Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 images 1

 

46.  Bệnh Duyên Và Tu Tập

Thích Thông Đạo

Thông Đạo sinh năm Kỷ Sửu tại phố cổ Hội An, người Pháp gọi Faifo nên Cha Mẹ đặt tên Phô, Trần Duy Phô.

Quê ngoại Quảng Nam, quê nội Thừa Thiên Huế. Từ khi còn nhỏ, Cha Mẹ đã cho quy y Tam Bảo, Pháp danh Nguyên Thành. Bổn sư truyền Ngũ giới là Hòa thượng thượng Vĩnh hạ Thừa, Tổ khai sơn chùa Châu Lâm, Huế.

Lúc mới chập chững tập đọc, tình cờ đọc được Sự tích Đức Phật Thích Ca phía sau cuốn Nghi thức Tụng niệm do Hội Phật học Trung phần ấn hành. Sau nầy học lớp Ba trường Bồ Đề Thành Nội, giờ Phật pháp Sư Cô Thích Nữ Diệu Tấn dạy Lịch sử Đức Phật nên nhớ lại, thuộc bài dễ dàng và rất thích học Phật pháp. Lời Phật dạy: “Hễ biết đủ thì dù ở cảnh nào cũng yên vui. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Một người trong tay thâu tóm tất cả của cải trong thế gian, với người nghèo mà không tham muốn, hai người đều giàu như nhau.” Đây chính là phép mầu nhiệm gia hộ cho cả cuộc đời Thông Đạo.

Học trường Bồ Đề 3 năm, Quốc Học 7 năm, Đại học Văn khoa Huế 2 năm, rồi đi lính, vào trại cải tạo 5 năm rưỡi vì tội “lính ngụy.” Lập gia đình lúc 36 tuổi, có 3 con là An Như, Quang và Khánh Hiền, gia đình định cư tại Mỹ theo diện H.O

 

năm 1996.

Nhờ trợ cấp của chính phủ cho gia đình con còn nhỏ (welfare) nên 5 năm đầu cả nhà 5 người đều đi học và thực hiện được giấc mơ Mỹ: có quốc tịch, có nhà, xe, bằng đại học, có việc làm ngay tại nơi trước đây từng đến xin welfare là Nha Xã hội Sacramento County, California. Sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam tại Sacramento, cả nhà đi chùa hàng tuần, tu học và làm việc thiện cùng quý đạo hữu, thân hữu gần xa. Về hưu năm 2017.

Lên tuổi 70, gia đình thuận cho xuất gia với Hòa thượng thượng Thái hạ Siêu chùa Đại Bảo Trang Nghiêm, Hayward. (Trước đây Hòa thượng trú tại Niệm Phật đường Fremont). Sau đây là thư thuận cho xuất gia.

Hòa thượng Tôn sư cho thọ giới Sa di cùng một lần với Sư huynh Thông Tạng tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng ngày 18/11/2017, Pháp tự Thông Đạo. Tuy nhiên, do nghiệp dày phước mỏng nên mới vào chùa hơn 4 tháng thì bị heart attack.

Cấp Cứu

Sáng mồng 2 Tết Mậu Tuất (2018) khoảng 11 giờ, Thông Đạo đang ngồi trò chuyện cùng hai đạo hữu đến chùa Đại Bảo Trang Nghiêm lễ Phật Đầu năm, chợt bị một cơn đau kỳ lạ ngay giữa ngực. Trong vòng một bàn tay, từ chấn thủy lên đến cổ, ngực như bị một cái gì nặng cả chục cân ép xuống. Thông Đạo vừa ngồi tiếp khách, vừa thầm lặng quan sát cơn đau tăng dần. Có đến 10 phút sau, cơn đau lan ra hai khuỷu vai, lan xuống hai cánh tay trên, làm cho vai và bắp tay bải hoải, rã rời. Cùng lúc, cơn đau dường như không tăng thêm nữa. Sau đó Sư huynh Thông Tạng đi chợ về, Thông Đạo mới về phòng, ngồi xuống, điện thoại hỏi bệnh viện.

Y tá nói phải đến phòng cấp cứu ngay. Hòa thượng Tôn sư đang bận Phật sự tại Philadelphia, Sư huynh chở đến bệnh viện

 

Kaiser, Fremont. Bác sĩ đo tâm điện đồ, nói Thông Đạo bị heart attack. Một mạch máu trong tim bị nghẽn, phải thông tim ngay. Không kịp gọi gia đình, chỉ viết tên và số điện thoại, Bác sĩ sẽ gọi giúp. Thông Đạo nhanh chóng ký tên vào giấy thỏa thuận thông tim, yên tâm nằm lên giường chuyển đến nơi chữa trị trên lầu, thầm niệm Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, chỉ đâu vài ba lần là rơi vào giấc ngủ.

Rồi Thông Đạo cảm thấy đau thốn nhiều lần ở vùng háng bên phải, trí não tỉnh táo dần nhưng mắt còn mơ hồ. Nghe một giọng nam trầm vang lên: “Done. Congratulations!” Thông Đạo chợt hỏi, “How long?” Giọng trước đó trả lời: “One and a half hours.” Chuyển xuống phòng hồi sức, khi ra khỏi thang máy, Y tá chỉ vị Bác sĩ vừa thông tim cho mình, một người dong dỏng cao, mặc áo ngắn màu xanh dương đang đứng vẫy tay mỉm cười. Ôi! Một con người bình thường hay là vị Bồ Tát vừa đem lại sự sống cho con?! Nam Mô Cứu Thoát Bồ Tát Ma Ha Tát! Thông Đạo chỉ có thế nói hai chữ “thank you” thật yếu ớt!

Bác sỹ cho biết, hai stents như cái lưới đã được gắn vào đầu một sợi giây, chuyền vào mạch máu dưới háng bên phải, từ từ đưa dần lên tim, đặt vào mạch máu bị nghẽn trong trái tim nhỏ bé của mình, rồi bơm stents nong chỗ mạch máu bị nghẽn. Nhờ vậy mà dòng máu đã được thông suốt. Thật mầu nhiệm như chuyện cổ tích! Thì ra, đau thốn ở háng là Bác sĩ rút kim chuyền stents và thuốc mê vừa hết hiệu lực.

Nhớ lại giây phút ký giấy thỏa thuận thông tim hoặc nằm trên giường chuyển đến nơi chữa trị, chỉ có một mình Thông Đạo đối diện với cơn đau, một mình đối diện với nghiệp lực, không bà con, không bạn bè, nếu không qua khỏi thì cũng chỉ ra đi một mình, không một người thân quen đưa tiễn! Lời Phật dạy thật thấm thía: “Mạng sống trong một hơi thở.”

Đúng vậy, đời người chỉ mong manh như làn sương mỏng, sao không biết sống với Phật tánh sẵn có nơi thân? Nhưng lúc

 

ấy Thông Đạo không thấy cô đơn, không sợ hãi, vì tất cả thân và tâm đều đặt trọn vẹn niềm tin nơi Bác sĩ, Chư Phật, Chư Bồ Tát, thể hiện qua lời niệm Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau đó, gia đình và bà con, đạo hữu, thân hữu đến thăm, tụng kinh Cầu An, chuyện trò thật ấm áp.

Hai hình chụp tim của Thông Đạo. Bên trái là trước khi thông tim, bên phải là sau khi thông tim.

Điều Trị Sau Khi Xuất Viện

Sau 3 ngày 2 đêm nằm tại bệnh viện, thấy không có biến chứng gì nên Bác sĩ cho xuất viện. Thông Đạo nói trở về chùa nhưng đạo hữu Hạnh bàn với Sư huynh Thông Tạng, nhờ xin Hòa thượng cho Thông Đạo về nhà tại Sacramento để dễ dàng chăm sóc, điều trị. Sư huynh cũng đã liên lạc với Hòa thượng Tôn sư hôm trước và Hòa thượng đã đồng ý. Hòa thượng cũng khuyên là nên tập thiền, chưa cần lạy Phật vì sức yếu.

Số đo siêu âm sau khi thông tim chỉ được 45/60, tức là giảm đến 25% chức năng hoạt động của tim. Qua lời Bác sĩ giải thích, Thông Đạo hiểu rằng việc điều trị phục hồi tim cần kiên nhẫn và thời gian lâu dài, trong đó yếu tố tinh thần là quan trọng nhất. Phải vừa kết hợp giữa thuốc men, thay đổi cách ăn uống, vừa tập thể dục, đồng thời kết hợp giữa cố gắng bản thân, Y Bác sĩ, sự giúp đỡ của gia đình và sự gia hộ của Tam Bảo.

Thuốc. Thời gian đầu Thông Đạo phải uống đến 6 loại thuốc mỗi ngày: aspirin 81mg, clopidogrel 75mg, lisinopril 5mg, atorvastatin 40mg, carvedilol 3.125mg, rosuvastatin 40mg. Vì dùng quá nhiều thuốc tây nên số đo alkaline phosphatase của gan lên đến 459u/l, trong khi mức cho phép chỉ được 117u/l!

Khi tham dự Chương trình Phục hồi Tim của bệnh viện Kaiser, Thông Đạo mới thấy lạnh gáy! “Time is muscle”: thời gian chính là sinh mạng của cơ tim, trễ chừng nào, cơ tim càng

 

hư hỏng chừng ấy, y khoa gọi là “dying muscle”, cơ tim đang bị hủy hoại dần! Vậy mà mình đã chần chờ mất 2 tiếng đồng hồ mới vào cấp cứu! Kính xin những ai mắc triệu chứng như trên đây, gọi 911 ngay tức khắc.

Phải tập đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày, tăng dần lên

10.000 bước. Sau đó phải 1 tháng chạy lúp xúp xen kẻ để duy trì nhịp tim tăng lên từ 109 đến 135 và tường trình kết quả mỗi 2 tuần cho Y tá. Kiểm tra chạy trên máy có Bác sĩ theo dõi. Lần đầu Thông Đạo chỉ có thể đi rất chậm, nhưng mới khoảng 600 bước đã thấy mệt, ngồi thở. Lúc ấy tâm trạng thật áo não! Trên đường gắng gượng trở về nhà, Thông Đạo phải tự an ủi, phải tự phấn đấu theo lời khuyên của Bác sĩ: càng sớm tập thể dục, càng sớm phục hồi tim.

Sau đó tìm được cách hay là vừa đi bộ vừa nghe băng giảng về giới luật của Thượng tọa Khế Định. Có kinh nghiệm là vừa chạy vừa lắng nghe băng giảng thì hơi bị nhức đầu, huyết áp tăng lên 158. Rồi chạy không nghe máy, đầu óc trống trơn, hết nhức đầu, huyết áp giảm xuống 128. Như vậy là giữ tâm trống rỗng khi đi bộ hoặc chạy là tốt nhất. Từ đó Thông Đạo chuyên tâm tập luyện, không còn nghĩ gì đến giao tiếp bạn bè, không còn nghĩ gì đến việc từ thiện hơn nửa đời người trước đây, tâm dần lặng yên nên thiền tập, niệm Phật cũng tiến bộ.

Giảm choresterol và giảm cân. Thay đổi hoàn toàn cách ăn, tỉ lệ rau chiếm 50% bữa ăn. Hạn chế tối đa dầu, muối, đường. Thông Đạo ngỡ ngàng nhất là khi học cách đọc label về thành phần dinh dưỡng nơi mỗi gói, mỗi hộp thức ăn. Lượng muối cho phép mỗi ngày là 2300mg, thế mà nhiều ngày Thông Đạo ăn đến 2 gói mì ăn liền, mỗi gói 1500mg, tổng cọng 3000mg, tức là thừa 700mg muối tích lũy vào cơ thể, chưa kể các món kho nấu khác! Tuy ăn chay trường đã 15 năm nhưng lại ăn quá nhiều thức ăn chiên xào như đậu hủ chiên, chả giò, cà tím chiên, bánh xèo. Buổi trưa đi làm, ăn cơm gạo lứt với muối mè. Mè để nguyên hạt rang thơm phức, nhiều khi ăn hết cơm rồi còn ngồi nhai hết cả hộp

 

muối! Đúng là “bệnh tùng khẩu nhập”. Vậy nay Thông Đạo phải nghiêm khắc thực hiện 3 giảm 2 tăng: giảm dầu, giảm muối, giảm đường, tăng 50% rau, tăng giờ tập thể dục.

Kết Hợp Chữa Bệnh Và Tu Tập

Tụng Chú Lăng Nghiêm mỗi sáng sớm cùng đạo hữu Hạnh và cháu Quang. Những tháng đầu tiên, ai cũng nói giọng Thông Đạo hoàn toàn đổi khác, như giọng một Sư Cô già. Bản thân tự thấy khí lực rất yếu, cái giọng “tenor” cao vút ngày nào đã mất, tụng kinh nhiều khi không ra tiếng.

Nghĩ rằng lạy Phật không những tiêu tội, thêm phước, sáng trí, mà còn là một cách tập thể dục nên Thông Đạo phát nguyện lạy Lương Hoàng Sám Pháp theo cách Thầy Tâm Thành hướng dẫn. Cách lạy nầy chuyển động toàn thân qua nhiều tư thế, trong đó có nằm dài như các Sư Tây Tạng. Bữa đầu mới lạy 4 lạy đã thấy đau nơi bụng phía bên phải. Thông Đạo lạy chậm lại, thư dãn toàn thân, thở nhẹ nhàng, vẫn còn hơi đau, nhưng qua cái lạy thứ bảy thì không còn đau nữa, cứ thế, lạy được 40 lạy. Hai hôm sau vẫn bị đau như lần đầu, Thông Đạo mới thấy được không đau để lạy Phật là một phước báo lớn.

Sau ba ngày liên tiếp bị đau ở bụng, qua đến ngày thứ tư thì hết đau! Động tác nhiều nên mệt, thở mạnh, tiếng thở to, hơi thở dài, bao nhiêu thán khí thải hết ra ngoài, mồ hôi rịn ra khắp người nên thấy khỏe. Như vậy chính quyết tâm lạy Phật, kiên trì vượt qua cơn đau đã cứu được mình vì đi bộ không đạt yêu cầu của Bác sĩ. Cái bụng bự tích lũy nhiều chất béo dư thừa xẹp nhanh chóng, hiệu quả hơn tập fitness cả năm.

Thông Đạo có duyên tập thiền dưới sự hướng dẫn của nhiều bậc Tôn túc như Hòa thượng Nhất Hạnh, Hòa thượng Thông Triệt, Hòa thượng Thanh Từ, Như Lai Thiền viện. Mỗi nơi có một cách hướng dẫn khác nhau nhưng đều soi sáng cho bản thân: lặng yên, hơi thở sâu, chậm, nhẹ, nhiều khi không còn ranh

 

giới giữa thở ra thở vào. Đôi khi thân và tâm nhẹ nhàng, tươi tắn, thấy cây cảnh trong veo, lặng mà biết rõ. Cũng có những giờ thật yên, không một vọng niệm khi đi, đứng, nằm, ngồi, chạy.

Một buổi chiều ngồi dưới tàng cây chùa Diệu Nhân, mắt hướng qua dãy núi phía trước, thấy xe chạy bên kia đồi nhưng không chú ý phân biệt từng chiếc, tất cả chỉ là một dòng xe liên tục ẩn hiện sau các lùm cây, không một tạp niệm. Cảnh xe chạy như ví dụ đức Phật dạy, mặt gương phản chiếu các hình ảnh lướt qua, không lưu lại dấu vết. Đó là một buổi chiều tuyệt vời giúp Thông Đạo cảm nhận được lời Hòa thượng Thanh Từ: “Ngồi thiền như ngồi chơi.” Sau nầy Thông Đạo ghi lại cảm nhận buổi chiều hôm đó như sau:

Ngồi Thiền

Như mặt gương trong sáng Ánh chiếu mọi sắc trần Đến, đi không chướng ngại

Không cảnh cũng không tâm.

Bốn thời công phu. Sáng sớm ngồi thiền 1 giờ, lạy Phật và tụng chú Lăng Nghiêm, niệm Phật Dược Sư. Buổi trưa ngồi thiền 30 phút rồi cúng Ngọ. Buổi chiều ngồi thiền 1 giờ. Buổi tối lạy Lương Hoàng Sám Pháp hoặc Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm, niệm Phật A Di Đà.

Vừa đi bộ vừa nghe Hòa thượng Thanh Từ giảng Quy Sơn Cảnh Sách, Pháp Bảo Đàn, Chứng Đạo Ca, Nguồn Thiền, Kiến Tánh Thành Phật, Khóa Hư Lục, Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang v.v… Nghe đi nghe lại nhiều lần, mỗi lần nghe là thấm thêm một chút, là sáng thêm một chút nên càng nghe càng thích. Thông Đạo cảm nhất là lời giảng hai chữ mê và ngộ của Hòa thượng: mê là quên Phật nơi mình, ngộ là nhớ Phật nơi mình. Ôi chao! Giản dị, dễ hiểu mà mầu nhiệm chi lạ! Chỉ cần dừng niệm

 

là Phật hiện bày! Phật và chúng sanh chỉ là một. Đó là ý nghĩa lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Niệm trước là chúng sanh, niệm sau là Phật.”

Học Giới luật Sa di và 42 Thiên oai nghi. Vừa học chữ Việt, vừa tham khảo chữ Hán, vừa nghe băng giảng. Điều đáng mừng là tuy không ở chùa nhưng Thông Đạo vẫn giữ được 10 giới Sa di. Còn chú Lăng Nghiêm thì học đệ sau quên đệ trước. Sau nầy nghe Hòa thượng Thanh Từ giảng mới biết: học thuộc lòng là chú tâm ghi nhớ từng lời từng chữ, còn vô niệm là không dính mắc, là xả bỏ tất cả. Không thể cùng một lúc mà có cả hai thứ.

Heart Attack Là Một Cơ Hội Tu Tập

Hối hận không giữ gìn sức khỏe. Ngày còn làm việc tại Sacramento County, sau giờ ăn trưa và thiền hành 30 phút, Thông Đạo thường thư giãn từng phần cơ thể để ru vào giấc ngủ ngắn. Trái tim hoạt động liên tục, không một chút nghỉ ngơi, vậy mà mình chưa hề nói một lời cảm ơn, một lời xin lỗi, lại còn đưa vào những độc tố như sân hận, lo sợ, buồn phiền làm cho tim đập loạn xạ. Hướng vào tim, hướng vào não, phổi, gan, và các bộ phận khác của cơ thể với lòng biết ơn là từ bi quán, có tác dụng xoa dịu sự căng thẳng, nghỉ ngơi, phục hồi chức năng, đôi khi dòng lệ cảm kích rơi dài trên má.

Thế nhưng Thông Đạo ngu muội quên rằng ăn nhiều dầu, muối, đường, ăn nhanh, ít tập thể dục cũng làm tổn hại tim và não rất lớn vì lượng cholesterol cao, tích lũy vách bên trong các mạch máu, làm cho mạch máu hẹp lại, hoặc tạo ra các cục máu làm nghẽn dòng máu chảy. Nghẽn nơi tim thì heart attack, nghẽn nơi não thì stroke, cái nào cũng nguy hiểm cho sinh mạng! Thông Đạo thấy mình có lỗi với trái tim, đã phụ công ơn cha mẹ cho cơ thể khỏe mạnh mà không biết giữ gìn, làm cho trái tim nay phải bị thương tổn, phải đặt hai vật lạ stents vào tim, không biết còn biến chứng nào nữa không? Thông Đạo thấy mình đã

 

quá xao nhãng chăm sóc cơ thể.

Heart attack đã nhắc Thông Đạo trở về với bản thân để tự sám hối, để rèn luyện và tu tập. Thượng tọa Từ Lực từng dạy: thương thân mình trước. Tấm thân nầy là đền thờ tâm linh, là nơi Phật tánh tạm gá vào nên nương huyễn thân mà về bến Giác. Trở về bản thân chính là dùng chánh niệm soi sáng đến thân thể, cảm giác, tâm ý và các đối tượng của tâm ý.

Xem bệnh là một cách tu tập. Thay vì buồn phiền, Thông Đạo chân thành biết ơn heart attack đã cho một báo động ĐỎ cứu nguy sức khỏe. Heart attack chính là lời cảnh giác “ngày này đã qua, mạng sống giảm dần”, tinh tấn tu tập như cứu lửa trên đầu, không được lười nhác.

Kết quả. Sau hơn 4 tháng kiên trì tập luyện, Chương trình Phục hồi Tim xác nhận Thông Đạo đã hoàn tất với kết quả tốt. Bác sĩ Hào, chuyên khoa tim cũng cho ngưng thuốc carvedilol. Giọng nói gần trở lại phong độ cũ. Ngày 7/7/2018, Thông Đạo trở về chùa Đại Bảo Trang Nghiêm tại địa chỉ mới: 2553 Darwin St., Hayward, CA 94545. Tham gia tu sửa chùa cùng chư Tăng và đạo hữu.

Ngày 10/11/2018, thử máu tổng quát, các số đo đều nằm trong tiêu chuẩn an toàn. Ngày 04/01/2019, Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Jonathan Walter Allen cho siêu âm tim. Kết quả rất tốt, đạt 65/60. Ông viết email: “Echo is great! Now shows entirely normal strength of main pumping chamber of the heart- all weakness gone”! Như vậy có thể nói Thông Đạo đã chữa lành heart attack sau một năm!

Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục uống aspirin và rosuvartatin đến trọn đời, tiếp tục 3 giảm 2 tăng, và cẩn thận không làm việc nặng. Thông Đạo hỏi Bác sĩ Hào: Nếu khỏe mạnh rồi thì có cần uống aspirin và rosuvartatin nữa không? Bác sĩ Hào cười nói: Được chứ! Quyền tự do chọn lựa của chú mà! Uống thuốc thì sống lâu dài, không uống thuốc thì chết sớm! Thật là một lời

 

khuyên dí dỏm của một bậc lương y giàu kinh nghiệm.

Cũng phải cảnh giác vì heart attack có thể tái phát! Cô cháu Tiểu Ni nói: Vài năm trước đây có một giáo sư dạy tại Đại học Huế đã chữa lành được heart attack. Một sáng mở cửa garage lái xe đi làm, phía sau xe có 3 chiếc mô tô lớn chận lối nên ông phải đẩy 3 chiếc xe đó qua một bên. Nhưng rồi ông cảm thấy mệt, lên lầu nằm nghỉ, rồi “đi” luôn!

Tri Ân

  • Có được kết quả tốt đẹp nầy, trước hết là nhờ bàn tay và năng lực tuyệt vời của tập thể Y Bác sĩ bệnh viện Kaiser Permanent tại Fremont, Sacramento, và San
  • Thứ hai là nỗ lực của bản thân theo đúng hướng dẫn của Y Bác sĩ.
  • Thứ ba là sự giúp đỡ quý báu của gia đình. Kính niệm ân đạo hữu Hạnh không quản tuổi cao, sức yếu mà vẫn cố gắng cho Thông Đạo xuất gia. Khi đau yếu còn tận tụy chăm sóc thức ăn nước uống, nhắc nhở việc uống thuốc, đi bộ và khích lệ tinh thần. Cám ơn sự hỗ trợ của Quang trong việc liên lạc với bệnh viện, tụng kinh, mua thuốc. Tuy Khánh Hiền học tại tiểu bang Wisconsin nhưng kiến thức về ngành y cũng giải thích giúp Thông Đạo hiểu thêm về thuốc men và điều trị.
  • Thứ tư là lòng từ bi hỷ xả của Hòa thượng Tôn Sư đã uyển chuyển cho phép Thông Đạo về Sacramento chữa bệnh. Hòa thượng là bậc Thầy giới đức thanh tịnh, Phật học uyên bác, không bao giờ bỏ một thời công phu khuya là lạy 70 danh hiệu Phật Bồ Tát, tụng Lăng Nghiêm, Thập Chú, ngồi thiền, giọng xướng tán hùng hậu dù niên tuế đã 75, hạ lạp trên nửa thế kỷ! Hòa Thượng phương tiện dạy Thông Đạo thực hành theo lời Ôn Trí Quang: “Không cần học gì nhiều, chỉ cần niệm Phật và lạy Phật thì rồi cái gì cũng được cả”!

 

  • Thứ năm là đạo tình và giúp đỡ quý báu của quý bà con, thân hữu, đạo hữu gần xa, đặc biệt là chùa Đại Bảo Trang Nghiêm. Kính niệm ân Sư huynh Thông Tạng đã kịp thời cứu đệ. Cám ơn đạo hữu Thân Chiếu chỉ cách uống nước ép 5 loại rau trái làm mát gan: củ dền, cà rốt, táo, cam, cần tây. Nhờ vậy chỉ sau 2 tuần lễ, men gan alkaline phosphatase báo động từ 459u/l đã giảm xuống mức an toàn 117u/l!
  • Thứ sáu, Medicare giúp trả 80% chi phí thông tim, bảo hiểm sức khỏe trả 20%, bản thân chỉ trả copay $258 trong tổng số tiền $66.162.
  • Cuối cùng nhưng quan trọng nhất là sự gia hộ của Hồng Ân Tam Bảo đã cho con đức tin kiên định và niềm an vui trong khi thực tập. Rất nhiều yếu tố khác nhau nhưng kết hợp với nhau, nương tựa lẫn nhau như đạo lý Duyên Khởi đã dạy: “Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này diệt nên cái kia diệt”.

Xin nguyện ghi nhớ mãi tất cả mọi Ân Đức đã gia hộ cho Thông Đạo vượt qua một giai đoạn khó khăn trong bước đầu xuất gia. Xin nguyện cố gắng tu tập hơn nữa để báo đáp lại Ân Đức lớn lao đó. Thành tâm cầu nguyện chư trọng bệnh nhân khắp mọi nơi cũng được thiện duyên chữa lành bệnh như con.

Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Vía Bồ Tát Quán Thế Âm Xuất Gia, Phật lịch 2564 (2020)

Thích Thông Đạo

(Elk Grove, California)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm