Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hinh anh phat quan the am bo tat dep nhat 6 9e41b3b0d7c6d5e3ba149f388dfbcd86

45. Trì Niệm Thần Chú Đại Bi Hóa Giải Oan Gia Trái Chủ

Nguyễn Thị Thái Hà

Trong đời sống, nghiệp lực của mỗi người khác nhau nên giây phút cận tử nghiệp cũng khác nhau, có người ra đi

nhẹ nhàng, có người chịu bao nỗi đau đớn hãi hùng. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa từng chứng kiến thời khắc lâm chung của một ai cho đến khi bố chồng tôi từ giã cõi trần, lìa xa tất cả con cháu họ hàng vì tuổi già sức yếu, ông đã nhắm mắt xuôi tay vào lúc 14 giờ 20 phút, ngày 29/12/2014 (nhằm ngày 08/11 năm Giáp Ngọ).

Lần đầu tiên, tôi chứng kiến cảnh một người sắp lìa đời, thân xác bị bao nỗi đau đớn giày vò khủng khiếp, nỗi sợ hãi ám ảnh như trường hợp của bố chồng tôi. Trước giờ phút lâm chung, các cơn đau đã hành hạ thân xác khô gầy, hom hem của ông đến kiệt sức. Khi đó, trong lúc thân xác ông bị hành hạ, tôi thấy hai tay ông không thể tự kiểm soát được, tự tay ông cào cấu vào thân thể còn da bọc xương đến nỗi da thịt rướm máu mà không ai ngăn cản được, trông như thể có một lực vô hình đang hành hạ bắt buộc ông phải tự cào cấu mà không biết đau, không ngừng nghỉ. Ông không thể nằm yên trên giường được, thân xác thì gầy gò, khuôn mặt thì hốc hác, hai mắt thì lộ to thất thần đầy vẻ hoảng hốt trong khi miệng ông lại méo xệch nhìn rất đau đớn và tội nghiệp.

Sinh thời, lúc còn trai trẻ, ông là một nông dân chất phác,

 

hiền lành, mạnh khỏe không hề có một bệnh tật gì. Ông và bà đã hạ sanh được 9 người con (5 trai và 4 gái) sống ở miền quê gần biển Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi tôi về làm dâu trong gia đình thì ông bà cũng đã ngoài 75 tuổi vì chồng tôi là người con trai kế út. Khi đó, do tuổi ông bà đã lớn nên chuyển về sinh sống ở thành phố biển Vũng Tàu để tiện việc con, cháu chăm sóc. Sau khi lập gia đình, vì sinh kế vợ chồng tôi đến sinh sống lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2002 nên việc chăm sóc tuổi già cho ông bà chủ yếu là nhờ các anh chị lớn trong đại gia đình ở Vũng Tàu đảm nhiệm. Thỉnh thoảng, vợ chồng chúng tôi mới được nghỉ phép để về Vũng tàu chung sống thăm vui với ông bà đôi ngày.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, ngày bố chồng tôi phải thuận lẽ vô thường, giã từ cuộc sống bình yên bên con cháu cũng phải đến như bao người. Gia đình ông bà rất đông con cháu nên trong những ngày cuối đời của ông, con cháu từ xa trở về quây quần túc trực bên ông để thay nhau chăm sóc. Vợ chồng tôi thì không thường xuyên về được nên chỉ hỏi thăm sức khỏe thường ngày qua điện thoại. Rồi cái ngày chúng tôi phải tạm gác công việc ở Sài Gòn để về nhìn mặt ông lần cuối cũng phải đến.

Đó là buổi tối ngày 28/12/2014, một ngày trước lúc ông nhắm mắt xuôi tay. Tôi còn nhớ rõ tình trạng của ông khi đó. Ngồi bên cạnh giường bệnh là hai chị con gái ruột của ông (chị Hồng và chị Lan) cùng thay nhau xoa bóp chân tay cho ông bằng dầu nóng và khăn nhúng nước ấm. Mặc dù được xoa bóp chân tay như thế, tôi vẫn thấy hai tay ông luôn cào cấu trên da thịt mình. Hai mắt lộ quầng thâm đen và thụt sâu do ông không thể ngủ được trong nhiều ngày. Ánh mắt ông thất thần hoảng sợ và miệng ông liên tục bị kéo xệch tứ phía. Trong tình cảnh đó, các chị không thể làm gì để giúp cho ông được, chỉ biết ngồi xoa bóp và khóc. Các chị phải ngồi suốt ngày bên cạnh ông quên cả việc ăn uống hay ngủ nghỉ mà ông cũng chẳng thư giãn được chút nào.

 

Tôi nhìn thấy các chị quá mệt nên đến thay cho các chị chăm sóc ông và cũng để tròn bổn phận dâu con. Nghĩ thế nên tôi quyết định trực thay các chị trong đêm đó. Vậy là từ 9 giờ đêm, tôi bắt đầu thay ca trực bên ông suốt đêm để các chị được nghỉ ngơi. Còn lại một mình bên ông, trong không gian yên tĩnh trên chiếc giường trắng xóa, ông nằm quằn quại với từng đợt co quắp cào xé thân thể trông rất đau đớn tội nghiệp.

Tôi nghĩ miên man không biết mình cần phải làm gì để giảm bớt nỗi đau cho ông, để giúp ông có một đêm ngủ ngon, thân xác bớt bị hành hạ. Nghĩ thế nên tôi ngồi cạnh đầu giường gần sát bên ông hơn để ông yên tâm có người bên cạnh. Tôi bắt đầu vỗ nhè nhẹ vào vai ông để giúp ông quên bớt nỗi đau đớn, hành hạ thân xác. Trong lúc ngồi một mình giữa không gian thanh vắng, tôi nhớ khi ở nhà tôi thường trì niệm thần chú Đại Bi hàng đêm nên tôi bắt đầu lâm râm khe khẽ trì niệm như âm thanh của một bài hát dễ đưa người vào giấc ngủ. Tôi cứ trì niệm liên tục không ngừng với ý nghĩ đơn giản là giúp ông vơi bớt nỗi đau đớn và có được giấc ngủ yên.

Kỳ diệu thay, trong lúc tôi trì niệm lâm râm như lời hát ru và vỗ nhè nhẹ vai ông được chừng 30 phút thì từng chân của ông đang co quắp từ từ duỗi ra ngay ngắn một cách nhẹ nhàng. Sự sợ hãi và đau đớn của ông dần dịu lại. Tôi vẫn tiếp tục vừa niệm thần chú Đại Bi, vỗ nhè nhẹ vào vai ông và vừa quan sát các động tác tự nhiên của ông khi đó. Từng cánh tay ông cũng bắt đầu lần lượt từ từ xếp ngay ngắn lên trên bụng một cách thư giãn và hai mắt nhẹ nhàng khép lại nghỉ ngơi thật bình yên. Tôi cảm nhận được phần nào kết quả nên tin tưởng trì niệm tiếp một cách liên tục không ngừng với tâm tha thiết mong muốn giữ cho ông được ngủ suốt một đêm ngon giấc sau những ngày mệt nhọc bị cơn bệnh hành hạ tấm thân già yếu. Khuôn mặt ông cũng dần dần thư giãn hơn sau những cơn co kéo méo xệch cả miệng. Ông chìm vào giấc ngủ an lành trong lúc tôi vẫn lâm râm trì niệm thần chú Đại Bi vừa vỗ nhè nhẹ vào vai ông như thế.

 

Cả không gian tĩnh lặng chỉ còn một mình tôi thức với tiếng niệm thần chú Đại Bi lầm rầm tha thiết khi màn đêm buông xuống. Cả đêm tôi cứ ngồi yên cạnh giường ông để giúp ông ngủ bằng cách đó. Thỉnh thoảng ông chỉ hơi cựa mình, tôi nghĩ có lẽ do ông đói bụng nên tôi dùng tay còn lại đổ vài thìa sữa Ensure từ lon cho ông nhấp miệng và ông vẫn ngủ tiếp trong lúc tôi vẫn kiên trì niệm thần chú Đại Bi.

Bình thường khi phải thức khuya, tôi sẽ rất mệt nhưng đêm đó tôi không cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ gì cả như thể tôi được chư Phật, chư Bồ Tát trợ lực. Tôi chỉ tập trung dốc lòng giúp ông ngủ yên được suốt đêm nên quên hết mọi nhu cầu ngủ nghỉ của bản thân.

Vậy là ông cũng được ngủ một đêm ngon giấc và an lành trước khi trút hơi thở cuối cùng của đời người để vào giấc ngủ thiên thu.

Tôi đã giúp ông có một giấc ngủ yên suốt đêm đó bằng cách liên tục trì niệm thần chú Đại Bi. Trong lúc ông ngủ yên thì các chị chắc không chợp mắt được nên sáng sớm các chị đã thức dậy với vẻ mặt lo lắng xuống bên giường để thăm tình hình của ông. Các chị rất ngạc nhiên thấy ông còn ngủ ngon lành trong khi tôi vẫn thức bên cạnh giường ông, miệng vẫn lâm râm trì niệm thần chú Đại Bi.

Vì cảm nhận việc liên tục trì niệm thần chú Đại Bi đã có kết quả giúp ông bình yên nên khi bàn giao phiên trực cho các chị, tôi đề nghị các chị nên niệm Phật miên mật khi bên cạnh ông vì các chị không thuộc thần chú Đại Bi.

Sáng lại, quý vị chư Tăng ở chùa Linh Sơn Cổ Tự, ngôi chùa Phật giáo nơi ông sinh hoạt ngày trước, đã đến cử hành các nghi thức tụng kinh cầu an và cầu nguyện an lành cho ông.

Đó là đêm cuối cùng của ông ở trần thế vì ông đã ra đi một cách nhẹ nhàng, khuôn mặt tươi tỉnh hồng hào vào lúc 2 giờ 20 phút buổi chiều ngày 29/12/2014.

 

Tôi Tự Thực Hành Trì Niệm Thần Chú Đại Bi

Những năm trước đó, tôi có đi chùa Ngọc Hoàng gần nhà và mang về nhà một tờ brochure trên đó in những câu thần chú Đại Bi phiên âm Việt Hán cùng phần giới thiệu về sự linh ứng của việc trì niệm thần chú này. Do không biết cách đọc, tôi đã cất vào giá sách và để quên bẵng ở đó.

Đầu năm 2014, tôi mới tìm lại để hành trì do tình cờ trong lớp học Kinh Dịch, một chị học viên chạc tuổi tôi nói với thầy vào giờ giải lao rằng chị không hiểu nghĩa của thần chú và thấy đọc khó quá. Lúc đó, thầy liền đọc một hơi nửa bài thần chú Đại Bi và nói với chị không cần phải hiểu nghĩa lúc mới biết chú Đại Bi chủ yếu để giữ tâm không khởi vọng tưởng khi trì niệm. Đó là ý nghĩa của Mật Chú. Vì vậy, khi trì niệm thần chú đừng cố hiểu câu chú nói gì, chỉ cần thành tâm. Thầy còn nói ít nhất cũng cần trì niệm 3 biến vào các khung giờ Tý Ngọ Mẹo Dậu để đạt kết quả nhanh chóng hơn. Thần chú Đại Bi của Quan Thế Âm Bồ Tát có tác dụng diệt trừ phiền não và chuyển hóa nghiệp chướng cho chúng sinh. Thầy lấy dẫn chứng nhiều trường hợp vì tín tâm hành trì mà hóa giải được khổ đau, bệnh tật cũng như đạt được mong cầu như ý. Những câu chuyện thầy kể thật sự vi diệu không thể nghĩ bàn.

Tôi nghe thầy đọc thần chú Đại Bi một hơi dễ dàng như vậy nên ngay khi về nhà, tôi lập tức tìm lại bài thần chú cất trên giá sách năm nào để hành trì 3 biến ngay giờ Tý đêm đó. Thời gian đầu tôi đọc còn chậm và vấp váp nhưng vẫn quyết tâm duy trì không bỏ lỡ buổi nào với niềm tin kiên cố là tôi cũng phải đọc được như thầy. Nhờ vậy, hết tuần đầu tiên, tốc độ đọc của tôi đã cải thiện hơn và không còn vấp chữ nữa. Tôi tiếp tục trì niệm tăng lên 7 biến mỗi đêm vì tôi nghe thầy nói chuyện với lớp về số biến này. Cứ tiếp tục hành trì đều đặn, càng ngày tôi càng trì niệm trôi chảy hơn cho đến khi tôi nghe thầy nói trong lớp là thần chú Đại Bi cần phải trì niệm đủ 21 biến. Từ đó, hàng đêm

 

tôi trì niệm tăng lên 21 biến và dần dà tôi đã đọc nhanh hơn rồi thuộc cả bài thần chú Đại Bi trong gần một tháng.

Tôi thực hành trì niệm thần chú Đại Bi trong suốt thời gian ấy không bỏ ngày nào cho đến khi ứng dụng vào lúc lâm chung của bố chồng tôi như kể trên. Thời gian đó, tôi còn chưa quy y Tam Bảo cũng như chưa hề được tiếp cận với Phật giáo và giáo lý của Đức Phật mà tôi chỉ biết mỗi thần chú Đại Bi cùng sự linh ứng qua các câu chuyện thầy kể trên lớp học Kinh Dịch và từ đó tôi đã tin tưởng hành trì. Khi nhìn thấy ông bị đau khổ về thể xác và tinh thần lúc cận tử nghiệp, tôi đã khởi lòng thương xót, tận tâm trì niệm thần chú Đại Bi bên cạnh giường ông và trải nghiệm sự linh ứng vi diệu của Phật pháp. Trải nghiệm này thật đặc biệt và tôi nhớ mãi không quên. Sau đó, để hiểu rõ hơn, tôi đã hỏi thầy và được biết trường hợp người lâm chung bị hành xác như vậy là do oan gia trái chủ đòi nợ và tác dụng của thần chú Đại Bi đã giúp cho những oan gia trái chủ này được giải thoát.

Được biết, Bồ Tát Quan Thế Âm đã phát 12 đại nguyện cứu khổ ban vui cho chúng sanh vạn loài. Mỗi đại nguyện chứa vô lượng công đức và tỏa hào quang sáng chói khắp 10 phương thế giới.

Qua đó, tín tâm nơi tôi ngày càng tăng trưởng và tôi cũng muốn lan tỏa tinh thần ấy đến nhiều người về câu chuyện ứng dụng Phật pháp nhiệm màu vào đời sống để chuyển hóa khổ đau kể cả trong lúc cận tử nghiệp.

Sau này, tôi còn tìm đến bản gốc của thần chú Đại Bi bằng tiếng Phạn để tự hành trì nhưng có điều rất lạ là khi đó tôi không thuộc được như cách đã tự thực hành trì niệm thần chú Đại Bi bản phiên âm. Mỗi lần nghe những âm thanh hùng tráng của bài hát thần chú Đại Bi tiếng Phạn 21 biến, tôi thật xúc động. Đặc biệt, tôi cũng ấn tượng với giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm của nữ tu ca sĩ, nhạc sĩ Phật giáo Tây Tạng người Nepal, Ani Choying Dolma khi nghe cô thể hiện cách hát khác bằng giai

 

điệu chậm rãi như thả hồn vào trong từng âm thanh vi diệu của thần chú Đại Bi nguyên bản Phạn ngữ.

May mắn thay, vào tháng 1 năm 2019, tôi được tham dự và nhận quán đảnh pháp Quán Thế Âm trực tiếp với Đức Ngài Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche – Vị Thủ Ngôi thứ 37 của dòng truyền thừa Drikung Kagyu, là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Lễ quán đảnh được thực hiện ở chùa Vạn Phước

– 211 Ba Cu, Thành phố Vũng Tàu. Điều thú vị là ngay sau khi tôi nhận quán đảnh hoàn toàn xong về nhà hành trì thì dễ dàng thuộc thần chú Đại Bi tiếng Phạn cả nguyên bản lẫn câu minh chú 6 âm ngắn gọn Om Mani Padme Hūm.

Tiếp theo đó, vào tháng 5 năm 2020, tôi còn dự quán đảnh pháp Quán Thế Âm trực tuyến với Đức Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và trì niệm Lục tự Đại Minh chân ngôn tiếng Phạn Om Mani Padme Hūm. Đây là chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng.

Gần đây, duyên còn dẫn dắt tôi đến với đạo tràng Đại Bi tại Quan Âm tu viện, Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia trì niệm thần chú Đại Bi Phạn ngữ mỗi thứ 7 hàng tuần bắt đầu từ 6 giờ tối.

Trong chuyến đi tác nghiệp lấy tin sự kiện về Hội thảo Phật giáo Kim Cang Thừa quốc tế lần thứ 4 vào tuần đầu tiên tháng 10 tại thủ đô Thimphu, Bhutan, vào trước ngày khai mạc Hội thảo, tôi có tham quan tu viện Tiger Nest nổi tiếng linh thiêng, là nơi tu tập và hành đạo của Đức Liên Hoa Sanh. Do tu viện nằm cheo leo trên vách đá của thung lũng Paro bên dãy Himalaya và đường lên tu viện rất khó đi nên tôi và đồng nghiệp đã thuê hai con ngựa đưa chúng tôi lên nửa quãng đường đến tu viện. Lần đầu tiên đi bằng ngựa, tôi còn bỡ ngỡ với chút lo lắng nên ngay khi vừa yên vị trên lưng ngựa, tôi thì thầm trì niệm ngay minh chú Om Mani Padme Hūm và Om Ah Hung Bendza Guru Pema Siddhi Hung để cầu chư Phật, chư Bồ Tát và Guru Liên Hoa Sanh gia hộ. Tôi quan sát thấy chú ngựa của tôi đi từng bước

 

lên núi một cách khoan thai nhẹ nhàng trong khi cô bạn đồng nghiệp thì vất vả hơn vì con ngựa của cô ấy lại trở chứng không chịu nghe lời người nài ngựa. Thấy vậy, tôi nói cô bạn hãy niệm thần chú Om Mani Padme Hūm thì dần dần chú ngựa mới chịu khuất phục đi theo và chúng tôi cứ liên tục trì niệm minh chú như vậy suốt thời gian trên ngựa và đến nơi an toàn.

Với niềm tin tuyệt đối và luôn ứng dụng Phật pháp trong đời sống, tôi tin tưởng rằng ánh từ quang của chư Phật và chư Bồ Tát sẽ soi đường dẫn lối cho tôi trên con đường giác ngộ, giải thoát.

Tiểu Sử Đức Ngài Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche - Hiện Thân Của Bồ Tát Quán Thế Âm

Năm 1946, Đức Ngài Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche được sanh ra ở thủ đô Lhasa trong gia tộc danh tiếng Tsarong. Đặc biệt, sinh nhật của Ngài trùng với ngày Đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân lần đầu tiên. Khi chào đời, Ngài được sinh ra trong bọc nước ối còn nguyên (bọc điều) và người Tây Tạng cũng như nhiều quốc gia tin rằng đây là điều hiếm gặp, vô lượng cát tường. Song thân của ngài là ông Dandul Namgyal Tsarong, giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ Tây Tạng và bà Yangchen Dolkar, thuộc dòng quý tộc hoàng gia Ragashar.

Lên 3 tuổi, Ngài được tuyên nhận là Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, vị Tổ thứ 37 nắm giữ dòng truyền thừa Drikung Kagyu, Phật giáo Tây Tạng.

Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche đã thọ nhận tất cả những giáo huấn trân quý của dòng truyền thừa Kagyu, kể cả các truyền khẩu, quán đảnh và giáo lý được truyền xuống từ các vị Tổ Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, Phagmodrupa, Kyobpa Jigten Sumgon, ...

Năm 1959, hoàn cảnh chính trị nhiễu nhương của Tây Tạng

 

đã gián đoạn con đường tu học tâm linh của Ngài.

Năm 1975, Ngài đã phải rời Tây Tạng đoàn tụ với gia đình cùng đệ tử tại Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Ngài tiếp tục hoàn tất chương trình tu học, nhập thất ba năm tại Ấn Độ và trở thành vị lãnh đạo tâm linh của dòng truyền thừa Drikung Kagyu.

Ngài đã xây dựng tu viện Changchup Ling tại Dehra Dun, Ấn Độ cũng như hàng trăm trung tâm Phật giáo thuộc dòng Drikung Kagyu cùng các trung tâm nhập thất Drikung trên khắp thế giới.

Đức Ngài Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche đã cống hiến không mệt mỏi để quảng bá và khôi phục lại truyền thống tu thiền và kinh luận của dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Ngài là một vị lãnh đạo tâm linh, là nhà văn hóa và sử gia. Ngài cũng quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển môi trường thiên nhiên với dự án “Bảo Tháp Nước Đá” để dự trữ và cung cấp nước uống và dự án “Sống Xanh, Sống Hữu Cơ”.

Nguyễn Thị Thái Hà

(Bình Thạnh, TP.HCM)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm