Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 DẪN NHẬP

Từ xưa đến nay, giáo dục vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ dạy dỗ và đào tạo nên những con người có tri thức và đạo đức, và giáo dục vẫn luôn là ngành đi đầu cũng như có mặt trong tất cả các phương diện của đời sống. Học đường là môi trường chính của việc giáo dục. Cũng chính nơi đây sản sinh ra những con người có văn hóa, có trình độ và có nhân cách . Học đường cũng là nơi ghi dấu những gì được gọi là thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời của một con người. Và giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ai, đó là trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội.

 Truyền thống giáo dục của Việt Nam cũng đã luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục hạnh kiểm hay còn gọi là “Đức dục” trước, sau đó mới đến giáo dục tri thức, còn gọi là “Trí dục” và rèn luyện sức khỏe, còn gọi là “Thể dục”. Tinh thần này thể hiện rõ trong câu khẩu hiệu mà bất kỳ một môi trường học đường nào cũng đưa lên hàng đầu, đó chính là : “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều này muốn nói lên điều gì? Đạo đức luôn là hướng giáo dục được quan tâm trước và trên hết.

 Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống con người không ngừng nâng cao. Đời sống con người ngày càng bị bao vây bởi những kỹ thuật khoa học hiện đại. Thế nhưng, những thành tựu khoa học càng thỏa mãn nhu cầu của con người bao nhiêu thì nhân cách con người ngày càng đi theo chiều hướng tiêu cực bấy nhiêu. Thế giới ghi nhận nhiều thành tựu trong mọi lãnh vực do thế hệ trẻ đóng góp thì bên cạnh đó, xã hội cũng đang nhức nhối về vấn đề đạo đức đang ngày càng băng hoại trầm trọng, mà nguy ngại đến mức có thể gọi là “Báo động đỏ” chính là sự xuống cấp đạo đức lại được nhen nhúm từ trong thế hệ hãy còn rất trẻ, thế hệ thanh thiếu niên. Đây là một thực trạng đang rất được xã hội quan tâm nhưng giải pháp để khắc phục thì vẫn còn là một dấu chấm hỏi chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

 Phật giáo luôn xem đạo đức là nền tảng của con người, xã hội và nhận thức về đạo đức dưới cái nhìn của đạo Phật được khai thác trên mọi phương diện. Đồng thời với chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp”, Phật giáo cũng rất chú trọng đến trí tuệ. Phật giáo hướng đến giáo dục một con người hoàn thiện cả về đạo đức nhân cách lẫn trí tuệ. Bởi đạo Phật là đạo của con người, vì con người và con người chính là chủ nhân của thế giới.

 Vậy, thực trạng học đường ngày nay đang như thế nào? Việc ứng dụng giáo lý đạo Phật trong học đường có thể mang lại hiệu quả gì? Và ứng dụng giáo lý Phật như thế nào để có thể góp phần xây dựng lại nhân cách đạo đức của con người nhằm hướng đến một cuộc sống được đầy đủ giá trị Chân- Thiện- Mỹ, giữ gìn thế giới được hòa bình và nhân sanh được an lạc.

  1. NỘI DUNG
  2. THỰC TRẠNG HỌC ĐƯỜNG
  3. Phẩm chất của nhà giáo trong xã hội hiện nay.

            Thời nào cũng vậy, người giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm “Trồng người”. 

Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên.

            Bộ GD&ĐT đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” thì thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt vụ việc giáo viên có những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo gây bất bình trong dư luận.    Nào là, cô giáo “cho phép” học sinh tát bạn, bắt học sinh quỳ, “Dạy” học sinh bằng roi; thầy giáo xâm hại tình dục học sinh,… Đặc biệt, mấy ngày qua dư luận lại xôn xao trước vụ việc một thầy giáo THPT ở Cà Mau đột nhập vào phòng Ban giám hiệu, lén mở máy tính đánh cắp đề thi học kì 1 để gạ tình nữ sinh

            Ngay sau đó là vụ một giáo viên cấp THCS ở Bình Định dùng “chiêu” đổ nước vào miệng để phạt học sinh. Những vụ việc nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.  

            “Nghề giáo” luôn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi đây là nghề trồng nên những con người vừa có tài vừa có đức, là người có nhân cách. Và cũng bởi cao quý nhất nên “người trồng” cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để hoàn thành trọng trách trồng người ấy, người giáo viên không chỉ cần có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm mà hơn hết phải có cái “Tâm” với nghề. Cái “Tâm” với nghề nghiệp khiến mỗi giáo viên phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên trau dồi về mọi mặt, nhất là về phẩm chất đạo đức. Do đặc thù nghề nghiệp nên xã hội thường có cái nhìn “khắt khe” hơn đối với mỗi hành vi, ứng xử của người giáo viên cả ở bên trong và bên ngoài nhà trường. Đáng tiếc là trong thời gian qua, một số giáo viên đã có những hành vi “Lệch chuẩn” thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. 

            Những “Tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh. Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ. Có thể nhận thấy, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo được báo chí và dư luận phanh phui, chỉ trích trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. 

            Mặt trái của cơ chế thị trường với những yếu tố tiêu cực của nó đã xâm nhập, tác động tới nhận thức của một bộ phận giáo viên góp phần làm hình thành nên ở họ lối sống bàng quan, thực dụng. Không ít người đã không thể cưỡng lại được trước sức cám dỗ của vật chất. Sự tha hóa về đạo đức trước sức hút của đồng tiền đã dẫn tới những hành động mù quáng như việc cướp tiệm vàng của thầy giáo Nguyễn Xuân Khôi – giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 4 mới đây là một minh chứng điển hình. 

            Mặc dù đã được đào tạo về nghiệp vụ từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường tiếp nhận công tác còn tỏ ra non yếu về nghiệp vụ sư phạm, thiếu hụt những kiến thức về tâm lý sư phạm. 

            Không phải ngẫu nhiên mà những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo được phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn rơi vào những giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác. Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên. 

            Hơn nữa, hiện nay, một số bậc phụ huynh vì quá bận rộn với công việc nên đã “khoáng trắng” việc giáo dục con cái cho nhà trường. Thiếu sự phối- kết hợp trong giáo dục giữa phụ huynh và giáo viên, hệ quả là phát sinh những biểu hiện lệch lạc trong đời sống tâm lý của học sinh. Một số giáo viên đã không kiềm chế được mình trước sự ngỗ ngược, chậm tiến của học trò. Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo diễn ra trong thời gian qua là do các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa chưa thực sự phát huy hiệu quả. 

            Một số đơn vị trường học có giáo viên vi phạm, vì “bệnh thành tích”, sợ mất các danh hiệu thi đua nên đã “đóng cửa bảo nhau” để xử lý “nội bộ”. Đến khi sự việc bị vỡ lở, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, dư luận lên tiếng hoặc nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên thì mới xử lý mạnh tay. 
            Mặt khác, bấy lâu nay nhiều người vẫn có thói quen nhìn vào những hành vi bề nổi để đánh giá đạo đức giáo viên trong khi đó lại chưa quan tâm đúng mức tới những biểu hiện khác bên trong, mặc dù tác hại gây ra không phải là nhỏ. 
            Chẳng hạn, một cô giáo vì quá nóng giận vì học sinh không học thuộc bài dẫn tới đánh học sinh. Khi phụ huynh phản ứng, báo chí lên tiếng phanh phui thì cô giáo này bị kỉ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo. Trong khi đó, một giáo viên khác có sự thiên vị đối với những học sinh tham gia học thêm môn học do mình dạy, cho điểm cảm tính, thiếu công bằng… thì vẫn yên vị vì không có bằng chứng để xử lý. 
            Trong ngành giáo dục, có rất nhiều tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, những người đã dành trọn nhiệt huyết, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “Trồng người” vẻ vang. 

            Nhất là đội ngũ giáo viên công tác công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang không quản vất vả, gian nan miệt mài gieo chữ cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Họ đã và đang dành được sự kính trọng của toàn xã hội, niềm tin yêu của các thế hệ học sinh. Xét trên tổng thể, số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ là thiểu số, không phải là hiện tượng phổ biến. Mặc dù vậy, việc thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm làm trong “sạch hóa” đội ngũ nhà giáo là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. 

            Ngày 16/4/2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Qui định về đạo đức nhà giáo”, cùng với đó là các văn bản liên quan đến việc thực hiện cũng như các biện pháp xử lý vi phạm.      Vấn đề là cần có hệ thống giải pháp đồng bộ làm cho những văn bản, qui định ấy sớm phát huy hiệu quả, tác dụng trong thực tế nhằm giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng “Con sâu làm rầu nồi canh” như trong thời gian vừa qua. 
            Để làm được điều này, cần nhiều hơn nữa những hành động mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể từ ngành giáo dục, từ mỗi đơn vị trường học.  Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm khắc với bản thân, ý chí nỗ lực tự hoàn thiện mình về mọi mặt của mỗi giáo viên.

  1. Hiện tượng bạo lực học đường

            Bạo lực học đường là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, trái với luân thường đạo lý và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nó cũng có thể được hiểu là hành vi xâm phạm tới thân thể, đời sống tâm lý của giáo viên, học sinh, sinh viên. Đây là một hiện tượng xảy ra và tồn tại trong môi trường giáo dục, hành vi bạo lực học đường được thực hiện một cách cố ý nhằm vào học sinh, sinh viên, giáo viên và hành vi đó có thể xảy ra ở trong và ngoài trường, với sự tham gia của cả đối tượng ngoài xã hội.

            Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bắt nạt, lạm dụng thân thể, lạm dụng bằng lời nói, ẩu đả, đâm, chém, bắn,… Bắt nạt và lạm dụng vật chất là những hình thức phổ biến nhất của bạo lực có liên quan đến bạo lực học đường.

             Đặc điểm về tình trạng bạo lực học đường như sau:

           Về độ tuổi đối tượng tham gia bạo lực học đường :

            Độ tuổi đối tượng tham gia đánh nhau từ 06 -10 tuổi chiếm 07%; từ 11- 14 tuổi chiếm 45%; từ 15 - 18 tuổi chiếm 48%. Như vậy, đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây là lứa tưổi mà sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn, dễ bị bạn bè rủ rê lôi kéo.

            Về hình thức tổ chức:

            Trước đây bạo lực học đường chỉ xảy ra bình thường với các hình thức đơn giản như các hành động chửi bới hay xúc phạm lăng mạ, sỉ nhục hoặc chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người bằng những lời nói. Đa số các vụ đánh nhau đều có tổ chức nhóm (đánh hội đồng). Một số em trong nhóm còn sử dụng điện thoại di động để ghi hình vụ hành hung, sau đó đăng tải lên mạng Internet để làm nhục nạn nhân và để khoe thành tích của mình. Điều này cho thấy, bạo lực học đường không chỉ là chuyện của mỗi học sinh, mà có tính chất lây lan theo nhóm bạn, đa số học sinh coi sự việc đánh nhau bình thường.

            Về công cụ phương tiện sử dụng trong bạo lực học đường:

            Trước đây, bạo lực học đường thường sử dụng công cụ đánh đập tra tấn trực tiếp lên thân thể khiến sức khỏe bị tổn hại qua các hành động: Đấm, đá hoặc gậy gộc. Nhưng bạo lực học đường hiện nay lại táo bạo hơn nhiều với những hung khí như dao, kéo khiến khả năng thương tích lớn hơn gây ra xây xát, chảy máu, tinh thần hoảng loạn, chấn động tâm lý và thậm chí tổn hại đến tính mạng, vướng vòng tù tội…

            Về giới tính:

            Nam giới chiếm 74%; Nữ giới chiếm 36%. Có khoảng hơn một nửa số em nữ khi được hỏi về vấn đề này thì thừa nhận là đã từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác ở các mức độ khác nhau.

            Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường

Nguyên nhân từ bản thân học sinh

            Nguyên nhân đầu tiên có thể nói là do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng từ 12 - 17 tuổi, đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân quá cao ở lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” này khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này, chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo. Do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử của bản thân và sự non nớt trong kỹ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động. Các em chưa định hình được lý tưởng sống cho bản thân nên rất dễ sa đọa.

Nguyên nhân từ môi trường gia đình.

            Con người được sinh ra, nhưng tính cách, phẩm chất, đạo đức do giáo dục mà hình thành. Môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc là gia đình. Ông bà, bố mẹ là những ảnh hưởng đầu tiên, quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Bởi vậy, cách giáo dục và môi trường sống trong mỗi gia đình đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng đến việc đứa trẻ lớn lên như thế nào và sống ra sao. Do vậy, những thiếu sót trong môi trường gia đình được cho là một phần ảnh hưởng đến bạo lực học đường. Việc học sinh chứng kiến tình trạng người bố nghiện rượu hay say xỉn và quát mắng đánh đập những người khác trong gia đình. Đây là những biểu hiện của "Bạo lực gia đình". Nếu được lặp đi lặp lại trong quá trình sống sẽ dẫn đến sự huân tập chủng tử bạo hành, cho rằng những hành động như vậy là bình thường. Vấn đề ở đây là bạo lực gia đình gần như là cầu nối cho bạo lực học đường. Từ những cách dạy con cái bằng hình thức kỷ luật thô bạo của cha mẹ đối với đứa trẻ đã ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ và dần dần đứa trẻ ấy trở nên hung hăng hơn. Việc con cái tiếp xúc với môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, xem các phim bạo lực gây ra những tác động xấu tới nhiều học sinh, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ và học sinh, sinh viên. Việc đối mặt với trừng phạt thân thể làm gia tăng nguy cơ hành động hung hãn ở trẻ vị thành niên. Sự áp đặt của bố mẹ và phản ứng ngược của trẻ em với những cách cư xử cưỡng bức cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của hành vi hung hãn ở trẻ nhỏ ví dụ như: La hét, đánh đấm, bỏ đói, nhốt trong phòng kín...  gia đình có những hạn chế, thiếu các kỹ năng nhận thức xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều tới cách dạy bảo con cái.

Nguyên nhân từ môi trường nhà trường

             Tại điều 5 Luật Giáo dục 2005 quy định các chủ thể giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: “Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học”.

             Như vậy, Luật Giáo dục quy định đối với tất cả các giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục. Đối với giáo viên bộ môn, trách nhiệm của họ không chỉ truyền đạt những kiến thức chuyên môn mà còn phải giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành và phát triển phẩm chất nhân cách của người học, dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Còn đối với chủ nhiệm lớp, họ phải nắm được chất lượng toàn diện trên tất cả các mặt, không chỉ học mà còn là sự tu dưỡng, rèn luyện của các em học sinh.

             Tuy nhiên, do sự giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”. Mặt khác, cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã làm cho những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị suy thoái.

Nguyên nhân từ môi trường xã hội

             Môi trường xã hội hay môi trường lân cận và cộng đồng khu dân cư nơi gia đình những thanh thiếu niên sinh sống cũng nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường. Đa số những vụ bạo lực học đường thường xảy ra đối với những thanh thiếu niên sống trong khu cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhà cửa tồi tàn...nhiều đối tượng nghỉ học sớm lang thang, chơi bời; nơi có nhiều tệ nạn xã hội, tỷ lệ tội phạm cao, có nhiều đối tượng nghiện hút ma tuý, cá độ bóng đá, cờ bạc, trò chơi bạo lực trên mạng...  Khi tiếp xúc với các đối tượng xấu đó nhiều lần đã tác động xấu tới các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động qua lại ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường.

            Qua sự phân tích trên cho thấy, tình hình bạo lực học đường xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau. Do sự phát triển thể chất tâm lý lứa tuổi dễ nhiễm tính bạo lực của học sinh, sinh viên; sự xuống cấp đạo đức; chưa được trang bị và rèn luyện kỹ năng sống; sự thờ ơ, vô cảm và vô trách nhiệm của nhiều bậc làm cha làm mẹ đối với con cái; phương pháp giáo dục sai lầm của gia đình; phương pháp giáo dục, quản lý, môi trường giáo dục nhà trường; những yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hệ thống pháp luật về vấn đề bạo lực học đường ở nước ta còn chưa hoàn chỉnh; tác động tiêu cực của các phương tiện thông tin giải trí hiện đại như game bạo lực, các trang web có nội dung bạo lực, các phương tiện truyền thông; ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của việc hội nhập quốc tế… tất cả những vấn đề đó đã và đang đặt ra cho toàn xã hội phải có các biện pháp hữu hiệu để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.

  1. Mối quan hệ giữa Thầy- trò

            Chất lượng đào tạo là vấn đề không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đang quan tâm. Chất lượng đào tạo liên quan đến hàng loạt các yếu tố của giáo dục, xã hội, kinh tế, quản lí. Riêng về phương diện sư phạm học, phương pháp dạy học đang là tiêu điểm chú ý bàn luận, nghiên cứu và được mọi người quan tâm; đặc biệt quan hệ tương tác giữa người dạy và người học trong quá trình dạy học trong xu hướng đổi mới phương pháp ở các trường cao đẳng, đại học. Bài viết đề cập đến mối quan hệ thầy trò trong quá trình dạy học.

            Theo Davydov: “Các hoạt động dạy và học là các hoạt động cùng nhau của Thầy và trò” có thể diễn tả quá trình dạy học một cách giản lược theo sơ đồ sau:

Description: C:\Users\Hp\Desktop\hhhh.GIF

             

            Thầy: người tổ chức hướng dẫn (xác định mục đích, lựa chọn nội dung, kích thích hứng thú), động cơ của người học, tổ chức việc học, sử dụng phương pháp, phương tiện một cách thích hợp.

            Trò: xác định mục tiêu, chủ động tích cực lĩnh hội bài giảng, lựa chọn cách học thích hợp để tìm kiếm kiến thức, cấu trúc lại vốn kiến thức của mình, vận dụng, kiểm tra đánh giá điều chỉnh việc học. Tuy nhiên, hai mặt hoạt động trên đây chưa đồng bộ đang là nguyên nhân làm suy giảm hiệu quả quá trình dạy học. Việc dạy học chỉ quan tâm chủ yếu đến cách dạy học của Thầy, còn cách học của trò ít được chú ý, thậm chí bị bỏ qua mà vấn đề không phải bao giờ hễ cứ có dạy là có học.

            Quá trình dạy học là một hệ thống bao gồm nhiều nhân tố với vị trí và chức năng khác nhau. Trong đó giáo viên với hoạt động dạy và học sinh với hoạt động học là hai nhân tố trung tâm. Trong quá trình vận động phát triển mỗi nhân tố đều phát huy tác dụng của mình. Các nhân tố khác như mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học có hoàn thiện đến mức độ nào đi nữa nếu không thông qua thầy và trò với hoạt động dạy và học của họ thì cũng không thể phát huy tác dụng thực tiễn. Hoặc ngược lại, nếu Thầy- trò và hoạt động dạy- học của họ không quán triệt được mục đích và nhiệm vụ dạy học, không nắm được nội dung dạy học, không sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học ở mức độ cần thiết thì hiệu quả tác dụng của các nhân tố này sẽ hạn chế rất nhiều, thậm chí có thể mất tác dụng. Vì vậy người ta quan niệm quá trình dạy học là quá trình có tính hai mặt: mặt hoạt động dạy và mặt hoạt động học, hai mặt hoạt động này hợp thành một thể thống nhất, tồn tại trong mối quan hệ qua lại đối với nhau. Nếu không có mối quan hệ này thì không có sự tác động qua lại giữa Thầy- trò, dạy- học, do đó cũng không có lý do tồn tại bản thân quá trình dạy học.

            Vấn đề đặt ra về mặt lý luận cũng như về thực tiễn là xem xét mối quan hệ Thầy-trò, dạy-học là như thế nào. Như đã trình bày ở phần đặt vấn đề, sự tác động qua lại giữa các nhân tố của quá trình dạy học, giữa quá trình dạy học với môi trường của nó tạo nên những nét đặc trưng của mối quan hệ Thầy-trò trong những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội và nhà trường. Trong cuốn “Phương pháp giáo dục” tác giả Nguyễn Kỳ đã giới thiệu lịch sử tiến hóa của các phương pháp sư phạm qua 4 giai đoạn với những nét đặc trưng khác nhau của quan hệ Thầy- trò, phương pháp giáo điều, giáo viên có vai trò chi phối tuyệt đối, phương pháp này thầy áp đặt mục tiêu, phương pháp .     

            Phương pháp cổ truyền: Chú ý hơn vai trò học sinh dưới sự hướng dẫn của Thầy, tuy nhiên thầy vẫn có vai trò chỉ đạo tuyệt đối.

            Phương pháp tích cực: Thầy là người thiết kế cho học sinh hành động và phương pháp giáo dục không chỉ đóng vai trò quan trọng, học sinh đảm nhận trách nhiệm tự giáo dục.

            Tóm lại, trong lịch sử giáo dục học và thực tiễn dạy học, người ta phải giải quyết các vấn đề quan hệ giữa thầy và trò. Trong quá trình dạy học, Thầy thực hiện chức năng truyền đat, điều khiển tri thức. Cấu trúc lại vốn kiến thức của mình, vận dụng, điều chỉnh việc lĩnh hội tri thức. Như vậy, có thể nói rằng về bản chất, quan hệ Thầy-trò được hình dung là quan hệ giữa người thông báo và người tiếp thu thông báo, hoặc giữa người tổ chức, điều khiển chỉ đạo và người tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức.

            Người Thầy giáo với hoạt động dạy phải thiết kế được yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung dạy học và các hoạt động trên lớp, lựa chọn phương pháp dạy học… Trước hết, người Thầy phải dựa vào mục đích, nhiệm vụ chung, xác định những yêu cầu, nhiệm vụ dạy học cụ thể cho từng môn học mình phụ trách. Từ đây xác định yêu cầu, nhiệm vụ cho từng phần, từng chương, thậm chí từng đề mục. Để đạt hiệu quả dạy học tối ưu, người thầy cần cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ học tập trên cơ sở tính đến trình độ học vấn, trình độ tư duy, đạo đức của học sinh từng lớp; cần xem xét tới việc khắc phục những lỗ hổng trong tri thức và ôn tập, củng cố tri thức nhất định.

            Trong quá trình dạy học không phải chỉ có tác động một chiều từ thầy đến trò mà còn có sự tác động trở lại từ trò đến thầy.            Tạo điều kiện để thầy hoàn thiện hoạt động dạy. Mang lại cho thầy kinh nghiệm thực tiễn trong dạy học. Chính sự thống nhất biện chứng giữa dạy và học là một trong những quy luật của quá trình dạy học. Nó phản ánh mối quan hệ gắn kết trong quá trình dạy học, mối quan hệ giữa thầy với trò theo sơ đồ sau:

Description: C:\Users\Hp\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\mmmmm.png

 

            Hiện nay, với sự ra đời và ngày càng phát triển các kiểu dạy học nên vấn đề quan hệ Thầy trò trong quá trình dạy học đã mang bản chất mới. Trong quá trình dạy học Thầy không giới thiệu toàn bộ tri thức ngay lập tức, mà thường chỉ giới thiệu những vấn đề cơ bản để học sinh nắm vững. Sau đó củng cố và bổ sung mở rộng khối lượng tri thức. Quá trình dạy học diễn ra “sự tương tác” trên lớp giữa hoạt động dạy của Thầy và hoạt động học của trò. Như vậy việc dạy và học mới mang lại kết quả, bổ ích, đáp ứng yêu cầu xã hội.

  1. ÁP DỤNG LỜI PHẬT DẠY VÀO MÔI TRƯỜNG HỌC ĐƯỜNG
  2. Vận dụng 5 nguyên tắc Thầy trò trong Phật giáo

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

Thật vậy, có được thân người rất khó nhưng gặp bậc minh sư được học chánh pháp lại càng khó hơn. Giữa Thầy trò có mối quan hệ mật thiết với nhau, cho nên trách nhiệm của một người thầy phải như thế nào, bên cạnh đó người học trò cũng cần có trách nhiệm và nghĩa vụ gì đối với Thầy cô như thế nào cho đúng khuôn phép? Trong Kinh “Thiện Sanh”. Đức Phật đã dạy rất rõ về trách nhiệm và cách ứng xử giữa cha mẹ và con cái, giữa Thầy và trò… của người xuất gia lẫn tại gia. Các mối quan hệ ở đây không chỉ một chiều mà là hai chiều, mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi nhất định. Ở đây chỉ xin nói về trách nhiệm của thầy và trò trên quan điểm của Đức Phật gồm có 5 nguyên tắc.

            Đối với người Thầy cần thực hiện những điều cơ bản để chăm sóc học trò :

               1.Tùy thuận pháp mà huấn luyện

  1. Dạy những điều chưa biết
  2. Giải nghĩa rõ những điều học trò hỏi
  3. Chỉ cho những bạn lành
  4. Dạy hết những điều mình biết không tiếc lẫn

Một người thầy đúng chuẩn còn phải có một khả năng nắm bắt tâm lý của học trò. Hiểu rõ đối tượng, hiểu rõ những biến chuyển tâm lý của học trò để khích lệ, tưởng thưởng chúng, là một trong những điều kiện thành công của quá trình giáo dục. Cụm từ “Có khả năng khích lệ” được sử dụng trong Kinh Tăng Chi và cụm từ “Khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc”  được sử dụng trong Kinh Trường Bộ đã đồng thời xác tín sự tưởng thưởng, ca ngợi đúng lúc và kịp thời là một trong những trách nhiệm cần làm của một người Thầy đúng mực. Căn tánh của mỗi người mỗi khác, nên cần phải hiểu rõ được tâm lý của người học trò để từ đó có những khích lệ, ngoài ra có những lúc cùng cần dùng đến những biện pháp mạnh, điều này còn phụ thuộc vào sự khéo léo của vị Thầy đó vào từng hoàn cảnh như thế nào. Trong học đường đôi lúc các Thầy cô quá chú trọng đến vấn đề nguyên tắc và kỷ luật nên nhiều khi cứng nhắc trong việc dạy và học, xảy ra tình trạng gượng ép và bắt buộc, từ sự nắm bắt tâm lý người giáo viên không cần sử dụng biện pháp mạnh, hay ép học sinh làm bài mà làm sao cho học sinh thấy được sự thích thú trong khi học, đôi khi cần linh động những vấn đề về quy tắc để học sinh có thể tự do sáng tạo hơn nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm và chất lượng học tập.

            Ngoài ra người Thầy cần phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các học trò của mình. Với người xuất gia thì sư phụ có trách nhiệm với toàn bộ đời sống của người đệ tử từ cái ăn, cái mặc, cái ở nhưng với học đường thì có phần nhẹ nhàng hơn, vấn đề đời sống học trò có thể tự lo những vấn đề tri thức và sức khỏe khi ở nhà trường thì người Thầy cần phải có trách nhiệm bảo hộ. Trong Kinh điển Bắc truyền, phẩm vị của một người Thầy tỏa sáng rực rỡ ở những chuẩn mực cao tột. “ Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không cầu vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình.” Dạy học trò với tâm thế như dạy một người con thì hiệu quả học tập sẽ được khẳng định vững chãi. Như vậy trách nhiệm và nghĩa vụ của người Thầy là không chỉ truyền đạt về tri thức mà phải xây dựng trên nền tảng đạo đức, dạy cách đối nhân xử thế, sống đúng, sống thiện và hướng thượng.

Có câu “ Sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vì nó tạo ra những người cao quý”, đây là câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói đến tầm quan trọng và trách nhiệm cao quý của nghề sư phạm, nhà giáo chính là những người đào tạo ra thế hệ tương lai, một xã hội mai sau tốt đẹp hay không đều nhờ vào lớp trẻ ngày nay.

Trong thời đại hiện nay với xu thế ngày càng phát triển của thế giới, hướng đến một xã hội tri thức, xã hội mở thì nhiều nguy cơ lớn đặt ra cho toàn bộ xã hội, trong đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, đáng buồn thay tình trạng đó xảy ra nhiều nhất ở thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của xã hội, thậm chí nó còn xuất hiện ngay trong nhà trường, nhà giáo cũng vì cuộc sống, vì mưu sinh, vì lợi ích riêng tư của cá nhân mà đánh mất đi giá trị đạo đức của mình, giờ đây việc học trên ghế nhà trường thôi chưa đủ mà còn cần phải đi học thêm, học phụ đạo, liệu có phải thời gian trên trường chưa đủ để truyền đạt hết kiến thức, hay là vì một lý do nào khác. Từ sự chạy đua theo lối sống nên con người cũng phải chạy theo, việc chạy đua đó đã khiến cho con người dần dần đánh mất đi đạo đức của mình. Nên vấn đề đầu tiên cần giải quyết đó chính là vấn đề đạo đức, cần phải xây dựng nền tảng đạo đức ngay ở mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.

Đức Phật là một vị đại Đạo sư, được xem là thầy của trời người, cả cuộc đời của Ngài đều dành thời gian cho việc hoằng hóa, đưa con người thoát khỏi khổ đau, đưa ra các biện pháp thực tiễn giúp cho xã hội được hạnh phúc. Vấn đề đạo đức được đức Phật quan tâm hàng đầu, đặc biệt là hạnh hiếu và cách ứng xử các mối quan hệ trong xã hội, về trách nhiệm giữa thầy và trò được đức Phật nhắc đến trong kinh “Giáo Thọ Thi Ca La Việt”, đức Phật dạy: “ Này Gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp”.

 Người học cần có trách nhiệm và nghĩa vụ của một người học trò, một người đệ tử. Dù là sư trưởng hay là thầy cô giáo ngoài đời, đã là Thầy của ta thì điều đầu tiên cần đó là cung kính, lễ phép và biết ơn. Có câu: “ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “ Một ngày làm thầy cả đời làm cha”. Một người học trò không có lễ giáo thì dù có học bao nhiêu sách vở đi chăng nữa cũng vô ích cũng như người bỏ gốc đi tìm ngọn. Phật giáo luôn chú trọng đến việc hoàn thiện đạo đức cá nhân, dù bất cứ lĩnh vực kiện toàn tri thức nào đi nữa. Việc nhuần nhuyễn và ứng xử đạo đức là chuẩn mực cần có của người học trò. Đã là người học trò thì cần chăm chỉ học hỏi, luôn thân cận bên thầy để học được những điều hay lẽ phải, quan trọng là cần phải tinh tế và lanh lợi, việc truyền trao kiến thức của người thầy không chỉ trên sách vở hay bài giảng mà đôi khi những hành động, cử chỉ, lời nói mang ẩn ý dạy dỗ, vì thế người đệ tử cần khéo lắng nghe và nhận biết.

Một người để tử giỏi là biết được tâm ý của thầy mình, thầy chưa nói nhưng mình biết thầy muốn dạy cái gì đó mới là cái hay của người đệ tử, người thầy dạy một thì mình phải biết mười, đó chính là sự suy tư và học hỏi. Dù trên phương diện nào đi nữa thì người học trò cần phải tiếp thu và kế tục những giá trị mà thầy mình đã nỗ lực truyền trao.

Bên cạnh việc cung kính tôn trọng, người đệ tử còn phải hầu hạ thầy, không đợi thầy yêu cầu mà cần phải tự giác, nếu như thầy đối với trò như con thì người học trò cũng cần phải xem Thầy- Cô như cha mẹ mình, cung phụng cha mẹ là điều tất yếu trong nhân gian, riêng đạo Phật đó được xem là bổn phận cao cả. Người học trò phải xem đó là sự may mắn khi được thầy truyền dạy cho tri thức, nên càng phải nên kính trọng và phụng dưỡng. Tri ân và báo ân đó là nền tảng của đạo đức nói riêng và nét đặc thù của Phật giáo nói chung.

Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ giữa thầy và trò theo quan niệm Phật giáo. Những điều này áp dụng cho tất cả tầng lớp xuất gia lẫn tại gia. Nếu áp dụng những điều này vào cuộc sống thực tiễn thì sẽ có một xã hội vững mạnh và hạnh phúc. Với chủ trương hoàn thiện bản thân về vấn đề đạo đức, nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần vị tha thì sẽ không còn những bất cập trong học đường. Giáo viên và học sinh hết lòng vì nhiệm vụ của mình, xây dựng nên một đất nước hoàn thiện về tri thức lẫn đạo đức.

  1. Giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm

Ngoài năm nguyên tắc trên, chúng ta đẩy mạnh hiệu quả giáo dục trên nền tảng ứng dụng giáo lý “Tứ Vô Lượng Tâm” vào trong giáo dục học đường. Đây chính là đức tính từ - bi - hỷ - xả, là tâm cao thượng rộng lớn không lường của con người và đồng thời cũng là phẩm chất tốt đẹp giúp hoàn thiện của mỗi cá nhân. Ca dao có câu “ Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức tác phong”.

Thật vậy, tác phong đạo đức rất quan trọng trong quá trình ứng xử giao tiếp, giảng dạy… Đóa hoa đẹp tỏa hương thơm ngát là nhờ quá trình tích lũy lâu dài, tác phong đạo đức cũng qua quá trình rèn luyện mới có giá trị. “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Từ bi là ban vui, cứu khổ đem lại lợi ích cho mọi người. Một nhà giáo ứng dụng tâm Từ, Bi, Hỷ và Xả vào trong học đường, luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các em, để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cho các em vượt qua khó khăn tiến bước trên bước đường học vấn, dìu dắt các em khỏi lầm đường lạc lối, làm tấm gương đạo đức để các em noi theo. Có như vậy mới xứng đáng là bậc mô phạm. Chính vì thế, giá trị đạo đức đóng vai trò rất lớn trong giáo dục nói riêng và đời sống con người nói chung.

   Dù bất cứ nghề nghiệp nào cũng phải xây dựng trên nền tảng đạo đức, hơn nữa đây là môi trường giáo dục, đào tạo con người, hướng con người đến  Chân - Thiện - Mỹ. Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không đức là vô dụng, có đức mà không có tài thì chẳng làm gì được”, cho dù người đó có tài giỏi đến đâu mà không có đạo đức thì cũng là đồ bỏ đi.          

Ví dụ, một giảng viên thực hành Từ - bi - hỷ - xả để giảng dạy thì học trò sẽ cảm thấy gần gũi và ấm áp hơn trong việc học tập và chia sẻ những khó khăn trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Ngược lại, nếu bạo lực với nó thì nó rất sợ và đôi khi nó trở nên bất chấp, nó sẽ sài sang cuộc đời và đi theo đường xấu, dễ bị lôi kéo. Đối với học sinh cũng vậy, khi có đức tính Từ - bi - hỷ - xả thì luôn luôn muốn cứu khổ ban vui cho bạn. Khi thấy bạn cùng lớp học kém hơn mình, chẳng những không chê cười khinh khi trái lại đem lòng từ bi thương xót chia sẻ, giúp đỡ cho bạn tiến được bộ hơn. Hoặc khi bạn gặp hoàn cảnh khó khăn trải tâm từ đến với bạn, chia sẻ, an ủi nhiệt tình hướng dẫn giúp đỡ bạn với khả năng, nhưng khi giúp xong không để tâm, không kể công với bạn. Như vậy, môi trường giáo dục trở nên rất lý tưởng, thấm đẩm tình yêu thương. Khi trưởng thành chắc chắn các em sẽ thành người tài đức, hoàn  thiện nhân cách mẫu người lý tưởng mọi người đều mơ ước, có ích cho gia đình và xã hội. Do đó, cần phải bổ sung và duy trì giáo lý Tứ vô lượng tâm vào trong học đường để bồi đắp xây dựng mẫu người tài đức.

Qua đó, cho thấy giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm đưa vào môi trường giáo dục không chỉ ứng dụng học sinh mà người giảng dạy cũng cần phải rèn luyện thực hành. Tứ Vô Lượng Tâm là nền tảng đạo đức vững chãi nhất, với tinh thần cứu khổ ban vui đem lại lợi ích cho mình và người một cách thiết thực. Trong thời đại hiện nay, xã hội có nhiều biến động vì khoa học phát triển, làm cho nhân cách đạo đức con người bị xói mòn. Cần nên lồng ghép giáo lý Phật giáo vào trong học đường để tạo nền tảng vững chắc cho các em đi vào đời trở thành người hữu ích cho xã hội và cho đất nước.

  1. Tư tưởng bình đẳng và tôn trọng nhau

Đức Phật đã từng gửi cho chúng ta rất nhiều thông điệp hòa bình đó chính là sự bình đẳng. Đức Phật dạy rằng:

“ Không có giai cấp khi máu cùng đỏ

Không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”

            Máu tượng trưng cho sự sống và nước mắt tượng trưng cho sự đau khổ, tất cả con người dù giàu hay nghèo, màu da chủng tộc hay phong tục tập quán khác nhau nhưng nỗi khổ niềm đau và sự sinh tồn đều giống nhau. Do đó, phải có tư tưởng bình đẳng và tôn trọng nhau.

            Bình đẳng là sự thừa nhận và coi trọng nhau các đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa nam giới và nữ giới.

             Sự thiếu bình đẳng chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân chính, đó là do môi trường sống thấm đẫm quan niệm “trọng nam khinh nữ” của xã hội xưa, vậy nên cho dù xã hội có phát triển như thế nào đi chăng nữa thì người phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi nhiều hơn.

Sự thiếu bình đẳng xảy ra khi trong lớp có sự phân biệt giữa học sinh giỏi- dốt, giàu, nghèo, quyền thế…  Để có một môi trường bình đẳng và tôn trọng nhau thì cần phải thay đổi trong môi trường giáo dục của gia đình, ngay từ ban đầu phải thiết lập tư tưởng bình đẳng cho trẻ ở mọi phương diện. Một người thì không thể thay đổi được nhưng nếu một gia đình rồi một xã hội thì vấn đề bình đẳng sẽ được cải thiện và phát triển.

Khi đã thiết lập được tư tưởng bình đẳng ở gia đình thì khi tiếp xúc với môi trường giáo dục của nhà trường, mỗi học sinh sẽ tự ý thức được sự bình đẳng và tôn trọng các thành viên trong môi trường giáo dục mình đang học.

            Việc bình đẳng trong môi trường giáo dục cần lưu ý:

 Để đi vào bản chất của nền giáo dục, những tiêu chí quan trọng nhất cho nhà trường tiên tiến, chất lượng cao là:

  • Đội ngũ giáo viên giỏi.
  • Thực hiện bình đẳng trong giáo dục.
  • Học sinh có tinh thần tự lập cao.
  • Nhà trường tạo dựng cho học sinh niềm vui và hạnh phúc khi đến trường.

Để có môi trường giáo dục lý tưởng cho học sinh, điều kiện đầu tiên là xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi. Đội ngũ giáo viên cần phải được đào tạo tốt, được quyền tự do sáng tạo trong công việc, được tự do áp dụng các phương pháp sư phạm mà họ muốn, tự thiết kế giáo án, tự chọn sách giáo khoa. Trong quá trình giảng dạy và làm việc, giáo viên sẽ không bị thanh tra, bị đánh giá, làm gián đoạn công việc, trừ những việc vi phạm pháp luật.

            Trong chương trình giáo dục, không nên có sự phân biệt, như “Trường chuyên, lớp chọn”, “Lớp sinh viên tài năng”. Cần phấn đấu xóa bỏ sự khác biệt, không tổ chức “Trường chuyên, lớp chọn”, Trường điểm”, “Lớp sinh viên tài năng” gây ảnh hưởng xấu về tâm lý, thiếu công bằng, vì tất cả người học đều có cơ hội cơ bản như nhau trong nhà trường. Phụ huynh không phải lo “Chạy trường” cho con khi bước sang 6 tuổi.

            Không có chọn lựa “đẳng cấp”, học sinh không bị phân biệt sang hèn, không phân biệt phụ huynh là người lao động, hay quan chức, người thành thị hay nông thôn, tất cả đều được đối xử công bằng, thể hiện rõ rệt nhất của một xã hội dân chủ. Tất cả mọi người đều được hưởng quyền lợi từ nền giáo dục, vì vậy tất cả mọi người trong xã hội cần có một tầm nhìn chung để xây dựng nền giáo dục bình đẳng và chất lượng cao.

            Giáo dục cần nỗ lực giảm số lượng học sinh yếu kém, giảm mức chênh lệch học tập giữa học sinh nam và nữ, thực hiện bình đẳng trong giáo dục thành công. Muốn có một chất lượng giáo dục tốt đồng đều cho học sinh, trong xã hội cần thực hiện tốt bình đẳng giới và các học sinh yếu kém phải được nhà trường giúp đỡ tận tình, luôn có cơ hội vươn lên.

            Chúng ta cần duy trì song song hai hình thức giáo dục: giáo dục thông thường và giáo dục đặc biệt. Các em học chung lẫn nhau, nhưng giáo viên cần có sự quan tâm đặc biệt đến những học sinh yếu kém, chứ không chỉ ưu ái với học sinh giỏi. Trong giáo dục không nên có sự phân chia, tách biệt về năng lực học tập của học sinh. Học sinh sẽ học cùng nhau cho đến khi học hết cấp trung học cơ sở, rồi sau đó mới tách ra, số thì học tiếp, số thì học trường nghề, vì vậy không nên phân biệt đối xử giữa kẻ học dốt, hay người học giỏi. Như vậy giáo dục sẽ phát triển theo cả về bề rộng và cả về chiều sâu.

            Về kỷ luật nhà trường, nhà trường chúng ta quá chú trọng việc điểm danh, trong khi ở những nước giáo dục tốt như Phần Lan, Thụy Điển người ta đã bãi bỏ việc điểm danh học sinh và những kỳ kiểm tra. Nhà trường không nên kiểm tra gắt gao, bắt học sinh học nhồi nhét, học thuộc lòng những kiến thức cơ bản, hoặc áp dụng kỷ luật “sắt”.

            Cần tổ chức học tập theo nhóm và giáo viên cũng cần phải dự vào để  bàn luận cùng học sinh, như thế sẽ tạo sự thân thiện và gần gũi vói tất cả thành viên trong lớp. Tạo cảm giác bình đẳng và được tôn trọng như nhau.

III. GIẢI PHÁP THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG HIỆN NAY:

  1. Sự cần thiết của Phật giáo trong học đường:

  Sự có mặt của Phật giáo trong học đường đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa ra, mỗi bậc phụ huynh, Thầy cô giáo cần phải dạy các em về con đường đạo đức “Tiên học lễ, hậu học văn”, thỉnh thoảng chúng ta cần phải mời những vị Thầy là Tu sĩ đến để thuyết pháp những vấn đề về tâm lý đạo đức để các em thực hành theo, tránh xa bạo lực học đường, như tinh thần từ bi, bất bạo động, để từ đó các em biết yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, diệt trừ những mối hận riêng tư trong mối quan hệ bạn bè.

                                          “Hận thù diệt hận thù

                                          Đời này không có được

                                          Không hận diệt hận thù

                                          Là định luật ngàn thu.

  • Áp dụng 5 giới, căn bản đạo đức của Phật giáo vào học đường.

Không sát sanh: giúp các em tránh xa con đường phạm pháp giết người, giúp cho các em tránh xa bạo lực học đường, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Không trộm cướp: Giúp cho các em tránh xa con đường tù tội.

Không tà dâm: Giúp các em tránh xa con đường mại dâm, làm mất nhân tính.

Không nói dối: Giúp các em không có sự chia rẽ, hiềm khích, đánh đập lẫn nhau, các em biết tôn trọng lẫn nhau, ăn nói khiêm cung, lễ phép với các bậc trưởng thượng.

Không uống rượu: Giúp các em tránh xa con đường nghiện ngập, ăn chơi sa đoạ, mất lý trí, khỏi đánh mất nhân cách đạo đức làm người.

  • Áp dụng tinh thần Lục hoà vào học đường:

1/Tinh thần đồng trụ: Giúp các em hiểu rằng tuy các em khác về huyết thống do cha mẹ sanh ra nhưng các em cùng sống chung một xã hội, cùng học chung một ngôi trường, giúp các em bỏ đi những tính chất cá nhân để quay về một đoàn thể sống hoà hợp biết yêu thương nhau. Từ đó làm cho các em từ bỏ hiềm khích, phân biệt giàu nghèo, đem lại sự đoàn kết trong cuộc sống.

2/Khẩu hoà vô tránh: Giúp các em ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, không gây tranh cãi, hơn thua.

3/Ý hoà đồng duyệt: Biết hoà hợp để các em sống vui vẻ, hoan hỷ tán đồng quan điểm chung, không gây thù hận bất hoà.

4/ Giới hoà đồng tu: Biết tôn trọng quy luật của nhà nước, những quy tắc học đường, đây là vấn đề rất quan trọng, đối với xã hội “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”.

5/ Kiến hoà đồng giải: Giúp các em chia sẽ kiến thức cho nhau và cùng giúp nhau tiến bộ.

6/ Lợi hoà đồng quân: Nếu một gia đình hay xã hội mất đi sự công bằng thì dễ sinh ra vấn đề bạo động.

  1. Đạo đức, tư tưởng Phật giáo là tiêu chí quan trọng trong học đường.

            Đạo đức học Phật giáo không những là tầm quan trọng giúp cho người học Phật trên con đường ngày càng hoàn thiện mình hơn, để trở thành những người làm ích đạo lợi ích đời, mà còn giúp cho xã hội nhất là đối tượng mầm non của đất nước, trở thành những người có đức, có tài cho xã hội đó là những học sinh, sinh viên v.v...

            Quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất đó là từ bi và trí tuệ ngang qua đạo đức và tư tưởng Phật giáo vì đây là tiêu chí quan trọng của học đường .

            Theo định hướng phát triển giáo dục trong thời đại mới, Ủy Ban Khoa Học Giáo Dục và Văn Hóa Liên Hợp Quốc ( UNESCO) đã đề xướng mục đích học tập là :”Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.” Hiểu một cách ngắn gọn là học để phát triển toàn diện, hài hòa về trí tuệ, kỹ năng lẫn đạo đức, lối sống. Để trở thành những người có ích cho xã hội.

        Trải qua hơn hai mươi thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với dân tộc, Phật giáo đã để lại ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử văn hóa xã hội cùng với triết lý Từ, bi, hỷ, xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách con người và đạo đức hướng con người đến lối sống bình đẳng vị tha. Thực tế đã chứng minh, Phật giáo phù hợp với đạo đức lẽ sống của con người Việt Nam và nó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, trong bối cảnh văn hóa, kinh tế chính trị phức tạp chúng ta cần phát huy mạnh mẽ những giá trị tích cực của tôn giáo này để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của con người nói chung và thế hệ học sinh sinh viên nói riêng.  

      Tư tưởng Từ - bi - hỷ - xả và tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống lành mạnh một tinh thần hoàn toàn hướng thượng, thật sự đó là một trong những thành tố tạo nên một nền văn hóa dân tộc trong suốt hàng ngàn năm. Phật giáo ngày nay vẫn giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dưng đạo đức hoàn thiện một lối sống lành mạnh cho con người Việt Nam, tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc chủ nghĩa nhân đạo. Lòng từ bi bác ái góp phần cứu giúp những người gặp hoạn nạn khó khăn, giữ vững tinh thần truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc từ xưa đến nay và biết được triết lý vô ngã vị tha, vô thường, để giúp con người giảm bớt cái tôi ích kỷ này....để xã hội ngày càng sống trong sự yêu thương không thù hằn oán ghét lẫn nhau đó là một vấn đề rất cần thiết và cũng là tiêu chí quan trọng trong học đường.

        Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến đạo hiếu đó là vấn đề cơ bản nhất của đạo làm người “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” lấy hiếu làm đầu, muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn của cha mẹ, công ơn của thầy cô, công ơn của đất nước mà nhà Phật còn gọi là Tứ trọng ân.

 Đó là những giá trị tích cực, thiết thực giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những khó khăn, cám dỗ của cuộc đời, nhằm khích lệ họ quan tâm đến số phận của con người của cộng đồng đó là trách nhiệm của những người lương thiện.

              Phật giáo khuyên con người giữ “Ngũ giới” đó là giúp cho con người tránh xa đi những điều xấu, để không vướng vào những tội lỗi do không giữ giới, sống buông lung gây ra, nếu không giữ giới sẽ dễ dàng đi vào con đường tội lỗi.

      Sự cần thiết phải vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống đạo đức dành cho học sinh, sinh viên hiện nay là rất quan trọng. Văn kiện đại hội XI của Đảng Cộng  Sản Việt Nam nhấn mạnh: “ Tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo”.

      Việc vận dụng đạo đức tư tưởng vào việc giáo dục cho học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, để cho một xã hội Việt Nam ngày càng văn minh tiến bộ nâng cao đạo đức. Như Bác Hồ có câu: “Có tài mà không có đức cũng vô dụng, có đức mà không có tài cũng không làm được việc gì”. Thế cho nên con người phải luôn luôn rèn luyện đạo đức nhân cách con người để trở thành những con người có ích cho xã hội. Kinh Pháp Cú có câu kệ như sau :

“Hương của các loài hoa

        Không ngược bay chiều gió

     Hương người đức hạnh đó

     Ngược gió khắp tung bay”.

  1. Hướng mọi người tìm đến giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại.

            Học đường là nơi truyền trao những tư tưởng giáo dục đạo đức, đào tạo cho xã hội những con người có phẩm chất tốt, nhằm nâng cao đời sống  hạnh phúc từ vật chất cho đến tinh thần. Phật giáo đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội với triết lý từ, bi, hỷ, xả là nguồn gốc khuyến khích con người hướng thiện, có tác dụng điều chỉnh  nhân cách đạo đức hướng con người đến lối sống bình đẳng vị tha, phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết hiện nay.

              Đức Phật dạy tư tưởng từ, bi, hỷ, xả vẫn đang được nhân dân Việt Nam nói riêng và cả nhân loại nói chung tiếp thu và phát huy vào đời sống. Chuẩn mực đạo đức Phật giáo được nhiều người tin theo và khuyến khích phát huy, ở đây không phải tin theo vì lòng mê tín, hay bắt buộc do một giáo điều mà là sự: “Đến để thấy thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, được người có trí có thể tự mình giác hiểu” (628 Tăng Chi 1, trang 279).

  “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn gíao toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đạt trên căn bản của ý thức đạo lý, xuất phát từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong mọi cái nhất thế đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.” Albert Einsteni (người trí tự chứng).

  Và Bác Hồ cũng có viết trong Thư gửi Đại hội lần III, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam là: “Tôi mong rằng đồng bào Phật giáo hãy thực hiện lời Phật dạy, lợi lạc quần sanh, vô ngã, vị tha, là tất cả vì lợi ích mọi người, không cá nhân chủ nghĩa”.  (trang chủ Nghiên cứu khoa học và trao đổi ý kiến giá trị của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay).

 Tồn tại với thời gian, Phật giáo vẫn đang đóng góp cho việc duy trì đạo đức xã hội, xây dựng con người hoàn thiện mục tiêu đưa lại hạnh phúc và an lạc cho nhân sinh là phải tự lực phấn đấu, bên cạnh đó bài học nhân quả để tránh cho ba nghiệp an lạc khi con người thực hành năm giới và ”Bát Chánh Đạo” với chánh mạng là biết làm chủ cuộc sống, thực hiện tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

“Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

                   Chính lời chư Phật dạy”.  (PC 126)

  1. KẾT LUẬN

Tóm lại, Phật giáo với vấn đề học đường có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Bằng những phương pháp phân tích, giải thích và bình luận, tổ con đã nói lên những thực trạng học đường hiện nay. Việc áp dụng giáo lý nhà Phật vào môi trường học dường đã dưa ra được những giải pháp giải quyết vấn đề. Mỗi người chúng ta cần nhìn nhận được những lợi ích khi vận dụng giáo lý Phật giáo vào học đường như sau:

  • Khi ta thực hành được 5 nguyên tắc giữa Thầy và Trò trong Kinh Lễ Bái Sáu Phương thì sẽ không còn tình trạng giáo viên đánh học sinh hay học sinh chọc phá thầy cô giáo, mà nơi đó sẽ chứa đựng tình thương, sự tôn trọng lẫn nhau để cùng chung sống dưới mái nhà học đường.
  • Khi ta thực tập được Từ- Bi – Hỷ – Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm thì cá nhân mỗi người sẽ được những hạt giống thương yêu đích thực, sẽ không còn vấn nạn bạo lực nữa mà thay vào đó là sự chia sẻ, thông cảm nhau được lan tỏa.

Nhằm xây dựng một môi trường học tập lành mạnh để đào tạo nhiều nhân tài đầy đủ phẩm chất tài và đức thì trách nhiệm của Tăng đoàn là yếu tố cần thiết đối với xã hội hiện đại ngày nay.

Bài Thuyết Trình về Đạo Đức Học

  1. DẪN NHẬP

Từ xưa đến nay, giáo dục vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ dạy dỗ và đào tạo nên những con người có tri thức và đạo đức, và giáo dục vẫn luôn là ngành đi đầu cũng như có mặt trong tất cả các phương diện của đời sống. Học đường là môi trường chính của việc giáo dục. Cũng chính nơi đây sản sinh ra những con người có văn hóa, có trình độ và có nhân cách . Học đường cũng là nơi ghi dấu những gì được gọi là thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời của một con người. Và giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ai, đó là trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội.

 Truyền thống giáo dục của Việt Nam cũng đã luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục hạnh kiểm hay còn gọi là “Đức dục” trước, sau đó mới đến giáo dục tri thức, còn gọi là “Trí dục” và rèn luyện sức khỏe, còn gọi là “Thể dục”. Tinh thần này thể hiện rõ trong câu khẩu hiệu mà bất kỳ một môi trường học đường nào cũng đưa lên hàng đầu, đó chính là : “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều này muốn nói lên điều gì? Đạo đức luôn là hướng giáo dục được quan tâm trước và trên hết.

 Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống con người không ngừng nâng cao. Đời sống con người ngày càng bị bao vây bởi những kỹ thuật khoa học hiện đại. Thế nhưng, những thành tựu khoa học càng thỏa mãn nhu cầu của con người bao nhiêu thì nhân cách con người ngày càng đi theo chiều hướng tiêu cực bấy nhiêu. Thế giới ghi nhận nhiều thành tựu trong mọi lãnh vực do thế hệ trẻ đóng góp thì bên cạnh đó, xã hội cũng đang nhức nhối về vấn đề đạo đức đang ngày càng băng hoại trầm trọng, mà nguy ngại đến mức có thể gọi là “Báo động đỏ” chính là sự xuống cấp đạo đức lại được nhen nhúm từ trong thế hệ hãy còn rất trẻ, thế hệ thanh thiếu niên. Đây là một thực trạng đang rất được xã hội quan tâm nhưng giải pháp để khắc phục thì vẫn còn là một dấu chấm hỏi chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

 Phật giáo luôn xem đạo đức là nền tảng của con người, xã hội và nhận thức về đạo đức dưới cái nhìn của đạo Phật được khai thác trên mọi phương diện. Đồng thời với chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp”, Phật giáo cũng rất chú trọng đến trí tuệ. Phật giáo hướng đến giáo dục một con người hoàn thiện cả về đạo đức nhân cách lẫn trí tuệ. Bởi đạo Phật là đạo của con người, vì con người và con người chính là chủ nhân của thế giới.

 Vậy, thực trạng học đường ngày nay đang như thế nào? Việc ứng dụng giáo lý đạo Phật trong học đường có thể mang lại hiệu quả gì? Và ứng dụng giáo lý Phật như thế nào để có thể góp phần xây dựng lại nhân cách đạo đức của con người nhằm hướng đến một cuộc sống được đầy đủ giá trị Chân- Thiện- Mỹ, giữ gìn thế giới được hòa bình và nhân sanh được an lạc.

  1. NỘI DUNG
  2. THỰC TRẠNG HỌC ĐƯỜNG
  3. Phẩm chất của nhà giáo trong xã hội hiện nay.

            Thời nào cũng vậy, người giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm “Trồng người”. 

Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên.

            Bộ GD&ĐT đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” thì thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt vụ việc giáo viên có những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo gây bất bình trong dư luận.    Nào là, cô giáo “cho phép” học sinh tát bạn, bắt học sinh quỳ, “Dạy” học sinh bằng roi; thầy giáo xâm hại tình dục học sinh,… Đặc biệt, mấy ngày qua dư luận lại xôn xao trước vụ việc một thầy giáo THPT ở Cà Mau đột nhập vào phòng Ban giám hiệu, lén mở máy tính đánh cắp đề thi học kì 1 để gạ tình nữ sinh

            Ngay sau đó là vụ một giáo viên cấp THCS ở Bình Định dùng “chiêu” đổ nước vào miệng để phạt học sinh. Những vụ việc nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.  

            “Nghề giáo” luôn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi đây là nghề trồng nên những con người vừa có tài vừa có đức, là người có nhân cách. Và cũng bởi cao quý nhất nên “người trồng” cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để hoàn thành trọng trách trồng người ấy, người giáo viên không chỉ cần có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm mà hơn hết phải có cái “Tâm” với nghề. Cái “Tâm” với nghề nghiệp khiến mỗi giáo viên phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên trau dồi về mọi mặt, nhất là về phẩm chất đạo đức. Do đặc thù nghề nghiệp nên xã hội thường có cái nhìn “khắt khe” hơn đối với mỗi hành vi, ứng xử của người giáo viên cả ở bên trong và bên ngoài nhà trường. Đáng tiếc là trong thời gian qua, một số giáo viên đã có những hành vi “Lệch chuẩn” thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. 

            Những “Tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh. Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ. Có thể nhận thấy, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo được báo chí và dư luận phanh phui, chỉ trích trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. 

            Mặt trái của cơ chế thị trường với những yếu tố tiêu cực của nó đã xâm nhập, tác động tới nhận thức của một bộ phận giáo viên góp phần làm hình thành nên ở họ lối sống bàng quan, thực dụng. Không ít người đã không thể cưỡng lại được trước sức cám dỗ của vật chất. Sự tha hóa về đạo đức trước sức hút của đồng tiền đã dẫn tới những hành động mù quáng như việc cướp tiệm vàng của thầy giáo Nguyễn Xuân Khôi – giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 4 mới đây là một minh chứng điển hình. 

            Mặc dù đã được đào tạo về nghiệp vụ từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường tiếp nhận công tác còn tỏ ra non yếu về nghiệp vụ sư phạm, thiếu hụt những kiến thức về tâm lý sư phạm. 

            Không phải ngẫu nhiên mà những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo được phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn rơi vào những giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác. Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên. 

            Hơn nữa, hiện nay, một số bậc phụ huynh vì quá bận rộn với công việc nên đã “khoáng trắng” việc giáo dục con cái cho nhà trường. Thiếu sự phối- kết hợp trong giáo dục giữa phụ huynh và giáo viên, hệ quả là phát sinh những biểu hiện lệch lạc trong đời sống tâm lý của học sinh. Một số giáo viên đã không kiềm chế được mình trước sự ngỗ ngược, chậm tiến của học trò. Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo diễn ra trong thời gian qua là do các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa chưa thực sự phát huy hiệu quả. 

            Một số đơn vị trường học có giáo viên vi phạm, vì “bệnh thành tích”, sợ mất các danh hiệu thi đua nên đã “đóng cửa bảo nhau” để xử lý “nội bộ”. Đến khi sự việc bị vỡ lở, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, dư luận lên tiếng hoặc nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên thì mới xử lý mạnh tay. 
            Mặt khác, bấy lâu nay nhiều người vẫn có thói quen nhìn vào những hành vi bề nổi để đánh giá đạo đức giáo viên trong khi đó lại chưa quan tâm đúng mức tới những biểu hiện khác bên trong, mặc dù tác hại gây ra không phải là nhỏ. 
            Chẳng hạn, một cô giáo vì quá nóng giận vì học sinh không học thuộc bài dẫn tới đánh học sinh. Khi phụ huynh phản ứng, báo chí lên tiếng phanh phui thì cô giáo này bị kỉ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo. Trong khi đó, một giáo viên khác có sự thiên vị đối với những học sinh tham gia học thêm môn học do mình dạy, cho điểm cảm tính, thiếu công bằng… thì vẫn yên vị vì không có bằng chứng để xử lý. 
            Trong ngành giáo dục, có rất nhiều tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, những người đã dành trọn nhiệt huyết, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “Trồng người” vẻ vang. 

            Nhất là đội ngũ giáo viên công tác công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang không quản vất vả, gian nan miệt mài gieo chữ cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Họ đã và đang dành được sự kính trọng của toàn xã hội, niềm tin yêu của các thế hệ học sinh. Xét trên tổng thể, số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ là thiểu số, không phải là hiện tượng phổ biến. Mặc dù vậy, việc thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm làm trong “sạch hóa” đội ngũ nhà giáo là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. 

            Ngày 16/4/2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Qui định về đạo đức nhà giáo”, cùng với đó là các văn bản liên quan đến việc thực hiện cũng như các biện pháp xử lý vi phạm.      Vấn đề là cần có hệ thống giải pháp đồng bộ làm cho những văn bản, qui định ấy sớm phát huy hiệu quả, tác dụng trong thực tế nhằm giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng “Con sâu làm rầu nồi canh” như trong thời gian vừa qua. 
            Để làm được điều này, cần nhiều hơn nữa những hành động mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể từ ngành giáo dục, từ mỗi đơn vị trường học.  Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm khắc với bản thân, ý chí nỗ lực tự hoàn thiện mình về mọi mặt của mỗi giáo viên.

  1. Hiện tượng bạo lực học đường

            Bạo lực học đường là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, trái với luân thường đạo lý và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nó cũng có thể được hiểu là hành vi xâm phạm tới thân thể, đời sống tâm lý của giáo viên, học sinh, sinh viên. Đây là một hiện tượng xảy ra và tồn tại trong môi trường giáo dục, hành vi bạo lực học đường được thực hiện một cách cố ý nhằm vào học sinh, sinh viên, giáo viên và hành vi đó có thể xảy ra ở trong và ngoài trường, với sự tham gia của cả đối tượng ngoài xã hội.

            Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bắt nạt, lạm dụng thân thể, lạm dụng bằng lời nói, ẩu đả, đâm, chém, bắn,… Bắt nạt và lạm dụng vật chất là những hình thức phổ biến nhất của bạo lực có liên quan đến bạo lực học đường.

             Đặc điểm về tình trạng bạo lực học đường như sau:

           Về độ tuổi đối tượng tham gia bạo lực học đường :

            Độ tuổi đối tượng tham gia đánh nhau từ 06 -10 tuổi chiếm 07%; từ 11- 14 tuổi chiếm 45%; từ 15 - 18 tuổi chiếm 48%. Như vậy, đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây là lứa tưổi mà sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn, dễ bị bạn bè rủ rê lôi kéo.

            Về hình thức tổ chức:

            Trước đây bạo lực học đường chỉ xảy ra bình thường với các hình thức đơn giản như các hành động chửi bới hay xúc phạm lăng mạ, sỉ nhục hoặc chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người bằng những lời nói. Đa số các vụ đánh nhau đều có tổ chức nhóm (đánh hội đồng). Một số em trong nhóm còn sử dụng điện thoại di động để ghi hình vụ hành hung, sau đó đăng tải lên mạng Internet để làm nhục nạn nhân và để khoe thành tích của mình. Điều này cho thấy, bạo lực học đường không chỉ là chuyện của mỗi học sinh, mà có tính chất lây lan theo nhóm bạn, đa số học sinh coi sự việc đánh nhau bình thường.

            Về công cụ phương tiện sử dụng trong bạo lực học đường:

            Trước đây, bạo lực học đường thường sử dụng công cụ đánh đập tra tấn trực tiếp lên thân thể khiến sức khỏe bị tổn hại qua các hành động: Đấm, đá hoặc gậy gộc. Nhưng bạo lực học đường hiện nay lại táo bạo hơn nhiều với những hung khí như dao, kéo khiến khả năng thương tích lớn hơn gây ra xây xát, chảy máu, tinh thần hoảng loạn, chấn động tâm lý và thậm chí tổn hại đến tính mạng, vướng vòng tù tội…

            Về giới tính:

            Nam giới chiếm 74%; Nữ giới chiếm 36%. Có khoảng hơn một nửa số em nữ khi được hỏi về vấn đề này thì thừa nhận là đã từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác ở các mức độ khác nhau.

            Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường

Nguyên nhân từ bản thân học sinh

            Nguyên nhân đầu tiên có thể nói là do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng từ 12 - 17 tuổi, đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân quá cao ở lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” này khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này, chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo. Do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử của bản thân và sự non nớt trong kỹ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động. Các em chưa định hình được lý tưởng sống cho bản thân nên rất dễ sa đọa.

Nguyên nhân từ môi trường gia đình.

            Con người được sinh ra, nhưng tính cách, phẩm chất, đạo đức do giáo dục mà hình thành. Môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc là gia đình. Ông bà, bố mẹ là những ảnh hưởng đầu tiên, quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Bởi vậy, cách giáo dục và môi trường sống trong mỗi gia đình đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng đến việc đứa trẻ lớn lên như thế nào và sống ra sao. Do vậy, những thiếu sót trong môi trường gia đình được cho là một phần ảnh hưởng đến bạo lực học đường. Việc học sinh chứng kiến tình trạng người bố nghiện rượu hay say xỉn và quát mắng đánh đập những người khác trong gia đình. Đây là những biểu hiện của "Bạo lực gia đình". Nếu được lặp đi lặp lại trong quá trình sống sẽ dẫn đến sự huân tập chủng tử bạo hành, cho rằng những hành động như vậy là bình thường. Vấn đề ở đây là bạo lực gia đình gần như là cầu nối cho bạo lực học đường. Từ những cách dạy con cái bằng hình thức kỷ luật thô bạo của cha mẹ đối với đứa trẻ đã ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ và dần dần đứa trẻ ấy trở nên hung hăng hơn. Việc con cái tiếp xúc với môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, xem các phim bạo lực gây ra những tác động xấu tới nhiều học sinh, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ và học sinh, sinh viên. Việc đối mặt với trừng phạt thân thể làm gia tăng nguy cơ hành động hung hãn ở trẻ vị thành niên. Sự áp đặt của bố mẹ và phản ứng ngược của trẻ em với những cách cư xử cưỡng bức cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của hành vi hung hãn ở trẻ nhỏ ví dụ như: La hét, đánh đấm, bỏ đói, nhốt trong phòng kín...  gia đình có những hạn chế, thiếu các kỹ năng nhận thức xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều tới cách dạy bảo con cái.

Nguyên nhân từ môi trường nhà trường

             Tại điều 5 Luật Giáo dục 2005 quy định các chủ thể giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: “Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học”.

             Như vậy, Luật Giáo dục quy định đối với tất cả các giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục. Đối với giáo viên bộ môn, trách nhiệm của họ không chỉ truyền đạt những kiến thức chuyên môn mà còn phải giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành và phát triển phẩm chất nhân cách của người học, dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Còn đối với chủ nhiệm lớp, họ phải nắm được chất lượng toàn diện trên tất cả các mặt, không chỉ học mà còn là sự tu dưỡng, rèn luyện của các em học sinh.

             Tuy nhiên, do sự giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”. Mặt khác, cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã làm cho những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị suy thoái.

Nguyên nhân từ môi trường xã hội

             Môi trường xã hội hay môi trường lân cận và cộng đồng khu dân cư nơi gia đình những thanh thiếu niên sinh sống cũng nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường. Đa số những vụ bạo lực học đường thường xảy ra đối với những thanh thiếu niên sống trong khu cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhà cửa tồi tàn...nhiều đối tượng nghỉ học sớm lang thang, chơi bời; nơi có nhiều tệ nạn xã hội, tỷ lệ tội phạm cao, có nhiều đối tượng nghiện hút ma tuý, cá độ bóng đá, cờ bạc, trò chơi bạo lực trên mạng...  Khi tiếp xúc với các đối tượng xấu đó nhiều lần đã tác động xấu tới các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động qua lại ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường.

            Qua sự phân tích trên cho thấy, tình hình bạo lực học đường xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau. Do sự phát triển thể chất tâm lý lứa tuổi dễ nhiễm tính bạo lực của học sinh, sinh viên; sự xuống cấp đạo đức; chưa được trang bị và rèn luyện kỹ năng sống; sự thờ ơ, vô cảm và vô trách nhiệm của nhiều bậc làm cha làm mẹ đối với con cái; phương pháp giáo dục sai lầm của gia đình; phương pháp giáo dục, quản lý, môi trường giáo dục nhà trường; những yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hệ thống pháp luật về vấn đề bạo lực học đường ở nước ta còn chưa hoàn chỉnh; tác động tiêu cực của các phương tiện thông tin giải trí hiện đại như game bạo lực, các trang web có nội dung bạo lực, các phương tiện truyền thông; ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của việc hội nhập quốc tế… tất cả những vấn đề đó đã và đang đặt ra cho toàn xã hội phải có các biện pháp hữu hiệu để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.

  1. Mối quan hệ giữa Thầy- trò

            Chất lượng đào tạo là vấn đề không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đang quan tâm. Chất lượng đào tạo liên quan đến hàng loạt các yếu tố của giáo dục, xã hội, kinh tế, quản lí. Riêng về phương diện sư phạm học, phương pháp dạy học đang là tiêu điểm chú ý bàn luận, nghiên cứu và được mọi người quan tâm; đặc biệt quan hệ tương tác giữa người dạy và người học trong quá trình dạy học trong xu hướng đổi mới phương pháp ở các trường cao đẳng, đại học. Bài viết đề cập đến mối quan hệ thầy trò trong quá trình dạy học.

            Theo Davydov: “Các hoạt động dạy và học là các hoạt động cùng nhau của Thầy và trò” có thể diễn tả quá trình dạy học một cách giản lược theo sơ đồ sau:

Description: C:\Users\Hp\Desktop\hhhh.GIF

             

            Thầy: người tổ chức hướng dẫn (xác định mục đích, lựa chọn nội dung, kích thích hứng thú), động cơ của người học, tổ chức việc học, sử dụng phương pháp, phương tiện một cách thích hợp.

            Trò: xác định mục tiêu, chủ động tích cực lĩnh hội bài giảng, lựa chọn cách học thích hợp để tìm kiếm kiến thức, cấu trúc lại vốn kiến thức của mình, vận dụng, kiểm tra đánh giá điều chỉnh việc học. Tuy nhiên, hai mặt hoạt động trên đây chưa đồng bộ đang là nguyên nhân làm suy giảm hiệu quả quá trình dạy học. Việc dạy học chỉ quan tâm chủ yếu đến cách dạy học của Thầy, còn cách học của trò ít được chú ý, thậm chí bị bỏ qua mà vấn đề không phải bao giờ hễ cứ có dạy là có học.

            Quá trình dạy học là một hệ thống bao gồm nhiều nhân tố với vị trí và chức năng khác nhau. Trong đó giáo viên với hoạt động dạy và học sinh với hoạt động học là hai nhân tố trung tâm. Trong quá trình vận động phát triển mỗi nhân tố đều phát huy tác dụng của mình. Các nhân tố khác như mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học có hoàn thiện đến mức độ nào đi nữa nếu không thông qua thầy và trò với hoạt động dạy và học của họ thì cũng không thể phát huy tác dụng thực tiễn. Hoặc ngược lại, nếu Thầy- trò và hoạt động dạy- học của họ không quán triệt được mục đích và nhiệm vụ dạy học, không nắm được nội dung dạy học, không sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học ở mức độ cần thiết thì hiệu quả tác dụng của các nhân tố này sẽ hạn chế rất nhiều, thậm chí có thể mất tác dụng. Vì vậy người ta quan niệm quá trình dạy học là quá trình có tính hai mặt: mặt hoạt động dạy và mặt hoạt động học, hai mặt hoạt động này hợp thành một thể thống nhất, tồn tại trong mối quan hệ qua lại đối với nhau. Nếu không có mối quan hệ này thì không có sự tác động qua lại giữa Thầy- trò, dạy- học, do đó cũng không có lý do tồn tại bản thân quá trình dạy học.

            Vấn đề đặt ra về mặt lý luận cũng như về thực tiễn là xem xét mối quan hệ Thầy-trò, dạy-học là như thế nào. Như đã trình bày ở phần đặt vấn đề, sự tác động qua lại giữa các nhân tố của quá trình dạy học, giữa quá trình dạy học với môi trường của nó tạo nên những nét đặc trưng của mối quan hệ Thầy-trò trong những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội và nhà trường. Trong cuốn “Phương pháp giáo dục” tác giả Nguyễn Kỳ đã giới thiệu lịch sử tiến hóa của các phương pháp sư phạm qua 4 giai đoạn với những nét đặc trưng khác nhau của quan hệ Thầy- trò, phương pháp giáo điều, giáo viên có vai trò chi phối tuyệt đối, phương pháp này thầy áp đặt mục tiêu, phương pháp .     

            Phương pháp cổ truyền: Chú ý hơn vai trò học sinh dưới sự hướng dẫn của Thầy, tuy nhiên thầy vẫn có vai trò chỉ đạo tuyệt đối.

            Phương pháp tích cực: Thầy là người thiết kế cho học sinh hành động và phương pháp giáo dục không chỉ đóng vai trò quan trọng, học sinh đảm nhận trách nhiệm tự giáo dục.

            Tóm lại, trong lịch sử giáo dục học và thực tiễn dạy học, người ta phải giải quyết các vấn đề quan hệ giữa thầy và trò. Trong quá trình dạy học, Thầy thực hiện chức năng truyền đat, điều khiển tri thức. Cấu trúc lại vốn kiến thức của mình, vận dụng, điều chỉnh việc lĩnh hội tri thức. Như vậy, có thể nói rằng về bản chất, quan hệ Thầy-trò được hình dung là quan hệ giữa người thông báo và người tiếp thu thông báo, hoặc giữa người tổ chức, điều khiển chỉ đạo và người tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức.

            Người Thầy giáo với hoạt động dạy phải thiết kế được yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung dạy học và các hoạt động trên lớp, lựa chọn phương pháp dạy học… Trước hết, người Thầy phải dựa vào mục đích, nhiệm vụ chung, xác định những yêu cầu, nhiệm vụ dạy học cụ thể cho từng môn học mình phụ trách. Từ đây xác định yêu cầu, nhiệm vụ cho từng phần, từng chương, thậm chí từng đề mục. Để đạt hiệu quả dạy học tối ưu, người thầy cần cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ học tập trên cơ sở tính đến trình độ học vấn, trình độ tư duy, đạo đức của học sinh từng lớp; cần xem xét tới việc khắc phục những lỗ hổng trong tri thức và ôn tập, củng cố tri thức nhất định.

            Trong quá trình dạy học không phải chỉ có tác động một chiều từ thầy đến trò mà còn có sự tác động trở lại từ trò đến thầy.            Tạo điều kiện để thầy hoàn thiện hoạt động dạy. Mang lại cho thầy kinh nghiệm thực tiễn trong dạy học. Chính sự thống nhất biện chứng giữa dạy và học là một trong những quy luật của quá trình dạy học. Nó phản ánh mối quan hệ gắn kết trong quá trình dạy học, mối quan hệ giữa thầy với trò theo sơ đồ sau:

Description: C:\Users\Hp\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\mmmmm.png

 

            Hiện nay, với sự ra đời và ngày càng phát triển các kiểu dạy học nên vấn đề quan hệ Thầy trò trong quá trình dạy học đã mang bản chất mới. Trong quá trình dạy học Thầy không giới thiệu toàn bộ tri thức ngay lập tức, mà thường chỉ giới thiệu những vấn đề cơ bản để học sinh nắm vững. Sau đó củng cố và bổ sung mở rộng khối lượng tri thức. Quá trình dạy học diễn ra “sự tương tác” trên lớp giữa hoạt động dạy của Thầy và hoạt động học của trò. Như vậy việc dạy và học mới mang lại kết quả, bổ ích, đáp ứng yêu cầu xã hội.

  1. ÁP DỤNG LỜI PHẬT DẠY VÀO MÔI TRƯỜNG HỌC ĐƯỜNG
  2. Vận dụng 5 nguyên tắc Thầy trò trong Phật giáo

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

Thật vậy, có được thân người rất khó nhưng gặp bậc minh sư được học chánh pháp lại càng khó hơn. Giữa Thầy trò có mối quan hệ mật thiết với nhau, cho nên trách nhiệm của một người thầy phải như thế nào, bên cạnh đó người học trò cũng cần có trách nhiệm và nghĩa vụ gì đối với Thầy cô như thế nào cho đúng khuôn phép? Trong Kinh “Thiện Sanh”. Đức Phật đã dạy rất rõ về trách nhiệm và cách ứng xử giữa cha mẹ và con cái, giữa Thầy và trò… của người xuất gia lẫn tại gia. Các mối quan hệ ở đây không chỉ một chiều mà là hai chiều, mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi nhất định. Ở đây chỉ xin nói về trách nhiệm của thầy và trò trên quan điểm của Đức Phật gồm có 5 nguyên tắc.

            Đối với người Thầy cần thực hiện những điều cơ bản để chăm sóc học trò :

               1.Tùy thuận pháp mà huấn luyện

  1. Dạy những điều chưa biết
  2. Giải nghĩa rõ những điều học trò hỏi
  3. Chỉ cho những bạn lành
  4. Dạy hết những điều mình biết không tiếc lẫn

Một người thầy đúng chuẩn còn phải có một khả năng nắm bắt tâm lý của học trò. Hiểu rõ đối tượng, hiểu rõ những biến chuyển tâm lý của học trò để khích lệ, tưởng thưởng chúng, là một trong những điều kiện thành công của quá trình giáo dục. Cụm từ “Có khả năng khích lệ” được sử dụng trong Kinh Tăng Chi và cụm từ “Khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc”  được sử dụng trong Kinh Trường Bộ đã đồng thời xác tín sự tưởng thưởng, ca ngợi đúng lúc và kịp thời là một trong những trách nhiệm cần làm của một người Thầy đúng mực. Căn tánh của mỗi người mỗi khác, nên cần phải hiểu rõ được tâm lý của người học trò để từ đó có những khích lệ, ngoài ra có những lúc cùng cần dùng đến những biện pháp mạnh, điều này còn phụ thuộc vào sự khéo léo của vị Thầy đó vào từng hoàn cảnh như thế nào. Trong học đường đôi lúc các Thầy cô quá chú trọng đến vấn đề nguyên tắc và kỷ luật nên nhiều khi cứng nhắc trong việc dạy và học, xảy ra tình trạng gượng ép và bắt buộc, từ sự nắm bắt tâm lý người giáo viên không cần sử dụng biện pháp mạnh, hay ép học sinh làm bài mà làm sao cho học sinh thấy được sự thích thú trong khi học, đôi khi cần linh động những vấn đề về quy tắc để học sinh có thể tự do sáng tạo hơn nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm và chất lượng học tập.

            Ngoài ra người Thầy cần phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các học trò của mình. Với người xuất gia thì sư phụ có trách nhiệm với toàn bộ đời sống của người đệ tử từ cái ăn, cái mặc, cái ở nhưng với học đường thì có phần nhẹ nhàng hơn, vấn đề đời sống học trò có thể tự lo những vấn đề tri thức và sức khỏe khi ở nhà trường thì người Thầy cần phải có trách nhiệm bảo hộ. Trong Kinh điển Bắc truyền, phẩm vị của một người Thầy tỏa sáng rực rỡ ở những chuẩn mực cao tột. “ Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không cầu vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình.” Dạy học trò với tâm thế như dạy một người con thì hiệu quả học tập sẽ được khẳng định vững chãi. Như vậy trách nhiệm và nghĩa vụ của người Thầy là không chỉ truyền đạt về tri thức mà phải xây dựng trên nền tảng đạo đức, dạy cách đối nhân xử thế, sống đúng, sống thiện và hướng thượng.

Có câu “ Sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vì nó tạo ra những người cao quý”, đây là câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói đến tầm quan trọng và trách nhiệm cao quý của nghề sư phạm, nhà giáo chính là những người đào tạo ra thế hệ tương lai, một xã hội mai sau tốt đẹp hay không đều nhờ vào lớp trẻ ngày nay.

Trong thời đại hiện nay với xu thế ngày càng phát triển của thế giới, hướng đến một xã hội tri thức, xã hội mở thì nhiều nguy cơ lớn đặt ra cho toàn bộ xã hội, trong đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, đáng buồn thay tình trạng đó xảy ra nhiều nhất ở thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của xã hội, thậm chí nó còn xuất hiện ngay trong nhà trường, nhà giáo cũng vì cuộc sống, vì mưu sinh, vì lợi ích riêng tư của cá nhân mà đánh mất đi giá trị đạo đức của mình, giờ đây việc học trên ghế nhà trường thôi chưa đủ mà còn cần phải đi học thêm, học phụ đạo, liệu có phải thời gian trên trường chưa đủ để truyền đạt hết kiến thức, hay là vì một lý do nào khác. Từ sự chạy đua theo lối sống nên con người cũng phải chạy theo, việc chạy đua đó đã khiến cho con người dần dần đánh mất đi đạo đức của mình. Nên vấn đề đầu tiên cần giải quyết đó chính là vấn đề đạo đức, cần phải xây dựng nền tảng đạo đức ngay ở mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.

Đức Phật là một vị đại Đạo sư, được xem là thầy của trời người, cả cuộc đời của Ngài đều dành thời gian cho việc hoằng hóa, đưa con người thoát khỏi khổ đau, đưa ra các biện pháp thực tiễn giúp cho xã hội được hạnh phúc. Vấn đề đạo đức được đức Phật quan tâm hàng đầu, đặc biệt là hạnh hiếu và cách ứng xử các mối quan hệ trong xã hội, về trách nhiệm giữa thầy và trò được đức Phật nhắc đến trong kinh “Giáo Thọ Thi Ca La Việt”, đức Phật dạy: “ Này Gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp”.

 Người học cần có trách nhiệm và nghĩa vụ của một người học trò, một người đệ tử. Dù là sư trưởng hay là thầy cô giáo ngoài đời, đã là Thầy của ta thì điều đầu tiên cần đó là cung kính, lễ phép và biết ơn. Có câu: “ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “ Một ngày làm thầy cả đời làm cha”. Một người học trò không có lễ giáo thì dù có học bao nhiêu sách vở đi chăng nữa cũng vô ích cũng như người bỏ gốc đi tìm ngọn. Phật giáo luôn chú trọng đến việc hoàn thiện đạo đức cá nhân, dù bất cứ lĩnh vực kiện toàn tri thức nào đi nữa. Việc nhuần nhuyễn và ứng xử đạo đức là chuẩn mực cần có của người học trò. Đã là người học trò thì cần chăm chỉ học hỏi, luôn thân cận bên thầy để học được những điều hay lẽ phải, quan trọng là cần phải tinh tế và lanh lợi, việc truyền trao kiến thức của người thầy không chỉ trên sách vở hay bài giảng mà đôi khi những hành động, cử chỉ, lời nói mang ẩn ý dạy dỗ, vì thế người đệ tử cần khéo lắng nghe và nhận biết.

Một người để tử giỏi là biết được tâm ý của thầy mình, thầy chưa nói nhưng mình biết thầy muốn dạy cái gì đó mới là cái hay của người đệ tử, người thầy dạy một thì mình phải biết mười, đó chính là sự suy tư và học hỏi. Dù trên phương diện nào đi nữa thì người học trò cần phải tiếp thu và kế tục những giá trị mà thầy mình đã nỗ lực truyền trao.

Bên cạnh việc cung kính tôn trọng, người đệ tử còn phải hầu hạ thầy, không đợi thầy yêu cầu mà cần phải tự giác, nếu như thầy đối với trò như con thì người học trò cũng cần phải xem Thầy- Cô như cha mẹ mình, cung phụng cha mẹ là điều tất yếu trong nhân gian, riêng đạo Phật đó được xem là bổn phận cao cả. Người học trò phải xem đó là sự may mắn khi được thầy truyền dạy cho tri thức, nên càng phải nên kính trọng và phụng dưỡng. Tri ân và báo ân đó là nền tảng của đạo đức nói riêng và nét đặc thù của Phật giáo nói chung.

Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ giữa thầy và trò theo quan niệm Phật giáo. Những điều này áp dụng cho tất cả tầng lớp xuất gia lẫn tại gia. Nếu áp dụng những điều này vào cuộc sống thực tiễn thì sẽ có một xã hội vững mạnh và hạnh phúc. Với chủ trương hoàn thiện bản thân về vấn đề đạo đức, nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần vị tha thì sẽ không còn những bất cập trong học đường. Giáo viên và học sinh hết lòng vì nhiệm vụ của mình, xây dựng nên một đất nước hoàn thiện về tri thức lẫn đạo đức.

  1. Giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm

Ngoài năm nguyên tắc trên, chúng ta đẩy mạnh hiệu quả giáo dục trên nền tảng ứng dụng giáo lý “Tứ Vô Lượng Tâm” vào trong giáo dục học đường. Đây chính là đức tính từ - bi - hỷ - xả, là tâm cao thượng rộng lớn không lường của con người và đồng thời cũng là phẩm chất tốt đẹp giúp hoàn thiện của mỗi cá nhân. Ca dao có câu “ Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức tác phong”.

Thật vậy, tác phong đạo đức rất quan trọng trong quá trình ứng xử giao tiếp, giảng dạy… Đóa hoa đẹp tỏa hương thơm ngát là nhờ quá trình tích lũy lâu dài, tác phong đạo đức cũng qua quá trình rèn luyện mới có giá trị. “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Từ bi là ban vui, cứu khổ đem lại lợi ích cho mọi người. Một nhà giáo ứng dụng tâm Từ, Bi, Hỷ và Xả vào trong học đường, luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các em, để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cho các em vượt qua khó khăn tiến bước trên bước đường học vấn, dìu dắt các em khỏi lầm đường lạc lối, làm tấm gương đạo đức để các em noi theo. Có như vậy mới xứng đáng là bậc mô phạm. Chính vì thế, giá trị đạo đức đóng vai trò rất lớn trong giáo dục nói riêng và đời sống con người nói chung.

   Dù bất cứ nghề nghiệp nào cũng phải xây dựng trên nền tảng đạo đức, hơn nữa đây là môi trường giáo dục, đào tạo con người, hướng con người đến  Chân - Thiện - Mỹ. Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không đức là vô dụng, có đức mà không có tài thì chẳng làm gì được”, cho dù người đó có tài giỏi đến đâu mà không có đạo đức thì cũng là đồ bỏ đi.          

Ví dụ, một giảng viên thực hành Từ - bi - hỷ - xả để giảng dạy thì học trò sẽ cảm thấy gần gũi và ấm áp hơn trong việc học tập và chia sẻ những khó khăn trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Ngược lại, nếu bạo lực với nó thì nó rất sợ và đôi khi nó trở nên bất chấp, nó sẽ sài sang cuộc đời và đi theo đường xấu, dễ bị lôi kéo. Đối với học sinh cũng vậy, khi có đức tính Từ - bi - hỷ - xả thì luôn luôn muốn cứu khổ ban vui cho bạn. Khi thấy bạn cùng lớp học kém hơn mình, chẳng những không chê cười khinh khi trái lại đem lòng từ bi thương xót chia sẻ, giúp đỡ cho bạn tiến được bộ hơn. Hoặc khi bạn gặp hoàn cảnh khó khăn trải tâm từ đến với bạn, chia sẻ, an ủi nhiệt tình hướng dẫn giúp đỡ bạn với khả năng, nhưng khi giúp xong không để tâm, không kể công với bạn. Như vậy, môi trường giáo dục trở nên rất lý tưởng, thấm đẩm tình yêu thương. Khi trưởng thành chắc chắn các em sẽ thành người tài đức, hoàn  thiện nhân cách mẫu người lý tưởng mọi người đều mơ ước, có ích cho gia đình và xã hội. Do đó, cần phải bổ sung và duy trì giáo lý Tứ vô lượng tâm vào trong học đường để bồi đắp xây dựng mẫu người tài đức.

Qua đó, cho thấy giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm đưa vào môi trường giáo dục không chỉ ứng dụng học sinh mà người giảng dạy cũng cần phải rèn luyện thực hành. Tứ Vô Lượng Tâm là nền tảng đạo đức vững chãi nhất, với tinh thần cứu khổ ban vui đem lại lợi ích cho mình và người một cách thiết thực. Trong thời đại hiện nay, xã hội có nhiều biến động vì khoa học phát triển, làm cho nhân cách đạo đức con người bị xói mòn. Cần nên lồng ghép giáo lý Phật giáo vào trong học đường để tạo nền tảng vững chắc cho các em đi vào đời trở thành người hữu ích cho xã hội và cho đất nước.

  1. Tư tưởng bình đẳng và tôn trọng nhau

Đức Phật đã từng gửi cho chúng ta rất nhiều thông điệp hòa bình đó chính là sự bình đẳng. Đức Phật dạy rằng:

“ Không có giai cấp khi máu cùng đỏ

Không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”

            Máu tượng trưng cho sự sống và nước mắt tượng trưng cho sự đau khổ, tất cả con người dù giàu hay nghèo, màu da chủng tộc hay phong tục tập quán khác nhau nhưng nỗi khổ niềm đau và sự sinh tồn đều giống nhau. Do đó, phải có tư tưởng bình đẳng và tôn trọng nhau.

            Bình đẳng là sự thừa nhận và coi trọng nhau các đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa nam giới và nữ giới.

             Sự thiếu bình đẳng chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân chính, đó là do môi trường sống thấm đẫm quan niệm “trọng nam khinh nữ” của xã hội xưa, vậy nên cho dù xã hội có phát triển như thế nào đi chăng nữa thì người phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi nhiều hơn.

Sự thiếu bình đẳng xảy ra khi trong lớp có sự phân biệt giữa học sinh giỏi- dốt, giàu, nghèo, quyền thế…  Để có một môi trường bình đẳng và tôn trọng nhau thì cần phải thay đổi trong môi trường giáo dục của gia đình, ngay từ ban đầu phải thiết lập tư tưởng bình đẳng cho trẻ ở mọi phương diện. Một người thì không thể thay đổi được nhưng nếu một gia đình rồi một xã hội thì vấn đề bình đẳng sẽ được cải thiện và phát triển.

Khi đã thiết lập được tư tưởng bình đẳng ở gia đình thì khi tiếp xúc với môi trường giáo dục của nhà trường, mỗi học sinh sẽ tự ý thức được sự bình đẳng và tôn trọng các thành viên trong môi trường giáo dục mình đang học.

            Việc bình đẳng trong môi trường giáo dục cần lưu ý:

 Để đi vào bản chất của nền giáo dục, những tiêu chí quan trọng nhất cho nhà trường tiên tiến, chất lượng cao là:

  • Đội ngũ giáo viên giỏi.
  • Thực hiện bình đẳng trong giáo dục.
  • Học sinh có tinh thần tự lập cao.
  • Nhà trường tạo dựng cho học sinh niềm vui và hạnh phúc khi đến trường.

Để có môi trường giáo dục lý tưởng cho học sinh, điều kiện đầu tiên là xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi. Đội ngũ giáo viên cần phải được đào tạo tốt, được quyền tự do sáng tạo trong công việc, được tự do áp dụng các phương pháp sư phạm mà họ muốn, tự thiết kế giáo án, tự chọn sách giáo khoa. Trong quá trình giảng dạy và làm việc, giáo viên sẽ không bị thanh tra, bị đánh giá, làm gián đoạn công việc, trừ những việc vi phạm pháp luật.

            Trong chương trình giáo dục, không nên có sự phân biệt, như “Trường chuyên, lớp chọn”, “Lớp sinh viên tài năng”. Cần phấn đấu xóa bỏ sự khác biệt, không tổ chức “Trường chuyên, lớp chọn”, Trường điểm”, “Lớp sinh viên tài năng” gây ảnh hưởng xấu về tâm lý, thiếu công bằng, vì tất cả người học đều có cơ hội cơ bản như nhau trong nhà trường. Phụ huynh không phải lo “Chạy trường” cho con khi bước sang 6 tuổi.

            Không có chọn lựa “đẳng cấp”, học sinh không bị phân biệt sang hèn, không phân biệt phụ huynh là người lao động, hay quan chức, người thành thị hay nông thôn, tất cả đều được đối xử công bằng, thể hiện rõ rệt nhất của một xã hội dân chủ. Tất cả mọi người đều được hưởng quyền lợi từ nền giáo dục, vì vậy tất cả mọi người trong xã hội cần có một tầm nhìn chung để xây dựng nền giáo dục bình đẳng và chất lượng cao.

            Giáo dục cần nỗ lực giảm số lượng học sinh yếu kém, giảm mức chênh lệch học tập giữa học sinh nam và nữ, thực hiện bình đẳng trong giáo dục thành công. Muốn có một chất lượng giáo dục tốt đồng đều cho học sinh, trong xã hội cần thực hiện tốt bình đẳng giới và các học sinh yếu kém phải được nhà trường giúp đỡ tận tình, luôn có cơ hội vươn lên.

            Chúng ta cần duy trì song song hai hình thức giáo dục: giáo dục thông thường và giáo dục đặc biệt. Các em học chung lẫn nhau, nhưng giáo viên cần có sự quan tâm đặc biệt đến những học sinh yếu kém, chứ không chỉ ưu ái với học sinh giỏi. Trong giáo dục không nên có sự phân chia, tách biệt về năng lực học tập của học sinh. Học sinh sẽ học cùng nhau cho đến khi học hết cấp trung học cơ sở, rồi sau đó mới tách ra, số thì học tiếp, số thì học trường nghề, vì vậy không nên phân biệt đối xử giữa kẻ học dốt, hay người học giỏi. Như vậy giáo dục sẽ phát triển theo cả về bề rộng và cả về chiều sâu.

            Về kỷ luật nhà trường, nhà trường chúng ta quá chú trọng việc điểm danh, trong khi ở những nước giáo dục tốt như Phần Lan, Thụy Điển người ta đã bãi bỏ việc điểm danh học sinh và những kỳ kiểm tra. Nhà trường không nên kiểm tra gắt gao, bắt học sinh học nhồi nhét, học thuộc lòng những kiến thức cơ bản, hoặc áp dụng kỷ luật “sắt”.

            Cần tổ chức học tập theo nhóm và giáo viên cũng cần phải dự vào để  bàn luận cùng học sinh, như thế sẽ tạo sự thân thiện và gần gũi vói tất cả thành viên trong lớp. Tạo cảm giác bình đẳng và được tôn trọng như nhau.

III. GIẢI PHÁP THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG HIỆN NAY:

  1. Sự cần thiết của Phật giáo trong học đường:

  Sự có mặt của Phật giáo trong học đường đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa ra, mỗi bậc phụ huynh, Thầy cô giáo cần phải dạy các em về con đường đạo đức “Tiên học lễ, hậu học văn”, thỉnh thoảng chúng ta cần phải mời những vị Thầy là Tu sĩ đến để thuyết pháp những vấn đề về tâm lý đạo đức để các em thực hành theo, tránh xa bạo lực học đường, như tinh thần từ bi, bất bạo động, để từ đó các em biết yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, diệt trừ những mối hận riêng tư trong mối quan hệ bạn bè.

                                          “Hận thù diệt hận thù

                                          Đời này không có được

                                          Không hận diệt hận thù

                                          Là định luật ngàn thu.

  • Áp dụng 5 giới, căn bản đạo đức của Phật giáo vào học đường.

Không sát sanh: giúp các em tránh xa con đường phạm pháp giết người, giúp cho các em tránh xa bạo lực học đường, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Không trộm cướp: Giúp cho các em tránh xa con đường tù tội.

Không tà dâm: Giúp các em tránh xa con đường mại dâm, làm mất nhân tính.

Không nói dối: Giúp các em không có sự chia rẽ, hiềm khích, đánh đập lẫn nhau, các em biết tôn trọng lẫn nhau, ăn nói khiêm cung, lễ phép với các bậc trưởng thượng.

Không uống rượu: Giúp các em tránh xa con đường nghiện ngập, ăn chơi sa đoạ, mất lý trí, khỏi đánh mất nhân cách đạo đức làm người.

  • Áp dụng tinh thần Lục hoà vào học đường:

1/Tinh thần đồng trụ: Giúp các em hiểu rằng tuy các em khác về huyết thống do cha mẹ sanh ra nhưng các em cùng sống chung một xã hội, cùng học chung một ngôi trường, giúp các em bỏ đi những tính chất cá nhân để quay về một đoàn thể sống hoà hợp biết yêu thương nhau. Từ đó làm cho các em từ bỏ hiềm khích, phân biệt giàu nghèo, đem lại sự đoàn kết trong cuộc sống.

2/Khẩu hoà vô tránh: Giúp các em ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, không gây tranh cãi, hơn thua.

3/Ý hoà đồng duyệt: Biết hoà hợp để các em sống vui vẻ, hoan hỷ tán đồng quan điểm chung, không gây thù hận bất hoà.

4/ Giới hoà đồng tu: Biết tôn trọng quy luật của nhà nước, những quy tắc học đường, đây là vấn đề rất quan trọng, đối với xã hội “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”.

5/ Kiến hoà đồng giải: Giúp các em chia sẽ kiến thức cho nhau và cùng giúp nhau tiến bộ.

6/ Lợi hoà đồng quân: Nếu một gia đình hay xã hội mất đi sự công bằng thì dễ sinh ra vấn đề bạo động.

  1. Đạo đức, tư tưởng Phật giáo là tiêu chí quan trọng trong học đường.

            Đạo đức học Phật giáo không những là tầm quan trọng giúp cho người học Phật trên con đường ngày càng hoàn thiện mình hơn, để trở thành những người làm ích đạo lợi ích đời, mà còn giúp cho xã hội nhất là đối tượng mầm non của đất nước, trở thành những người có đức, có tài cho xã hội đó là những học sinh, sinh viên v.v...

            Quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất đó là từ bi và trí tuệ ngang qua đạo đức và tư tưởng Phật giáo vì đây là tiêu chí quan trọng của học đường .

            Theo định hướng phát triển giáo dục trong thời đại mới, Ủy Ban Khoa Học Giáo Dục và Văn Hóa Liên Hợp Quốc ( UNESCO) đã đề xướng mục đích học tập là :”Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.” Hiểu một cách ngắn gọn là học để phát triển toàn diện, hài hòa về trí tuệ, kỹ năng lẫn đạo đức, lối sống. Để trở thành những người có ích cho xã hội.

        Trải qua hơn hai mươi thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với dân tộc, Phật giáo đã để lại ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử văn hóa xã hội cùng với triết lý Từ, bi, hỷ, xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách con người và đạo đức hướng con người đến lối sống bình đẳng vị tha. Thực tế đã chứng minh, Phật giáo phù hợp với đạo đức lẽ sống của con người Việt Nam và nó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, trong bối cảnh văn hóa, kinh tế chính trị phức tạp chúng ta cần phát huy mạnh mẽ những giá trị tích cực của tôn giáo này để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của con người nói chung và thế hệ học sinh sinh viên nói riêng.  

      Tư tưởng Từ - bi - hỷ - xả và tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống lành mạnh một tinh thần hoàn toàn hướng thượng, thật sự đó là một trong những thành tố tạo nên một nền văn hóa dân tộc trong suốt hàng ngàn năm. Phật giáo ngày nay vẫn giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dưng đạo đức hoàn thiện một lối sống lành mạnh cho con người Việt Nam, tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc chủ nghĩa nhân đạo. Lòng từ bi bác ái góp phần cứu giúp những người gặp hoạn nạn khó khăn, giữ vững tinh thần truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc từ xưa đến nay và biết được triết lý vô ngã vị tha, vô thường, để giúp con người giảm bớt cái tôi ích kỷ này....để xã hội ngày càng sống trong sự yêu thương không thù hằn oán ghét lẫn nhau đó là một vấn đề rất cần thiết và cũng là tiêu chí quan trọng trong học đường.

        Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến đạo hiếu đó là vấn đề cơ bản nhất của đạo làm người “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” lấy hiếu làm đầu, muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn của cha mẹ, công ơn của thầy cô, công ơn của đất nước mà nhà Phật còn gọi là Tứ trọng ân.

 Đó là những giá trị tích cực, thiết thực giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những khó khăn, cám dỗ của cuộc đời, nhằm khích lệ họ quan tâm đến số phận của con người của cộng đồng đó là trách nhiệm của những người lương thiện.

              Phật giáo khuyên con người giữ “Ngũ giới” đó là giúp cho con người tránh xa đi những điều xấu, để không vướng vào những tội lỗi do không giữ giới, sống buông lung gây ra, nếu không giữ giới sẽ dễ dàng đi vào con đường tội lỗi.

      Sự cần thiết phải vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống đạo đức dành cho học sinh, sinh viên hiện nay là rất quan trọng. Văn kiện đại hội XI của Đảng Cộng  Sản Việt Nam nhấn mạnh: “ Tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo”.

      Việc vận dụng đạo đức tư tưởng vào việc giáo dục cho học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, để cho một xã hội Việt Nam ngày càng văn minh tiến bộ nâng cao đạo đức. Như Bác Hồ có câu: “Có tài mà không có đức cũng vô dụng, có đức mà không có tài cũng không làm được việc gì”. Thế cho nên con người phải luôn luôn rèn luyện đạo đức nhân cách con người để trở thành những con người có ích cho xã hội. Kinh Pháp Cú có câu kệ như sau :

“Hương của các loài hoa

        Không ngược bay chiều gió

     Hương người đức hạnh đó

     Ngược gió khắp tung bay”.

  1. Hướng mọi người tìm đến giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại.

            Học đường là nơi truyền trao những tư tưởng giáo dục đạo đức, đào tạo cho xã hội những con người có phẩm chất tốt, nhằm nâng cao đời sống  hạnh phúc từ vật chất cho đến tinh thần. Phật giáo đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội với triết lý từ, bi, hỷ, xả là nguồn gốc khuyến khích con người hướng thiện, có tác dụng điều chỉnh  nhân cách đạo đức hướng con người đến lối sống bình đẳng vị tha, phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết hiện nay.

              Đức Phật dạy tư tưởng từ, bi, hỷ, xả vẫn đang được nhân dân Việt Nam nói riêng và cả nhân loại nói chung tiếp thu và phát huy vào đời sống. Chuẩn mực đạo đức Phật giáo được nhiều người tin theo và khuyến khích phát huy, ở đây không phải tin theo vì lòng mê tín, hay bắt buộc do một giáo điều mà là sự: “Đến để thấy thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, được người có trí có thể tự mình giác hiểu” (628 Tăng Chi 1, trang 279).

  “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn gíao toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đạt trên căn bản của ý thức đạo lý, xuất phát từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong mọi cái nhất thế đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.” Albert Einsteni (người trí tự chứng).

  Và Bác Hồ cũng có viết trong Thư gửi Đại hội lần III, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam là: “Tôi mong rằng đồng bào Phật giáo hãy thực hiện lời Phật dạy, lợi lạc quần sanh, vô ngã, vị tha, là tất cả vì lợi ích mọi người, không cá nhân chủ nghĩa”.  (trang chủ Nghiên cứu khoa học và trao đổi ý kiến giá trị của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay).

 Tồn tại với thời gian, Phật giáo vẫn đang đóng góp cho việc duy trì đạo đức xã hội, xây dựng con người hoàn thiện mục tiêu đưa lại hạnh phúc và an lạc cho nhân sinh là phải tự lực phấn đấu, bên cạnh đó bài học nhân quả để tránh cho ba nghiệp an lạc khi con người thực hành năm giới và ”Bát Chánh Đạo” với chánh mạng là biết làm chủ cuộc sống, thực hiện tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

“Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

                   Chính lời chư Phật dạy”.  (PC 126)

  1. KẾT LUẬN

Tóm lại, Phật giáo với vấn đề học đường có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Bằng những phương pháp phân tích, giải thích và bình luận, tổ con đã nói lên những thực trạng học đường hiện nay. Việc áp dụng giáo lý nhà Phật vào môi trường học dường đã dưa ra được những giải pháp giải quyết vấn đề. Mỗi người chúng ta cần nhìn nhận được những lợi ích khi vận dụng giáo lý Phật giáo vào học đường như sau:

  • Khi ta thực hành được 5 nguyên tắc giữa Thầy và Trò trong Kinh Lễ Bái Sáu Phương thì sẽ không còn tình trạng giáo viên đánh học sinh hay học sinh chọc phá thầy cô giáo, mà nơi đó sẽ chứa đựng tình thương, sự tôn trọng lẫn nhau để cùng chung sống dưới mái nhà học đường.
  • Khi ta thực tập được Từ- Bi – Hỷ – Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm thì cá nhân mỗi người sẽ được những hạt giống thương yêu đích thực, sẽ không còn vấn nạn bạo lực nữa mà thay vào đó là sự chia sẻ, thông cảm nhau được lan tỏa.

Nhằm xây dựng một môi trường học tập lành mạnh để đào tạo nhiều nhân tài đầy đủ phẩm chất tài và đức thì trách nhiệm của Tăng đoàn là yếu tố cần thiết đối với xã hội hiện đại ngày nay.

Với sự phát triển về công nghệ, con người được tiếp cận với nhiều phương tiện thông tin hiện đại phần nào đã dần bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cá nhân mỗi người. Nếu như ta không làm chủ được cảm xúc thì chắc chắn sẽ bị đi sai đường lạc lối. Do đó, mỗi hành giả phải có trách nhiệm mang giáo lý của Đức Phật vào trong cuộc sống, trong trường học, trong môi trường kinh doanh..v.v. để tất cả mọi người đều hướng đến những giá trọ hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

Với sự phát triển về công nghệ, con người được tiếp cận với nhiều phương tiện thông tin hiện đại phần nào đã dần bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cá nhân mỗi người. Nếu như ta không làm chủ được cảm xúc thì chắc chắn sẽ bị đi sai đường lạc lối. Do đó, mỗi hành giả phải có trách nhiệm mang giáo lý của Đức Phật vào trong cuộc sống, trong trường học, trong môi trường kinh doanh..v.v. để tất cả mọi người đều hướng đến những giá trọ hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm