Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 images

 

47. Tìm Đến Đạo

Lâm Maithy

Nếu có người hỏi sống trên cõi trần gian lắm mộng mị này, điều gì đã làm cho tôi cảm thấy sung sướng và

hãnh diện nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà đáp rằng: Tôi là một Phật tử, là người được thừa hưởng kho tàng Pháp bảo mà Đức Thế Tôn đã để lại cho những đứa con của Ngài.

Lúc còn ở Việt Nam, gia đình tôi ở gần Chùa Viên Giác, chỉ cần băng qua con đường nhỏ, đi lần vào trong hẽm là đến Chùa. Trong cái đầu óc non nớt và hổn tạp của tôi hồi ấy, “Chùa” là nơi tụ tập của những bà cụ lúc nào cũng “rình rập” để bắt nạt trẻ con. Bởi lẽ lúc anh Nam, rồi chị Thu qua đời, mỗi tối tôi cùng các chị đi cúng thất, đến phần tụng Chú (bây giờ nhớ lại, tôi chắc đó là bài Chú Vãng Sanh), chị Điệp của tôi đã ôm bụng cười ngất. Thế là các cụ ngồi phía trên quay lại trừng mắt, trông rất dữ tợn. Khổ một nỗi, càng bị cấm thì chị của tôi càng cười nhiều hơn.

Lúc ra về tôi hỏi, vì duyên cớ chi mà chị lại cười ngắt ngẻo như thế, thì chị đáp: Bé không nghe người ta đọc những gì hay sao? Cái gì mà hết “đá ra,” rồi lại “đá dzô,” và còn “cà ri nị” nữa. Ôi chu choa ơi!

Chị lại ôm bụng cười, cười chảy cả nước mắt. Từ đó, tôi chẳng dám bén mãng đến Chùa, vì sợ rằng các cụ sẽ nhớ mặt tôi và lẽ dĩ nhiên là tôi chẳng được chút cảm tình nào cả.

 

Ở Chùa, ngoài tượng của Đức Phật Thích Ca thật uy nghi đặt ngay chính giữa, tượng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mà người ta thường gọi là “Phật Bà,” tôi còn thấy tượng của một ông rất hiền, trên vai có quẳng một chiếc giầy (mà sau này tôi mới biết đó là Ông Tổ Đạt Ma) và một ông mặt mũi dữ tợn vô cùng, le cái lưỡi dài ơi thiệt dài như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Tôi không buồn hỏi tại sao lại thờ các Ngài, mà chỉ liếc nhìn mấy cái “oản” xanh xanh, đỏ đỏ trên bàn thờ. Thật tình tôi chẳng thích gì loại bánh in đó, vì chẳng có gì hấp dẫn, tôi chỉ thích để trên bàn học để ngắm nhìn, vì nó thật là dễ thương. Tôi còn nhớ mỗi lần tụng đến đoạn “Tam Quy Y” thì tôi mừng hết lớn, vì biết sắp được đi về và sắp được ngồi trước cửa nhìn ông đi qua, bà đi lại và tán dốc với mấy anh chị, con của Thầy Nhật Tiến.

Đến năm hai mươi tuổi, người bạn của gia đình tôi đột ngột qua đời vì tai nạn. Hôm đưa đám tang của anh, mẹ và tôi cũng đến dự. Tôi hơi buồn vì tự nhiên mất đi một người bạn, nhưng tôi vẫn hồn nhiên đi hái những cánh hoa dại trong nghĩa trang và khẽ đọc một đoạn trong bài thơ Viếng Hồn Trinh Nữ của Nguyễn Bính:

“Nàng đã qua đời để tối nay, Có chàng đi hứng gió heo may, Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,

Đếm mãi bâng quơ những dấu giầy.”

Khi về đến nhà, mẹ gọi tôi vào và bảo rằng trước khi lìa đời anh có kể cho gia đình nghe về mối tình tuyệt vọng của anh và tôi. Tôi gào thét lên vì thật lòng tôi chẳng hay biết gì cả. Ngoài những giờ ở trường lớp, tôi thường chui xuống gầm bàn để chơi bán đồ hàng với con mèo mi của tôi. Chuyện yêu đương tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến, bởi mẹ luôn nhắc nhở phải giữ lòng trong trắng mới mong có ngày sang Mỹ gặp Ba.

Tôi trùm mền kín mít, nằm vật vã cả tháng trời, dù sao đi

 

nữa tôi cũng có ít nhiều trách nhiệm trước sự ra đi miên viễn của anh. Tôi nghĩ rằng, tôi phải làm một điều gì đó mới mong chuộc hết tội lỗi (mặc gì tôi đã chẳng làm gì nên tội, có chăng là bề ngoài hay tánh tình của tôi đã làm cho anh ấy thương mến). Thật tình cờ, tôi tìm được quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mà trong đó có đoạn “tả kinh cứu bạn”. Tôi đem hết lòng thành, ngày đêm ngồi chép kinh để hồi hướng công đức, chỉ mong rằng anh ấy sẽ được siêu thoát.

Ở Việt Nam hồi ấy, cứ đến sáu giờ chiều là cúp điện tối thui, nhưng tôi không nản lòng, mà chong đèn dầu để chép kinh. Chép là chép, chớ tôi không hiểu lắm về những lời kinh. Tôi không biết kinh Pháp Hoa nói về “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” mà hồi ấy tôi chỉ nhớ được bốn chữ “hằng hà sa số” đã lặp đi, lặp lại rất nhiều lần trong kinh.

Đạp xe giữa cơn nắng gay gắt, tôi mang quyển kinh lên Chùa Đại Giác. Tôi thầm hỏi tại sao người ta lại không trồng những cây to làm bóng mát dọc hai bên ở đường Công Lý. Vào đến cổng Chùa, tôi gặp vị sư trẻ, hơn tôi chừng một hay hai tuổi, tôi khẽ hỏi:

- Anh ơi, em để xe ở đây được không?

Vị Thầy đó không nói, không rằng, chỉ nhíu mắt nhìn tôi, rồi bỏ đi. Tôi không hiểu tại sao, chỉ trách thầm cái ông Thầy gì mà kỳ cục, sao mà khinh người quá xá. Tôi mang quyển kinh lên tháp, chỗ để cốt của anh, rồi đi về. Sau này, khi tâm sự với dì của tôi, người đã xuất gia khi hãy còn trẻ, tôi mới vỡ lẽ ra là vì cách xưng hô của tôi đã làm cho Thầy khó chịu. Nhưng tôi đã nói với dì rằng: “Kẻ không biết, không có tội.”

Tôi không được gần gũi với dì, vì dì tu Chùa ở tận Đà Nẵng, nhưng tôi học được ở dì mấy chữ “Cúng dường Tam Bảo.” Mỗi lần dì về thăm là tôi vơ vét hết túi lớn, túi nhỏ để cúng dường. Tôi còn “đầu cơ, tích trữ” mấy hộp phấn viết bảng, loại sản xuất trước năm 75, rất hiếm hoi thời ấy, để dì mang về Chùa cho Sư

 

Ông giảng kinh. Tất cả những việc tôi làm, cũng bởi tôi yêu dì, chớ tôi chẳng có chút ý niệm gì về đạo cả.

Gần mười năm sau, khi đã định cư tại Mỹ, tôi đã có dịp đến Chùa vì một điều thật là giản dị, bà nội tôi mất và cả nhà phải đi cúng thất. Lần này tôi mới thật sự tìm đến Đạo, vì cảm kích hình ảnh của Thánh Nữ Quang Mục khóc Mẹ trong Kinh Địa Tạng. Mỗi khi nghe Thầy Tiễn Huyến giảng Kinh Địa Tạng, lòng tôi lại dâng lên niềm thương cảm và nổi xúc động lạ thường. Tôi phải cố gắng bậm môi, còn hai tay thì đan vào nhau thật chặt để khỏi bật khóc, nhưng không tài nào giữ nỗi. Những dòng nước mắt cứ thi nhau tuôn tràn ướt đầy cả hai tay áo. Chưa đủ, tôi kéo cả hai vạt quần để thấm. Nước mắt tôi chảy dài như vòi nước xài lâu ngày bị hư. Nếu phải đem hứng, chắc đủ pha một ấm trà để uống. Cũng chính Thầy Huyến đã giảng cho chúng tôi nghe về “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” mà cách đây mười năm tôi đã một lần chép, nhưng chẳng hiểu gì cả. Lần này, sau khi đọc “Thiên thần quét lá” của nhà văn Vĩnh Hảo, cảm thương “Pháp Sư tí hon,” tôi đã nguyện chép thêm một bộ kinh nữa. Chép đến đâu tôi hiểu đến đó. Tôi nhớ từng ý chính trong từng phẩm, như nhớ từng lời dặn dò, nhắn nhủ của Đức Thế Tôn.

Trong cuộc đời, vui buồn lẫn lộn, có lúc êm ả như dòng sông, có lúc ồ ạt, cuồn cuộn như sóng biển. Mỗi khi gặp nghịch cảnh, ngang trái, tôi đã mang Phật Pháp để áp dụng trong từng hoàn cảnh. Tôi tập quán chiếu và chuyển hóa tâm. Tôi đem hình ảnh và hạnh nguyện của từng vị Bồ Tát để soi sáng và làm gương noi theo. Nhờ vậy mà tôi đã có những phút giây tĩnh lặng, vượt thoát khỏi những nghiệt ngã của cuộc đời.

Lúc trước, khi chưa tìm hiểu Phật Pháp, tôi vẫn nghĩ rằng cõi Niết Bàn của Đức Phật ở đâu xa xôi lắm, phải vượt khỏi chin tầng mây và sau khi bỏ thân mạng này tôi mới đến được nơi đó. Nhưng thật ra “Niết” tức là không, “Bàn” tức là phiền não. Nếu như tâm tôi không phiền não, thì chính là lúc tôi đang ở nơi cảnh giới Niết bàn.

 

Thật là một duyên lành cho tôi được gia nhập vào Ban Đạo Tràng Pháp Hoa. Lúc bà nội qua đời, các cô chú đã đến nhà quàn để hộ niệm, và sau khi nghe tụng “Pháp Hoa Thủ Hộ Thần Chú” (đó cũng là phẩm Đà La Ni thứ 26, sau phẩm Phổ Môn) thì tôi đã như bị thôi miên bởi thần lực nhiệm mầu của bài Chú này. Tôi đã phát nguyện đời đời, kiếp kiếp mãi là hành giả Pháp Hoa:

“Làm cho lợi ích chốn nhơn thiên, Muốn bỏ trần gian nỗi ưu phiền, Nương theo diệu nghĩa mà tu tập, Khi mãn duyên phàm được lên tiên, Hoặc về cõi Phật ngự đài sen,

Nghiệp chướng nhiều đời bổng lắng yên, Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết, Liễu ngộ Pháp Hoa chứng đạo thuyền.”

Tôi học hạnh lắng nghe của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hạnh từ bi của Đức Địa Tạng, hạnh nhẫn nhục của Thường Bất Khinh Bồ Tát: “Tôi chẳng dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật,” và vị Bồ Tát mà lúc đi đứng, khi nằm ngồi, trong bất cứ lúc nào tôi cũng nhớ đến, đó là Ngài Đề Bà Đạt Đa. Ngài chính là người đã phát nguyện tu theo nghịch hạnh, đời đời kiếp kiếp sinh ra là oán thù để Đức Phật nhờ đó tu được hạnh nhẫn nhục mà chóng thành tựu Vô thượng đẳng giác.

Tôi thầm nghĩ trên đời này ai cũng thích nghe những lời đường mật tâng bốc. Còn Ngài Đề Bà Đat Đa cứ mặc cho người đời nguyền rủa. Ngay chính bản thân tôi lắm khi làm được chút Phật sự, được quý Thầy hay các cô chú khen tặng thì tôi đã thấy lòng lâng lâng. Ngược lại, mỗi khi nghe những điều trái tai, không đẹp dạ thì tôi đã đùng đùng nổi trận lôi đình. Nếu như làm việc sai trái mà bị mắng thì tôi cũng cam, nhưng đôi khi đã hết lòng cho đạo cả, vì lợi ích của mọi người mà cũng không thoát khỏi những lời thị phi, tôi thật là đau buồn. Như thế

 

mới thật là “đời.” Tôi chảy nước mắt vì chúng sanh quá “cang cường” nên không biết khi nào Đức Địa Tạng mới thành Phật như lời thệ nguyện của Ngài: “Khi nào địa ngục chưa hết khổ đau, ta nguyện không thành Phật.” Nhưng hiểu cho cùng, nếu như mọi việc xảy ra như sở nguyện, con người sẽ kiêu căng. Nghịch cảnh như người bạn tốt, giúp ta thực hành hạnh nhẫn nhục, tại sao ta lại chấp vào những lời nói để gây phiền não và đau khổ cho chính mình.

Trong đạo Phật có nhiều bài Chú, nhưng đối với tôi bài Chú mầu nhiệm nhất, ngắn nhất và dễ thuộc nhất, đó là bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh: “Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha” -- có nghĩa là “Vượt qua, Vượt qua, Vượt qua tất cả, đến bờ bên kia” mà mỗi lần chùn bước vì nghịch cảnh tôi thường tụng để đối trị với phiền não. Tôi vẫn nghĩ rằng tất cả sự việc xảy ra trong cuộc đời này, không phải tự nhiên mà có, mà đó là những oan gia, nghiệp báo, nhân quả tích tụ của nhiều đời, nhiều kiếp. Tập quán chiếu như thế, tôi cũng tìm thấy sự an lạc.

Tuy thân tôi còn ở tục, nhưng tâm không hề xa rời Đạo. Từng lời kinh, từng bài Chú, câu kệ và những hạnh nguyện của các vị Bồ Tát lúc nào như cũng hỗ trợ, nâng đỡ, khuyến khích tôi trên con đường học đạo.

Nhiệm mầu thay, đạo Phật! Đạo của lòng từ bi, trí tuệ, của những người sống trong tĩnh thức. Chào mừng lễ Phật đản, con viết lên đây với tất cả niềm thành kính của một người con Phật đối với đạo cả.

Nguyện cho chúng sinh trong khắp cõi tam thiên, đại thiên thế giới biết phát Bồ Đề Tâm và chóng thành Phật đạo.

Lâm Maithy

(Big Bear, California, USA)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm