Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 anh quan the am toa anh hao quang

10. Hương Sen Quê Ngoại

Chính Vũ

1.

Quê ngoại tôi là một làng quê ở miền Trung, Việt Nam. Nơi có nhiều ngôi cổ tự, và những ao sen bát ngát. Mùa xuân với màu xanh của nước, của mây trời và những lá sen, búp sen, mướt mát lòng người. Mùa hè, hoa sen trắng tinh khiết. Sen hồng, màu hồng phấn, thanh tao, hương thơm nhẹ nhàng, đằm sâu vào tâm thức những người con của làng mỗi khi xa nhà, ly quê... Mùa thu và đông là lúc những lá sen chuyển màu sang vàng úa, cùng những ngó sen, căng tròn, xanh trắng, dâng cho đời những hạt sen, mãi nhớ, một vòng luân hồi của sinh, diệt, nhắc nhở, gợi nhớ bao điều trong cuộc sống.

Lá sen, hoa sen, đài sen... dường như gắn bó với rất nhiều tuổi thơ, những cô bé, cậu bé của làng quê Việt. Lá sen để gói những món quà ăn vặt, mẹ đi chợ về, mua cho. Đó là những củ khoai, củ sắn, có khi là viên kẹo bột, kẹo gừng. Đặc biệt hơn là những miếng cốm dẹp, thoang thoảng hương sen, hương nếp. Lá sen còn được dùng làm nón che đầu, với cái nắng mới hong vàng, dòn giả...Hoa sen, dùng để dâng, cúng lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật. Đài sen, với những hạt sen thơm, bùi, béo, là món quà thơm thảo những buổi trưa nồng oi ả, mà rất nhiều người không thể nào quên, mỗi khi nhắc về sen với bao tâm tưởng bồi

 

hồi. Bên hữu ngạn ao sen cuối làng, là ngôi cổ tự nhỏ, rêu phong và rễ đa, phủ đầy mái ngói, chăm sóc ngôi cổ tự là một vị sư già nhân từ, phúc hậu, cùng với một chú tiểu, đầu chừa ba vá, lúc nào cũng nhoẻn miệng cười, vô ưu, hồn nhiên cùng với bọn trẻ làng. Chùa sớm hôm chuông, mõ, kinh kệ, thấm đẫm vào lòng người những từ bi của đức Phật. Phải vậy chăng mà dân làng luôn chan hòa, chất phát, một lòng luôn hướng về lời Phật dạy...

2.

Thuở đó, tôi chỉ là một đứa trẻ, tuổi mới chín, mười, thì ngoại đã ngoài thất thập, mái tóc bạc trắng, da nhăn nheo, loang những vết đồi mồi, song mắt ngoại vẫn còn tỏ, môi trầu vẫn đỏ tươi. Với con cháu, lúc nào ngoại cũng nhẹ nhàng chỉ bảo, điều hay, lẽ phải, nhân hậu, bao dung. Nghe kể, lúc còn con gái, ngoại đẹp nhất nhì trong lứa con gái làng lúc đó, mối tình đầu của ngoại là anh trai làng, văn hay, chữ tốt, đã đậu Tú tài Pháp và đang chờ bổ nhiệm làm thầy giáo ở trên huyện, chàng trai ấy, nghe thầm thì là... Sư thầy, hiện đang chủ trì ngôi cổ tự!

Theo lời kể của mẹ, ngoại vì chữ hiếu, đành chia tay mối tình đầu về làm dâu nhà một người bạn thân của ông cố, ngoại “tòng phu” và an phận, bởi quan niệm “duyên phận” và cả những “duyên nợ” của kiếp trước mà thành. Ngoại giỏi nghề may vá, cùng chồng xây dựng hạnh phúc gia đình, với cái tâm “biết đủ” nên được nhà chồng rất quý mến, nhưng không may cho ngoại, sau khi sanh mẹ mới tròn thôi nôi, thì ông ngoại mất trong một tai nạn lao động. Từ đó, ngoại thủ tiết, thờ chồng, về lại quê nhà, mở một tiệm may nhỏ, nuôi con cho tới ngày nay...

Ngoại thường kể chuyện với mẹ về kinh sách, về câu chuyện đức Thế Tôn nói chuyện với nàng Visàkhà lúc ngài còn ở lâu đài Migàrà là “Đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu ở đời này,” đó là “Nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, và biết giữ gìn

 

tài sản.” Có nghĩa là phải “đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, thành tựu bốn pháp này, nữ nhân sẽ chiến thắng đời này và trong đời sau”... Ngoại tự dạy con gái và cũng chính tự răn mình để sống trọn kiếp người cùng phẩm hạnh đã chọn!

Kinh Phật dạy, ngoại còn biết học ở nhân gian những ca dao, tục ngữ, thực hành và dạy con cháu như: “Làm người tốt không chờ báo đáp, sống như hoa dại, dẫu không ai tán thưởng vẫn tỏa hương thơm ngát,” hay như “ Trong cuộc sống có rất nhiều điều quý giá, nhưng quan trọng nhất là tâm” và “Của cho chẳng mất đi đâu/ Giúp người sẽ có người sau giúp mình/ Sống sao cho vẹn nghĩa tình/ Đạo đời thành đạt gia đình an vui.” Và ngoại đã sống đúng như những điều Phật dạy, luôn có cái tâm vị tha, rộng mở, nhờ vậy mà ngoại đã vượt qua mọi cô đơn, gian khổ của người đàn bà góa bụa, đến khi mãn phần ở tuổi đại thọ gần 100.

Lại nghe kể, ngoại từ khi về quê, sống đời góa bụa, tấm lòng ngoại dành cho con cháu, họ hàng đôi bên. Hiếu để và thuận thảo, theo đúng những điều răn của Phật. Anh em bên nội, hay ngoại đều yêu thương chia sẻ như nhau. Bởi ngoại thường nói, theo Phật pháp là Pháp tu “Tứ vô lượng tâm,” tức Từ, Bi, Hỷ và Xả, sẽ mang lại cuộc sống ấm êm và vui vẻ cho tất cả mọi người. Luôn rộng mở, không ích kỷ, hẹp hòi, sẽ làm cho mọi người chan hòa, thấu hiểu mà yêu thương đùm bọc lấy nhau. Ngày lễ, rằm, mùng một, ngoại thường ăn chay và đến chùa lễ Phật, song có điều, từ khi Chủ trì mới về thay Sư thầy cũ đã viên tịch, người trước đây là “người yêu” của ngoại, thì ngoại không đến chùa quê nữa, nếu có đi, ngoại qua chùa làng bên. Ngoại nói là để Chủ trì an tâm tu hành, có lẽ đây cũng là điều mà ngoại muốn đôi bên tránh xa những lụy phiền, não... Đó cũng chính là “tâm xả” lớn nhất đối với ngoại.

 

3.

Mẹ dù mồ côi cha từ bé, nhưng vẫn hưởng được tình thương ấm áp từ mẹ, tức ngoại tôi và sự đùm bọc, sẻ chia từ gia đình ông bà ngoại, tức là cố của tôi, nên vẫn là... tiểu thư, được cưng chiều từ bé, song từ cái duyên của mẹ, tức bà ngoại tôi, nên vẫn xinh đẹp, duyên dáng và chịu thương, chịu khó. Mẹ yêu hoa sen, và hương sen ngay từ nhỏ, đặc biệt là mẹ thích chế biến và ăn các món ăn từ sen, như canh củ sen, gỏi ngó sen và chè sen... Gặp ba, mẹ xuôi ngược đó đây cùng chồng, lúc ấy đất nước đang còn chiến tranh, mẹ lại sinh nở năm một, mới ngoài ba mươi, mẹ đã một nách... 5 con, đùm đế, gánh gồng nhau vào Nam sinh sống. Ba lúc ấy lại đi làm xa, mẹ với nồi chè sen, bán ở chợ vẫn nuôi đủ các con ăn học. Mẹ học cách buông, bỏ mọi phiền muộn, vui với cái vui hiện có và lúc nào cũng sẵn sàng sẻ chia với láng giềng, hàng xóm, nên rất được mọi người yêu thương, quí trọng. Tôi chưa hề thấy mẹ to tiếng, hay cãi lộn với ai. Chè mẹ nấu, luôn được khách hàng khen ngon, và đặt tên là “Chè sen cô Ba” ( gọi theo thứ của ba tôi). Mẹ vẫn thường răn dạy chúng tôi, buôn bán phải thật thà, lấy công làm lời, không gian dối, như thuở ấy, nấu chè, để cho ngọt, người ta sẵn sàng mua đường “hóa học” bỏ vào, mẹ nói ăn lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe, như vậy là thất đức, lại thêm tội gian dối. Có người dè bĩu, chê bai, hay ganh ghét, mẹ chỉ mỉm cười và lẳng lặng bỏ qua, mẹ nói: “Phật dạy, coi thường người khác cũng là một ác nghiệp. Và, hãy vững như bàn thạch để không bị lung lay trước giông bão. Những người khôn ngoan cũng không bị ảnh hưởng bởi những khen chê theo cách đó...” Có lẽ vì vậy, mà tâm mẹ luôn trong sáng trước mọi gian khó, thử thách của cuộc sống. Và chúng tôi, 12 đứa con của mẹ, luôn nhờ cái đức Thiện lương của mẹ, mà đi qua suốt cuộc chiến tranh không ai bị mất mát, suy suyễn gì!

Bồ Tát và sen, luôn ở trong tâm nguyện của mẹ. Mẹ không thường xuyên đi lễ chùa, nhưng rằm, mồng Một, những ngày

 

cúng quãy, mẹ thường bày biện, chưng hoa sen, và làm các món ăn từ sen, như một cách để dạy các con luôn nhớ. Thân phận con người cũng như đóa sen kia, vươn lên từ lầy bùn để hướng về phía ánh sáng của Đạo pháp, an nhiên tỏa hương trong cuộc sống. Sen đối với mẹ, là lẽ sống, là kế sinh nhai, cụ thể là những món sen chay tịnh của mẹ, vừa để cúng dường Tam Bảo, Tổ tiên, mà còn là những món mẹ làm bán khi có người mua, đặt, yêu cầu, là nồi chè sen thơm ngát, mát dịu, được các bà, các mẹ hay đi chợ, ghé ăn và ủng hộ. Tiếng lành cứ như hương ngọt chè sen, thấm dần vào đầu lưỡi, lan tỏa vào lục phủ ngũ tạng, tạo cảm giác sảng khoái, thanh thản, và cứ thế khách hàng của mẹ, một đồn mười, lan xa khắp chợ quận, rồi chợ tỉnh. Có lần một vị “mệnh phụ phu nhân” đã bao nguyên nồi chè của mẹ, mang về cho cả nhà cùng thưởng thức. Phải chăng cái nhân lành mẹ gieo vào nồi chè “chịu thương, chịu khó” mà đã được gần xa, gặt hái. Có người muốn mẹ mở ngay một cửa tiệm chuyên bán chè, mà người ấy sẽ góp vốn, song mẹ vẫn tế nhị, khéo léo từ chối, an phận với đôi quang gióng, kĩu kịt hàng ngày cùng với mẹ nơi một góc chợ quận, thân thương và đầy ắp tình nhân nghĩa.

4.

Tôi là con trai thứ ba trong gia đình, trước tôi là anh hai, thể chất vốn yếu đuối ngay từ khi còn nhỏ. Sau tôi là 10 đứa em sàn sàn năm một, nên tôi cũng sớm vất vả để phụ ba mẹ trông coi và giáo dục những em nhỏ, để ba mẹ an tâm làm việc. Thuở còn có ngoại, tôi vẫn thường theo người đi lễ chùa và thường tâm đắc những lời bà dạy. Anh em trong gia đình, nhiều khi có chuyện hơn thua, ganh nhau, bà lại nhắc: “Anh em như thể tay chân. Một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên càng phải thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau. Sau này ra đời, đối nhân xử thế, tôi càng thấm hơn lời của Phật: “ Thắng ba quân, không bằng tự thắng mình” mà luôn an hòa, nhường nhịn, học cách “đắc nhân tâm” để cảm hóa, thu phục lòng người, và cả những hơn thua,

 

sân si trong cuộc sống. Đất nước lúc này cũng mới vừa được hòa bình, thống nhất, song lòng người ly tán, bất thuận. Đạo đời dường như dần suy sụp? Nhớ lại một thời hưng thịnh của đạo Phật, lòng đôi lúc thấy buồn. Bởi những “nhân danh” của người “chiến thắng” khiến Phật pháp ngày càng phai nhạt? Có lúc tiếng chuông công phu dường như... trễ tràng, giành cho tiếng kẻng của hợp tác xã, thúc người ra đồng cày cấy. Mượn sự “bài trừ mê tín, dị đoan,” lấy “duy vật” thay thế tâm linh. Nhiều nơi thờ tự bị đóng cửa, chốn tôn nghiêm thờ phụng trở nên vắng vẻ, tiêu điều, mặc cho cây cỏ dại mọc, nhưng với tấm lòng của một Phật tử chân chính, mẹ và cả gia đình, anh em chúng tôi vẫn duy trì ngày chay tịnh. Không lễ chùa được, thì lập bàn thiên, bàn thờ trong nhà thờ cúng, duy trì hương khói trong những ngày trọng đại. Câu Phật tại tâm, hơn lúc nào càng có ý nghĩa với chúng tôi. Vững tin vào một ngày mai, ánh Đạo vàng, sẽ lại chan hòa, ấm áp. Bước vào cuộc sống, cho dù là ở thời thế nào cũng là bước vào cuộc “cho và nhận”. Càng “cho nhiều” thì càng giàu về tâm hồn, nếu “nhận được” từ người khác thì phải biết ơn và ghi nhớ. Cho ở đây, trước hết là sự phân tích, giải bày, hay nói một cách nào đó là “thuyết pháp”, vận động người khác làm theo Phật dạy, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả chính là hành động, thể hiện những điều “thuyết pháp” ấy, mà Phật dạy là “bố thí” và “cúng dường”. Theo “Đại Tạng kinh Việt Nam, phần Phẩm vua Munda, cho các vật Khả Ý” có kể câu chuyện:

“Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng con. Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga

 

bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc Chánh trực, vui lòng đem bố thí, vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những vật khó thí, được từ bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được điều khả ý”.”

Vì vậy, việc thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát từ tấm lòng từ bi rộng lớn, trong lòngluôn hân hoan, vui vẻ và hoàn toàn tự nguyện, phát tâm bố thí và cúng dường mục đích chính là muốn cho Tam bảo được trường tồn ở thế gian, để mọi người có nơi nương tựa, sẻ chia.

Nhờ có tín tâm sâu, khi bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác không phải với tâm cống cao ngã mạn, mà vì đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nên việc làm cao cả ấy sẽ không lệch hướng. Chúng ta không thấy mình là kẻ ban ơn và người thọ ơn. Chính vì vậy “của cho không bằng cách cho,” do đó, chưa chắc người có nhiều tiền lắm của mà biết bố thí với tâm trong sạch. Nhất là trong thời thế “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Khiến mọi người cùng ngộ ra điều tốt mà chú tâm học tập làm theo. Cuộc sống có thể sẽ đỡ vất vả và đỡ cơ cực hơn.

Giáo lý Phật dạy: “Người biết ơn và nhớ ơn là báu vật ở đời.” Đó là ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục, là tình nghĩa anh em, vợ chồng, thầy trò, bạn hữu, là tình làng, nghĩa xóm... biết bao ân huệ trong đời mà hữu duyên nhận được, càng trân trọng ghi nhớ đáp đền...

Trong kinh Phật lại dạy: “Nếu hai người cùng tu tập với niềm vui cung kính đối với Tam bảo, có giới đức và trí tuệ ngang nhau, nhưng có sự chênh lệch về hạnh bố thí, người bố thí nhiều hơn sẽ gặt được kết quả phước báo đầy đủ, hơn người kia về tài sản vật chất và uy quyền thế lực. Sự vượt thắng này sẽ giúp cho người đó được mạnh khỏe, sống thọ, nhan sắc xinh đẹp dễ nhìn, sống an lạc hạnhphúc, có quyền cao chức trọng và đó là ước mơ

 

mong muốn của nhiều người.”

Điều mong mỏi, nhiều khi trong cuộc sống sự “thọ nhận” đôi khi như “mang nợ đàn na tín thí”, người bố thí, cũng không cầu mong phước huệ, thọ hưởng. Đôi lúc lại cưỡng cầu, so bì hơn thiệt, cho nên cần Chính tuệ giác vô ngã soi sáng cho việc bố thí còn phân biệt, để dần hồi tiến đến Bố thí Ba-la-mật, một sự ban tặng mà không có điều kiện hay mong cầu gì hết. Đó mới chính là chân bản ngã ngưỡng vọng của Đạo pháp nhiệm mầu. Từ những suy nghĩ ấy, khiến ta thêm tin yêu, thảnh thơi mà “cho” và “nhận” trong cuộc sống này vậy.

Lại nhớ đến ao sen năm xưa, nơi tuổi thơ hồn nhiên, ngắt lá sen đội đầu những trưa tan học. Nơi hái những hoa sen, trang trí lớp học, dâng tặng thầy cô, cúng dường lên Phật. Nơi những trưa hè, thi bơi lội ở một góc ao, nhiều khi bì bõm lao vào những bụi sen, vướng gai sen, da thịt rướm máu. Nhớ mùa sen nở, không khí thơm ngát, cứ bàng bạc, mỗi trưa sớm, ngữa mặt mà hít thở để nhớ hoài hương sen vương lên tóc ai bối rối...

Hương sen quê ngoại, hồi chuông công phu, và cả những lời ngoại dạy từ đạo lý cửa thiền, cứ theo hoài trong giấc ngủ và những giấc mơ về một cõi an bần, lạc đạo, thân tâm an lạc, mà cứ răn dạy, sửa mình, sửa cho con cái bao điều tốt đẹp... cho dù đi bất cứ nơi đâu, góc bể chân trời hay một đất nước dung thân nào khác.

 

Những Tâm Khúc Theo Ánh Đạo Vàng

1.

Bạch thầy, chuông mõ, công phu

Đạo con, phận hiếu. Nương tu cửa nhà Nguyện lòng thờ mẹ. Kính cha

Một mai khuất núi. Hà sa phúc trời!

2.

Anh em, máu mủ thịt da

Cắt làm sao nỡ? Người ta chê cười Chia nhau cay, đắng ngọt bùi

Thiện tâm, san sớt, suốt đời. Thầy răn...

3.

Đọc ngàn trang kinh Phật Vận dụng ở ngoài đời Tâm vô ưu trong sáng

Thấy quanh mình hoa tươi!

4.

Bạn thân từ thuở nhỏ

Lỗi người thấy mười mươi Lỗi mình tìm thật khó

Nên giấu đầu lòi đuôi!

 

5.

Tình thương, trí huệ, nụ cười

Trao nhau để có cuộc đời thiện nhân Quên mình, quên những si, sân...

Sẽ là hạnh phúc cõi trần riêng ban.

6.

Đường xa. Xa ngái Không mỏi. Chân đi Tâm thành, lẽ phải Đi không phải quì!

7.

Khổ đau do tâm nghĩ

Xóa sạch, buông mọi điều Sắc không và không sắc Chân thành là thương yêu.

8.

Vất hòn đá xuống nước Sóng sẽ dội âm âm

Lời nói buông ra được Sao thu về vô âm?

 

Sát na hiền, dữ như tơ tóc Kềm chế lửa gần, không lan xa Ném dao đồ tể nên tích Phật Bến giác quay đầu bởi vị tha!

10.

Con chim tha quả ngọt Rớt hột lên cây con Năm năm cây kết quả Dâng đời là quả ngon!

Tùy duyên, viên mãn chuyện trần Cầu xin tâm nguyện, lại cần thực, hư? Lắng lòng gội sạch chân như

Hữu duyên vô ngã riêng tư căn phần.

Hãy như hoa dại tỏa hương

Khen, chê vẫn để tình thương dâng đầy Giàu là cho khắp đó đây

Như gieo điều thiện, trồng cây nhân từ!

 

Vợ chồng là đạo phu thê

Ngàn năm duyên nghiệp mới về cùng nhau Thủy chung, tôn trọng, nghèo giàu...

Buồn vui san sẻ, bên nhau mặn nồng.

Tâm như mặt nước tĩnh Soi bóng trời mây bay Khổ đau từ suy nghĩ Giông bão mà không hay.

Cuộc đời không hanh thông Thất bại vài ba lần

Kiên trì và nhẫn nại Mọi điều sẽ thành công!

Điều gì đến sẽ đến Cố tránh có được đâu

Nghĩ mọi việc thông thoáng Quy luật không khẩn cầu.

 

Vạn pháp duy tâm tạo Bạch thấy đã nghĩ thông Nghiệp, tâm và pháp đạo Sao gieo vào mênh mông...

Xuất phát từ tro bụi Khi trở về. Số không Tùy duyên danh để lại

Lưu truyền và hư không!

Bạch thầy. Lời cuối tâm kinh

Như vàng thử lửa. Răn mình sửa thân Công danh, phú quí. Phù vân

Thảnh thơi, biết đủ. Cõi trần vị tha...

Chính Vũ

(Texas, USA)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm