Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hinh nen chim ruoi hut mat hoa

19. Dễ Thương Và Đáng Thương

Phan Bê Ca

Trên đường về Cần Thơ thăm mẹ tôi, quay trở lại Sài Gòn chúng tôi ghé qua Sa Đéc vì muốn nhìn ngó hoa lá cành

cho thư giãn đầu óc sau mấy tháng nằm nhà.

Với tôi Sa Đéc chính là xứ sở ngàn hoa của miền Tây. Tôi cảm nhận điều đó ngay từ cái nhìn đầu tiên trên con đường vào Farmstay. Đi qua vài con đường nội thị, qua vài cái bùng binh rồi trực chỉ farmstay tôi thấy thú vị với những cây xanh cắt tỉa cẩn thận xinh đẹp. Xe chạy 8 cây số trên con đường Nguyễn Sinh Sắc (DT 848) mà nhà cửa hai bên đường toàn là các cửa hàng hoa kiểng, vườn cây cảnh nối tiếp nhau rất đặc thù. Đường Nguyễn Sinh Sắc còn dài thẳng sâu hút ấn tượng với hai hàng cây bên đường cao vút thẳng thớm gọn gàng. Ở Sài Gòn tôi đã rất thích mấy đường như Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn thị Minh Khai, đường Hoàng Văn Thụ cũng có hàng cổ thụ cao vút như này. Nhưng cái khác biệt là cổ thụ ở đây được tỉa tót cành thấp gọn gàng làm cho con đường trở nên vừa sáng vừa sang toát vẻ thân thiện rất là welcome. Người đi trên đường cảm giác mình đang dưới hàng cây xanh cao vời vợi mà vẫn không thiếu cảm giác gần gũi chở che. Cây hai bên đường phố được chăm sóc cẩn thận vậy thì nói chi ở các bùng binh ngã ba ngã tư là những đám cây thú, bông hoa ngộ nghĩnh đáng yêu. Tất cả nó làm cho phố xá có một dáng vẻ riêng biệt. Một kiểu hết sức

 

miền Tây sông nước dung dị mà lộng lẫy cây cỏ lá hoa.

Mấy bữa nay mưa suốt nên ghé farmstay trong không khí ướt nhẹp bốn bề. Cô chủ nhỏ đón chúng tôi dẫn về phòng nghỉ bằng chiếc xe điện mặc dầu đoạn đường từ chỗ check in tới nó chỉ chừng hai ba chục thước. Lý do vì sáng nay mưa lớn quá đường còn ngập nước. Tôi gọi là cô chủ nhỏ không sai vì cô là con gái của chủ vườn mà thực sự cô bé có vóc người vô cùng nhỏ bé. Cái vóc dáng nhỏ xíu ngồi chơ vơ ở ghế lái xe điện rồi chạy qua đám nước nôi lênh láng nói thiệt tình cũng làm tôi thấy lo lo pha lẫn chút ngồ ngộ. Nhưng nói chung cái không khí miệt vườn đúng là làm tôi dễ chịu hẳn ra. Tôi nghĩ là mình đã đúng khi ghé qua chỗ này, một tên tuổi Sa Đéc tuy đã thân quen từ lâu mà vẫn chưa một lần ghé lại. Thực ra bây giờ tôi cũng không hiểu mấy tháng qua vì mình mệt nên nằm nhà hay vì nằm nhà quá lâu mà mệt nữa. Chỉ biết ở giữa khu vườn ba bề sông nước này, dù hoa lá tả tơi bầm dập sau mưa, dù lối đi nhèm nhẹp và không khí ẩm ướt vậy mà cảm giác tôi lại rất sảng khoái. Cũng nhờ cảm giác ban đầu dễ chịu đó mà tôi có khả năng đương đầu với cơn khủng hoảng karaoke tối hôm đó.

Theo lời ông chủ, khu farmstay này mới đi vào hoạt động thì xảy ra dịch Covid. Nó mới chỉ có 7 phòng nghỉ. Mùa này thấp điểm du lịch mà hôm thứ năm vừa rồi chúng tôi ghé lại cũng là ngày giữa tuần đương nhiên là rất vắng khách. Vậy mà trời xui đất khiến sao lúc chúng tôi check in thì cũng là lúc có chiếc xe 16 chỗ đổ xuống 6 bà khách phụ nữ sồn sồn. Thì đó cũng là cái kiểu thể hiện thường thấy của mấy bà ở bất kỳ chỗ du lịch nào nhắm nhe sống ảo. Các nàng thường lao nhao nhặng xị, ồn ào bốp chát. Các nàng diện những khăn áo sặc sỡ rườm rà, tụm năm tụm ba giăng hàng tạo dáng che chắn hết các lối đi, các điểm tham quan để chụp ảnh. Và cái tôi lo sợ nhứt thì tất yếu phải xảy ra ngay tối hôm đó: karaoke lưu động phục vụ tại phòng nghỉ. Không biết có mấy cái miệng tham gia mà các nàng ca hát vô tư từ chạng vạng cho tới hơn 9g rưỡi tối. Tôi nhớ không lầm vì tôi

 

đã nằm lăn qua trở lại rồi theo dõi diễn biến tâm tư mình dưới sự tra tấn âm thanh một cách oan ức. Nói oan ức vì tôi vẫn đinh ninh đây là chỗ nghỉ dưỡng, ai cũng là khách cũng bỏ tiền bỏ công tới đây thì không lý nào mình phải chịu đựng nhau vậy.

Ban đầu tôi tự an ủi, thôi chắc cũng không có gì ghê gớm lắm đâu! Vì mới bữa cơm chiều được phục vụ tận phòng với canh chua cá linh bông điêng điểng, cá hú kho tộ và rau muống xào tỏi. Đúng là một bữa cơm sông nước miền Tây đúng điệu được chủ vườn nêm nấu vừa miệng nóng hổi vừa ngon vừa lành. Nhưng có cái thích cái thú nào bền lâu đâu. Cơm chưa tiêu hóa thì đã phải no tai, nhức óc với cái đám karaoke không ngừng vọng động xuyên thấu màn đêm tĩnh mịch, phóng thẳng qua đoạn đường vài chục bước chân ngăn cách hai dãy phòng nghỉ. Lão gia nhà tôi vốn đã dễ ngủ lại có thêm chút bia dỗ giấc nên ổng ngáy ngon lành. Còn thói quen tôi thường ngày ở nhà là đọc sách, nghe pháp tôi đều đảo qua thử lại hết nhưng không tài nào tập trung được. Rồi tôi tự nhủ ráng chịu vậy, đừng nghĩ tới nó vì mình thiệt tình đâu có cách nào thoát được đâu. Tôi nhớ câu chuyện xóm nhà tôi ở Sài Gòn hồi phong tỏa vì Covid. Do phong tỏa nên nhà tôi tham gia group Zalo cộng đồng khu dân cư để biết thêm thông tin. Một lần thấy trên group hiện lên phàn nàn. Rằng nhà kia nuôi chó nuôi chim cho chó sủa chim kêu suốt ngày đêm làm hàng xóm toàn người già cả không ngủ được. Chuyện này thì tôi ở gần nhà đó nên chứng thực rằng có y như vậy. Tiếng chim tuy là tự nhiên nhưng người ta thu âm rồi mở ra rất lớn ra rả nhiều giờ đồng hồ rất khó chịu. Nhưng bất ngờ là một cư dân khác, không phải chủ nhà bị tố, cũng không ở gần nên không bị tiếng ồn làm phiền, phát biểu: “Thiền sư Ajahn Chah nói không phải tiếng ồn làm phiền bạn mà chính bạn làm phiền tiếng ồn.” Tôi nhớ lúc đó cảm giác mình rất bức xúc, muốn nhảy vô để nói là đừng có trích dẫn một cách vô trách nhiệm như vậy. Tôi muốn nói trên group cho mọi người biết là ngài Ajahn Chah là một đại cao tăng của thời đại này. Ngài nói câu đó trong hoàn cảnh, ngữ cảnh và riêng cho thiền

 

sinh của ngài ngay lúc đó. Đó là một sự dạy dỗ, hướng dẫn đặc thù riêng biệt. Mình không thể lấy nó để khuyên người ta áp dụng trong trường hợp này. Nhưng mà tôi đã không nói gì vì thói quen của tôi là vậy. Chủ nhà bị nêu đích danh góp ý cũng không nói gì, rồi sự việc cũng ngừng ở đó. Có điều hôm sau và những ngày sau đó mọi người vẫn cứ phải nghe chim kêu chó sủa suốt ngày và dường như với mức độ nhiều hơn lớn hơn nữa!

Ở đây cũng vậy, tôi phải nghe tiếng người ta, những người lạ hoắc lạ huơ ra rả gào rú. Dân mình lâu nay ai cũng hiểu cái khổ của nạn karaoke rồi. Đã từng có nhiều án mạng xảy ra vì nạn karaoke như vầy mà. Cho nên tôi nghĩ mình đâu còn cách nào khác. Thôi thì coi đây là dịp để thực tập coi mình có tu nổi không. Coi thử coi mình có khả năng chuyển tâm để xem tiếng ồn là tiếng ồn tâm mình là tâm mình. Mình hãy thử nghĩ theo chiều hướng mình đang làm phiền tiếng ồn!

Nhưng nói thì dễ nghĩ dễ chớ làm đâu có dễ. Tôi đã tự hỏi nếu là các ngài thiền sư, các hành giả thiền Quán thiền Chỉ thực thụ thì họ làm thế nào trong trường hợp này? Rồi tôi tự nhủ tập làm chủ tâm mình chính là lúc này đây. Tôi thấy tâm mình ráo riết đánh giá, phân tích, rồi bực bội, căng thẳng đủ chiều. Tại sao trông mặt mày họ cũng có ăn học mà họ nghĩ sao họ hành xử như vậy chớ? Họ nghĩ họ hát hay lắm và muốn khoe với cả làng biết rằng họ hát hay họ độc lạ? Mà có là cả làng đâu! Họ dư biết là chỉ có hai lão già chúng tôi ở cái farmstay vắng vẻ này cùng với họ thôi mà. Ờ, hay là họ đang nhắm tới chúng tôi, họ hát ồn ào là cho chúng tôi nghe? Mà tôi có là cái gì đâu? Tôi vốn là một người vô danh, hoàn toàn vô danh, rất bình thường như bao nhiêu người bình thường đang có mặt trên trái đất này? Lại nghĩ thật tội nghiệp cho những con người ‘vô tư’ một cách vô minh như vậy. Vô minh nên họ không hề biết rằng hát karaoke tùy tiện vậy cũng là đang tạo những nghiệp bất thiện. Nghiệp bất thiện có nhiều mức độ. Có thể hát hò ầm ĩ gây khổ cho người khác mới chỉ là ác nghiệp nho nhỏ không đáng gì. Bởi xét sự việc đối với tôi thì chính tôi là người

 

đang thọ quả bất thiện. Cái quả xấu từ trước của tôi nó đang trổ và tôi bắt buộc phải nhận lấy đây. Nhưng với họ, việc tìm vui bằng hát karaoke tùy tiện vậy (tôi nhấn mạnh là hát karaoke tùy tiện) sẽ trở thành thói quen, thành nếp nghĩ nếp hành động bất thiện. Nó bất thiện vì nó gây ra phiền não và làm khổ người khác. Mà đã thành nếp thì cái đó chính là sự huân tập nghiệp báo, là sự vun bồi thêm sanh tử trầm luân. Vì cái nếp nghĩ, nói và làm, cái thói quen xấu sẽ dẫn mình cứ đi theo lối mòn xấu, lạc lối vào hướng xấu và không có cơ hội nhìn ra thấy ra cái tốt để mà quay đầu hướng thiện. Cho nên nghĩ tới vậy tôi chợt thấy tội nghiệp mấy bà kia. Họ không biết là họ đang vun bồi thêm cái vòng sanh tử trầm luân bằng chiều hướng đi về cõi xấu đâu. Nó lớn chuyện là như vậy! Tôi lại nhớ bài học giáo lý mà các sư thầy dạy rằng ta nên nhìn thế gian này chỉ có hai loại người. Một là loại người dễ thương và một là loại người đáng thương. Người dễ thương là những người vừa lòng, vừa mắt vừa ý mình. Còn lại phần đông là những con người không vừa mắt, vừa lòng vừa ý mình thì thay vì mình ghét, mình buồn bực bất mãn thì hãy xem họ đáng thương xót. Rồi tôi tự nhủ hãy nhìn nhận mấy bà đang đang làm phiền mình đây là loại người đáng thương. Đáng thương vì họ vô minh, họ không hiểu giáo lý. Họ không hiểu bản thân họ cũng không rõ việc họ làm. Họ đang sống với cái ngã to đùng che hết thế gian. Cho nên phước duyên là mình có học chút giáo lý, thì mình nói tu là tu ngay chính chỗ này đây. Phải phân tích ra như vậy. Đừng để cái nhìn của mình dính vô thói thường cực đoan là thấy họ đáng ghét do bởi họ đang gây phiền não cho mình. Phật dạy trên thế gian chỉ có hai loại người là dễ thương hoặc đáng thương kia mà. Cốt lõi tâm từ tâm bi nhà Phật chính là ở chỗ đó.

Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy. Nghĩ được vậy chỉ mới là điều chỉnh cái suy nghĩ thôi. Chớ phút trước phút sau thì cái âm thanh ầm ào, náo động ra rả đó nó cứ thốc vào tai, xoáy vào óc làm tôi lại nghĩ khác. Tôi thấy cái tâm tôi nó cũng thốc tháo xoay trở đảo chiều liên tục hết ghét tới bực, tới hằn học rủa thầm rồi lại tự biểu mình

 

thôi bỏ qua vì nghĩ xấu cũng là tạo ý nghiệp xấu cho chính mình thôi. Tôi nhớ mình đã có nghe đi nghe lại mấy lần bài giảng của sư thầy, mà bây giờ trong trường hợp này tôi không nhớ chính xác rõ ràng nữa. Hình như đó là bài Kinh Nhứt Thiết Lậu Hoặc (Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc) trong Trung Bộ Kinh. Trong đó Đức Phật dạy có mấy cách đối phó phiền não. Phiền não (lậu hoặc) nói chung là những trắc trở cuộc sống, những quả nghiệp xấu, những điều bất toại làm khổ mình. Có trường hợp mình phải phòng ngừa phiền não bằng cách thu thúc lục căn. Tức đừng để cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nó làm chủ nó lôi kéo mình. Có trường hợp đối phó phiền não bằng cách kham nhẫn, chịu đựng. Có trường hợp đối phó phiền não bằng cách đối diện nó nhưng cũng có lúc phải tránh nó đi. Mà trong trường hợp như tôi bây giờ thì cách nào cũng không khả thi. Nhưng tôi cũng biết không khả thi là vì trong tâm mình nó không muốn khả thi. Chẳng hạn hiện trạng là âm thanh náo động nó cứ thúc vào tai thì làm sao mình xem ‘cảnh thinh đó chỉ là cảnh thinh’ cho được. Mình đâu thể nào buộc cái tâm mình nghĩ rằng mình đang làm phiền karaoke chớ không phải karaoke đang làm phiền tâm mình. Trong hiện trạng này cái tâm mình nó yếu, nó đang phiền não, nó đang bị nhuốm màu thì nghĩ tới chuyện làm cho nó thanh tịnh chắc chắn là điều bất khả.

Còn khả năng kham nhẫn, ráng chịu đựng thì sao, tôi tự hỏi chính mình. Mà xem ra chỉ với ý nghĩ đó là đã làm mình bực bội rồi. Tại sao mình phải chịu đựng họ? Họ là khách, mình cũng là khách, cũng tốn tiền như nhau, chưa kể mình đang đi trốn tránh sự náo động mà vô đây lại bị họ gây náo động tới mình. Có phải oan ức lắm không? Chính cái suy nghĩ này nó ngăn trở, khuyến nghị tôi đừng kham nhẫn chịu đựng. Tức quá mà, oan ức quá mà! Tuy nhiên không chịu đựng thì làm gì được nhau nào? Nhưng hãy nhớ thêm cho rõ, cái ý kham nhẫn Đức Phật dạy đây không phải là chịu đựng trong sự gồng mình một cách thụ động. Kham nhẫn đây được đặt trong tình huống là mình đã có ý tránh từ trước mà tránh không được thì mới chịu đựng. Chịu đựng vậy

 

là nhẫn nhịn trong sự hiểu biết chớ không phải cái kiểu ngoài mặt thì nhẫn mà trong lòng thì nghiến răng trèo trẹo ‘rồi đây mày sẽ biết tay tao!’ Rõ ràng mình đã có ý vô đây nghỉ dưỡng để tìm sự yên tĩnh. Mà nghĩ sao nếu nó không phải là cái quả nghiệp xấu xửa xưa của tôi tới ngay lúc này nên mới khiến cho họ cũng tình cờ vô đây ngay ngày này giờ này để gây ồn. Cho nên thôi thì chuyển nghiệp chính là lúc này đây. Chuyển nghiệp tức là giữ tâm hiểu biết với hiện trạng này, với sự việc bất toại và đưa tâm mình suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Để có thể tập trung tâm trí, tôi nhớ lại bài thực tập niệm tâm từ.

Thực tập tâm từ với tôi cũng là một chuyện vô cùng lạ lẫm và khó hiểu. Tôi nhớ lần đầu tiên đọc thấy khái niệm đó là từ một quyển sách của thiền sư Ajahn Brahm. Ngài dạy chúng ta nên thực tập tâm từ. Lúc đó tôi vẫn nghĩ tâm từ là cái tự nhiên có ở mỗi người cớ sao cần phải tập. Sau đó những bài học giáo lý thêm giúp tôi hiểu rằng bấy lâu nay mình đã lầm, đã rất vô minh. Thực sự là tâm từ bi cũng cần phải thực tập và rất đáng, rất khẩn thiết để luyện tập luôn luôn.

Sư thầy giảng hiểu đúng theo lời Phật dạy thì TỪ là mong cho người ta được nhân lành quả lành. BI là lòng không đành khi thấy người ta bị nhân xấu quả xấu. Chỉ hai câu định nghĩa ngắn này thôi là cả một trời nghĩa lý thâm sâu diệu vợi và bao trùm thênh thang khắp vũ trụ.

Lâu nay đa phần chúng ta vẫn hiểu chữ từ bi một cách cạn cợt. Thí dụ từ bi là tình thương. Mình sống trong gia đình thì đương nhiên là mình thương yêu cha mẹ, anh chị em ruột thịt với mình. Mở rộng hơn chút là thương yêu họ hàng, bạn bè, xóm giềng, thiên nhiên đất nước, vân vân. Nhưng hiểu vậy là chưa đủ chưa đúng với tinh thần đạo Phật. Mà chữ TỪ của Phật giáo là mong cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh ai cũng gặp được chuyện lành, ai cũng tạo nhân (tam nghiệp) thiện lành. Như vậy thì áp dụng ngay trong trường hợp tôi lúc này đây, khi thấy mấy bà hát karaoke làm ầm ĩ, hoặc thấy họ nhốn nha, nháo nhào, nhấp nhỏm

 

kéo ào tới check in chỗ này chỗ nọ lấn lướt người khác bằng sức mạnh ảo tưởng, cho rằng ta đây thế này thế nọ thì tức là họ đang vô minh, là lún sâu thêm trầm luân sanh tử. Hiểu vậy thì thấy họ rất đáng thương thay vì đáng ghét. Tức là ngay trong chữ TỪ là cũng có cái trí tuệ trong đó, chớ không phải thương một cách chung chung hoặc trong riêng một giới hạn nào đó.

Còn BI là chỉ cái tâm thương xót, không đành lòng khi thấy người ta làm điều xấu hay đang bị điều xấu. Thấy người ta gặp nạn nếu mình không có khả năng cứu giúp thì thôi chớ mình không vì đó mà sanh tâm bất thiện. Với kẻ thù mình, với kẻ mình ghét hoặc không ưa mà thấy họ bị điều xấu mà mình sanh tâm sanh ý vui thích, thỏa mãn trong lòng thì tức là bất thiện, là mình không có tâm bi. Tâm BI thực sự là tâm không đành lòng, là thấy thương xót, thấy tội nghiệp, thấy bất nhẫn, không cam tâm trước điều xấu điều bất toại ở kẻ khác.

Như vậy nói từ nói bi là trước hết phải xuất phát từ chính trong tâm. Từ bi phải thực sự khởi lên từ tâm. Tâm từ bi đó là tâm thiện, là bản chất tự nhiên của vũ trụ, của chúng sanh. Từ bi đó có gốc rễ từ trí tuệ và hiểu biết. Chúng sanh nhiều đời vô minh nên không nhìn thấy không phát huy được. Đó là lý do ta cần phải luyện tập tâm từ.

Tôi nhớ lại pháp Niệm tâm từ và nghĩ mình hãy thử thực hành ngay trong tình huống này. Tôi tập trung tâm trí và nghĩ thầm theo một bài học đã học thuộc lòng từ trước đó, không quên tự dặn lòng trước rằng cụm từ ‘tất cả những người nữ’ đây là bao gồm luôn 6 bà sồn sồn đang hát karaok kia, hy vọng rằng mấy bả có thể thôi hát sớm sớm, đừng thử thách tôi lâu quá:

“Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông được an lạc. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông đừng sợ hãi. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông đừng oan trái với ai. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông hãy tự biết bảo trọng lấy mình.

 

Xin cho tất cả những người nữ ở hướng tây được an lạc. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng tây đừng sợ hãi. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng tây đừng oan trái với ai. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng tây hãy tự biết bảo trọng lấy mình.

Xin cho tất cả những người nữ ở hướng nam được an lạc. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng nam đừng sợ hãi. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng nam đừng oan trái với ai. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng nam hãy tự biết bảo trọng lấy mình.

Xin cho tất cả những người nữ ở hướng bắc được an lạc. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng bắc đừng sợ hãi. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng bắc đừng oan trái với ai. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng bắc hãy tự biết bảo trọng lấy mình.

Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông nam được an lạc. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông nam đừng sợ hãi. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông nam đừng oan trái với ai. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông nam hãy tự biết bảo trọng lấy mình.

Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông bắc được an lạc. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông bắc đừng sợ hãi. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông bắc đừng oan trái với ai. Xin cho tất cả những người nữ ở hướng đông bắc hãy tự biết bảo trọng lấy mình.”

Kinh sách dạy cứ vậy ta có thể niệm theo trình tự tới hết các hướng tây nam, hướng tây bắc rồi hướng trên hướng dưới. Tiếp theo thay thế đối tượng là tất cả những người nam, những thiên nhân, những phi nhân, những phàm nhân, chúng sinh ở các cõi đọa, vân vân. Các sư thầy nhấn mạnh rằng thực hành niệm tâm từ cũng tức là tập nhứt tâm, là vun bồi ba la mật, là gieo trồng công đức không thể nghĩ bàn!

Có một điều kỳ diệu đã xảy ra. Ít nhứt là kỳ diệu trong chính tâm tôi, trong tâm tưởng tôi. Tôi đã thấy bình tâm trở lại và sau

 

đó màn trình diễn karaoke cũng chấm dứt lúc 9g rưỡi tối. Một đêm yên ổn một giấc ngủ ngon đã quay trở lại với tôi thật nhẹ nhàng như chưa từng có xáo trộn gì xảy ra.

Sáng hôm sau chúng tôi hưởng một buổi sáng bình yên thú vị và sảng khoái giữa một không gian trời xanh mây trắng nắng ấm và hoa lá xinh tươi. Một khu vườn rộng lớn chừng mấy hecta được chủ vườn bố trí sắp xếp theo từng loại hoa. Tuy chỉ là những bông hoa thường thấy hàng ngày ở miền tây như bông giấy, bông nút áo, bông soi nhái, hoa hồng hoa cúc… nhưng xếp đầy kín một diện tích rộng rãi chen giữa các lối đi lát đá sạch sẽ tạo nên một không gian vô cùng tươi tắn, mát mẻ và xanh sạch dễ chịu. Chưa kể điểm mạnh khu vườn là những đám cây kiểng lá, kiểng thú độc đáo bên cạnh những gốc bonsai cổ thụ xanh um. Được biết Farmstay này là công trình tâm huyết của nghệ nhân nổi tiếng với cặp me kiểng cổ nhất, cặp vạn niên tùng kiểng cổ nhất và cây sanh bonsai lớn nhất đều được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam.

Tôi chợt nghĩ vẫn là không gian đó, vẫn là điều kiện đó mà suýt nữa tôi đã không nhìn thấy ra, không cảm nhận được vì chính cái tâm tưởng sân si cố hữu của mình. Điều này ít nhứt cho tôi thấy mình đang học tập giáo lý đúng hướng đúng đường. Cho tôi hiểu ra và biết nghĩ tới lòng tri ân Đức Phật, người đã đem giáo pháp thậm thâm vi diệu soi tỏ tận ngóc ngách tâm trí tâm tư và soi thấu miền tâm thức con người. Cái trí tuệ Pháp Phật cho tôi niềm tin rằng đừng nghĩ giải thoát là chuyện lớn lao, chuyện xa xôi mơ hồ ở đẩu đâu. Mà giải thoát là giải thoát từ trong chính từng giây phút hiện tại của đời sống. Mình sống mà trước những cái nhìn, nghe, ngửi, nếm, đụng mình có thái độ và phản ứng một cách hiểu biết thì đó chính là hành trình tu tâm tu trí. Tu tâm tu trí chính là cốt lõi giáo lý nhà Phật. Phải học hiểu giáo lý, phải thực hành giáo lý mới có thể nhìn thấy nhìn ra một người đáng ghét thành đáng thương. Ngược lại khi nhìn ra thế gian chỉ có hai loại người là người dễ thương hoặc người

 

đáng thương thì tâm cảm ta được rộng mở nhẹ nhàng và chan hòa trong cõi an vui an lạc của trí tuệ. Vì trí tuệ đó là tâm thiện, mà cái thiện là phù hợp và chính là bản chất vận hành tự nhiên của vũ trụ của thế giới này.

Tôi tự nhắc mình đừng quên mà hãy luôn luôn thực tập luyện tâm từ bất cứ khi nào ở ngay trong đời sống thường ngày. Điều đó là rất khó nhưng mà khả thi. Phải tin là vậy!

13/10/2022

Phan Bê Ca

(TP.HCM, Việt Nam)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm