nên tôi rất thích ở chùa để được chiêm ngưỡng và theo học theo giáp pháp của ngài.

 

  1. Pháp Bảo

Là lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, có hai là pháp học và pháp hành.

Pháp học có chín thể loại: 1. Pháp thoại; 2. Tường thuật bằng văn và thơ; 3. Giảng giải; 4. Kệ ngôn; 5. Như thật thuyết; 6. Trích giảng; 7. Chuyện Tiền Thân; 8. Lời thốt ra trước những sự kiện hy hữu; 9. Hỏi và Đáp (https://thuvienhoasen.org/a28305/ hieu-ve-chu-phap-trong-dao-phat)

Pháp hành là sự trải nghiệp và chứng nghiệm của lộ trình Giới, Định, và Tuệ.

Kinh ngàn lời giác tỉnh Khiến vô thủy vô minh Đều có thể chuyển hóa Thành minh sáng giữa đời.

Tin nơi Pháp - thấm nhuần lời Phật dạy Giúp người đời thoát khổ chốn trần ai.

Pháp là kim chỉ nam đưa chúng ta ra khỏi biển sanh tử. Nếu không có pháp thì chúng ta sẽ rong ruỗi, phí phạm thời gian và dễ bị sa ngã, lầm đường lạc lối. Chùa là nơi có nhiều pháp bảo quý giá theo từng trình độ của chúng ta mà tu tập hướng thượng, nên tôi rất thích sống ở chùa.

  1. Tăng Bảo

Là quý thầy, quý sư cô, đầu tròn áo vuông, sống thanh tịnh và hoà hợp trong chùa, giữ giới hạnh xuất gia. Đây là các đệ tử lớn (trưởng tử Như Lai) của Đức Phật Thích Ca theo dấu chân của Đức từ phụ để truyền bá chánh pháp của ngài cho lợi ích số đông. Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nên chúng ta nương chư Tăng ni để học theo Phật.

 

Chùa là nơi quý sư cô tu học. Quý sư ăn chay, niệm Phật tụng kinh, nói lời hòa nhã, thân thiện và ân cần giúp đỡ dẫn dắt người mới học đạo, nên tôi rất thích ở Chùa, để gần gũi quý sư cô tu học: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”

Tin nơi tăng - Bậc tu hành giải thoát Thay Chư Phật làm sức giả Như Lai.

Đuốc pháp sáng ngời, dần xa đêm tăm tối Tam bảo vi diệu hương bồ đề lan toả

Luân chuyển hóa từ phàm tâm lên thánh vị Pháp hướng thượng, vượt không gian thời gian.

  1. Tháp Chuông

Tháp chuông (còn được gọi là lầu chuông) là nét kiến trúc tôn giáo rất đặc biệt và gần gũi của nhà chùa. Trong Ngũ Phần Luật (quyển 18) ghi rằng: “Khi Đức Phật còn tại thế, có một lần tăng đoàn làm lễ Bố Tát chưa thể kịp thời tập hợp, bèn tới một nơi hoang vắng toạ thiền hành đạo. Khi đó, đức Phật bèn bảo rằng phải gõ gỗ Ghantā, hoặc gõ trống, thổi ốc để tập hợp.”

Một chương khác trong bộ luật này cũng có kể rằng: “Các vị Tỳ kheo không biết làm thế nào để dùng gỗ làm chuông Ghantā, vì thế bạch với đức Phật. Đức Phật nói: “Trừ cây sơn và các loài cây độc ra, còn các loại cây gõ phát ra tiếng, đều có thể làm được.” Vì thế, những nơi không có kim loại thì các ngài hay dùng thân cây rỗng để là thay chuông và sau này người ta làm bé đi thành mõ để giữ nhịp đều khi tụng Kinh. Từ đó, Phật giáo có các pháp khí như chuông, mõ, khánh, linh...

Ở chùa, vào mỗi buổi sáng bình minh vừa mọc (báo hiệu thời công phu khuya) và mỗi buổi hoàng hôn (báo hiệu thời Mông Sơn Thí Thực, Công phu chiều) là tiếng chuông trầm ấm của hồng

 

chung được gióng lên vang xa giữa thinh không; thâm trầm, sâu lắng như ngân nga giữa bể dâu, thức tỉnh khách hồng trần còn mãi theo đuổi danh lợi, mà quay tỉnh giấc mộng danh lợi ngắn ngủi... Bài kệ chuông được ngân lên chậm chậm và cuối mỗi câu là một tiếng chuông hay hồi chuông được gióng lên:

Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ (boong...) Trí huệ trưởng, bồ đề sinh (boong...)

Lìa Địa ngục, thoát hầm lửa (boong...)

Nguyện thành Phật độ chúng sinh (boong...) ....

Án già ra đế dà tà bà ha (3 lần).

Âm thanh chuông lan tỏa khắp nơi cảnh tỉnh người si mê đang sống nơi trần thế, người đang say đắm sắc dục trên cõi trời và vang xa thấu xuống cả địa phủ, đánh thức tâm linh của những tội nhân đang bị hành hình giam cầm trong ngục tối, những loài ma quỉ khóc lóc ủ rủ sầu thảm. sớm biết hồi tâm,

sám hối, chuyển hóa tu hành niệm Phật mà thoát cảnh giới khổ. Do có nhiều năng lực chuyển hóa cả âm dương này, nên công đức gióng chuông rất lớn.

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai (boong.         )

Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười (boong.        )

Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức (boong.   )

Mắt trời trí tuệ rạng muôn nơ (boong...)....

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)

Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ rằng: “Ý nghĩa của tiếng chuông chùa theo như Phật dạy là tiếng chuông tỉnh thức, khiến người nghe thức tỉnh bản giác của mình là tính thiện, từ bi, hỷ xả, vô ngã, và vị tha. Đó là những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người chúng ta, mà đôi khi chúng ta lãng quên đi, thì tiếng chuông chùa thức tỉnh và khơi dậy những điều tốt đẹp đó.

 

Tiếng chuông chùa còn đưa ta về cái nhất tâm; cái nhất tâm làm các điều lành, làm các điều thiện để cho bản thân mình, gia đình mình và xã hội được tốt dẹp lên”.

Sư Ông Nhất Hạnh (Làng Mai) có bài thỉnh chuông rất dễ thương, chánh niệm và tỉnh thức như:

Boong… boong… Tôi là chuông đại hồng, ngôi chùa xưa trên đỉnh núi

Boong… boong… Tôi khua vang mở đầu cho một bình minh mới

Boong… boong… Nghe tiếng tôi, xin người nở nụ cười Boong… boong… Nghe tiếng tôi, xin người đem mắt thương

nhìn cuộc đời.

Boong… boong… Thở vào, tâm người tỉnh lặng Boong… boong… Thở ra, miệng người mỉm cười Boong… boong… Người trở về phút giây hiện tại Boong… boong… Người an trú phút giây tuyệt vời. Ba nghiệp lắng thanh tịnh

Gởi lòng theo tiếng chuông Nguyện người nghe tỉnth thức Vượt thoát nẻo đau buồn.

Nam Mô Nhĩ Căn Viên Thông Đại Bi Quan Thế Âm Bồ tát.

Trong pháp tu của thiền Chánh niệm kết hợp với tiếng chuông, sư ông Nhất Hạnh dạy rằng cứ khoảng 15 phút sẽ có một tiếng chuông được rung lên. Cứ mỗi lần nghe tiếng chuông thì mọi người dừng lại hẳn, hít thở 3 lần để tịnh tâm, thức tỉnh lòng người rồi mới đi tiếp. Phương pháp này rất hữu hiệu và ý nghĩa. Nói đến chùa là nói đến chuông, tháp chuông, ôi sao thật trong sáng và thanh tịnh!

 

  1. Vườn Thiền

Nét trang trí của chùa rất khác xa với các biệt thự hay khu vui chơi bên ngoài xã hội. Sân chùa, vườn chùa gọi là vườn thiền (Zen garden) trang trí rất đơn giản với vài cây bonsai, đá sỏi, dòng suối nhỏ, đường thiền hành, tượng chú điệu (chú tiểu: little monks)... nhưng rất sống động, nên thơ và ý nghĩa. Đây là nơi kết hợp của tâm linh, nghệ thuật và thiên nhiên. Nơi để giới tăng lữ và Phật tử thiền hành và quán chiếu. Nơi mà khách vãng lai, ngồi trầm tư để lắng đọng phiền não, chiêm nghiệm lại cuộc sống, từng bước sống chậm lại...

Sáng nay lối ra bên rừng chim hót

em thoát về trên ngõ biếc

những chồi non, nụ hoa, đọt mướp níu không gian bàn tay

bàn tay nâng chiếc đũa người nghệ sĩ tài ba lừa vũ trụ âm thanh

về ngưng tụ vào điểm không tịch tĩnh.

(Tịch Tĩnh – Thích Nhất Hạnh)

Tôi rất thích dạo bước và ngắm nhìn quang cảnh vườn thiền nơi sân sau của chùa, bởi lẽ khi đó tôi cảm thấy được tĩnh tại, quên đi những mệt mỏi, xô bồ của cuộc sống mà tâm trong sáng lắng đọng có chiều sâu nội tâm hơn... Cũng vì lợi ích tâm linh này mà nhiều vị rất muốn đến chùa hay muốn xuất gia ở chùa luôn. Khách hành hương chiêm bái cũng rất thích phong cách vườn thiền của chốn tôn nghiêm trong các chuyến du hành tâm linh.

 

  1. Thiền Tọa Và Thiền Hành

Có vườn thiền, thì phải có hành giả thiền tọa và thiền hành. Thiền đưa đến giác ngộ giải thoát, đây là chìa khóa chính đưa đến hạnh phúc và an lạc của Phật giáo.

Sống thiền là sống chậm, chánh niệm và tỉnh thức. Thay vì hấp tấp vì nhiều việc, chúng ta nên dành cho mình đủ thì giờ để thưởng thức giây phút tĩnh tọa trong vườn thiền, giây phút từng bước đi và không hề tính toán chuyện công việc trong khi đi, tức là chúng ta biết chăm sóc thân tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây.

Vững thân ngồi dưới cội bồ đề (boong...) Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi (boong...)

Thâu nhiếp thân tâm vào chánh niệm (boong...) Rõ soi diện mục thoát bờ mê (boong...)....

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần).

Thiền tọa nghĩa là ngồi đoan nghiêm (kiết già hay bán già) đối diện với chính mình để thanh lọc, chuyển hóa và làm chủ được tâm mình. Được như vậy thì ngay khi ở thế gian này lúc nào chúng ta cũng bình ổn, lúc chết được tự tại, an vui, như có câu: “Tâm bình, thế giới bình.”

Thiền hành tức là vừa đi vừa thiền, là một việc mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được mỗi ngày. Vừa đi, vừa thở, vừa chánh niệm biết mình đang đi, đang thở, đang sống. Kinh Tứ Niệm Xứ, Quán Thân trên Thân, Đức Phật dạy khi đi thiền hành quán rằng:

“Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập khi đi, sáng suốt ghi nhận: đang đi; khi đứng, sáng suốt ghi nhận: đang đứng; khi ngồi, sáng suốt ghi nhận: đang ngồi; khi nằm, sáng suốt ghi nhận: đang nằm. Thân thể trong tư thế ra sao biết rõ như thế.

 

Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mặc y kép hay thượng y hoặc khi mang bát, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.”

Mỗi ngày chúng ta thực tập đi trong chánh niệm “Quán thân trên thân” giữa các oai nghi đi đứng nằm ngồi, nấu nướng, chẻ củi... như vậy, là ta có thể tiếp xúc với giây phút hiện tại nơi từng bước chân giữa vườn thiền thi vị. Thật là nên thơ! Thật là nhẹ nhàng thanh tịnh giải thoát như cảnh giới an lạc tiên bồng, không có rộn ràng phiền não danh lợi của trần thế.

Đã về, đã tới Đã về

Đã tới Bây giờ Ở đây.

Vững chãi Thảnh thơi Quay về Nương tựa. Nay tôi đã về Nay tôi đã tới An trú bây giờ An trú ở đây.

Vững chãi như núi xanh Thảnh thơi dường mây trắng

 

Cửa vô sinh mở rồi Trạm nhiên

Và bất động.

(Đã về, đã tới - Thích Nhất Hạnh)

  1. Chuông Gió (Linh Phong)

Chùa cũng đặc biệt là nơi treo nhiều chuông gió trong vườn thiền, sân trước, sân sau, đường thiền hành, vv...

Chuông gió là một trong những vật dụng dùng để trang trí, tạo không khí thánh thoát do âm thanh phát ra trong trẻo như Kinh A Di Đà mô tả khi các lá phướng theo gió đong đưa, va chạm vào nhau, phát ra âm thanh thoát thoát như niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Trong nhà chùa chuông gió đóng vai trò cũng như là một pháp khí nhắc thức chúng ta đang làm gì thì hãy ngưng lại, nhìn lại và trở về giây phút hiện tại, thở ra, thở vào, nhiệm mầu bây giờ và ở đây trong giây phút này.

Mùa thu đến mời chuông gió reo Chuông vang leng keng thánh thót.

Ai ơi hãy dừng chân lại Quyết lòng xa cõi u mê

Cửa thiền chuông gió tỉnh lay

An nhiên bước nhẹ không hề vướng chi. (Chuông gió cửa thiền – Thích Nữ Giới Hương)

  1. Mõ Khắc Hình Con Cá

Nói đến chùa là nói đến quý sư gõ mõ tụng kinh, giống như nói tới các vị chiến sĩ ngoài chiến trận thì phải có súng và

 

đạn. Không gõ mõ tụng kinh thì không phải là khung cảnh nhà

chùa. Quý vị nhìn kỹ mỗi chiếc mõ của nhà chùa, sẽ thấy hình gì? Có hình một con cá thật đẹp và thật to. Vì sao? Khi tôi còn là một chú điệu, tóc còn để chỏm một bên, tôi lóc cóc tập gõ mõ và được sư phụ kể chuyện như sau:

“Ngày xưa, có một vị Hòa Thượng trụ trì một cảnh chùa ở gần bờ sông trong một thôn quê. Mỗi khi có việc ra tỉnh, Ngài quá giang bằng chiếc đò ngang. Hôm ấy nhằm ngày 13 tháng bảy, Ngài quá giang ra tỉnh để chủ lễ một đàn kỳ siêu. Khi đò ra tới giữa dòng sông cái thì thấy sóng nổi lên ầm ầm làm cho thuyền tròng trành muốn đắm. Ai nấy ở trên đò cũng đều hoảng hốt kinh khủng thì ngay lúc ấy, bỗng nhiên thấy nổi lên trên mặt nước một con cá Kình rất lớn, cất cao cái đầu lên khỏi mặt nước mà lắp bắp cái miệng nói: “Con là chú sadi, đệ tử của hòa thượng, tuy ở chùa mà lười biếng, chỉ lo rong chơi ăn ngủ theo thế tục, không thiết gì tới công phu bái sám, ăn chay niệm Phật và săn sóc công việc Chùa, vì vậy chết đọa làm cá kình.”

Nghe cá nói xong, Sư Cụ liền khuyên cá sám hối và sư phụ sẽ tụng kinh siêu độ và xả tội cho. Vừa dứt lời thì cá Kình kia cũng lặn chìm xuống dưới đáy nước.

Kế đó, sau bảy ngày đêm vang tiếng tụng kinh cầu siêu độ tại chùa thì cá Kình liền trồi lên mặt nước, lết thẳng tới sân Chùa, nằm dài một đống và hướng vào trong Chùa mà nói rằng: “Bạch Thầy, mấy hôm nay, nhờ công đức của Thầy và chư Tăng Ni chú nguyện và tụng kinh siêu độ nên con đã được tiêu nghiệp, thoát kiếp cá Kình và sanh lên cõi trời Dục Giới.

Trước khi lên cõi Trời để hưởng sự khoái lạc của chư Thiên, con xin đến đây thành tâm đảnh lễ tạ ơn Thầy cùng chư Tăng Ni và con nguyện lưu cái xác thân cá Kình tại Chùa để mỗi ngày, chư Tăng Ni cầm cây gõ lên đầu con, ngõ hầu làm gương cho những vị nào tu hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự tôn, tự đại, không chịu khép mình vào vòng giới luật và cũng là để nhắc

 

nhở cho những vị ấy nhớ tới bổn phận tu tâm, hành đạo, để khỏi xao lãng công phu bái sám, niệm Phật tu thiền, thúc liễm thâm tâm, nghiêm trì giới luật.”

Từ đó, cái mõ được trổ theo hình con cá để thức tỉnh người tu hành. Tôi rất thích câu chuyện con cá vì đó là bài học cảnh tỉnh cho chúng xuất gia như tôi mà ngày đêm tinh tấn tu học để không bị mắc đọa như cá kình. Mỗi ngày, tôi tụng kinh, đều vuốt đầu cá mà cám ơn cho câu chuyện này.

Em nhớ hôm nào sông nước vắng Chuông Chùa lay động ánh sương chiều Lời Kinh, tiếng “Mõ” như thầm nhắn Cái kiếp phù sinh buổi xế chiều.

  1. Áo Tràng Lam

Chùa là nơi bước vào chánh điện hay ra sân ngoài, chúng ta đều thấy thấp thoáng rất nhiều sắc phục màu lam nhã nhặn dịu mắt. Sắc lam áo tràng là văn hoá pháp phục của đạo Phật và phong tục tập quán văn hoá của nước Việt Nam. Khách vãng lai mới bước vào chùa rất ấn tượng, khi thấy nam nữ Phật tử đồng loạt mặc sắc phục áo tràng lam khi ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh... trông rất hiền hòa và dễ thương.

Màu lam là màu của nhu hòa, bình dị như màu của tro đất, khói hương, cây lá,.. mang lại sự gần gũi với đời thường. Trong thời đại cuộc sống xô bồ như hiện nay thì màu sắc của những chiếc áo Phật tử gợi lên cảm giác khiêm cung, nhu hòa và yên bình.

Khi mặc áo tràng nhắc người Phật tử ăn nói chậm rãi chánh niệm, hành động nên đoan nghiêm, tế hạnh... để biểu lộ hình ảnh đẹp gương mẫu của người Phật tử tại gia giữ năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không nói láo, không uống rượu và

 

không ngoại tình).

Ai xấu đẹp, cao thấp, giàu nghèo, giỏi dỡ....khi vào chánh điện đều bình đẳng giống nhau và đều bình đẳng nhận giáo pháp của Đức Thế tôn về giới định tuệ để cùng tu tập và giải thoát. Văn hóa áo tràng lam của con Phật thật ấn tượng và thích hợp với tâm tư người con Việt hiền hòa đạo đức của chúng ta.

  1. Chắp Tay Chào

Vào thời Đức Phật còn tại thế, mỗi khi Phật cùng chư Tăng gặp mặt nhau trong chùa, ngoài đường, giữa rừng, hay dưới gốc cây đều chắp tay chào nhau trong niềm tương kính và tương ân lẫn nhau.

Hiện nay đã trải qua 26 thế kỷ, Phật giáo đã có mặt ở nhiều đất nước và tất cả Phật giáo liên châu đều thống nhất một cách chào chung là hai tay chấp lại trước ngực, cúi đầu cung kính nói: Nam Mô A Di Đà Phật.

Chắp tay hình búp sen trước ngực đầu cuối xuống là tỏ lòng thành kính đối với Tăng, ni và quý Phật tử đối diện. Chúng ta niệm Nam mô Phật Đà là cung kính tưởng nhớ đức Phật Thích Ca và chào vị đối diện như một vị Phật tương lai mà chính Đức Phật Thích Ca khi vừa giác ngộ đã thốt lên rằng: “Không ngờ tất cả chúng sanh đều có đây đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai. Cũng đồng với ý nghĩa này, trong Kinh Pháp Hoa, bồ tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng đảnh lễ kính lạy mà nói rằng: “Tôi không dám khinh quý ngài vì quí ngài sẽ thành Phật trong tương lai.”

Như vậy, theo quan điểm nhà Phật, tăng ni và Phật tử, hình tướng, chức vị, tuổi tác có khác, nhưng bản thể vốn đồng nhau và cách chào đã thể hiện tánh Phật bình đẳng và vô ngã đó (buông hạ ngã cống cao kiêu mạn của mình xuống).

Búp sen tay và cái cúi đầu trang nghiêm là biểu hiện toàn bộ

 

giáo pháp bình đẳng của Đức Thế Tôn, trái tim thương yêu và hiểu biết để chúng ta cúng dường lên người đang đối diện với ta, người sẽ tu tập chuyển hóa, cải đổi và sẽ thành một bậc giác ngộ trong tương lai gần. Chúng ta nguyện cũng sẽ đi trên con đường đầy tình thương và trí tuệ, vì chúng ta thấy rằng, trong thân và tâm mình cũng có sẵn rất nhiều hạt giống tình thương, bồ đề và giác ngộ đó.

Nở ra từ bàn tay nhỏ

Vẹn tròn hiểu biết yêu thương Đóa sen thơm ngát cúng dường

Trong Người, trong Ta, trong Phật!

Tóm lại, đạo Phật là đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam, đã gần gũi và ăn sâu trong tư tưởng và hành động của mỗi người dân. Nếp sống đạo, nếp sống nhà chùa với các tượng Phật rất đẹp, với kinh sách trí tuệ, với huynh đệ đồng tu, với tháp chuông, vườn thiền, chuông gió (phong linh), tiếng mõ, áo tràng lam, chấp tay chào nhau một vị Phật tương lai vv    Ôi thật đẹp

biết bao! Siêu thoát biết bao! Một nếp sống hiền hòa và tuệ giác.

Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tiên. (Nhớ Chùa – Huyền Không) Nam Mô A Di Đà Phật.

Nhung Vũ

(California, USA)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm