Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Từ khi ra đi tìm lẽ sống, tôi cảm thấy hình như cuộc đời đang trôi lăn theo với tháng ngày lênh đênh, chưa tìm ra bờ bến, chưa thấy được nguồn an lạc của tâm hồn, sự thăng bằng cho thể xác. Với một tâm thức luôn nghĩ rằng, hiện tại mình đang mang thân phận của một kẻ tha hương, đang đứng trước cảnh xa lạ và nếp đời chưa quen, lòng tôi đã gặp rất nhiều điều buồn vui lẫn lộn. Buồn vì phải xa cách những người thân, bạn bè và nơi chốn thân yêu đã một thời cho tôi nhiều kỷ niệm. Nhất là kỷ niệm của tuổi thơ lắm mơ nhiều mộng, những giấc mộng không tên ấy đã ấp ủ và nuôi lớn tinh thần yêu mến quê hương, yêu mến bản thân, gia đình và xã hội. Sự liên quan như một hệ thống chằng chịt giữa nhân tố vừa vô hình vừa hữu hình, đã kết thành và tạo nên một thứ tình cảm thật phong phú. Mỗi lần ngồi nhớ lại chuyện xưa, thật sự lòng tôi cảm thấy bâng khuâng. Nguồn yêu mến ấy là năng lượng cần thiết để nuôi dưỡng thân tâm, là phương tiện chuyên chở và hướng dẫn đời mình đi về tương lai mong đợi. Cũng như đang bảo hộ cho bước tha hương với hy vọng không còn bị vấp ngã, như ngày xưa với những bước chân chập chững, nhưng đã có cha nâng mẹ đỡ, có vòng tay che chở.
 
Từ những ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông, với tầm mắt bình thường của con người thì không biết đâu là bờ bến. Trải qua những ngày hải hùng trên sóng nước đại dương, ngỡ như cuộc đời đang trôi lăn trong vô vọng. Cũng như gặp cơn kinh hoàng khi đối diện với ghe hải tặc trong vịnh Thái Lan, với cảnh cướp của giết người rất tàn bạo. Thế mà đành phải thúc thủ vì trên ghe hầu hết là đàn bà và con nít. Họ đang co rúm lại trong tư thế tự vệ một cách mỏng manh, yếu đuối. Trong cơn thập tử nhất sanh ấy, chợt lời cầu nguyện được vang lên như một thứ thuốc an thần đang làm dịu lại những âu lo và sợ sệt “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”. Và họ đang cầu nguyện một cách thành khẩn, ai cũng cầu mong cho chóng qua đi giây phút hải hùng. Nên thấy trên khuôn mặt mọi người bớt dần sự sợ hải, có lẽ nhờ những tấm lòng đang tìm về với đức tin. Vì đức tin là một năng lực cứu giúp cho những người đang chìm đắm trong cơn hoạn nạn, mà bình thường ít ai nghĩ đến. Nói như Vauvenargues: “Đức tin là niềm an ủi của kẻ khốn khổ và là nỗi sợ hải của kẻ hạnh phúc”. Ít nhất đã giải thích được sức mạnh của đức tin, mà bình thường không ai muốn đề cập đến. Có người cứ nghĩ rằng cầu nguyện là một hình thức mê tín, vì chưa có ai phân tích được sự cảm ứng..., vì “cảm ứng đạo giáo nan tư nghị”. Nhưng nếu lòng mình còn hy vọng rằng, mình có khả năng tháo gỡ những khổ đau, bằng cách thực tập sống với chánh niệm. Bằng cách tự mình xóa tan đi màn vô minh đế thấy được chân lý. Vì giáo lý của đức Thế Tôn có dạy rằng: “Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của cuộc đời, nếu mình chỉ nuôi dưỡng một mặt thôi, thì mặt kia sẽ phai mờ”. Chân lý sẽ hiển bày khi tâm không vọng động, và chánh niệm là chiếc chìa khóa mở cánh cửa chân tâm, để chúng ta ung dung bước lên bến bờ giải thoát.
 
Nguồn hy vọng đã đến với mọi người trong buổi chiều ngày hôm đó, khi nhìn xa xa một chiếc tàu rất lớn đang tiến dần về phía ghe của mình. Cùng lúc bọn hải tặc cắt giây và bỏ chạy, khi nghe văng vẳng bên tai tiếng loa phóng thanh đang trấn an mọi người: “Xin đồng bào hảy bình tỉnh. Chúng tôi là con tàu cấp cứu Cap Anamur... xin đồng bào hãy bình tỉnh...”. Tiếng loa như một hấp lực cuốn hút mọi người vào nép mình trong sự chở che của ơn trên ban phát. Họ đứng lặng yên để uống trọn nguồn hạnh phúc đang tràn ngập. Và sau đó những người trên chiếc ghe bị nạn đã được cứu vớt và đưa đến một nơi an toàn. Sau nhiều lần trải qua những đổi thay, chờ đợi sự thanh lọc của các quốc gia nhân đạo đến tiếp nhận và cuối cùng cũng có được một nơi chốn để dung thân, một môi trường sinh sống ổn định bảo đảm an toàn. Từ đó mới thấy cuộc đời mang một ý nghĩa đúng với ước mơ sẽ bù đắp cho cuộc đời, nên đã nhận nơi đây là quê hương thứ hai.
 
Từ ngày đến quê hương thứ hai nầy, tôi cũng đã gặp những vòng tay nhân ái đã cứu vớt lúc lâm nguy, đã xẻ chia lúc thiếu thốn, đã an ủi lúc buồn phiền để từ đó tiếp tục nuôi dưỡng cuộc đời, bù đắp những mất mát, thiếu thốn những thứ cần thiết để trang trải cho cuộc hành trình nầy. Thêm một lần nữa, sự đón nhận những nghĩa tình của các ân nhân, đã xoa dịu những vết thương về tinh thần lẫn thể xác, đang dần dần hồi phục. Có người đã ban cho tôi của cải vật chất, có người đã hướng dẫn tôi đường đi nước bước của buổi ban đầu xa lạ, có người an ủi tôi về tinh thần, có người san sẻ với tôi những buồn vui, có người nâng đỡ tôi trong những lần vấp ngã. Trong tất cả những người tôi đã gặp và kết thân có gia đình bác Trương Văn Nhiêm ở Albstadt-Ebingen.
 
Thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm nhau uống trà và chuyện vãn. Thường thì nhắc lại những chuyện ngày xưa để ngậm ngùi, để cảm thấy mình cũng là những người diễm phúc được hiện diện với nhau hôm nay, cũng như được đi chung với nhau một con đường lý tưởng. Bác có mấy đứa con đi du học ở Pháp, Đức và Thụy Sĩ. Một ngày vào dịp mùa hè bác rũ chúng tôi qua nhà anh Liêm chơi, hồi ấy anh ta ở Lourds Pháp Quốc. Được anh Liêm đưa đi tham quan các thánh tích và suối thiêng ở vùng nầy; được nghe thấy nhiều chuyện gần như thần thoại, và có vẻ huyền bí, nhưng lại có thật những dấu tích của người xưa để lại. Như có một hang động đi vào trong thấy có mấy chỗ thạch nhủ, người ta đến cầu nguyện và hứng nước uống, rất nhiều người lành bệnh, họ để lại gậy chống khi ra về. Đây có thể là ảnh hưởng bởi đức tin, đã hướng dẫn tinh thần cho chúng ta chuyển hóa con bệnh. Đến nhà anh Liêm chơi ba hôm, một bửa sáng sau khi dùng điểm tâm, bác Nhiêm kêu anh và nói :
 
 “Mi soạn sửa đưa tau lên làng Hồng để tau thăm sư Ông”. Hồi đó tôi chưa biết sư Ông là ai và làng Hồng ở đâu, nhưng không dám hỏi vì sợ người ta cho là “người nhiều chuyện”, cũng như nghĩ rằng trước sau gì cũng phải đi theo, đến nơi hãy biết.
 
Từ nhà anh Liêm lên làng Hồng, xe phải chạy theo các con đường làng ngoằn ngoèo, hai bên đường là những cánh đồng với nương bắp trải dài, những ruộng lúa vuông vắn. Mùa nầy bắp đã trổ cờ, từng làn gió lung lay tạo nên một mặt phẳng như một tấm thảm khổng lồ, đang trải dài đến vô tận. Khung cảnh thật thân quen như quê nhà, hình ảnh ấy gợi nhớ đến quê hương vô cùng. Miên man suy nghĩ chợt thấy xe đầu rẽ vào một xóm nhà, bên phải có hàng cây cao phía dưới là hồ sen rộng, bên trên là giàn bầu bí đang còn đong đưa những trái. Phía sau dãy nhà có mấy khóm trúc và mấy bụi chuối, cảnh trí thật thanh bình. Mọi sinh hoạt thật nhẹ nhàng và thảnh thơi. Nơi đây dành riêng cho tín nữ khắp nơi về tu học, cũng như nơi cư ngụ của nữ xuất sĩ.
 
Chúng tôi được quý Sư cô đón tiếp rất niềm nở, và dẫn đi giới thiệu toàn cảnh của xóm Hạ. Sau khi dùng cơm trưa xong, quý Sư cô hướng dẫn chúng tôi lên xóm Trung giới thiệu với quý Thầy và xin tá túc lại mấy ngày. Xóm nầy dành riêng cho những nam Tăng thân người Việt từ bốn phương về tu học, và chúng tôi ở lại đây ba hôm. Sáng hôm sau được lên xóm Thượng để nghe Pháp thoại của sư Ông, chiều về lại xóm mình và tham dự Pháp đàm cũng như những sinh hoạt nội bộ. Xóm Trung nằm trên trục lộ từ xóm Hạ dẫn đến xóm Thượng. Nên cứ mỗi buổi sáng đều thấy quý Sư cô và nữ Tăng thân ở xóm Hạ lên xóm Thượng để nghe Pháp thoại và buổi chiều về lại. Những người về làng Mai tu học họ đều phục sức như dân làng quê, với áo bà ba và đội nón lá chân đi dép, nên thấy như bóng dáng quê nhà đang hiện bày nơi đây rất chân thực, gần gủi và ấm áp. Đi đâu cũng thấy những hình ảnh quê hương mà quên đi hiện tại đang tiếp xúc với một nơi chốn xa lạ.
 
Ở làng Mai có một con đường nối dài từ xóm Hạ lên xóm Thượng, ngang qua xóm Trung. Hai bên đường là vườn nho thẳng tắp, hay những khu trồng hoa hướng dương. Cứ mỗi buổi sáng Tăng thân từ các xóm dưới đều lên xóm Thượng để nghe Pháp thoại của Sư Ông, trưa về lại nên con đường trở nên sinh động. Con đường trở nên dễ thương và thấy cũng đẹp chẳng khác chi “Con đường xưa em đi...”. Nơi con đường nầy, tôi đã diễm phúc được gặp một hình bóng, mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn chưa phai. Ở xóm Trung cũng có nhiều điều thú vị, như có chiếc cầu bắc qua hồ nước được mang một cái tên rất là “làng Mai”. Chiều chiều ra ngôi trên “Cầu Hiểu Cầu Thương” thỏng chân xuống đong đưa cũng thoải mái, thảnh thơi như “Thiền buông thư” vậy. Hay ngồi tựa gốc cây ngắm nhìn thiên hạ qua lại trên con đường nầy, mà mơ ước chốn nầy là quê hương Việt Nam, để cho những người con của cha của mẹ được đón hưởng một nguồn sống hạnh phúc và an lạc. Đôi khi ngồi nghĩ, ước mơ của mình cũng chỉ nhỏ nhoi thôi, cũng đơn sơ nhưng sao cứ mãi thấy đây là một điều trở thành rất “hy hữu”!. Vì tâm cảnh nơi đây đã được những bước chân và một quá trình thực tập để hình thành, để chuyển hóa những chủng tử khổ đau, cho cây đời được đơm hoa kết trái. Cũng như hiến tặng cho đời một nguồn suối vi diệu để tắm mát thân tâm, để kết tình huynh đệ.
 
Từ sau lần đó, năm nào bác Nhiêm cũng rủ chúng tôi về làng Mai. Thường thì chúng tôi về làng trong khoảng thời gian từ 20 tháng 7 đến 10 tháng 8, nên năm nào cũng được tham dự những lễ hội quan trọng trong năm, như đaị lễ Vu Lan báo hiếu (Lễ Bông Hồng cài áo), Tết Trung Thu dành cho các em thiếu nhi, hay kỷ niệm ngày Thuyền nhân, tưởng niệm những Nạn nhân sóng thần, động đất... Lễ hội nào cũng mang những sắc màu quen thuộc, thân thương của văn hóa cội nguồn, của huyết thống tâm linh khiến cho ai nấy đều cảm thấy rằng mình được an ủi bởi đang sống trong hạnh phúc. Niềm xúc động như mãi lan dần đến vô biên. Nhất là sau đó cũng có một chương trình văn nghệ giúp vui, tuy chỉ do “cây nhà lá vườn” thực hiện, nhưng đã ghi lại trong lòng mọi người những kỷ niệm khó quên. Vì thế nên tất cả các Thầy và Sư cô cũng như những Tăng thân về tu học đều chuẩn bị tập dượt rất ráo riết.
 
Một buổi chiều sau khi dùng cơm xong, chúng tôi thả bộ đi dạo dọc theo con đường nối liền các xóm. Khi đi ngang một khu rừng, (ở làng Mai thì từ xóm Hạ lên xóm Trung phải đi qua một khu rừng, từ xóm Thượng về xóm Mới phải đi qua nhiều khu rừng). Trong lúc đang đi chợt nghe văng vẳng tiếng ngâm thơ, đầu óc tò mò khiến đôi chân bước theo về hướng ấy. Khi đến nơi chợt thấy một Thầy còn rất trẻ, đứng tựa gốc cây tay cầm tờ giấy và đang thực tập ngâm thơ. Thấy tôi thầy có vẻ ngượng ngùng, vội vã đút tờ giấy vào trong ống tay áo nhật bình. Thầy đứng vòng tay trong một cử chỉ rất bối rối. Tôi định hỏi thăm để bắt chuyện làm quen, nhưng thấy thầy có vẻ lúng túng hình như thầy mắc cở. Trong khoảnh khắc tôi thấy thầy rất dễ thương, rất thánh thiện và cũng rất tội nghiệp. Tôi nghe lòng mình dấy lên một niềm hối hận rằng, không dưng mình lại đi khuấy động một tâm hồn tịnh lạc như thầy. Nên tôi vội vàng từ giả thầy và tiếp tục đi lang thang. Đi một đổi tôi quay lại nhìn về phía lúc nãy, thì thấy thầy cũng đã từ giả gốc cây và đi về hướng khác. Tôi đứng nhìn theo bóng dáng thầy cao cao gầy gầy, thấy dáng đi dong dong in như đúc bóng dáng cha của tôi lúc còn trẻ. Tôi cảm thấy một nguồn hoan lạc đang xâm lấn, tràn ngập cả tâm hồn. Tôi đứng lặng người để nhìn theo hình bóng của thầy cho đến khi mất hút cuối con đường, tôi mới chợt tỉnh và vội vã chạy về lều lục túi xách kiếm tờ giấy và cây viết. Tôi vội vàng vẻ lại hình bóng của cha tôi đang hiện về trong tâm, qua bóng dáng của thầy mà tôi gặp lúc nảy. Bức chân dung của cha tôi có những nét như sau:
 
Bóng cha xưa dưới bầu trời nắng sớm. Như thiên thần đang dạo giữa cõi tiên. Và quê hương rất đẹp cảnh thiên nhiên. Có những cánh đồng thơm mùa lúa trổ.
 
Quê hương tôi ở miền trung khốn khó. Biết bao đời gắn bó với ruộng nương. Cha suốt đời chỉ có một tình thương. Như mưa nước trên trời đang rơi xuống.
 
Lêu nghêu gió sắp chiều trên bờ ruộng. Bóng dáng cha in dấu tận khung trời. Như bức tranh cổ tích đẹp tuyệt vời. Từng ghi dấu trong con bao năm tháng.
 
Bóng mặt trời vừa thức giấc buổi sáng. Hòa bóng cha lồng lộng giữa thiên nhiên. Đẹp biết bao một hình bóng thần tiên. Như dấu ấn nơi con niềm ngưỡng vọng.
 
Cha yêu mến cho con tràn sức sống. Dù đời cha vất vã lắm truân chuyên. Cha mong con sẽ còn mãi ngoan hiền. Như buổi mới nhìn con trên tay mẹ.
 
Ơn dưỡng dục sanh thành đâu có nhẹ. Như bóng cây cổ thụ trước đình làng. Tàn sum suê tỏa rợp khắp hành lang. Luôn che mát cho dân làng cơn nắng.
 
Hoàng hôn xuống khi bầu trời yên ắng. Chim bay về theo lối gió mênh mông. Là mỗi khi cha xong việc ngoài đồng. Cùng bửa cơm chiều gia đình đầm ấm.
 
Nhưng giờ đây biết tìm đâu hình bóng. Của người cha nghĩa nặng ấy không còn. Nghe đau buồn giọt lệ thấm môi con. Thấm vào ướt lòng con tình biển mặn !
 
Đọc đi đọc lại bài thơ chợt thấy bốn câu cuối “hơi trệ” nghĩa là hơi bi lụy yếu đuối, có chứa những chủng tử khổ đau. Tôi đã chữa lại bốn câu thơ sau cùng ấy với hai câu giữa là: “...Nhưng tình cha chảy lặng lẽ trong con. Như truyền vào nguồn năng lượng tâm linh...”. Nhưng đọc lên vẫn thấy trúc trắc, không giữ được vần điệu và ý tứ của thơ. Cho nên tôi đành giữ nguyên cái tính “ủy mị” của ban đầu, vì nghĩ rằng đó mới chính là “lời nói của con tim” ! Và vì, như một nhà văn nào đó đã viết: “Khi con tim lên tiếng thì lý trí phải ngậm câm!” thế cho nên tôi nghĩ, thôi thì hãy chiều lòng của con tim một chút, cho êm cửa êm nhà. Vì tất cả cứ sống theo lý trí mà không nghĩ đến cảm xúc, thì thấy tội nghiệp cho con tim mình lắm.
 
Tối hôm ấy tôi chạy đi tìm “Thầy hồi chiều”, để nhờ thầy ngâm bài thơ mới viết. Nhưng tìm hoài không thấy thầy đâu, và trong đêm văn nghệ cũng không thấy thầy lên ngâm thơ. Mới biết là thầy không đến tham dự. Hình như thầy còn mắc cỡ nên đã không dám đến. Tự dưng tôi nghe niềm hối hận như đang tiếp tục dâng lên, len lén vào trong tâm tư tôi như một cảm giác tiêng tiếc, là mình đã vô tình nhảy vào khuấy động một tâm hồn trong trắng, một con người đang nuôi dưỡng những thiện lành, nhưng chỉ trong một thoáng rồi mất hút. Nghĩ lại tôi thương thầy ấy vô cùng ! Vì cũng nhờ đến nhân duyên được hội ngộ với thầy, nên trong khoảnh khắc tôi đã thấy được bóng dáng của cha tôi, qua hình dáng của thầy một người mà tôi có cảm giác như trong vô thỉ nào đó thầy thực sự là cha tôi ! Chỉ tiếc một điều là vội vã không kịp hỏi tên thầy, để sau nầy có cơ hội tìm gặp lại thầy để nói lời cám ơn và xin lỗi. Cám ơn vì thầy đã cho con một giây phút tuyệt vời của hoài niệm, của trùng phùng với người thân. Và nói lời xin lỗi vì con đã vô tình khuấy động dòng đời vô tư của thầy.
 
Buổi văn nghệ hôm ấy tại xóm Trung diễn ra với một không gian rất ấm cúng và thân thương, với một tinh thần hăng say đóng góp. Những tiết mục văn nghệ rất phong phú, có kịch có vũ của các em thiếu nhi, có ngâm thơ và ca hát. Như được mùa, thấy ai cũng hát về mẹ, ai cũng ca ngợi tình mẹ với tất cả một tấm lòng.
Nào là: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Lời mẹ êm ái như dòng suối hiền rì rào...
 
Hay là: Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày, mẹ tôi đau buồn nặng trỉu đôi vai...
 
Hay là: Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ. Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu. Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có bà mẹ hiền. Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt hoen mờ vì con... (Lời những bài hát viết về Mẹ).
 
Thật cảm động !.
 
Tôi chợt nghĩ, tình mẹ rất xứng đáng để ca ngợi thật, nhưng không nghe ai nhắc nhỡ đến cha, khiến tôi cảm thấy lòng mình hơi buồn buồn. Vì thấy cha lẻ loi và tội nghiệp vô cùng. Thêm nữa, tôi không ngờ rằng, khi không mình lại đánh mất giây phúc thần tiên, tưởng như được trùng phùng với cha, qua hình ảnh của một Tăng sinh trẻ tuổi, nhưng rồi không giữ được sự liên lạc với thầy, để dìu giây phút hoài niệm nầy đi thêm một đoạn đường dài về hướng tương lai !
 
Bây giờ mỗi lần nhớ đến thầy, con chỉ biết tìm lại giây phút xa xưa, nơi đã một lần rất tình cờ và chỉ một thoáng ngắn ngủi con được gặp thầy. Rồi đứng ngẫn trông vời theo hình bóng của thầy chìm dần chìm dần rồi mất hút nơi cuối con đường chia xa ! ۩ .

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm