Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Hạnh phúc thay đức Phật giáng sinh, vi diệu làm sao một đóa Ưu Đàm mỗi ba ngàn năm mới nở một lần…Như vậy ngày Phật Đản sanh là ngày vui lớn cho cả nhân loại nói chung và đó cũng chính là ngày mà những người con Phật hằng tưởng nhớ để mà làm lể kỷ niệm hăng năm.

Trong tinh thần đó chúng tôi mạo muội xin nêu lên một ý nghĩ rất chi ư là thiết thực nhưng cũng hơi táo bạo đó là: “Nhân mùa Phật Ðản người Phật tử nghĩ gì về đạo Phật trong Thế Kỷ thứ 21 nầy”. Ðây là một đề tài rất rộng mà trong một bài viết hạn hẹp nầy chúng tôi không thể trình bày được hết ý nghĩa mà chỉ nêu ra những điều suy nghĩ của riêng mình về những gì mà chúng tôi đã học hỏi và thu thập được qua những kinh sách của Phật giáo cũng như những lần nghe giảng của quý chư Tôn Ðức, Tăng Ni. Và viết ra đây, với một sự hiểu biết thô thiển của kẻ hậu học và mong quý độc giả quý vị thiện trí thức của Phật giáo hãy mỡ rộng tấm lòng bao dung mà chỉ giáo, nếu có điều gì không phải.

Hơn hai ngàn năm trăm năm về trước Ðức Phật đã thị hiện trong đời. Ngài không phải là một đấng Thượng Ðế tối cao hay là một vị Thần Linh.v.v… Mà Ðức Phật chính là bậc thầy của nững bậc thầy. Trong kinh sách có dạy:

“Thiên nhơn chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ”.

(Thầy của trời và người, Cha lành của bốn loài)

Ngài làThái Tử Tất Ða (Siddhàrtha), thuộc dòng tộc Thích Ca (Sàkya), họ Cồ Ðàm (Gotama); là con của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Da (Mahàmàyà) ở thành Ca Tỳ La Vệ thuộc xứ Trung Ấn. Hoàng Hậu Ma Da đã sinh Thái Tử Tất Ðạt Ða ra nhằm vào ngày trăng tròn tháng hai lịch Ấn Ðộ (ngày mười lăm tháng tư Âm Lịch) ở ngay dưới gốc cây Vô Ưu , trong vườn Lâm Tỳ Ni, (nơi mà Hoàng Hậu Ma Da đang dạo chơi). Có một điều rất kỳ lạ là lúc Hoàng Hậu Ma Da sinh ra Ngài thì quả đất chuyển động bảy lần, nhạc trời đã reo vang khắp chốn, chim muông ca hót líu lo và tất cả cây cối đều trổ hoa; nói chung là tất cả vạn vật đều tưng bừng vui tươi chào đón Ngài một con người siêu phàm xuất thế, một Ðấng Chí Tôn vừa đản sanh…Và cũng theo nhiều kinh luận ghi lại, thì khi vừa mới sanh ra Thái Tử Tất Ðạt Ða đã bước đi bảy (07) bước trên Hoa Sen, một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất  Ngài đã thốt lên :

“Ngã sanh thai phấn tận

Thị tối mật hậu thân

Ngã dỉ đắc giải thoát

Dương phục độ chúng sanh”

Vá câu:

            “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Cũng từ con người kỳ lạ ấy Ngài đã có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, đến khi lớn lên thì thông minh quán chúng tuyệt vời, văn võ song toàn, tài năng đức độ không ai sánh kịp.

Ðức Phật sanh vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, mặc dầu Ngài là một vị Thái Tử sống trong cung điện nguy nga, giàu sang tột đỉnh đầy những sự xa

hoa, lộng lẫy và cũng được sự thương yêu, chiều chuộng săn sóc của Vua Cha và bà (kế mẫu) là dì ruột Vương Phi Ma Ha Bà Xà Bà Ðề (mẹ Ngài là Hoàng Hậu Ma Da đã mất khi Ngài mới được 07 ngày). Trước những lời tiên đoán của A Tư Ðà, đã làm cho Vua Cha Tịnh Phạn sợ Thái Tử sẽ xuất gia tìm Ðạo giải thoát; nên năm Thái Tử vừa 17 tuổi Ngài đã vâng lệnh Vua Cha Tịnh Phạn thành hôn cùng Công Chúa Da Du Ðà La (Yasodharà), và sanh được một một người con trai tên là La Hầu La (Ràhulà). Mặc dầu Ngài ở trong cung điện nguy nga, tráng lệ với nếp sống giàu sang, phú quý, hạnh phúc tràn đầy; nhưng trong lòng của Ngài luôn luôn buồn rầu và Ngài muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài để biêt được cuộc sống của thế gian như thế nào; Vì thế nên sau nhiều lần cầu xin Vua Cha Tịnh Phạn đành phải cho Thái Tử ra ngoại thành dạo chơi. Ðược tiếp cận với cuộc sống xô bồ của xã hội bên ngoài và nhờ đó mà Ngài đã nhìn thấy được sự bất công của đời và sự khổ đau của mọi người, mọi loài đang sống ở xung quanh mình…Nào là bệnh tật, già yếu, chết chóc.v.v…Tất cả những sự kiện trên đã để lại trong lòng Ngài một nổi u buồn, một sự thương xót cho cúng sanh. Cũng vì chứng kiện được những cảnh trên nên khi trở về hoàng cung ngài luôn ưu tư, lo lắng và ray rứt trong lòng, từ đó Ngài đã cố tìm đủ mọi cách để hầu mong cứu vớt chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ đau của đời: “sanh, lão, bệnh, tử”, để mong sao cho chúng sanh có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Ngài quyết định phải xuất gia tìm đạo cứu khổ cho chúng sanh. Nữa đêm mồng tám tháng hai Âm Lịch, sau buổi yến tiệc linh đình của hoàng cung, mọi người đang say ngủ Ngài từ giả Vua Cha, vợ con và hạnh phúc gia đình, cùng với Xa Nặc thắng ngựa Kiền Trắc đã vượt thành ra đi tìm chân lý cứu độ nhân loại. Lúc ấy ngài được 19 tuổi.  

Sau ba lần hỏi Ðạo, Thái Tử nhận thức rằng các Ðạo hiện hành không có Ðạo nào là chân chánh giải thoát. Ngài nghĩ phải tự mình tu tập mới tiòm rõ Ðạo chân chánh. Ðến rừng Ưu lân Tân Loa phía nam núi Tượng Ðầu, bên sông Ni Liên ngài cùng năm an hem Kiều YTrần Như tu khổ hạnh. Trong sáu năm khổ tu tìm đạo Ngài nhận thấy rằng tu khổ hạnh chưa phải là Ðạo giải thoát. Ngài bèn đến sông Ni liên tắm rửa sạch sẽ, rồi đến gốc cây Bồ Ðề trải cỏ làm nệm, ngồi tọa thiền và thề rằng: Nếu ta không chứng Ðạo giải thoát cho chúng sanh thì thề trọn đời không rời khỏi cây Bồ Ðề nầy.” Sau 49 ngày ngồi kiết già tu khổ hạnh ở dưới gốc cây Bồ Ðề đến đêm mùng tám tháng mười hai Thái Tử chứng Ðạo vô thượng, thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.  Giây phút đầu tiên khi Ngài đã Chứng Ngộ Ðạo Pháp với lòng từ bi Ngài đã cất tiếng:

“Lạ thay! Lạ thay! Không ngờ tất cả chúng sanh đều có đủ trí tuệ, đức tướng Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không chứng được đạo quả; nếu bỏ vọng tưởng thì trí tuệ sẽ hiện tiền đầy đủ.”

Con đường Giải thoát chính là con đường Trí Tuệ. VậyPhật ngộ đạo chỉ là thâu hồi toàn vẹn đức tướng Như Lai. Sự thâu hồi đó chẳng đòi hỏi một khoảng thời gian nào cả, nên nói Ngộ là Ðốn Ngộ.

Sau  khi đã chứng quả đắc Ðạo Ðức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Uyển để thuyết pháp Bốn Ðế “Tứ Diệu Ðế” (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo) cho năm ngưòi bạn cùng tu khổ hạnh là nhóm Tôn Giả Kiều Trần Như và họ đã trở thành là những vị đệ tử đầu tiên của Phật; để từ đó mới có đủ ba ngôi Báu là: Phật, Pháp và Tăng (Phật chính là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni – Pháp là Pháp Tứ Diệu Ðế - Tăng là năm anh

em Tôn Giả Kiều Trần Như vậy). Cũng trong khoảng thời gian nầy Ðức Phật hoàn toàn sống trong sự tỉnh lặng, sáng suốt, nhiệm màu của Chân Lý mà Ngài đã chứng quả. Ngài trở về hoàng cung thăm Vua Cha, vợ con và sau đó Ngài bắt đầu đẩy bánh xe Chánh Pháp chuyển lưu khắp cùng trong vùng lưu vực sông Hồng, qua các đô thị như: Vương Xá, Xá Vệ, Ba Na Lại, Ca Tỳ La Vệ. v.v…đề truyền giảng giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ được cho chúng sanh.

Trong thời gian hơn 49 năm Ðức Phật đi hoằng pháp; có thể nói Ðức Phật là một vị Giáo Chủ đầy năng lực trong lịch sữ nhân loại. Mặc dầu trong tay Ngài không có một thứ khí giới, trong túi Ngài không một mũi tên, sau lưng Ngài không có một đội quân hùng, tướng dũng, trên Ngài không có một vị Thần chủ tế, chỉ với hai bàn chân đạp đất Ðức Phật đã bước những bước khoan thai, Ngài không dừng nghỉ ở một chổ nào nhất định. Ngài đi, đi khắp nơi từ  thành thị phồn vinh, đến thôn quê hẻo lánh chổ nào cũng có bước chân Ngài đặt đến với một tấm lòng Từ Bi bao la, rộng lớn là Ngài cố đem giáo lý cao thượng mà Ngài đã thân chứng Giác Ngộ được để mà giãng dạy cho chúng sanh và với một mục đích duy nhất là mong sao cho chúng sanh thấu hiểu để thoát khỏi sự khổ của đời. Và cũng từ tấm lòng Từ Bi độ lượng đó mà Ngài đã chinh phục được các vị Vua Chúa, các bậc Ðạo Sĩ Bà La Môn, Ngài đã cảm hóa được mọi người và Ngài cũng hóa giải được sự bất hòa giữa các tôn giáo và các thế lực phân chia của 62 trường phái triết họcđương thời  ở trong một xã hội phong kiến vô cùng phức tạp và bất công của xứ Ấn Ðộ thời bấy giờ. Ðồng thời Ngài đã độ cho vô số đệ tử đủ mọi tầng lớp mà Ngài đã không mảy may phân biệt. Ngài chỉ muốn cố gắng đem Ðạo vào Ðời để chỉ dạy cho mọi người và luôn luôn đặt địa vị xứng đáng của con người trên hết để gíải phóng cho họ. Ngài không công nhận những dị biệt về tầng lớp giai cấp (giàu nghèo), hay tập quán kỳ thị của xã hội Ấn Ðộ thời bấy giờ là một quốc gia Thần Giáo do vậy những giai cấp quý tộc và nô lệ phân chia khoảng cách quá chi ư khắc nghiệt; vì họ luôn luôn đề cao quan niệm và tư tưởng sống của giòng quý tộc mà chèn ép, áp bức sự sống của hạng người nô lệ và xem họ là những hạng người bần cùng, ty tiện của xã hội. Theo Ngài, tự do tư tưởng rất cần thiết, và sự Giải Thoát con người tùy thuộc vào sự trực nhận chân lý, chứ không phải ân huệ của một đấng Thượng Ðế hay một vị Thần Linh cũng không phải do một quyền năng nào khác ban phát cho. Ngài chỉ muốn những Giáo Pháp của Ngài giảng dạy đến chúng sanh tùy theo căn cơ, trí tuệ và trình độ của từng lớp đại chúng và hầu mong sao cho mọi người được thấu triệt Giáo Lý của Ngài và nhận thức thực tiển để ứng dụng vào chính đời sống của họ hầu mong Giải Thoát sự khổ đau của Ðời mà chính bản thân họ đã vương mang.

Sự xuất hiện của Ðưc Phật Thích Ca Mâu Ni không ngoài mục đích đem Trí Tuê Giác Ngộ soi sáng màn đêm tối đang bao phủ tâm hồn con người, Ngài đã chỉ dạy rõ Dục Vọng và Vô Minh là nguyên nhân của khổ đau mà con người luôn vương mang và từ đó Ngài đã mỡ cho ta con đường “Ðạo” (để chúng ta tự khai sáng); đó là phương pháp để cho nhân loại tự mình Giải Thoát khổ đau, khai mỡ Trí Tuệ và sống thực với một tấm lòng tràn đầy Từ Bi…Tức là biết yêu thương tất cả chúng sanh. Mặc dầu Ngài hiện thân như là một con người bình thường nhưng tâm hồn hoàn toàn Siêu Việt. Ngài cũng đã từng giảng và khuyên với tất cả mọi người: “Các con hãy tự thắp đuốc mà đi, hãy xem Giáo Pháp của Như Lai như chiếc bè đưa người qua bờ giác, hãy tinh tấn tu học”; và rồi các con sẽ đạt đến sự Giác Ngộ, vì “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”  (Kinh Phạm Võng).

Với tinh thần bình đẳng tuyệt đối vô ngã, con người không còn tranh chấp, không còn kiêu mạn, không còn nhìn tha nhân bằng cặp mắt kẻ cả mà biết đối xử hết sức khiêm cung, lẽ nhượng. Không có lời nào thể hiện tinh thần phóng khoáng, tự do bằng lời của Phật. “Chớ vội tin lời ta nói” trong khi lời của Ngài dú chỉ thực hiện một phần nhỏ cũng đủ hạnh phúc cả một đời.

Hiểu được giáo lý vô thường,  thực hiện được tinh thần vô ngã, con người mới thông suốt và thể hiện được tinh thần đại bình đẳng của Phật Giáo qua những giáo lý mà Ðức Phật đã truyền trao. Cũng với lòng nhân ái Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng xã hội, văn hoá và tâm thức một cách toàn triệt, mà chưa làm đổ một giọt máu nào. Cũng với sự chứng Ðạo Giác Ngộ, cùng với một đời sống giản dị vá một nhân cách tối ư cao thượng, đạo đức vô cùng thuần khiết và một Trí Tuệ hiểu biết rộng lớn cùng với một  tấm lòng Từ Bi vô lượng Ðức Phật đã thị hiện vào đời để nhằm soi sáng tâm hồn của con người và hầu mong con người xóa bỏ hết mọi hận thù và biết thương yêu nhau bằng tình người. Vì hận thù cứ triền miên làm cho con người  trôi lăn vào vòng lục Ðạo vay, trả mà mất hết Phật tính; Phật tính  lúc nào cũng thường hằng trong mỗi chúng ta. Nhưng chúng sanh có cảm nhận được điều đó hay không là điều đáng suy nghĩ. Ngài cũng muốn cảm hóa mọi người để hầu thực hiện cuộc chuyển hóa toàn diện tâm thức. Ðó chính là mục đích của Ngài và Ðạo Phật là “Giải Thoát” cho con người khỏi mọi khổ đau của đời vậy.

Ngài đã nhìn thấy nổi thống khổ của kiếp nhân sinh qua những sự phân hóa xã hội và xót thương con người luôn đắm chìm trong vòng “sinh, lảo, bệnh, chết”. Và hình ảnh của một vị Ðạo Sĩ ung dung, tự tại; khiền Ngài đã nhận ra con đường Giải Thoát. Ngài là một một nhân vật đơn giản, chân thành, một mình Ngài đơn độc tự lực phấn đấu để đem nguồn sáng “Trí Tuệ” đến cho nhân loại, Ngài là một nhân vật sống “thực” chứ không phải là Thần Linh. Ngài có những tư tưởng thật tuyệt diệu khi mà Ngài đã gởi bức thông điệp đến cho chúng ta, bức thông điệp đó không gì khác hơn mà chính là sự “mê muội” của chúng sanh, và từ sự mê muội đó đã biến con người thành “ích kỷ” và cũng từ nguyên nhân đó đã tạo ra sự bất mản và đau khổ trong cuộc sống. Theo Ngài dạy: lòng “ích kỷ” có ba (3) dạng: Một là tham vọng thỏa mản cảm giác; Hai là tham vọng muốn bất tử; Ba là tham vọng thành công và trần tục. Vậy muốn bỏ lòng ích kỷ thì con người đó phải ngưng sống theo giác quan hoặc cho riêng mình. Mà đã là con người  thì cần nhất là phải biết sống một đời sống thật hài hòa, bình đảng và vị tha; rồi chính con người đó mới trở thành một bậc đại nhân được. Những gì mà ngài đã dạy cho chúng sanh gọi là lời Phật dạy (Budha Vacana).

Theo giáo lý của Phật giáo thì chính Ðức Phật đã dạy vị trí con người rất quan trọng. Con người là chủ nhân ông của chính mình và không có một thực thể hay một quyền năng nào có thể định đoạt được số phận của con người. Vì chính con người hay nói một cách chính xác hơn là chính mình đã tạo ra Nghiệp thì mình cũng có thể chuyển hóa được Nghiệp. Nghiệp là một cài gì rất chủ quan của tâm lý, không liên hệ gì với quyền năng bên ngoài. Con người có quyền chủ động trong việc phát khởi, duy trì hay đoạn trừ hoặc dứt bỏ nó. Con người là chủ nhân ôngc của chính mình, và không có một thực thể hay quyền năng nào từ trên cao có thể định đoạt được số phận của chính con người hết.

Phật đã dạy“Người là nơi nương tựa của chính mình; còn ai khác hơn có thể làm nơi nương tựa?” Ngài cũng thường khuyên đệ tử của Ngài:

“Hãy là nơi nương tựa cho chính mình, và không bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đở đó của bất cứ người nào khác.”

Vậy cái cần tìm hiểu là học hỏi chính mình, ngoài việc tu hành ra không có gì hơn là “Soi trở lại lòng mình” (phản văn tự tánh).

Với một tấm lòng nhân ái Từ Bi và một sự hiểu biết rộng lớn lồng trong một Trí Tuệt sáng suốt chính Ðuc Phật, Ngài đã từ bỏ tất cả để đi tìm một con đường “Ðạo” hầu giải thoát cho chúng sanh khỏi những khổ đau triền miền của Ðời mà tất cả chúng ta ai cãng đều biết chứ không riêng gì chỉ những người con Phật như chúng ta thôi. Nhưng riêng với người Phật tử chúng ta thì: “Nhân mùa Phật Ðản người Phật tử nghĩ gì về Ðạo Phật trong Thế Kỷ thứ 21 nầy”; đó là đều mà chúng ta là những người con Phật hằng suy tư. 

Chúng ta đang ở vào một kỷ nguyên mới được mệnh danh là của khoa học hiện đại, của tin học tân tiến, đang phục vụ cho đời sống của con người để hầu đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của con người trong một xã hội mới của Thế Kỷ thứ 21 nầy và hầu mong cho con ngưoì có được một nếp sống văn minh, tiến bộ đúng với ý niệm của con người trong Xã Hội Mới nầy vậy. Thế mà ngay chính trong cái Xã Hội Mới của Thế Kỷ 21 nầy vẫn có nhiều nơi con người vẫn còn bị áp chế, bị bắt buộc phải phục tùng kẻ khác; thì với một ý niệm của bài nầy không ngoài mục đích là tác gỉả muốn gióng lên một tiếng chuông để hầu mong tất cả chúng ta không riêng gì những người con Phật mà là tất cả nhân loại phải ý thức được rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ mà Xã Hội loài người đang được mệnh danh là thời của khoa học, của tin học mà tất cả những văn minh của Thế Kỷ 21 chứ không phải là thời kỳ xưa củ duới những chế độ độc tài, nô lệ trong đó người áp bức người, bắt người phải phục tùng kẻ khác không còn có cơ may để tồn tại. Mà với thời kỳ của Thế Kỷ 21 nầy tất cả mọi người đều phải có sự bình đẳng như nhau, phải đương đầu và chịu trách nhiệm chính những gì do chính mình đã làm, đã gây ra hơn là phủi tay để kẻ khác phải chịu thế cho. Trong hai sản phẩm của con người sáng tạo. Một là quyền năng tạo tác một thiên đường hay địa ngục nằm trong tay một đấng Tối Cao. Ðiều thứ hai ngược lại, là ngày hôm nay những thành tựu vượt bực của khoa học cũng nhằm chứng minh, đặt lại đều mà con người của những thế kỷ trước dựng nên. Dù đứng trên góc độ nào những dữ kiện đó tựu trung đều nằm trong bàn tay và khối óc của con người. Nhưng điều đáng nói ở đây thì khi mà khoa học tìm cách chứng minh thêm phần nào về chân lý của như thật thì điều nầy càng soi sáng thêm hình ảnh, nhân cách với những điều mà Ðức Phật đã truyền thừa từ trước. Như vậy, ngày nay Ðạo Phật không còn là “vật cất dấu” trong viện bảo tàng như người ta thưòng tưỏng mà đã trở thành lý tưởng sống cho con người , nhất là con người ở vào thời đại văn minh, tân tiến của khoa học, của tin học trong Thế Kỷ 21 nầy. Ðạo Phật khuyến khích chúng ta mở mang sự hiểu biết bằng những suy luận sáng suốt, quan sát kỷ càng mọi sự việc trước khi xét đoán  đó chính là “Trí Tuệ”, và bằng vào sự xét đoán của trí tuệ đẻ rồi chúng ta mỡ rộng vòng tay nhân từ và tấm lòng độ lượng để cứu giúp  cho con người thoát khổ đó chính là “Từ Bi”. Ðó cũng chính là hai sản vật đã nằm sẵn trong tâm thức của con người, “Trí Tuệ và Từ Bi không do một ai sãn xuất, khống chế, gieo rắc hay truyền trao cho mình hết, mà chính do ở tính bản thiện ở trong tâm của mỗi một con người chúng ta, cũng có thể do căn cơ của sự tu học mà phát sinh ra”.

Như vậy Phật giáo đã nêu cao tinh thần tự tin của con người bằng cách dạy rằng: “số phận của con người do chính mình tạo dựng nên; phiền nảo, đau khổ hay là sung sướng, hạnh phúc tất cả những điều đó chính con người có đủ tiềm lực để phát triển theo chiều hướng Thiện, Ác tùy theo những Nhân, Quả mà mình đã gieo và sẽ gặp, và sự Nhân, Quả đó sẽ ảnh hưởng đến chính cuộc sống hiện tại của mình và sẽ tạo cho chính mình có một Tâm Thiện hoặc Ác chứ không một ai khác hơn được”. Thượng Ðế và Ðức Phật không bao giờ có thể giúp con người điều ấy. Cho nên muốn phát triển những đức tánh tốt đẹp, tính tự trọng, lòng từ bi, khoan dung, độ lượng, sự tự tin tất cả đều lồng trong một trí tuệ sáng suốt; đó chính là những đức tánh tốt đẹp mà mỗi con người chúng ta phải trân quý và cần được phát triển để hầu có thể tạo được cho nhân loại ở vào Thế Kỷ 21 nầy có được một cuộc sống an lạc, hạnh phúc và hòa binh; đó chính là nhờ vào ảnh hưởng của giáo lý của Phật giáo và rồi từ đó mỗi một người dân trong một quốc gia đều thấm nhuần những đức tính cao đẹp ấy chắc chắn là mọi người sẽ dứt trừ được những sân hận, những bạo tàn và rồi cũng từ đó lòng người sẽ phát khởi tâm từ bi, độ lượng và tất cả sẽ sống trong an nhiên tự tại trong một thế giới an lành  và thế gian nầy sẽ không còn hận thù để mà tranh dành, chém giết nhau nữa.

Ðức Phật cũng dạy chúng ta hãy vận dụng “Trí Tuệ” trong mọi suy tư, hành hoạt. Trí Tuệ nầy chỉ có nổ lực nhằm đánh thức bản chất của mình trổi dậy sống tỉnh thức, vẹn toàn và cũng từ Trí Tuệ khởi niệm cho sự bao dung qua một thứ tình thương chân thật đó là lòng “Từ Bi”; Và cũng từ đó chúng ta mới thấy được bản chất hiện hữu như thật của chính nó, chính nơi tâm của chúng ta vậy.

Như vậy trong mùa Phật Ðản năm nay, không hẵn là để chúng ta tưởng nhớ đến Ðức Phật giáng thế để mà đem lại sự an lạc cho con người, nhất là những người con Phật; mà đích thực là làm sống mãi hình ảnh, nhân cách và giáo pháp của  Ngài để khơi mỡ và hoán chuyển tâm năng bằng sự nỗ lực vượt thoát Giác Ngộ chính ở tâm của mỗi một con ngưòi chúng ta. Ðó là những khái niệm rất thiết thực mà theo sự suy nghĩ của chúng tôi chính giáo lý của Ðức Phật đã rất thực tế không những áp dụng cho kỷ nguyên mới của Thế kỳ thứ 21 nầy mà đã trước đây từ ngày Ðức Phật chứng quả Giác Ngộ và Ngài đã đem giáo lý của ngài để mà hoá gỉi những bất công của xã hội những khổ đau của con người vào thời đó rồi. Thì với một Xã Hội Mới của Thế Kỷ 21 nầy qua những sự tiến bộ vượt bực của khoa học, tin học và sự thông minh, siêu việt của con người cang cao, càng nhiều bao nhiêu thì sự hận thù lại càng chồng chất thêm lên. Vì vậy đã là những người con Phật thì chúng ta làm sao và bằng cách nào để cố đem những giáo lý của Đức Phật mà chúng ta đã học được từ những bậ cao Tăng, từ những kinh sách  để hầu mong đem Ðạo lồng vào Ðời để cho Ðời và Ðạo hòa hợp với nhau và mong làm sao cho con người chúng ta thấu triệt được giáo lý thâm diệu của Ðức Phật đã dạy để hầu mong con người Giác Ngộ và rồi tự chính mình được Giải Thoát c ra khỏi mọi khổ đau, phiền trược của Ðời và mong có một cuộc sống an lành, vị tha cho nhau đó chính là ý nghĩa của ngày Phật Ðản và đó cũng chính là những điều ưu tư, trăn trở và lòng mong muốn của người Phật tử chúng ta đối với nhân quần trong mùa Phật Ðản nầy vậy.

 

Lake Forest, May-19, 2013

Mùa Phật Dản, P.L. 2557

Tâm-Tường.-Lê-đình-Cát

 

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm