Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 An nhien 1

38. Khiêm Cung

Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong

-- Tặng Sư Ông & chị Giang (Hà Nội)

Năm năm qua là một cuộc đối thoại không hồi kết giữa tôi với chính bản thân mình. Cuộc hội thoại diễn ra âm

ỉ trong đầu óc tôi, hợp thành từ những câu hỏi dồn dập mà tôi tự đặt ra cho mình. Tôi chơi vơi đi tìm lời giải để thoát ra khỏi cái mê lộ mà cuộc đời đang bày ra và cầm tay dẫn mình vào. Nó còn kéo theo sau là một cơn trầm cảm đủ lớn để giam tôi vào trong nỗi tuyệt vọng không lời nào nói hết, khởi đầu bằng sự ra đi mãi mãi của cô con gái đầu lòng vừa hạ sinh trên bàn mổ. Nó kéo dài suốt những năm tháng Covid tai quái hoành hành cùng khắp, khi tôi lần lượt phải đóng cửa công ty truyền thông và quán cà phê non trẻ của mình. Hết cánh cửa này đến cánh cửa khác liên tục đóng sập lại, những cơ hội bị tước đi, những ước mơ không còn nguyên vẹn, những đêm trắng với mái tóc dần bạc xóa. Và cái nốt nhạc trầm buồn sau cùng là sự ra đi của người cậu ruột vào cuối năm 2021. Tôi nghĩ mình không còn gì để bấu víu. Và trong thời khắc tăm tối đó, tôi bắt đầu đọc những tác phẩm của Thích Nhất Hạnh, rồi tìm hiểu đạo Phật,... Lòng tôi là một biển cả bất ổn bỗng dịu lại, như buổi trời quang sau khi bão tố qua đi.

Tôi “được lập trình” để làm việc. Tôi học kinh doanh từ một

 

trường danh tiếng ở nước Anh. Tôi sống và hít thở trong cái bầu không khí của những người cặm cụi lao động cả đời: ba mẹ tôi. Chính lối sống đó làm tôi quên bẵng đi những thú vui thời trẻ. Nhắm mắt lại và mường tượng về những ngày hè ấu thơ khi tôi chạy chân trần cùng khắp nơi quê ở Túy Loan, Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng. Tuổi thơ vô tư lự ấy sảng khoái vô cùng. Đây một bờ đê đầy nắng, tôi ngắm dòng sông quê chở phù sa chảy qua những thôn xóm thanh bình. Đây buổi chiều khói thơm nghi ngút từ những bếp củi thân thuộc. Đây cơn gió xào xạc qua lũy tre mang theo mùi lúa chín tỏa thơm lồng ngực.

Những niềm vui nho nhỏ, những cảm giác rõ ràng tôi có thể tắm mình trong sự diệu kỳ của chúng dần dần bị mất đi khi tôi lớn lên, thay đổi. Đời sống cơm-áo-gạo-tiền, vào một ngày trong đời, trói tôi lại bằng những sợi dây thừng chắc chắn. Tôi, hay nhiều người trong thế hệ này, lớn lên và dần quên đi cách cảm nhận những điều nhỏ nhặt, từng sát na cuộc đời. Tôi ăn một bát cơm nhưng đầu óc cứ neo vào bản báo cáo còn dang dở, tôi chạy một vòng trong công viên những vẫn nghĩ đến những khoản phí cần thanh toán cho tháng mới, tôi cộc cằn khi dạy bài mới cho con mình vì chuyện không vui trên công sở. Những cơn stress trỗi dậy đều như thủy triều, như thể tôi đang phải gồng mình trong một cuộc trường chinh không biết bao giờ kết thúc, đày đọa bản thân như Nguyễn Duy từng viết rất hình tượng: “Có người ngủ thế thành quen/ Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình.” Cứ thế đời sống trôi đi và tôi chật vật trong việc phải sống, phải tồn tại, phải nuôi dưỡng một gia đình dễ bị tổn thương. Tôi chẳng thể giữ lấy mình.

Nỗi bất hạnh của tôi là việc chính mình nhận ra sự bất lực của bản thân khi bị dòng lũ đời cuốn trôi đi mà không làm sao bơi vào bờ được. Đã nhiều lần, tôi từng muốn nương vào đạo Phật, vãng cảnh chùa để tìm chút bình yên. Cơ duyên của tôi với nhà Phật khởi từ những ngày tôi đọc kinh Mục Kiền Liên báo hiếu lúc chỉ sáu, bảy tuổi, quyển kinh được tìm thấy từ bàn học

 

của người cô ruột. Quyển kinh ngày bé luôn nhắc nhở tôi phải “chí tâm đảnh lễ” mỗi khi tìm đến chốn linh thiêng, ngóng vọng một lời dạy từ các sư thầy hay lắng nghe sự đồng vọng dội lên trong lòng. Nhưng càng tìm đến cửa Phật, tôi càng buồn bã, u sầu. Còn đâu những chùa chiền linh thiêng, nơi ta đến chiêm bái và tìm an yên cho thân tâm. Chùa bỗng trở thành nơi kinh doanh tín ngưỡng, nhiều (không phải tất cả) sư sãi bỗng chạy đua theo cuộc sống kim tiền. Chỉ nhìn vào một ví dụ cụ thể như Thiền am bên bờ vũ trụ, cuộc sống bát nháo nhân gian bỗng xâm thực vào những nơi uy nguy, tôn nghiêm. Lòng tôi vốn ngổn ngang nay thêm rối bời. Tôi tìm đâu một cõi an yên mỗi khi rỗi rãi? Liệu chúng ta quỳ lạy trước một bức tượng uy nguy mang dáng hình Phật trong một ngôi chùa xây vội để kinh doanh có phải là cách tốt để gieo thiện duyên tạo phước lành? Liệu tôi có nên sùng kính những người kinh doanh nơi cửa Phật?

Người Mỹ sùng bái lối sống YOLO (“You only live once”

  • “Bạn chỉ được sống một lần”), nên họ ngầm khuyên nhau hãy sống vội, sống nhanh, sống bất chấp. Đó có phải là lời khuyên thấu đáo? Lao vào công việc như thiêu thân, tôi vẫn nhận thức rõ mình cần sửa đổi, chậm lại. Vì lý tưởng của tôi, bây giờ và về sau, chẳng phải kiếm thật nhiều tiền. Tôi muốn để lại cho đời một di sản nhiều ý nghĩa hơn chỉ là những tờ giấy bạc. Giữa cơn lũ đời đó, ánh sáng cuối cùng rọi tỏ vào cuộc đời tôi hóa ra lại là những vầng thơ cửa Sư Ông Nhất Hạnh tôi đọc trong một chiều mưa:

“Đời đi về muôn lối Quan san mộng hải hà Chút lửa hồng bếp cũ Ấm áp bóng chiều sa”

(Đề Thiền Duyệt Thất – Thích Nhất Hạnh)

Những ảo mộng quá lớn làm con người chúng ta trôi về

 

hướng huyền tưởng. Facebook và Tik Tok ra đời để giải quyết bài toán truyền tin thì những nhánh rẽ của nó đẩy con người vào sự khoe khoang và huyễn hoặc. Tôi đuối sức khi phải lội bộ theo dòng chảy xiết của nhà mới, xe đẹp và những chuyến du lịch xa xỉ. Tôi sẽ giận bản thân cả một chiều nếu như trong đầu mình vang lên tiếng gọi ghen tức khi thấy người hàng xóm mới tậu một cái tivi thông minh tuyệt vời. Và tôi khóc, khóc rất nhiều, khi theo dõi câu chuyện của nhà sư người Nepal Furba Tamang đã bị một nữ diễn viên nổi tiếng xúc phạm và thậm chí tát vào mặt, khi cô cho rằng nhà sư cố ý quấy rối mình giữa đám đông. Khi xem lại những đoạn video về sự vụ sau đó, người ta vỡ lẽ nhà sư bị trách lầm. Ngài chẳng đụng đến ai. Nhưng vào thời điểm xảy ra vụ việc, nhà sư vẫn liên tục cúi đầu nhận lỗi. Tại sao? Tại sao một nhà sư phải xin lỗi về một điều mà nhà sư không gây nên? Cái tâm thế ấy chỉ có thể được tìm thấy ở những bậc chân tu.

Làm sao để một hạt bụi có chút lương tri như tôi thoát ra cái dòng chảy của nhân loại, đang trôi mãi trôi mãi về hướng vật chất, của cải? Trong những ngày cuối cùng của chuỗi năm năm vật lộn với trầm cảm và những khó khăn đời sống soạn dành cho mình, ánh sáng của thuyết “chánh niệm” cho tôi một lòng tin rằng, cho dù biến cố lớn đến mấy, ta cũng phải cảm ơn lấy từng phút giây ta được trải qua nó. “The way out is in” (“Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”), ta nên phấn khởi vì khó nhọc trong cuộc sống để biết ơn những ngày biển lặng. Từng nơ ron thần kinh của chúng ta nên dành vào bát cơm chúng ta đang cầm trên tay, vào bài thơ ta viết, và mỗi bước chân trên cát,... Có khi nào, bạn lái xe vào một xóm nhỏ và quyết định sẽ đi chậm lại vì trong ngôi nhà ven đường một bé thơ đang ngủ say? Có khi nào bạn nhắn tin cho vợ nên bật điều hòa thật mát khi trông thấy qua camera anh thợ mộc đang sửa cái tủ gỗ ở nhà mình lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi?

Tôi nhận ra sự bé nhỏ của mình khi đặt mình bên đời sống to lớn. Người Nhật khuyên nhủ con cháu: “Bông lúa chín là bông lúa

 

cúi đầu.” Đó cũng là thứ triết lý lấp lánh ánh sáng nhà Phật. Chúng ta cúng dường cũng vì mong việc tốt việc thiện sẽ gieo lành, chứ không vì thành tích hay danh hão, chúng ta đóng góp vào xây dựng chùa chiền để làm nơi uy nghiêm cửa Phật chứ không để tạo điều kiện cho những người nhân danh nhà Phật trục lợi...

Dạo gần đây, tôi đọc được một bài viết rất đáng suy ngẫm về việc chúng ta là những sinh vật được “lập trình để quên”. Chúng ta quên nhanh lắm những việc tốt đẹp người khác làm cho mình, chúng ta chỉ tập truung vào những việc gây tổn hại, việc không tốt họ lỡ phạm phải. Bức tường đẹp biết bao nhưng chúng ta mãi ngắm nhìn hai viên gạch bị đặt lệch trên nó. Chúng ta giận những điều vụn vặt ấy. Chúng ta nuôi dưỡng mình thành những tinh cầu cô đơn, thô ráp, đẩy mình ra xa những người có đôi chút lầm lỡ. Những phút giây ấy, dẫu là Phật tử hay không, chúng ta nhìn về những điều tốt đẹp Phật dạy, nhìn vào thiện lương mà đạo Phật mong muốn gieo vào lòng người để nhắc nhớ mình đừng quên tính chân-thiện-mỹ trong đời sống. Ta tha thứ cho nhau, ta làm lành với cuộc đời, ta sống chan hòa như những đóa hoa tươi sắc dưới ánh mặt trời. Chị Giang, một người đồng nghiệp sống ở Hà Nội, thường xuyên chia sẻ với tôi về duyên gặp gỡ và những buổi thính giáo nhiều cao tăng thông tuệ như Sư Cô (từ Làng Mai Pháp). Chị gửi cho vợ tôi một bức thư pháp nhân ngày 20/10:

 

Có mấy chữ chị gửi tôi thôi mà tôi thấy như thấu cảm cả

 

nhịp hải hà.

Càng bước vào thế giới của Chánh niệm, của những “người vô sự”, tôi thấy thế giới quan mình mở rộng ra. Bát nước trên tay như đầy hơn. Cuộc sống bắt đầu dìu dặt những nhốt nhạc vui. Những thói quen đã cũ trở lại bên đời. Cuộc sống sẽ đầy đủ và sung túc nếu tâm hồn ta đủ đầy. Danh thủ Cristiano Ronaldo từng nói đại ý người nghèo nhất là người trong tay chỉ có tiền. Ta chạy theo danh lợi để rồi nhận ra mình hụt hơn, sức khỏe đi xuống và bị bỏ lại trong cuộc đời mải miết vận động. Một giây phút thôi, ta bước ra khỏi những nhiễu nhương đời thường, ngắm cho thỏa thích cái vẻ đẹp bị quên lãng của cuộc sống không qua ống kính điện thoại mà bằng chính tôi mắt trời ban:

“Sương đọng giọt

Những đuôi lá trĩu xuống Trái cây sắp chín rồi Trên buổi sáng trái đất Đường hoa thủy tiên Sáng lên.”

(Bỗng tan đi - Thích Nhất Hạnh)

“Khiêm cung”, tôi viết hai từ đó để dặn mình phải cúi đầu trước cuộc sống, trước nhân loại. Tôi không đuổi theo những sự vĩ đại phù phiếm nữa. Đổi lại, tôi muốn tìm thấy an yên bé nhỏ. Có lẽ cái cách sống ấy hẳn sẽ tỏa ra những vòng tròn cộng hưởng để người xung quanh đón nhận. Để thay đổi chính gia đình, chính những người mình tiếp xúc mỗi ngày.

Nỗi đau của năm năm dần khép lại như một vết thương bắt đầu lên da non. Vẫn còn đó sự khó chịu của vết cắt nhưng tôi đã dần lấy lại thăng bằng. Tôi neo con thuyền tâm thức mình vào một bờ bến bình yên, xa đi những réo gọi vật chất, danh vọng.

 

Đôi mắt mở to để ngắm nhìn thế giới. Bàn tay chạm vào những quả ngọt trên cây. Mũi ngửi thấy hương ngọc lan thơm cuối phố. Tai nghe thật rõ tiếng rao của người bán hàng khuya: “Bánh chưng đây… Bánh ú đây...”

Tháng mười ở Đà Nẵng, trời đẹp như tranh vẽ của Monet. Ánh tà dương phủ lên một lớp màu mềm như lụa lên đường Lê Duẩn nhộn nhịp. Tôi lái xe qua những phố với người và người, những ngổn ngang trong lòng bỗng hóa thinh không.

Đà Nẵng, 28/10/2022 Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong (Đà Nẵng, Việt Nam)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm